Bài viết này giới thiệu về một phương pháp điều trị tâm lý, tuy được ghi nhận là đã xuất hiện từ lâu nhưng cho đến gần đây nó mới được mọi người chú ý, có tên gọi là “thư trị liệu” (bibliotherapy) – điều trị bằng việc đọc.
Cách đây mấy năm, tôi nhận được món quà là một phiên điều trị từ xa với một nhà thư trị liệu ở trụ sở School of Life (Trường học cuộc sống) ở London, nơi cung cấp những khóa học sáng tạo để giúp con người đối phó với những thách thức cảm xúc hàng ngày của cuộc sống. Thú thực là ban đầu tôi không thích ý tưởng được cho một “toa” sách để đọc cho lắm. Nói chung tôi thích bắt chước lòng tin của Virginia Woolf về sự tình cờ trong những khám phá của riêng tôi trong quá trình đọc, không chỉ thích thú về bản thân những cuốn sách mà còn cả về bản chất ngẫu nhiên mà đầy ý nghĩa của cách tôi bắt gặp chúng (trên xe buýt sau khi chia tay, trong khách sạn dành cho khách du lịch bụi ở Damascus, hay trong một giá sách tối trong thư viện ở trường sau đại học, trong khi lướt qua thay vì chăm chú).
Từ lâu, tôi đã cảnh giác với cách truyền bá lạ kỳ của một số độc giả: Bạn phải đọc cuốn này này, họ nói, giúi vào tay bạn một cuốn sách với đôi mắt ánh lên tia hạnh phúc, mà chẳng mảy may để ý đến sự thật là mọi cuốn sách đều có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người – hay thậm chí đối với cùng một người – ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Chẳng hạn như tôi yêu những câu chuyện về nhà Maple của John Updike[1] hồi tôi 20 nhưng đến năm 30 tôi lại ghét chúng, thậm chí tôi còn chẳng biết chính xác tại sao.
Nhưng phiên điều trị là một món quà, và tôi nhận ra tôi bất ngờ thích thú trước những câu hỏi ban đầu mà bác sĩ thư trị liệu, Ella Berthoud, đưa ra về thói quen đọc của tôi. Chưa có ai từng hỏi tôi những câu hỏi như thế trước đó, mặc dù đọc tiểu thuyết là và luôn là điều cần thiết trong cuộc sống của tôi. Tôi thích ngấu nghiến sách trong những kỳ nghỉ dài – tôi đem theo nhiều sách hơn cả quần áo, tôi bảo Berthoud. Tôi tâm sự bí mật nho nhỏ xấu xa của tôi, rằng tôi không thích mua hay sở hữu sách mà luôn thích mượn chúng từ thư viện (vì tôi là nhà văn, điều đó không mang lại cho tôi nghiệp bán sách chạy).
Để trả lời câu hỏi “Điều gì đang khiến chị bận tâm lúc này?,” tôi đã ngạc nhiên trước những gì tôi muốn thú nhận: Tôi đang lo rằng tôi sẽ không có những nguồn lực tinh thần để chống đỡ trước tương lai không thể tránh khỏi của việc mất đi những người tôi yêu thương, tôi viết. Tôi không theo đạo, tôi cũng không đặc biệt muốn theo, nhưng tôi thích đọc nhiều hơn về những phản xạ của người khác khi chạm tới một dạng thức mới chớm và kỳ dị của niềm tin vào một “đấng cao hơn” như một chiến thuật tồn tại cảm xúc. Chỉ đơn giản là việc trả lời những câu hỏi đó khiến tôi cảm thấy tốt hơn, nhẹ nhõm hơn.
Chúng tôi có một số buổi nói chuyện qua lại thú vị qua e-mail, qua đó Berthoud đào sâu hơn, hỏi thêm về lịch sử của gia đình tôi và nỗi sợ về nỗi buồn của tôi, và khi cô gửi cho tôi toa sách cuối cùng, nó đã chứa đầy đá quý, mà chưa cuốn nào trong số đó tôi từng đọc trước đây. Một trong những cuốn sách khuyến nghị là “The Guide” (Hướng dẫn) của R. K. Narayan. Berthoud viết rằng nó là “một câu chuyện đáng yêu về một người đàn ông bắt đầu cuộc đời mình như một hướng dẫn viên du lịch ở một trạm xe lửa ở Malgudi, Ấn Độ, nhưng sau đó trải qua nhiều nghề khác trước khi tìm ra số phận bất ngờ của mình là một người hướng dẫn tâm linh.” Cô chọn nó vì cô hi vọng nó có thể đem đến cho tôi cảm giác “được giác ngộ một cách lạ lùng.” Một cuốn khác là “The Gospel According to Jesus Christ” (Phúc âm theo Chúa Jesus) của José Saramago: “Saramago không tiết lộ quan điểm tâm linh của ông ở đây nhưng lại dựng nên một phiên bản sống động và hấp dẫn của câu chuyện mà chúng ta biết rất rõ.” “Henderson the Rain King” của Saul Bellow[2] và “Siddhartha” của Hermann Hesse[3] là hai trong số những tiểu thuyết hư cấu khác trong toa sách, và cô cũng đưa cả một số cuốn phi hư cấu, chẳng hạn như “The Case for God” (Cơ hội cho Chúa) của Karen Armstrong và “Sum” (Bốn mươi câu chuyện về cuộc sống sau cái chết) của nhà thần kinh học David Eagleman, một “cuốn sách ngắn và tuyệt vời về cuộc sống khả dĩ sau khi chết.”
Tôi đọc những cuốn trong danh sách đó trong một vài năm sau đó, với nhịp đọc của riêng tôi – xen kẽ với những “phát hiện” của riêng tôi – và trong khi tôi may mắn có đủ khả năng chịu đựng những nỗi đau khủng khiếp chưa từng trải nghiệm, cho đến nay, một số kiến thức mà tôi lượm lặt được từ những cuốn sách đó đã giúp tôi trải qua một điều gì đó hoàn toàn khác, khi tôi phải chịu đựng nỗi đau nhức nhối về thể xác trong nhiều tháng. Bản thân những kiến thức đó vẫn còn mơ hồ, như những gì chúng ta học được thông qua việc đọc những cuốn tiểu thuyết hư cấu vẫn thường như thế – nhưng ẩn bên trong đó là sức mạnh của nó.
Trong thời đại thế tục, tôi ngờ rằng việc đọc tiểu thuyết là một trong số ít những con đường còn lại đưa đến sự siêu việt, một trạng thái khó nắm bắt mà trong đó khoảng cách giữa bản thân và vũ trụ co hẹp lại. Việc đọc tiểu thuyết khiến tôi mất đi mọi cảm giác về bản thân nhưng đồng thời cũng khiến tôi cảm thấy độc nhất về bản thân mình. Như Woolf, một trong những độc giả nhiệt thành nhất, viết, một cuốn sách “chia chúng ta thành hai phần khi chúng ta đọc,” bởi “trạng thái của sự đọc cốt ở việc loại bỏ hoàn toàn bản ngã,” trong khi hứa hẹn “hợp nhất vĩnh viễn” với một tâm trí khác.
Thư trị liệu là một khái niệm rất rộng cho những hành động khuyến khích việc đọc sách cho hiệu quả điều trị từ thời cổ xưa. Thuật ngữ này thường được cho là được sử dụng lần đầu tiên trong một bài báo sống động có nhan đề “A Literary Clinic” (Một phòng khám văn học) năm 1916 của tờ The Atlantic Monthly. Trong đó, tác giả mô tả việc tình cờ gặp một “viện thư bệnh” được điều hành bởi một người quen, Bagster, trong tầng hầm của nhà thờ của ông, nơi ông pha chế những khuyến nghị đọc sách với những giá trị chữa bệnh. “Thư trị liệu…là một ngành khoa học mới,” Bagster giải thích. “Một cuốn sách có thể là chất kích thích, chất an thần, hay thuốc ngủ. Vấn đề là nó phải có tác động gì đó tới bạn, và bạn nên biết tác động đó là gì. Một cuốn sách có thể có bản chất như si rô nhẹ nhàng mà cũng có thể có bản chất như thuốc đắp mù tạc.” Với một khách hàng trung niên với “những ý kiến có phần cứng nhắc,” Bagster kê toa thuốc sau: “Anh phải đọc nhiều tiểu thuyết hơn. Không phải những câu chuyện thú vị làm anh quên đi chính mình. Chúng phải là những cuốn tiểu thuyết sâu sắc, quyết liệt, chua cay, tàn nhẫn.” (George Bernard Shaw đứng đầu danh sách.) Bagster cuối cùng cũng được gọi đi để đối phó với một bệnh nhân “đã đọc quá liều văn học chiến tranh,” khiến tác giả nghĩ về những cuốn sách “áp đặt cuộc sống mới vào chúng ta rồi thiết đặt những xung cuộc sống mạnh nhưng chậm.”
Ngày nay, thư trị liệu có nhiều hình thức khác nhau, từ các khóa học văn học dành cho tù nhân cho đến những nhóm đọc sách dành cho người già mất trí nhớ. Đôi khi nó đơn giản chỉ là những cuộc thảo luận một đối một hoặc theo nhóm dành cho những độc giả “lạc lối” muốn tìm đường trở lại việc hưởng thụ sách vở. Berthoud và người bạn lâu năm, đồng thời là đồng nghiệp thư trị liệu của cô là Susan Elderkin chủ yếu thực hành thư trị liệu “tình cảm,” ủng hộ sức mạnh bồi bổ của việc đọc tiểu thuyết. Hai người gặp nhau ở Viện Đại học Cambridge khi còn là sinh viên, cách đây hơn 20 năm, và lập tức gắn kết bằng những nội dung tương đồng trên giá sách của họ, đặc biệt là trong cuốn tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Calvino,[4] mà chính nó lại nói về bản chất của việc đọc. Tình bạn giữa họ phát triển, họ bắt đầu chọn những cuốn sách để chữa bệnh cho nhau, như khi trái tim tan vỡ hay gặp bất ổn trong sự nghiệp.
“Khi Suse gặp khủng hoảng về nghề nghiệp của mình – cô ấy muốn trở thành một nhà văn, nhưng lại băn khoăn không biết cô có thể chống đỡ lại sự chối từ không thể tránh khỏi hay không – tôi đã đưa cho cô ấy những bài thơ trong ‘Archy and Mehitabel’ của Don Marquis. “Nếu chú gián Archy có thể tận tâm với nghệ thuật của mình bằng cách nhảy lên những phím đánh chữ để viết những bài thơ tự do của chú mỗi đêm trong văn phòng của tờ Evening Sun ở New York, thì chắc chắn cô ấy cũng nên sẵn sàng chịu đựng vì nghệ thuật của mình.” Nhiều năm sau, Elderkin lại đưa cho Berthoud, người đang muốn tìm hiểu cách cân bằng giữa một họa sĩ và một người mẹ, cuốn tiểu thuyết “Notes from an Exhibition” (Ghi chép về một buổi triển lãm) của Patrick Gale, viết về một nữ nghệ sĩ thành công nhưng gặp nhiều khó khăn.
Họ tiếp tục giới nhiệu những cuốn sách cho nhau, cho bạn bè và gia đình, trong những năm sau đó, và đến năm 2007, khi triết gia và là bạn học Cambridge Alain de Botton[5] đang nghĩ về việc bắt đầu gây dựng School of Life, họ mang đến cho anh ý tưởng về một phòng khám thư trị liệu. “Như chúng ta biết thì chưa ai bắt đầu [thư trị liệu] dưới hình thức đó hiện nay,” Berthoud nói. “Thư trị liệu, nếu đúng là có tồn tại, có xu hướng dựa trên một bối cảnh y tế hơn, trong khi nhấn mạnh vào các cuốn sách self-help. Nhưng chúng ta sẽ chú trọng đến tiểu thuyết như một phép điều trị cơ bản vì nó mang tới cho độc giả một trải nghiệm chuyển hóa.”
Berthoud và Elderkin lần theo nguồn gốc của phương pháp thư trị liệu bắt nguồn từ người Hy Lạp cổ đại, “những người ghi trên cổng của một thư viện ở Thebes rằng ‘đây là nơi chữa trị cho tâm hồn.’” Việc thực hành thư trị liệu được chú trọng từ cuối thế kỷ 19, khi Sigmund Freud bắt đầu sử dụng văn học trong các buổi phân tâm học. “Các thủ thư ở Hoa Kỳ đã được đào tạo cách giao sách cho những cựu chiến binh Thế chiến I, và có một câu chuyện đẹp về những cuốn tiểu thuyết của Jane Austen cũng được sử dụng cho mục đích thư trị liệu cùng lúc đó ở Vương quốc Anh,” Elderkin nói. Sau đó, thư trị liệu được dùng theo nhiều cách khác nhau trong các bệnh viện và thư viện, và gần đây hơn được các nhà tâm lý học, các nhân viên chăm sóc người già và xã hội, và các bác sĩ sử dụng như một phương pháp điều trị khả thi.
Hiện nay đã có một mạng lưới các nhà thư trị liệu được chọn và đào tạo bởi Berthoud và Elderkin, và liên kết với School of Life, hoạt động trên toàn thế giới, từ New York đến Melbourne. Căn bệnh phổ biến nhất mà người ta có xu hướng đem lại cho mình là những bước chuyển trong cuộc sống, Berthoud nói: mắc kẹt trong vết lún của sự nghiệp, cảm thấy chán nản với mối quan hệ của mình, hay phải chịu nỗi đau mất mát người thân. Các bác sĩ thư trị liệu cũng gặp rất nhiều người đã về hưu, những người biết rằng họ có thể chỉ còn hai mươi năm phía trước để đọc nhưng có lẽ chỉ đọc những cuốn sách kinh dị tội phạm trước đây, và muốn tìm kiếm thứ gì đó mới để duy trì chúng. Nhiều người tìm đến sự giúp đỡ khi muốn điều chỉnh mình khi trở thành cha mẹ. “Tôi có một khách hàng ở New York, một người đàn ông sắp có đứa con đầu lòng và đang lo lắng về trách nhiệm trước một sinh linh nhỏ bé,” Berthoud nói. “Tôi khuyến nghị cuốn ‘Room Temperature’ (Nhiệt độ phòng) của Nicholson Baker, viết về một người đàn ông cho con ăn bằng một cái chai và có những trầm tư như thế về việc là một ông bố. Và tất nhiên có cả ‘Giết con chim nhại,’ vì Atticus Finch là một người cha lý tưởng trong văn học.”
Berthoud và Elderkin cũng là tác giả của cuốn “The Novel Cure: An A-Z of Literary Remedies,” (Điều trị bằng tiểu thuyết: các phương thức điều trị bằng văn học từ A đến Z) được viết theo phong cách của một cuốn từ điển y tế và ghép những căn bệnh (“có cảm giác thất bại”) với những cuốn sách được đề nghị (“The History of Mr. Polly” [Lịch sử của ngài Polly] của H. G. Wells). Ra mắt ở Vương quốc Anh từ năm 2013, cuốn sách đã được xuất bản ở 18 nước và thú vị là hợp đồng cho phép các biên tập viên địa phương và những chuyên gia đọc được sửa đổi 25% số căn bệnh và khuyến nghị đọc để phù hợp với độc giả của từng quốc gia và thêm vào nhiều nhà văn bản xứ hơn. Các căn bệnh mới được đưa vào sẽ tiết lộ thêm về văn hóa. Ở bản tiếng Hà Lan, một căn bệnh được thêm vào là “đánh giá quá cao con cái”; ở bản tiếng Ấn Độ, “tiểu tiện công cộng” và “ám ảnh với môn bóng gậy” được thêm vào; bản tiếng Ý giới thiệu “bất lực,” “sợ xa lộ,” và “mong muốn được ướp xác”; và bản tiếng Đức có thêm “thù ghét thế giới” và “thù ghét các đảng phái.” Berthoud và Elderkin đang viết một bản dành cho trẻ em, “A Spoonful Stories,” dự kiến ra mắt vào năm 2016.
Với những độc giả đã tự điều trị cho mình bằng những cuốn sách vĩ đại trong cả cuộc đời của họ, sẽ không có gì ngạc nhiên khi biết đọc sách có thể tốt cho sức khỏe tinh thần và mối quan hệ của bạn với những người khác, nhưng chính xác tại sao và như thế nào thì đang trở nên dần rõ ràng hơn nhờ vào nghiên cứu mới về những tác động của việc đọc lên não bộ. Kể từ khi khám phá ra những “nơ-ron gương” – những nơ-ron kích thích trong não bộ chúng ta cả khi chúng ta thực hiện một hành động và khi chúng ta nhìn thấy người khác thực hiện hành động đó – vào giữa những năm 90, khoa học thần kinh về sự đồng cảm đã trở nên rõ ràng hơn. Một nghiên cứu được công bố năm 2011 trên tạp chí Annual Review of Psychology, dựa trên phân tích kết quả chụp cộng hưởng từ chức năng (fRMI) não bộ của những người tham gia, cho thấy khi con người đọc về một trải nghiệm thì những vùng thần kinh của họ cũng thể hiện sự kích thích giống như khi họ trực tiếp trải nghiệm trải nghiệm đó. Chúng ta tạo nên những mạng lưới não bộ tương tự khi chúng ta đọc truyện và khi chúng ta cố đoán cảm xúc của người khác.
Các nghiên cứu khác được công bố vào năm 2006 và 2009 cho thấy một điều tương tự – rằng những người đọc nhiều tiểu thuyết có xu hướng đồng cảm hơn với những người khác (thậm chí sau khi các nhà nghiên cứu đã bù trừ sự sai lệch tiềm ẩn rằng những người dễ đồng cảm hơn thường thích đọc tiểu thuyết hơn.) Và vào năm 2013, một nghiên cứu có ảnh hưởng trên tạp chí Science cho thấy rằng đọc tiểu thuyết văn học [literary fiction] (chứ không phải những cuốn sách hư cấu phổ biến [popular fiction] hay văn học phi hư cấu [literary nonfiction]) cải thiện những kết quả của người tham gia trong các bài kiểm tra đo độ nhận thức và đồng cảm xã hội, vốn rất quan trọng với “lý thuyết tâm thức”: khả năng đoán một cách chính xác những gì người khác có thể đang suy nghĩ hoặc cảm nhận, một kỹ năng của con người chỉ bắt đầu phát triển từ khoảng bốn tuổi.
