Định giá bản thân là một việc quan trọng bậc nhất trong cuộc đời mỗi con người. Định giá thấp thì chôn vùi tương lai, lãng phí đi tài năng, trí tuệ & đam mê. Định giá sai thì kết quả sẽ thật chua chát, làm điều gì cũng không thuận lợi.
Theo phương đông, đây chính là: Mệnh của mỗi người.
Hầu hết con người ta đều có thể phát triển hơn bản thân họ hiện tại, tức có thể nỗ lực cải thiện kết quả hiện tại của mình. Nhưng để đạt tới một tầm đủ cao thì số lượng này nó có giới hạn, tức chúng ta chỉ có hữu hạn triệu phú, hữu hạn họa sĩ tài năng, hữu hạn vận động viên đạt thành tích xuất sắc v.v.
Có câu: “Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”. Ít nhất chúng ta có thể tự cải thiện bản thân, nỗ lực và cố gắng để đạt mức trung bình, còn đại phú thì phải gặp được cả thời, vận và mệnh. Không có phương pháp nào có thể biến mọi người thành triệu phú, cũng không có giáo viên hay giáo trình nào có thể biến mọi học sinh thành xuất sắc. Đó chỉ là tiền đề cho sự bứt phá nội lực trong bản thân mỗi người.
Bạn đã định giá được bản thân chưa?
Thông thường một người không thể tự định giá bản thân, nhất là khi họ chưa đạt được thành tích nào nổi trội. Cách tốt nhất để định giá bản thân là nỗ lực vươn để bạn có cái nhìn khác về bạn. Tới lúc đó bạn có thể định giá bản thân mình và bắt đầu lựa chọn tương lai cho phù hợp nhất.
Tại sao tôi lại mở đầu bằng việc định giá bản thân?
Nó liên quan tới quá trình học tập, tâm lý của não bộ. Nếu bạn đang mặc định là mình kém cỏi hay chỉ là một người bình thường: Bạn sẽ không bắt đầu một ý tưởng kinh doanh, không thử đầu tư, không thử làm gì đó mới mẻ. Đến ý tưởng mà bạn còn không xuất hiện thì chắc chắn kết quả là số 0.
Có 4 trường hợp thuận lợi cho quá trình định giá và phát triển bản thân:
Giáo dục, truyền thống gia đình
Kinh tế của gia đình
Nỗ lực của bản thân
Hội duyên
Giáo dục, truyền thống gia đình thuộc nhóm điều kiện nền, tức bạn không thể quyết định về cha mẹ bạn, ông bà bạn nhưng đó có thể là lợi thế của bạn. Nhưng rất may, bạn lại có thể hình thành điều này cho con cái bạn, thứ mà bạn đã không có được từ cha mẹ.
Nếu bố mẹ làm nghệ thuật, con cái thường tự tâm niệm rằng mình cũng có Gen gì đó, và cũng thích học hay thử nghiệm hơn, dù có thành công hay không thì ít ra đó cũng đã là một cơ hội được thử so với một người xuất thân trong gia đình bình thường. Đó chính là ưu thế của truyền thống.
Bố mẹ làm kinh doanh, cơ hội được thử nghiệm của con cái cũng cao hơn, và nếu kết hợp tố chất thì đó chính là nền tảng của thành công bước đầu.
Một phương pháp rất hay của giáo dục chính là dạy trẻ về truyền thống gia đình dòng họ. Các thành tích, các kết quả tích cực từ thế hệ cha ông chính là cách duy ý chí cho trẻ về bản thân. Điều này khiến não bộ trẻ tự mở ra, và tốc độ học kiến thức nhanh hơn rất nhiều.
Nếu bạn mắng con mình “ngu”, nó sẽ “ngu” thật liền. Nếu bạn tạo cho nó tư duy rằng nó là một đứa trẻ thông minh, có năng khiếu giống như truyền thống gia đình, nó sẽ luôn cố gắng giải quyết vấn đề, từ đó hình thành kỹ năng học tập.
Có thể bạn chưa từng được giáo dục về điều đó, nhưng hãy tạo cho con niềm tự hào về bản thân, về gia đình, và xa hơn là cả dòng họ.
Như vậy nếu bạn có thuận lợi từ phía gia đình, bạn có cơ hội gặt hái thành quả ban đầu, định giá được bản thân làm bước đà để phát triển. Nhưng tiếc là đây lại chỉ là số ít trong toàn xã hội.
Trường hợp thứ 2 là điều kiện kinh tế gia đình, có lẽ không cần nói nhiều hơn về điều này. Bạn dễ dàng kinh doanh thử, đầu tư hay nhiều thứ khác hơn rất nhiều nếu gia đình có điều kiện. “Tôi sai đã có bố mẹ sửa” quả là một niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Những cũng giống như trường hợp phía trên, đây không phải lựa chọn của số đông mọi người.
