ĐOẠN LỊCH SỬ ĐEN TỐI CỦA BÀI KIỂM TRA IQ

Trắc nghiệm IQ là bài kiểm tra trí thông minh phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, bạn có biết trắc nghiệm IQ từng có thời gian được sử dụng vì mục đích phân biệt chủng tộc hay không?

MỤC ĐÍCH BAN ĐẦU

Người phát minh ra bài kiểm tra IQ là một nhà tâm lí học người Pháp tên Alfred Binet.

Vào năm 1881, chính phủ Pháp thực hiện phổ cập giáo dục, yêu cầu tất cả trẻ em phải đến trường. Tuy nhiên, các giáo viên nhận thấy có sự chênh lệch trong năng lực tiếp thu giữa những trẻ cùng lứa tuổi.

Theo đó, họ cảm thấy cần phải có một phương pháp kiểm tra để tìm ra những học sinh có năng lực tiếp thu kém hơn, rồi đưa các em đó vào lớp học đặc biệt để nhận được sự chăm sóc tốt hơn.

Binet bắt đầu nghiên cứu trên nền tảng đó. Ông cùng người học trò, Théodore Simon, đã xây dựng một bộ câu hỏi và tiến hành phân tích xem trẻ em từng độ tuổi có thể trả lời được những câu hỏi nào. Cứ như vậy, ông tổng hợp nên một “tiêu chuẩn cơ bản”, rồi dựa vào “tiêu chuẩn cơ bản” này để sắp xếp câu hỏi từ dễ nhất đến khó nhất.

Binet cũng từng chia sẻ: “Xin đừng vì kết quả trắc nghiệm IQ của một đứa trẻ thấp mà cho rằng cả đời nó sẽ chỉ như vậy. Qua lớp học đặc biệt, chúng ta có thể khiến những đứa trẻ có tốc độ phát triển chậm hơn dần theo kịp tiến độ của mọi người.”

Mục đích ban đầu của bài trắc nghiệm IQ đơn giản chỉ là: Tìm ra những học sinh có lực học khá yếu để giúp đỡ thêm.

BIẾN TƯỚNG

Nhưng không phải ai cũng muốn dùng kết quả trắc nghiệm để giúp đỡ những người yếu thế. Ngược lại, có một số người lại muốn dùng nó để hạn chế họ.

Trong số đó, có một nhà khoa học người Mĩ tên là Henry Goddard. Ông chủ trương ủng hộ “thuyết ưu sinh”. Thuyết này cho rằng một số người mang trong mình loại gen cực kì ưu tú, vì vậy con cái do những người này sinh ra cũng sẽ ưu tú. Theo đó, khuyến khích những người mang gen tốt sinh nhiều con, đồng thời cũng yêu cầu những người mang gen xấu không sinh con hoặc sinh ít con.

Goddard đã dịch bộ câu hỏi trắc nghiệm của Binet sang tiếng Anh và sử dụng nó để “sàng lọc” gen xấu, “ngăn cản sự tái tạo của trí tuệ yếu kém, loại bỏ phần tử phạm tội, nghèo đói và không có năng lực”.

Bài trắc nghiệm này không chỉ được dùng trong các trường học của Mĩ mà còn được áp dụng cho những người di cư tới Mĩ. Những người sau khi làm bài trắc nghiệm được xác định là IQ thấp sẽ không được tiến vào lãnh thổ nước Mĩ mà chỉ được cư trú ở những nơi có điều kiện sống tồi tệ.

Vì đã từng có một giai đoạn lịch sử đen tối như vậy nên các nhà giáo dục hiện nay rất cẩn trọng với trắc nghiệm IQ không muốn bài trắc nghiệm này bị người khác sử dụng để thực hiện hành vi ích kỉ, tổn hại đến quyền con người.

———

NGUỒN THAM KHẢO:

[1] Học cách trưởng thành, NXB Kim Đồng.

[2] History of the IQ Test and Intelligence Testing, Susan du Plessis (edubloxtutor.com)

[3] Alfred Binet, Britannica và Wikipedia

[4] The Dark History of IQ test, Ted-Ed

——-

NGUỒN BÀI VIẾT: Fanpage Kim Đồng – Tri thức trẻ

Alfred Binet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *