Điều gì đã khiến đội quân của Thiếp Mộc Nhi (Timur Lenk) thành công đến vậy (Kỳ II)
Link kỳ I: https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1201271066890861/
Giới thiệu sơ qua:
Thiếp Mộc Nhi, biệt hiệu Timur Què hay Timur Thọt (do trúng tên vào chân khi còn nhỏ) sinh vào năm 1336 mất năm 1405 là thành viên của bộ lạc Ba Lỗ (Barlas) Mông Cổ. Ông được xem như là nhà chinh phạt vĩ đại cuối cùng từ thảo nguyên và là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo. Ông tổ 9 đời của ông là anh em ruột của cụ của Thành Cát Tư Hãn, và xét về vai vế thì vua cuối cùng của nhà Nguyên là Nguyên Huệ Tông phải gọi ông bằng ông mặc dù Nguyên Huệ Tông nhiều hơn ông 16 tuổi. Ao ước khôi phục lại những năm tháng huy hoàng của Đế quốc Mông Cổ, các chiến công hiển hách của ông bao gồm đánh bại Đế quốc Ottoman và bắt sống Sultan Bayezid I, đánh bại Nhà Mamluk Ai Cập, hủy diệt quân đội Kim Trướng Hãn quốc khiến Hãn quốc này không còn bao giờ ngóc đầu lên trở lại, khiến Hồi quốc Dehli suy yếu trầm trọng không thể quay trở lại năm tháng huy hoàng năm xưa, tạo tiền đề cho hậu duệ của ông là Babur chinh phục Dehli kiến lập nên Đế quốc Mogul hùng mạnh. Ông mất khi trên đường tiến quân đánh nhà Minh.
(tiếp kỳ trước)
Đội quân kỷ luật, đào tạo bài bản
Kỷ luật trong quân đội Thiếp Mộc Nhi là một điều đáng để chú ý. Sự kỷ luật này thường được duy trì bằng các hình phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp có thể bị tử hình. Mỗi khi một người lính không tuân thủ hoặc không tôn trọng một mệnh lệnh do chính Thiếp Mộc Nhi hay các tướng lĩnh ban hành, anh ta không chỉ đánh cược với tính mạng của bản thân mà còn của cả đơn vị. Rất hiếm khi quân đội Thiếp Mộc Nhi hành động thiếu kỷ luật. Hai trong số những trường hợp hiếm mà việc này xảy ra đó là sau các cuộc vây hãm Delhi và Damacus khi quân đội Thiếp Mộc Nhi thả sức cướp bóc, hà hiếp và sát hại dân chúng trong thành.
Một trong những lý do chính tạo nên sự kỷ luật cao độ trong hàng ngũ quân đội Thiếp Mộc Nhi đó chính là hệ thống lương thưởng. Binh lính và tướng lĩnh luôn được trả lương thường xuyên để đảm bảo sự trung thành và sự ủng hộ từ họ. Họ thậm chí còn được cung cấp cả lương hưu nếu yêu cầu. Trên tất cả, Thiếp Mộc Nhi cố gắng đảm bảo rằng binh sĩ của ông được trả lương đầy đủ và hài lòng trước mỗi lần xuất chinh.
Ngoài ra, Thiếp Mộc Nhi cũng thường tổng duyệt quân đội trước mỗi lần động binh. Các cuộc tổng duyệt thường do chính các tiểu vương (êmia) hay do đích thân Thiếp Mộc Nhi thi hành. Việc tổng duyệt quân đội giúp đảm bảo rằng quân đội luôn có kỷ luật cũng như được đào tạo tốt. Trước mỗi lần thực hiện một trận đánh hoặc một cuộc chiến quy mô lớn, quân đội Thiếp Mộc Nhi luôn được tổng duyệt một cách tỉ mỉ để đảm bảo rằng ba quân đã sẵn sàng. Cả các khí tài quân sự cũng luôn được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo mỗi người lính sẽ sử dụng đúng vũ khí. Một ví dụ là trước khi thực hiện cuộc chiến chống lại Kim Trướng Hãn quốc, Thiếp Mộc Nhi đã đích thân duyệt binh, kiểm tra kỹ lưỡng mọi thứ trong vòng hai ngày. Tất nhiên là với số lượng binh lính không nhỏ, thì dù có kiểm tra kỹ lưỡng đi chăng nữa thì cũng không loại trừ khả năng bỏ sót một số thứ.
Để đảm bảo mỗi thành viên trong quân đội đều được huấn luyện, chuẩn bị kỹ càng cho chiến tranh, họ được dạy đấu vật và đối kháng. Các cuộc đi săn quy mô lớn cũng đã được sử dụng như một phương pháp huấn luyện quân đội.
