Thứ hai, ngày 07/04/2025 14:00 GMT+7
Độc đáo loại đặc sản có tên lạ hoắc: Người dân dậy từ 3 giờ sáng để thu hoạch, khách Hà Nội “đặt hàng” cả tạ từ 1 tháng trước
Trung Hiếu Thứ hai, ngày 07/04/2025 14:00 GMT+7
Từ mờ sáng, hàng chục chiếc thuyền đã tấp nập ngược xuôi trên dòng sông Hồng, đoạn qua xã Kim Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Người dân trên thuyền tay thoăn thoắt kéo lưới bắt từng mẻ vờ nổi lên theo dòng, có người kiếm cả chục triệu đồng trong một vụ.
Theo chân người thu hoạch con vờ từ 3 giờ sáng: Nghề bắt đặc sản lạ, có thể kiếm cả chục triệu đồng mỗi vụ
3 giờ sáng, tại bến thuyền thôn Trung Quan, xã Kim Đức (Gia Lâm, Hà Nội), không khí đã rộn ràng bởi tiếng động cơ của những chiếc thuyền nhỏ. Những người dân chài lưới quen thuộc với con nước sông Hồng đang tất bật chuẩn bị cho một buổi “săn” con vờ – loại đặc sản chỉ xuất hiện vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hàng năm.

Anh Phạm Văn Thắng (50 tuổi, Gia Lâm) – người đã có 30 năm gắn bó với nghề chài lưới trên khúc sông này, cẩn thận kiểm tra lại tấm lưới được giăng ở trước mũi thuyền như hai cánh tay đang dang ra. Anh cho biết, đây là dụng cụ không thể thiếu trong mỗi chuyến bắt vờ. Ngay cạnh đó, chị Thanh Huyền (40 tuổi, vợ anh Thắng) thoăn thoắt lắp chiếc đèn điện phía trước thuyền, chuẩn bị dẫn lối cho hành trình thu hoạch “đặc sản” kỳ thú.
“Khi thuyền nổ máy, những con vờ sẽ theo ánh đèn điện trước mũi thuyền tự động chui vào lưới. Sau một đoạn di chuyển, chúng tôi nhấc lưới lên và đổ “chiến lợi phẩm” vào thuyền. Ánh đèn điện không chỉ có tác dụng thu hút vờ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc báo hiệu cho những chiếc thuyền khác tránh nhau trên sông, đảm bảo an toàn trong đêm tối, vì ít nhất mỗi ngày thu hoạch cũng có tới 30 chiếc thuyền cùng tham gia”, chị Huyền nói.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, dù tới mùa thu hoạch nhưng không phải lúc nào vờ cũng xuất hiện. Thông thường, chúng chỉ ngoi lên mặt nước từ 1 – 2 ngày mỗi tuần, mỗi lần trong vòng khoảng 30 phút. Số lượng vờ thu hoạch được cũng không cố định, có ngày chỉ được vài kg đến 1 yến, nhưng cũng có thời điểm “trúng đậm”, một nhà có thể thu hoạch được gần hai tạ chỉ trong một buổi rạng sáng.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Huyền cho hay: “Điều thú vị là sự xuất hiện của vờ dường như có mối liên hệ mật thiết với mùa màng và sâu bọ. Trước đây tôi cũng từng làm ruộng, theo kinh nghiệm của tôi, những năm nào có nhiều sâu bọ thì năm đó vờ cũng xuất hiện nhiều. Ngược lại, nếu người nông dân làm rau và phun thuốc trừ sâu khiến sâu bọ ít đi, thì sản lượng vờ cũng sẽ giảm sút. Điều này cho thấy vờ có thể là một loài côn trùng, nhạy cảm với môi trường sống”.
Khi được hỏi về giá bán vờ, chị Huyền bật mí, điều này phụ thuộc vào số lượng vờ bắt được, càng ít giá lại càng cao. Thông thường, giá vờ dao động từ 200.000 – 350.000 đồng/kg.

“Cách đây khoảng 20 năm, khi tôi mới về đây làm dâu, giá vờ là 500.000 đồng/kg vì lúc đó lượng vờ ít hơn. Ngoài ra, thời đó mạng xã hội chưa phát triển nên chỉ có người dân chỗ tôi thu hoạch và buôn bán, các nơi vùng ngược ở xa họ chưa biết để bắt vờ. Giờ đây, mạng xã hội phát triển, mọi người biết ở khu vực tôi sống ưa chuộng dùng con vờ làm thực phẩm nên cũng thu hoạch và đem về đây bán”, chị Huyền tiếp lời.
Không chỉ những người trực tiếp đi thuyền “bắt vờ”, mà ngay tại bờ sông Hồng đoạn qua thôn Trung Quan (Gia Lâm, Hà Nội), nhiều người dân cũng tranh thủ thời điểm vờ dạt vào gần bờ để thu hoạch. Thi thoảng lại có những bóng người lặng lẽ men theo mép nước, tay lăm lăm chiếc vợt tự chế và không quên mang theo đèn pin để soi tìm. Họ là những người không có thuyền, hoặc đơn giản chỉ muốn kiếm thêm chút “lộc” từ dòng sông về nấu ăn.
Ông Trần Văn Chủ (58 tuổi, quê Ninh Bình) vốn là một thợ xây đang nhận công trình gần khu vực bến thuyền, cũng không bỏ lỡ cơ hội này. Nghe người dân địa phương kể về loài vờ đặc biệt và hương vị thơm ngon của nó, ông háo hức ra bờ sông từ 4 rưỡi sáng với hy vọng vớt được mớ vờ tươi rói về chế biến món ăn.

Ông Chủ tâm sự: “Nghe mọi người bảo có con vờ này lạ lắm, chỉ mùa này mới có. Thấy họ đi thuyền bắt về nhiều, tôi cũng tò mò. Hai tuần nay cứ cuối tuần là tôi tranh thủ dậy sớm, có hôm mang cả vợt với mượn cái đèn pin ra đây xem có vớt được con nào không. Hôm trước có lượm được một “nhúm” về, chế biến thấy rất ngậy, ngon lắm nên tôi rất hào hứng”.
Loài đặc sản nấu món gì cũng “hao cơm hết chén”, khách Hà Nội “đặt hàng” cả tạ từ 1 tháng trước
Khi những mẻ vờ đầu tiên được đưa trở về bến thuyền thôn Trung Quan, không khí lại trở nên nhộn nhịp hơn. Công đoạn sơ chế vờ được tiến hành ngay tại bờ sông, người dân cho vờ vào một loại rổ thưa, sau đó, xóc mạnh trên mặt nước, lớp vỏ giáp xác sẽ tự động trôi ra ngoài, chỉ còn lại những con vờ bên trong.
Chị Huyền (Gia Lâm, Hà Nội) – một người vừa trở về bờ sau khi thu hoạch vờ chia sẻ: “Có thời điểm, gia đình tôi phải nhờ cả họ hàng, bạn bè, hàng xóm ra sơ chế vờ hộ. Loài vật này có thể cho vào ngăn đá cấp đông để bảo quản. Nhiều nhà hàng họ tranh thủ mùa vờ về thì thu mua số lượng lớn dùng quanh năm”.

“Trước đây, sau khi sơ chế vờ, tôi phải đem ra chợ bán, nhưng hiện nay do có nhiều khách quen và tận dụng mạng xã hội để thông báo nên vờ về là tôi sẽ đi giao hàng luôn. Năm nay, khách hàng đã đặt hàng cả tạ vờ từ 1 tháng trước, nhưng chưa đủ hàng nên nhà tôi không dám nhận thêm đơn nữa”, chị Huyền cho biết thêm.

Sau khi người dân thu hoạch và sơ chế vờ, loài đặc sản tươi ngon này sẽ được “biến hoá” thành những món ăn hấp dẫn. Theo chia sẻ của những người dân địa phương, cách chế biến vờ phổ biến nhất mà họ thường áp dụng đó là xào đơn giản để giữ trọn vẹn vị ngọt tự nhiên của vờ. Trước tiên, họ phi thơm hành khô trên bếp, sau đó cho vờ vào đảo nhanh tay. Bí quyết nhỏ được truyền tai nhau là sử dụng mỡ lợn thay vì dầu ăn, bởi mỡ sẽ giúp món xào thêm dậy mùi và đậm đà hơn.

Một cách chế biến khác, người dân thôn Trung Quan thường xào riêng rau bí cho chín tới, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi để riêng. Sau đó, họ lại tiếp tục phi thơm hành tỏi và xào vờ đến khi chín. Cuối cùng, mới trút phần rau bí đã xào vào, đảo nhẹ cho hai nguyên liệu quyện đều vào nhau.
Ngoài ra, con vờ còn được người dân nơi đây biến tấu thành món lẩu cá ngạnh độc đáo. Vờ sau khi xào săn với hành tỏi phi và hạt nêm, mì chính… thì sẽ được để riêng. Nồi lẩu cá ngạnh đã được ướp gia vị sẵn sàng trên bếp. Đến khi thưởng thức, người ăn sẽ cho vờ đã xào vào nồi lẩu đang sôi. Nhiều người cho rằng, đây là cách chế biến vờ ngon và dễ ăn nhất đối với họ.