Dispatch vạch trần bẫy hư cấu dẫn đến “sự sụp đổ” của ‘Snowdrop’

Dispatch: “Tại sao chuyện này chỉ xảy đến với họ?”… Bẫy “hư cấu” của ‘Snowdrop’

Không hề có tranh cãi xuyên tạc lịch sử, thế giới trong ‘Crash Landing on You’ hoàn toàn là hư cấu. Hay chí ít là không có bối cảnh nào khiến người xem nhớ đến một nhân vật lịch sử có thật.

Có lẽ vì thế mà biên kịch Park Ji Eun đã có thể thỏa sức sáng tạo và khiến Hyun Bin và Son Ye Jin phải lòng nhau. ‘Crash Landing on You’ vẫn luôn là ví dụ thành công về thể loại lãng mạn giả tưởng giữa hai miền Nam Bắc.

‘Youth of May’ là tác phẩm truyền hình lấy bối cảnh ngày 18 tháng 5 lịch sử. Chuyện tình buồn giữa một chàng trai và một cô gái đang trong độ tuổi thanh xuân của những năm 1980 đã được biên kịch Lee Kang khắc họa một cách vừa đẹp đẽ, vừa đau thương.  

Biên kịch Lee Kang đã xây dựng kịch bản với quyết tâm “không viết một dòng chữ nào không có trong lịch sử” và trong khi nhắc nhở chúng ta về hiện thực, anh ấy cũng khiến mọi người thêm đồng cảm với những nỗi đau. 

Vậy điều gì đã xảy ra với biên kịch Yoo Hyun Mi? Cô ấy đã chuẩn bị cho JTBC ‘Snowdrop’ suốt 12 năm với mô-típ được lấy cảm hứng từ cuốn hồi ký của những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên năm 2008, và từ chính trải nghiệm của cô tại trường Đại học nữ Ewha.

Thực tế, bộ phim chứa đựng rất nhiều chi tiết như cuộc bầu cử Tổng thống năm 1987, cuộc đối đầu giữa Triều Tiên và đảng cầm quyền, thao túng gián điệp, Angibu (Cơ quan Kế hoạch An ninh Quốc gia), Dongsimhoe (Hanahoe), Code 1 (Chun Doo Hwan), quang cảnh trường đại học, sinh viên biểu tình…

Tuy nhiên, phía bộ phim vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào yếu tố “giả tưởng.” PD Cho Hyun Tak cho rằng: “Ngoại trừ chế độ quân sự và cuộc bầu cử Tổng thống, tất cả các nhân vật, bối cảnh và cơ quan đều là hư cấu. Đây không phải một tác phẩm bôi nhọ phong trào dân chủ, tôn vinh Bộ An ninh và gián điệp, mà chỉ là melodrama về những chàng trai và cô gái đã phải hy sinh trong cuộc chiến liên Triều.”

Thế nhưng, khi vừa lên sóng, ‘Snowdrop’ lại không được coi như một sản phẩm đơn thuần của “trí tưởng tượng.” Lý do là vì những nhân vật xuất hiện trong phim liên tục gợi nhớ người xem đến những nhân vật có thật trong lịch sử, thậm chí là những nạn nhân của quyền lực quốc gia.

① Nam chính Im Soo Ho (Jung Hae In)

Tên thật là Lim Tae San và là gián điệp Bắc Hàn. Cha là nhạc sĩ thiên tài bị quy kết là thành phần phản động. Im Soo Ho sau đó trở thành điệp viên tại Đông Berlin và nhận lệnh thâm nhập vào Hàn Quốc. Với dự định đào thoát về Bắc Hàn, Im Soo Ho chiêu mộ Giáo sư Han Yi Seop, bộ óc kinh tế của ứng cử viên Tổng thống phe đối lập. 

[Sự kiện Dongbaek-rim/Đông Berlin năm 1967: Vào thời điểm này, Cục Tình báo Trung ương đã tuyên bố có 194 du học sinh và kiều bào Hàn Quốc tại Đức và Pháp đã được đào tạo để trở thành gián điệp tham gia vào hoạt động chống Nam. Sự kiện này là công cụ để mở rộng, phóng đại và củng cố chế độ Park Chung Hee. Một trong số những người bị buộc tội là cố nhà soạn nhạc thiên tài Yoon Yi Sang. Ông bị các nhân viên tình báo bắt cóc tại Đức và xử án chung thân. Được trả tự do sau hai năm bị giam cầm, ông quyết định không đặt chân về quê hương cho đến khi lìa đời.]

(t/n: Hồi đó, ít ai dám đặt câu hỏi cho tính xác thực của lời tố cáo, chỉ đến sau này, những người bị kết tội mới cho biết: toàn bộ âm mưu là do chế độ quân phiệt bịa đặt ra để củng cố Park Chung Hee. Theo Korea JoongAng Daily)

② Nữ chính Eun Young Ro (Jisoo)

Tên ban đầu là Eun Young Cho nhưng đã được thay đổi sau khi công chúng phản ứng dữ dội. Do hiểu lầm Soo Ho là một nhà hoạt động yêu nước, cô đã che giấu anh tại ký túc xá của trường Đại học nữ Hosu và dần nảy sinh tình cảm. 

Khi Soo Ho bị Bộ An ninh truy đuổi, phía sau anh đang diễn ra cuộc biểu tình do Yeo Jeong Min (Kim Mi Soo) dẫn đầu, bài hát tượng trưng cho phong trào dân chủ mang tên ‘Pine, Pine, Green Pine’ cũng được lồng ghép vào đây. 

Jeong Min, bạn cùng phòng của Young Ro và là sinh viên khoa lịch sử của trường Đại học nữ Hosu, được miêu tả là người dẫn đầu phong trào dân chủ nhưng lại nghĩ Soo Ho là một nhà hoạt động và giúp đỡ anh ta.

[‘Young Cho Unnie’ – Chun Young Cho là một nhà hoạt động ủng hộ phong trào dân chủ. Vào giữa những năm 1970, chị thành lập một nhóm đọc sách với chủ đề giải phóng phụ nữ, lật đổ chế độ độc tài và giải phóng lao động. Chị đã bị đưa đến Văn phòng chống cộng tại Namyeong-dong và phải chịu sự tra tấn nặng nề tại đây. 

Chồng chị, anh Jeong Mun Hwa quá cố, cũng là một nhà hoạt động dân chủ chống lại chế độ độc tài của Park Chung Hee. Anh bị tra tấn dã man sau khi bị quy là gián điệp trong vụ Học viện Mincheong.

Mô-típ của trường Đại học nữ Hosu chính là trường Đại học nữ Ewha. Các sinh viên Ewha đã kêu gọi lật đổ chế độ độc tài và bãi bỏ hiến pháp. Đặc biệt, cuộc nổi dậy vào tháng 6 năm 1987 đã trở thành đầu tàu dẫn đến cải cách về hệ thống bầu cử trực tiếp.]

③ Vậy thông điệp của ‘Snowdrop’ là gì?

Bè nhóm có thể xấu xa, nhưng vẫn tồn tại những cá nhân tốt đẹp trong đó. Họ nói rằng cả gián điệp Bắc Hàn lẫn Bộ An ninh đều có những câu chuyện riêng. 

Soo Ho là gián điệp có ý định bắt cóc người Hàn nhưng được mô tả là một nhân vật tốt bụng và cuốn hút. Soo Ho cũng có thiện chí với nền dân chủ và thậm chí còn khen anh trai của Young Ro “thật ngầu” khi biết người đó tham gia biểu tình.

Lee Kang Mo (Jang Seung Jo), một đặc vụ hư cấu của Cơ quan Kế hoạch An ninh Quốc gia ngoài đời thật, được mô tả như một người luôn nung nấu khát khao trả thù sau khi mất đi người đồng nghiệp vào tay điệp viên. Và mục tiêu duy nhất của họ là những kẻ gián điệp. Jang Han Na (Jung Yoo Jin), bạn gái cũ của Lee Kang Mo, cũng là một nhân vật đậm chất girl crush, quyến rũ và luôn xuất sắc trong công việc. 

Trưởng phòng Eun Chang Soo (Heo Jun Ho) là thành viên chủ chốt của Dongsimhoe. Có tính cách cứng rắn. Thích thơ, dịu dàng và tinh tế. 

④ ‘Snowdrop’ nhấn mạnh bản chất của bộ phim là một thế giới giả tưởng.

Họ phản bác rằng đó là một “tác phẩm sáng tạo” mang tính “hư cấu.” Nhưng nếu sự hư cấu mà họ tạo ra là vết thương (đối với ai đó), thì đó chính là bạo lực. 

Ngày 14 tháng 1 năm 1987, một sinh viên đại học đã chết trong Phòng điều tra chống cộng ở Namyeong-dong. Đó là Liệt sĩ Park Jong Cheol. Anh là người “đã đột tử sau khi nghe thấy tiếng đập bàn quá mạnh” theo như thông cáo báo chí của phía cảnh sát. Nhưng thực chất, anh là nạn nhân của những trận tra tấn. 

Đại diện Quỹ tưởng niệm Liệt sĩ dân chủ Park Jong Cheol đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về ‘Snowdrop’ khi nhận xét: “Việc liên kết phong trào dân chủ hóa với gián điệp đang gây ra một cuộc đàn áp thứ hai đối với các nạn nhân.”

[…]

Luôn luôn có sự phản bác theo sau mỗi lần công chúng lên tiếng về việc bóp méo lịch sử. Phía bộ phim yêu cầu khán giả tiếp tục theo dõi và đạo diễn Cho Hyun Tak cũng nói rằng “việc kiểm duyệt quá mức sẽ kìm hãm những người làm sáng tạo.”

Tuy nhiên, (nếu đã là hư cấu) thì chúng ta sẽ cần chú ý đến cách sự hư cấu đó được thể hiện. Thật đáng mỉa mai khi bộ phim đã khéo léo lồng ghép những bối cảnh gợi nhớ về lịch sử thực tế, rồi lại phản bác rằng “không sao đâu vì đây là giả tưởng.”

Biên kịch Yoo Hyun Mi và đạo diễn Cho Hyun Tak cũng cảm thấy tự hài lòng với hướng giải quyết của mình khi không đưa ra bất cứ thay đổi nào (ngoài tên của nhân vật nữ chính), dù đây là một thảm họa đã được dự báo từ trước khi phần tóm tắt của bộ phim bị rò rỉ trước thềm phát sóng.

Họ đã mạnh dạn tô màu cho chuyện tình giữa một gián điệp Triều Tiên và sinh viên đại học Hàn Quốc với bối cảnh là phong trào dân chủ. Sự kết hợp liều lĩnh và không phù hợp này cuối cùng đã để lại một bê bối xuyên tạc lịch sử và một cuộc tấn công thứ hai nhắm vào các nạn nhân.

Ký giả Kim Ji Ho

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *