Đinh Bộ Lĩnh tên húy hay tôn hiệu?Đinh Tiên Hoàng Đế theo Toàn thư: “Vua tài năng sá…

Đinh Bộ Lĩnh tên húy hay tôn hiệu?

Đinh Bộ Lĩnh tên húy hay tôn hiệu?
Đinh Tiên Hoàng Đế theo Toàn thư: “Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ [Đế], song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay!”.
Vương hay Đế?
Việt Sử Lược và Toàn thư đều chép “tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư”. Việt Sử Lược chỉ chép Bộ Lĩnh là Vương, Tiên Vương, Vệ Vương (Đinh Toàn). Toàn thư nói Đinh Tiên Hoàng Đế, Phế Đế (Đinh Toàn).
Như vậy sau hơn hai thế kỷ, Sử sách đã có sự khác biệt đáng kể về danh hiệu của Đinh Bộ Lĩnh. Một đàng Vương tước, một đàng Đế hiệu.
Người viết cho rằng đến Thế kỷ XV, khi nhà Lê Sơ bước vào giai đoạn đại thịnh trị. Nho gia hưng khởi, cùng với việc Đại Việt trở thành một cường quốc ở phương Nam thì cái nhìn của người chép sử đã rất khác.
Vậy là từ Vương, Ngô Sĩ Liên đã biến Đinh Bộ Lĩnh thành Hoàng Đế. Tuy nhiên miếu hiệu cũng rất đơn giản: Tiên Hoàng, chứ không có cầu kỳ như các danh xưng sau này.
Dẹp loạn hay nhận được sự ủng hộ?
Trở lại hành trình xưng Vương (Đế) của Đinh Bộ Lĩnh. Bản thân ông là người cát cứ tại Hoa Lư. Ông chống lại Cổ Loa (chính quyền hợp pháp) của Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập.
Năm 965, Ngô Xương Văn mất, các thủ lĩnh địa phương … (không còn người lãnh đạo) mỗi người giữ một phương, tổng cộng là 12 người. Toàn thư chép: “Mười hai sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai”.
Mười hai sứ quân này, không phải bỗng nhiên mà xuất hiện. Những mầm mống rạn nứt đã bắt đầu kể từ thời Dương Tam Kha.
12 sứ quân đều là những người có uy tín tại khu vực họ chiếm giữ. Trong đó Ngô Xương Xí là con cháu trực hệ Ngô Quyền. Kiều Công Hãn là cháu Kiều Công Tiễn (kẻ thích sát Dương Đình Nghệ năm 937), Ngô Nhật Khánh, con cháu họ Ngô thế lực Đường Lâm. Nguyễn Khoan thì đã chống lại Cổ Loa từ khi Dương Tam Kha đang trị vì (944 – 950).
Nhưng Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn 12 sứ quân” chỉ trong 2 năm (966 – 968), quá nhanh cho việc thực hiện các giải pháp quân sự. Sử không thấy nói tới việc ông phải trải chiến trận căng thẳng, hay các thủ lĩnh địa phương liên tủ chống lại ông.
Theo Toàn thư, sau cái chết của Ngô Xương Văn (965), Đinh Bộ Lĩnh chỉ phải giao chiến với Phạm Phòng Át, và quân Man ở Đỗ Động Giang (là chỗ một số con em nhà Ngô nương thân).
Ông là một nhà chính trị kiệt xuất hơn là một nhà quân sự. Ông khéo léo xây dựng một liên minh với Trần Lãm (nhận làm con nuôi), sứ quân miền Bố Hải Khẩu. Ông củng cố danh tiếng bằng việc cưới con gái họ Dương (Dương Vân Nga – có thuyết nói rằng là con gái của Dương Tam Kha). Ông cũng gả con gái cho Ngô Nhật Khánh.
Ông Đại thủ lĩnh họ Đinh?
Xem lại tên húy của Đinh Tiên Hoàng Đế thì cái tên Đinh Bộ Lĩnh (丁 部 領) dịch nôm na ra thì là ông Đinh Thủ lĩnh thống suất – Đinh Đại Thủ Lĩnh.
Có lẽ sau khi thành con nuôi của Trần Lãm, con rể của họ Dương, cùng với lực lượng có được, ông Đinh đã được các thủ lĩnh (thế lực cát cứ) bầu làm Bộ Lĩnh ( 部 領).
Nếu giả thuyết này là đúng, thì Bộ Lĩnh thực ra không phải là “tên húy”. Đơn giản đó là danh hiệu của người được các hào trưởng địa phương bầu cử để đứng đầu Giao Châu (sau là Đại Cồ Việt).
Và họ Dương sau này còn tiếp tục có vị thế cao ở thượng tầng chính trị của nước Việt. Theo bước chân của Tiên Hoàng, Lê Hoàn cũng đã thành rể họ Lê, như một giải pháp lấy phiếu Đại cử tri?
Những chuyện như chăn trâu được trẻ tôn làm thủ lĩnh, mang nặng âm hưởng China. Bộ Lĩnh được trẻ chăn trâu tôn xưng, rồi điềm báo xưng Vương như một phản ảnh về câu chuyện của Lưu Bị thời Hán mạt – Tam Quốc. Lê Hoàn khoác long bào lại rất giống với Binh biến Trần Kiều, Triệu Khuông Dẫn lên ngôi hoàng đế.
Vậy sử ta có khác sử Tầu – hay sử gia nước Việt đã mô phỏng lại các câu chuyện xưng Vương, xưng Đế của các hoàng đế Trung Hoa? Bối cảnh giai đoạn quá độ từ Giao châu thành Đại (Cồ) Việt liệu có giống China?
Ảnh minh họa: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *