ĐIỀU THẦN KỲ TRÊN BỜ SÔNG VISTULA – 100 NĂM KỂ TỪ NGÀY QUÂN ĐỘI BA LAN BẺ GÃY CUỘC XÂM LƯỢC CỦA HỒNG QUÂN NGA
Tháng 8/2020 là vừa tròn 100 năm kể từ ngày diễn ra trận chiến Warsaw năm 1920, trận đánh mang tính chất quyết định sự tồn tại của nước Cộng hòa Ba Lan non trẻ vừa mới được thành lập trước cuộc tấn công của Nga Xô viết. Chiến thắng của người Ba Lan không những đã bảo tồn được quốc gia độc lập non trẻ của họ mà còn ngăn chặn việc sáp nhập Ba Lan vào lãnh thổ Liên Xô như nước Ukraine láng giềng đồng thời đập gãy ý định dùng Ba Lan làm bàn đạp cho các lực lượng cách mạng vô sản Nga tràn vào trung tâm Châu Âu.
Năm 1917 đế quốc Nga Sa hoàng sụp đổ, trên đống tro tàn của nó hàng chục dân tộc nằm dưới sự thống trị của người Nga đã vùng lên để thành lập các quốc gia độc lập như Ba Lan, Phần Lan, Ukraine, Estonia, Latvia, Litva, Gruzia, Azerbaijan…Đến đầu năm 1920, trước áp lực quân sự từ Hồng quân, chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Ukraine (tuyên bố độc lập khỏi Nga từ ngày 25 tháng 1 năm 1918) dưới sự lãnh đạo của Symon Petliura đã liên kết với nước Cộng hòa Ba Lan (cũng vừa mới độc lập khỏi Đế quốc Nga) để mở cuộc tấn công giành lại thủ đô Kiev đang bị quân Nga chiếm đóng từ tháng 12 năm 1919. Đạo quân liên minh này ban đầu có 65.000 binh sĩ Ba Lan và 15.000 binh sĩ Ukraine. Người Ba Lan và Ukraine có trong tay 10 sư đoàn và 2 lữ đoàn để đối phó với 24 sư đoàn và 1 lữ đoàn của Hồng quân. Sau khi giành được thắng lợi ban đầu và giải phóng được Kiev ngày 7 tháng 5 năm 1920 thì đến ngày 24 tháng 5 năm 1920 Hồng quân Nga bắt đầu tràn sang phản công buộc lực lượng liên quân phải rút lui. Phe Bolshevik và các thông tin tuyên truyền của Liên Xô sau này đã sử dụng cuộc tấn công Kiev để miêu tả chính phủ Ba Lan là những kẻ xâm lược đế quốc.
Vào ngày 7 tháng 6 – hai ngày sau khi phá vỡ phòng tuyến của Ba Lan – kỵ binh Hồng quân đã phá hủy các cây cầu ở Zhytomyr, phá hủy nhà ga xe lửa và đốt cháy các tòa nhà trong thành phố, kể cả một bệnh viện ở Berdychiv với 600 bệnh nhân và các nữ tu thuộc Hội Chữ thập Đỏ.
Sau khi thất bại trên đất Ukraine, lực lượng Ba Lan dường như trên bờ vực tan rã và người ta đã dự đoán một chiến thắng quyết định cho Hồng quân. Từ ngày 12–25 tháng 8 năm 1920 lực lượng Hồng quân do Mikhail Tukhachevsky chỉ huy đã áp sát thủ đô Warsaw của Ba Lan nhưng đúng vào thời khắc này 100 năm trước, 16 tháng 8 năm 1920, lực lượng Ba Lan do Józef Piłsudski chỉ huy đã phản công từ phía nam, bẻ gãy cuộc tấn công của đối phương, buộc lực lượng Nga phải rút lui một cách vô tổ chức về phía đông, tiêu diệt 40.000 quân địch và bắt sống 66.000 tù binh. Chiến thắng của Ba Lan đã bảo đảm nền độc lập của dân tộc và dẫn đến hiệp ước hòa bình Riga với Nga Xô viết năm 1921. Nếu như Hồng quân chiếm được Warsaw năm 1920 thì không những nền độc lập của Ba Lan sẽ kết thúc và Ba Lan trở thành một quốc gia cộng sản rồi bị sáp nhập vào Liên Xô như Ukraine mà phe Hồng quân Nga còn có thể dùng Ba Lan làm bàn đạp để tiếp tục tiến công, đưa làn sóng cách mạng vô sản vào các nước trung tâm Châu Âu. Phe Bolshevik tin rằng sự sụp đổ của Ba Lan là tín hiệu cho sự khởi đầu của các cuộc cách mạng cộng sản quy mô lớn ở Ba Lan, Đức và các nước châu Âu khác, nơi người dân đang bất mãn vì kinh tế bị tàn phá do Chiến tranh thế giới I. Do chiến thắng của người Ba Lan ngay trước ngưỡng cửa thủ đô Warsaw, mọi kế hoạch của phe Bolshevik đã đổ bể. Thủ tướng Ba Lan Wincenty Witos đã gọi đây là ‘Phép màu ở Vistula’ năm 1920.
Sau khi Ba Lan bị Đức Quốc xã và Liên Xô xâm lược năm 1939, nhà độc tài Hitler đã cho đặt một đội bảo vệ danh dự tại mộ của Piłsudski ở thành phố Krakow. Trong một thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Piłsudski bị chính phủ cộng sản Ba Lan do Liên Xô dựng lên phỉ báng và lên án nhưng với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Piłsudski một lần nữa được công chúng tôn vinh là anh hùng dân tộc của đất nước Ba Lan.