Trước tiên chúng ta hãy cùng xem xét một thí nghiệm tâm lý học tiến hóa kinh điển: Nhà nghiên cứu tìm những đối tượng tình nguyện tham gia thí nghiệm, chia thành hai nhóm ngẫu nhiên và cho họ xem một bộ phim. Trong đó một nhóm xem bộ phim kinh dị nổi tiếng The Shining của Stanley Kubrick, nhóm còn lại xem bộ phim lãng mạn kinh điển Trước lúc bình minh.
Khi hai bộ phim chiếu đến đoạn cao trào, cảnh phim đột nhiên dừng lại, chuyển sang quảng cáo viện bảo tàng. Có hai loại quảng cáo, các tình nguyện viên sẽ xem ngẫu nhiên. Khẩu hiệu của quảng cáo đầu tiên là “mỗi năm bảo tàng đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan”, nhấn mạnh mức độ nổi tiếng, đông khách tham quan. Khẩu hiệu của quảng cáo thứ hai: Bảo tàng này “vô cùng độc đáo, khác lạ”, nhấn mạnh rằng nó khác biệt với những nơi khác. Sau khi kết thúc bộ phim, tình nguyện viên sẽ điền vào phiếu trả lời, đánh giá mức độ muốn đến thăm viện bảo tàng.
Kết quả là những người xem phim kinh dị sẽ ấn tượng với quảng cáo “mỗi năm bảo tàng đón hơn một triệu lượt khách tham quan”, người xem phim tình cảm lãng mạn thì ấn tượng hơn với quảng cáo bảo tàng này “vô cùng độc đáo, khác biệt”.
Trong thí nghiệm trước, những hình ảnh mang tính đe dọa trong phim kinh dị đã kích hoạt “mô-đun tự bảo vệ”. Dưới tác động của mô- đun này, chúng ta sẽ có xu hướng muốn đến nơi đông người vì ở đó an toàn hơn. Đây là lý do vì sao những người xem phim kinh dị ấn tượng mạnh với quảng cáo “Mỗi năm có hơn 1 triệu lượt khách tham quan”.
Trong khi đó cảnh phim tình cảm lãng mạn lại kích hoạt “mô-đun chọn vợ/chồng”. Mô-đun này đã khiến chúng ta hy vọng mình trở nên đặc biệt, dễ dàng thu hút được nửa còn lại. Lúc này quảng cáo “Mỗi năm có hơn 1 triệu lượt khách tham quan” trở nên thật tầm thường. Cái mà chúng ta muốn là điều gì đó nổi bật, khác lạ nên quảng cáo về bảo tàng “vô cùng độc đáo, khác biệt” khiến họ thấy thích thú hơn.
Do đó, cách bạn suy nghĩ, đưa ra quyết định và sở thích của bạn gần như bị chi phối hoàn toàn bởi các mô-đun chiếm giữ não bộ vào thời điểm đó.