Ẩm thực Bạc Liêu: Bánh tằm bì
Vừa qua Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã trao chứng nhận cho 121 món ăn của 55 tỉnh, thành phố. Trong đó Bạc Liêu có hai món là bánh tằm bì và bún bò cay được vinh danh Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2023.
Bánh tằm bì là một trong những đặc sản đặc sắc của tỉnh Bạc Liêu, món bánh có sợi trắng tinh khiết, hình dáng con tằm, thơm ngon mà rất dễ làm.
Theo các bà, các chị ở Bạc Liêu, không ai rõ nguồn gốc, xuất xứ của loại bánh này, chỉ biết xưa kia, đã ăn loại bánh này trừ bữa cũng như ăn vặt. Bánh có hình dáng giống con tằm lại trộn với bì heo nên có lẽ vì thế mà người xưa đặt tên nó là bánh tằm bì.
Bánh tằm được làm từ bột gạo, sau đó se hoàn toàn bằng tay thành từng sợi có độ dài vừa phải, đủ để bỏ gọn vào miệng. Vì cọng bánh tằm được se bằng tay nên hình thù không đều nhau.
Đây cũng là nhận xét của nhiều người sành ăn, sợi bánh tằm se nặn bằng tay sẽ ngon hơn loại ép khuôn, đồng thời họ có thể cảm nhận được cái hồn vía mộc mạc của nhà quê.
Ngoài kinh nghiệm chọn gạo, đến thời gian ngâm gạo, xay thành bột, còn đòi hỏi ở sự khéo léo khuấy trùng sao cho đúng mức để có những sợi bánh mềm dai, không bị khô cứng, gãy vụn… Nhưng du khách không cần quá lo lắng về điều này, vì có thể tìm mua sợi bánh tằm se tay ở hầu hết các chợ trung tâm, nếu muốn trổ tài cho các thành viên trong gia đình không có dịp cùng đi du lịch Bạc Liêu.
Bên cạnh bánh tằm thì phần bì ăn kèm cũng đòi hỏi sự công phu. Bì (da heo) luộc chín, lạng bỏ phần mỡ, thái da thành sợi nhỏ đều nhau. Tùy theo quán mà có nơi sẽ trộn bì với thịt nạc heo luộc, hoặc khìa mặn mặn, ngọt ngọt. Thịt heo cũng được xắt sợi nhỏ. Thịt và da sẽ được trộn với thính (gạo rang vàng xay mịn), nêm chút gia vị, nhưng đừng đậm đà quá vì còn ăn kèm với nước mắm pha chua ngọt và nước cốt dừa.
Sợi bánh tằm sau khi đã hấp chín cho vào tô cùng với giá, dưa leo bằm, rau sống cắt nhỏ và bì. Rưới nước cốt dừa đã thắng sền sệt và chan nước mắm ớt vào. Có thể ăn kèm với chút dưa chua.
Bánh tằm dai thấm vị mặn, ngọt, béo thơm và phần bì cũng đầy đủ hương vị mặn, ngọt hài hòa, gây thương gây nhớ sau một lần thưởng thức.
Bánh tằm bì Bạc Liêu còn điểm xuyết thêm một vài viên xíu mại giúp cho đĩa bánh tăng thêm chất lượng, đồng thời không thể thiếu nước cốt dừa, nước mắm và rau cải đi kèm. Riêng nước mắm chan phải là thứ nước đầy đủ bốn vị: chua, cay, mặn, ngọt mới tăng độ đậm đà. Khi ăn nhất thiết phải có xà lách, húng, giá và dưa leo xắt nhỏ. Chính mùi thơm thanh của rau cải hòa quyện với cái bùi bùi của bì và vị béo của nước cốt dừa càng kích thích thêm sự thèm ăn cho thực khách.
Ẩm thực Bạc Liêu: Bún bò cay
Theo người dân địa phương, món bún bò cay vốn được sáng tạo từ 2 đầu bếp người Hoa. Ban đầu món ăn này chỉ được dùng để giải rượu cho các vị quan chức sau những đêm say sưa quá độ. Tuy nhiên, chính sự thơm ngon hiếm có của nó đã thu hút rất nhiều thực khách và trở nên nổi tiếng ở xứ sở Bạc Liêu.
Để nấu được tô bún bò cay thơm ngon, người nấu cần dùng nước nấu từ xương heo hoặc xương bò và nước dừa. Thịt bò cần phải có cả nạc, nạm, gàu, gân… và được cắt thành miếng dày khoảng 1.5 – 2cm. Khi ướp thịt, nhất định phải có các loại gia vị không thể thiếu như bột quế, bột nghệ, hạt cà ri, tỏi, gừng, riềng, sả và dầu điều.
Ngoài ra, nước cam vắt là thành phần không thể thiếu của món ăn này. Cam giúp miếng thịt bò thêm mềm và tăng hương vị. Sau khi trộn đều các gia vị để ướp thịt, nên ướp cho hỗn hợp ngấm khoảng 1 tiếng rồi mới đem xào săn. Khi xào nhớ thêm chút nước dừa vào cho ngập thịt và bổ sung thêm một vài nhánh sả để tạo vị thơm.
Một trong những điểm nhấn của món bún bò cay chính là vị cay, vì vậy mà ớt sẽ trở thành gia vị chính của món ăn cay nồng này. Loại ớt được sử dụng phải là loại ớt sừng trâu đã được tách và bỏ hạt. Trước khi cho vào nồi nước lèo, ớt sẽ được đem đi hấp chín rồi xay nhuyễn. Tùy vào khẩu vị mà người nấu sẽ cho nhiều hay ít ớt. Nếu muốn nước lèo có độ sền sệt, hãy hòa thêm chút bột năng pha loãng với nước.
Nấu bún bò cay thoạt nghe có vẻ đơn giản, thế nhưng để nấu được tô bún thơm ngon, đậm đà vị cay nồng thì lại không hề dễ dàng. Theo các quán bán bún bò cay chính hiệu tại Bạc Liêu, để cho ra được tô bún ngon người đầu bếp phải biết canh lửa để thịt bò giữ được độ mềm mà không bị nát. Vị cay của ớt phải vừa thấm đều và mùi thơm gia vị không được quá nồng gắt. Hương thơm này chỉ cần lan tỏa vừa đủ để kích thích khứu giác và vị giác của thực khách.
Tô bún sẽ có màu vàng sẫm pha đỏ, với những sợi bún trắng và những cục thịt bắp, gân bò thả vào giữa tô nhìn rất đã mắt. Bên cạnh tô bún đặt đĩa rau ngò gai, quế tươi xanh để ăn kèm. Bún bò cay chỉ chấm với muối hột dầm ớt. Khi ăn, vắt thêm chanh vào bát bún, ngắt rau quế, ràu mùi trộn đều và kẹp thịt với rau chấm muối ớt đưa vào miệng, du khách sẽ cảm nhận cùng lúc những hương vị thơm, ngon, ngọt, bùi, giòn, dai, béo, chua, cay…