Nỗ lực của bản thân chính là con đường của tất cả. Xin nhấn mạnh lại rằng dù có đột phá được hay không thì ai cũng có thể cải thiện bản thân, ít nhất so với hiện tại. Như vậy bạn không cần suy nghĩ gì nhiều, hãy cứ cải thiện bản thân trước, tới khi đó sự định giá về bản thân sẽ xảy ra.
Nói nôm na hơn là bạn cần tích lũy: Tiền, kinh nghiệm, kiến thức. Khi những thứ này đạt một ngưỡng, hành vi của bạn sẽ tự được điều chỉnh mà chính bản thân bạn cũng không biết. Dù chỉ đi làm công nhân, tôi tin rằng nếu tích lũy được 200 – 300 triệu, ý tưởng kinh doanh sẽ bắt đầu manh nha trong bạn. Chỉ đi làm một người thợ kỹ thuật thông thường, tới khi đã thành chuyên nghiệp, bạn bắt đầu thấy được “vấn đề”, “nhu cầu” mà xã hội cần mà những người đã tồn tại chưa thực sự giải quyết được, một cơ hội mới bắt đầu. Ngoài ra, kiến thức và trải nghiệm sẽ giúp bạn có cái nhìn khác hơn về bản thân mình.
Cuối cùng là Hội Duyên, đây là của hiếm. Như vô tình gặp được cơ hội, thời vận và đạt được thành công bước đầu. Thuận đà tiến lên và phát triển ngày càng rực rỡ. Hội duyên là yếu tố bắt buộc của “Đại Phú”, dù bạn có sửa dụng một trong 3 cách trên để làm nền tảng thì vận phải gặp “duyên” để lên được đỉnh cao.
Cuối cùng vẫn xin nhắc lại là rất khó để trở thành triệu phú chứ không như những khóa học hay cuốn sách đầy màu đa cấp biến tướng, nhưng chắc chắn rằng ai cũng có thể cải thiện bản thân tới mức chính bản thân cũng không thể ngờ được.
Như vậy khi có được định giá bản thân cơ bản, chúng ta bắt đầu mục tiêu trước mắt của đời mình. Tất nhiên theo dòng chảy cuộc sống, nó sẽ được điều chỉnh nhiều lần. Nhớ rằng có người định giá được cơ bản bản thân rất sớm: Ví dụ gia đình giàu có, thành thích học tập xuất sắc, kỹ năng từ bé đã nổi trội thì họ nhanh chóng xác định dc vị thế hiện tại của bản thân, mục tiêu ngắn. Có những người lại phải qua tích lũy rất lâu.
2, Xác định công việc/Dự án đầu tư dựa theo giá trị bản thân
Bạn lần lượt trả lời các câu hỏi dưới đây:
Kỳ vọng thu nhập của bạn theo tháng, theo năm ra sao?
Công việc/dự án này tạo thu nhập tối thiểu bao nhiêu?
Mức thu nhập khả thi của nó đã đạt thu nhập kỳ vọng của bạn?
Mức thu nhập lý tưởng (Khi dự án thành công tốt) của nó có đủ hấp dẫn bạn hay đáp ứng năng lực của bạn.
Nếu các yếu tố không đạt, ta sẽ bỏ đi. Bởi lao đầu vào một công việc dù có tốt cũng không đạt được mục tiêu cuộc đời, là chúng ta đang đi vào ngõ cụt.
Ở mỗi thời điểm, định giá bản thân sẽ khác nhau, và cứ mỗi lần như vậy, ta lại phải thay đổi. Ví dụ vừa ra trường, định giá bản thân thấp thì đi làm công nhân vẫn rất bình thường, tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, tiền và nhiều thứ khác, nhưng không thay đổi công việc dù tương lai nó vẫn chỉ như lúc mình vừa ra trường là sai.
Hãy cố gắng để đạt mức định giá bản thân cao một chút, nhưng phải thực tế, đừng cao quá kẻo thành mơ mộng hão huyền.
Nếu vượt qua được các câu hỏi trên, thì đó là một công việc/dự án phù hợp. Bắt đầu thôi.
Tổng kết: Nói một cách nôm na, trước khi bắt đầu việc gì hãy đặt câu hỏi: Tôi được gì từ việc đó (Không chỉ là tiền, có thể là kiến thức, sức khỏe v.v), sau đó cân nhắc với thời gian, chi phí, tâm huyết bỏ ra, nếu nó “XỨNG ĐÁNG” thì hãy làm, không là bạn đã “bán rẻ”.
Nguồn sưu tầm