Keith Oatley, nhà văn và giáo sư danh dự môn tâm lý học nhận thức tại Đại học Toronto, đã nhiều năm điều hành một nhóm nghiên cứu quan tâm đến tâm lý học tiểu thuyết. “Chúng tôi đã bắt đầu cho thấy làm thế nào sự đồng nhất [của người đọc] với các nhân vật hư cấu diễn ra, làm thế nào văn học có thể cải thiện năng lực xã hội, làm thế nào chúng có thể thúc đẩy cảm xúc của chúng ta, và thúc giục những thay đổi bản ngã,” ông viết trong cuốn sách có nhan đề “Such Stuff as Dreams: The Psychology of Fiction” (Thứ như những giấc mơ: Tâm lý học tiểu thuyết) xuất bản năm 2011. “Tiểu thuyết là một loại mô phỏng, một loại không chạy trên máy tính mà chạy trên những tâm trí: một loại mô phỏng bản thân trong những thương tác của họ với thế giới xã hội…dựa trên kinh nghiệm, và bao gồm khả năng suy nghĩ về những tương lai có thể xảy ra.” Ý tưởng này phản ánh một niềm tin đã tồn tại từ lâu giữa nhà văn và độc giả rằng sách là người bạn tốt nhất; chúng cho chúng ta cơ hội luyện tập trước những tương tác với người khác trong thế giới (thực) mà không gây ra bất cứ thiệt hại lâu dài nào. Trong luận văn “Bàn về việc đọc” năm 1905, Marcel Proust đã viết rất đẹp: “Với những cuốn sách, không có tính xã hội bắt buộc. Nếu chúng ta dành buổi tối cho những người bạn này – những cuốn sách – thì đó là bởi chúng ta thực sự muốn thế. Chúng ta rời chúng với niềm tiếc nuối và khi chúng ta đã rời bỏ chúng thì cũng sẽ không có những ý nghĩ làm hỏng tình bạn: ‘Chúng nghĩ gì về chúng ta?’ – ‘Chúng ta có làm gì sai hay nói gì thiếu tế nhị không?’ – ‘Chúng có thích chúng ta không?’ – và cũng không có nỗi lo bị lãng quên vì bị người khác thế chỗ.”
George Eliot, được đồn thổi là đã vượt qua nỗi đau mất người bạn đời của bà bằng một chương trình đọc sách theo hướng dẫn cùng với một người đàn ông trẻ tuổi mà sau này lại trở thành chồng bà, tin rằng “nghệ thuật là điều gần gũi nhất với cuộc sống; nó là một chế độ khuếch đại kinh nghiệm và mở rộng sự tiếp xúc giữa chúng ta với đồng loại vượt lên trên cả những giới hạn của ranh giới cá nhân.” Nhưng không phải ai cũng đồng ý với đặc trưng của việc đọc tiểu thuyết là nó có khả năng khiến chúng ta cư xử tốt hơn trong đời sống thực. Trong cuốn “Empathy and the Novel” (Đồng cảm và tiểu thuyết) xuất bản năm 2007 của Suzanne Keen, cô phủ nhận vấn đề này bằng “giả thuyết chủ nghĩa vị tha đồng cảm,” và nghi ngờ việc liệu các kết nối đồng cảm được tạo nên trong quá trình đọc tiểu thuyết có thực sự chuyển dịch sang hành vi vị tha và ủng hộ xã hội trong thế giới thực hay không. Cô cũng chỉ ra rằng rất khó để thực sự chứng minh được một giả thuyết như vậy. “Sách không thể tự mình tạo nên thay đổi – và không phải ai cũng cảm nhận được điều mà họ nên cảm nhận được,” Keen viết. “Như mọi mọt sách đều biết, độc giả cũng có thể có vẻ chống đối xã hội và biếng nhác.
Đọc tiểu thuyết không phải là một môn thể thao đồng đội.” Thay vào đó, cô thúc giục, chúng ta nên tận hưởng những gì mà tiểu thuyết mang lại, đó là một sự giải thoát khỏi nghĩa vụ đạo đức rằng độc giả phải cảm thấy một điều gì đó với những nhân vật được sáng tạo ra – như khi ta gặp một con người thật phải sống trong đau đớn hay khổ sở – mà nghịch lý là độc giả đôi khi lại “phản ứng đồng cảm hơn với một tình huống và những nhân vật phi thực tế vì tính hư cấu lại mang tính bảo vệ.” Và cô hết lòng hỗ trợ cho những lợi ích sức khỏe cá nhân của một trải nghiệm nhập vai như việc đọc, điều đó “mang đến một lối thoát mới khỏi những áp lực thường ngày.”
Do đó, ngay cả khi bạn không đồng ý rằng việc đọc tiểu thuyết giúp chúng ta đối xử với người khác tốt hơn, thì đó cũng là cách để chúng ta đối xử tốt hơn với chính mình. Việc đọc đã được chứng minh là đưa não bộ của chúng ta tới một trạng thái dễ chịu như thể hôn mê, tương tự như thiền định, và điều đó mạng lại những lợi ích sức khỏe tương tự như thư giãn sâu và thanh thản trong lòng. Những người đọc sách thường xuyên ngủ ngon hơn, có mức độ căng thẳng thấp hơn, tự tôn cao hơn, và tỉ lệ trầm cảm thấp hơn những người không đọc. “Tiểu thuyết và thơ là những liều thuốc chữa bệnh,” nhà văn Jeanette Winterson từng viết. “Thứ chúng hàn gắn là những nứt vỡ mà thực tế tạo nên trên sự tưởng tượng.”
Một trong những khách hàng của Berthoud đã mô tả cho tôi việc những buổi điều trị nhóm và cá nhân mà cô tham gia cùng Berthoud đã giúp cô đối phó với hậu quả của một loạt các biến cố như thế nào, trong đó có việc mất đi người chồng sau năm năm đính hôn, và một cơn đau tim. “Tôi cảm thấy cuộc sống của tôi chẳng có ý nghĩa gì,” cô nói. “Tôi cảm thấy như một người phụ nữ thất bại.” Trong số những cuốn sách mà ban đầu Berthoud gợi ý là cuốn tiểu thuyết “The Hotel New Hampshire” (Khách sạn New Hampshire) của John Irving. “Ông là một trong những nhà văn ưa thích của chồng tôi, [người mà] tôi cảm thấy không thể động đến vì những lý do tình cảm.” Cô “kinh ngạc và rất xúc động” khi nhìn thấy nó trên danh sách, và dù cô đã cố tránh đọc những cuốn sách của chồng mình cho đến khi đó, cô cảm thấy việc đọc nó như là “một trải nghiệm cảm xúc rất đáng công, cả trong chính văn học và trong việc giải thoát bản thân khỏi quỷ dữ.” Cô cũng đánh giá cao gợi ý của Berthoud đưa cô đến cuốn tiểu thuyết “Jitterbug Perfume” của Tom Robbin, cuốn sách “thực sự là đường cong học tập đối với tôi về định kiến và kinh nghiệm.”
Một trong những căn bệnh được liệt kê trong “The Novel Cure” là “bị choáng ngợp trước số lượng sách của thế giới,” và nó là căn bệnh mà tôi phải chịu đựng thường xuyên. Elderkin nói đó là một trong những vấn đề thường gặp nhất của độc giả thời nay, và nó vẫn là một động lực lớn cho cô và Berthoud tiếp tục công việc là các nhà thư trị liệu. “Chúng tôi cảm thấy rằng cho dù sách đang được xuất bản nhiều hơn bao giờ hết, trên thực tế, độc giả lại đang chọn lựa trong một phạm vi ngày càng nhỏ hơn. Thử nhìn vào danh sách đọc của hầu hết các câu lạc bộ sách, bạn sẽ thấy chúng đều giống nhau, những cuốn được bàn luận đầy trên mặt báo. Nếu tính toán bạn đọc bao nhiêu cuốn sách một năm – và bao nhiêu cuốn bạn có thể đọc trước khi chết – thì bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng bạn cần có tính chọn lọc cao để có thể tiết kiệm quỹ thời gian đọc của mình.” Cách tốt nhất để làm điều đó là gì? Đến gặp một nhà thư trị liệu, càng sớm càng tốt, và chấp nhận lời gợi ý của họ, xin mượn vài lời trong vở kịch “Titus Andronicus” của Shakespeare: “Hãy đến và lựa chọn trong thư viện của tôi/ Để nỗi muộn phiền trong bạn vơi đi…”.