Anh Lăng Việt Cường (quê Chi Lăng, Lạng Sơn – hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) cho biết, nói đến giò chả ở Hà Nội thì nhiều người không còn xa lạ với món giò chả Ước Lễ, đặc biệt là món chả quế được nướng vàng ruộm, thơm phức, nhìn đã “ứa nước miêng”, rồi giò lụa, giò thủ, giò tai, chả bì, chả mỡ… cũng không hiếm. Thế nhưng để tìm mua được miếng giò gói mo cau thì lại chẳng mấy khi gặp để mua.
Người ta vẫn hay gọi tắt là giò mo cau bởi món này được gói bằng mo cau khô – một món ăn lâu đời được người dân các quận, huyện ngoại thành làm vào các dịp lễ, Tết. Món giò mo cau được biết đến hơn cả là ở làng Nhội (huyện Đông Anh, Hà Nôi). Ở đây còn một số gia đình sản xuất và bán vào một số điểm ở nội thành, tuy nhiên số lượng cũng không nhiều do mo cau không phải lúc nào cũng có. Cây cau có khi phải vài tháng mới rụng 1 tàu lá nên người ta phải tích dần.
Phần mo cau khô óng vàng ấy trước khi đem gói giò thì phải rửa sạch rồi ngâm nước cho mềm. Có người cẩn thận hơn còn thêm công đoạn chần qua nước sôi cho thơm. Cẩn thận nữa thì thêm xíu chanh vào nước luộc. Rồi để ráo nước mới gói.
Theo anh Cường, nếu lấy được phần mo của hoa cau thì món giò có hương thơm phức vì mo của hoa đã được cuộn hoa trong một thời gian dài nên ủ hương được lâu.
Cách gói giò mo cau giòn giòn, thơm phức đón Tết
Thịt để gói phần lớn là thịt nạc chân giò được thái khúc vừa vặn, pha lẫn với chút má, tai, mũi, lưỡi để tạo độ giòn và sự kết dính. Sau đó nêm nếm, tẩm ướp cho vừa ăn thì thêm tiêu xay, tiêu hạt cho thơm rồi đem xào chín.
Với món giò gói mo cau người ta sẽ khéo léo xào vừa tới chứ không chín quá, sao cho vừa giữ được độ kết dính mà vẫn có độ giòn, đặc biệt là màu của thịt chân giò phải hồng tươi. Thịt sẽ được để vào phần trong của lớp mo cau rồi cuộn tròn, cố định bằng lạt giang cho thật chặt, sau đó đem treo ngược lên cho chảy hết mỡ. Cứ thế đợi 1 – 2 ngày là có thể đem ra cắt khoanh để sử dụng.
Điều đặc biệt, độc đáo chỉ có ở giò mo cau
Khi mới nhìn, thì giò mo cau không khác giò thủ hay giò tai là mấy, nhưng khi thưởng thức, món giò có lá gói độc đáo này lại đem đến một trải nghiệm hương vị mộc mạc lạ rất khó tả.
Khi cắt giò chúng ta sẽ cắt luôn cả phần mo cau. Còn một chi tiết rất thú vị là sau khi bóc phần mo cau cuộn quanh miếng giò, lớp màng trắng mỏng của mo cau sẽ bám chặt vào giò giúp tạo nên mùi thơm đồng nội rất dễ chịu. Giò mo cau khô và ít mỡ hơn so với giò xào, có vị thanh mát, dễ ăn và không ngấy.
“Giò mo cau dẫu ngon là vậy, nhưng tiếc rằng không phải khi nào cũng gặp vì bây giờ đô thị hóa, đất đai vườn tược bị thu hẹp, mấy nhà còn đất trồng cau để mà có mo gói giò. Thế nên ai đã từng thử trải nghiệm món này chắc sẽ chẳng thể nào quên”, chàng trai đam mê ẩm thực bộc bạch.