Hành động thiếu kỷ luật có thể bị đáp trả bằng hình phạt không dễ chịu chút nào. Tùy thuộc vào mức độ phạm tội, nó có thể dẫn tới hình phạt cho cá nhân hoặc thậm chí cho cả một đơn vị. Ví dụ trong một lần Thiếp Mộc Nhi thấy một người lính ngủ trên lưng ngựa. Viên chỉ huy của người lính này ngay lập tức bị Thiếp Mộc Nhi quở trách. Chốc lát sau, ông ta đã quay trở lại dưng lên cho ông thủ cấp của người lính đã ngủ gật lúc nãy kia. Còn một lần một đơn vị đánh mất nhiều ngựa khi đang trên đường rút lui, kết quả là cả đơn vị bị giải tán ngay sau đó.
Đội quân được trang bị tốt
Quân đội Thiếp Mộc Nhi là một trong những đội quân được vũ trang tốt nhất thế giới vào thời bấy giờ. Nghệ nhân và thợ thủ công lành nghề từ nhiều nơi khắp châu Á đã bị bắt và đưa về kinh đô Samarkand. Tại đây, họ thực hiện chế tạo các vũ khí và áo giáp tối tân nhất thời điểm đó cho quân đội của nhà chinh phạt Trung Á này.
Nhưng nguồn vũ khí và áo giáp của Timur không chỉ giới hạn ở Samarkand và Trung Á. Gruzia và Damascus cũng được biết đến là một nơi cung cấp áo giáp và vũ khí chất lượng.
Không chỉ được trang bị nhiều vũ khí tốt, quân đội Thiếp Mộc Nhi cũng rất đa dạng. Lực lượng kỵ binh không chỉ bao gồm mỗi ngựa mà còn có cả lạc đà và tượng binh. Nhất là sau khi chinh phạt Ấn Độ quay trở về, Thiếp Mộc Nhi dần trở nên hứng thú với voi chiến. Ông sử dụng rất nhiều voi chiến trong quân đội của mình và chúng đều được bọc giáp sắt kín toàn thân, kiếm thì được cột ở ngà.
Quân đội Thiếp Mộc Nhi cũng luôn luôn phát triển bằng cách học hỏi và thích nghi với kẻ thù. Từ mỗi kẻ thù mà họ đánh bại, họ học được các phương pháp và vũ khí chiến tranh mới. Từ người Ấn Độ, họ có thêm voi chiến. Từ người Iran, họ học hỏi cách thức chế tạo các loại vũ khí công thành, từ người Ottoman, họ tiếp thu thêm thuốc súng. Từ người Đông La Mã, họ có thể đã học được lửa Hy Lạp dùng để thiêu trụi hạm đội Thập tự chinh trong cuộc bao vây Smyrna (bờ tây Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Đến khi chuẩn bị đông chinh đánh nhà Minh, quân đội Thiếp Mộc Nhi đã sở hữu một kho vũ khí cũng như chiến thuật đa dạng.
Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất về quân đội Thiếp Mộc Nhi là rằng họ không có vũ khí sử dụng thuốc súng. Đội quân này đã sở hữu hỏa khí vài năm trước khi lên kế hoạch đánh chiếm nhà Minh. Việc này đã được chứng thực bởi sứ giả người Tây Ban Nha Ruy González de Clavijo trong chuyến thăm Samarkand của ông. Ông cũng thuật lại rằng Thiếp Mộc Nhi đã cho bắt các thợ làm súng Thổ Nhĩ Kỳ mang về nước sau khi đánh bại quân Ottoman năm 1402. Những người thợ làm súng này đã bắt đầu sản xuất súng Arquebus (hỏa mai) vào năm 1406.
Ngoài ra còn có một số bằng chứng về một loại đại bác sơ kỳ có tên là Kaman-i-Rad, được đề cập như là một loại vũ khí công thành. Hiện nay việc Kaman-i-Rad chính xác là cái gì vẫn là một chủ đề được các nhà nghiên cứu tranh luận. Một số người tin rằng đó là một loại đại bác thời kỳ đầu, trong khi những người khác thì lại không tán thành với quan điểm này.
Điều chắc chắn là vũ khí sử dụng thuốc súng không phổ biến trong quân đội Thiếp Mộc Nhi như trong quân Minh. Theo ước tính thì dưới thời Thành Tổ Chu Đệ, số quân Minh được trang bị hỏa khí theo ước tính là phải trên 130.000 người (Nguồn The Gunpowder Age: China…, năm 2016 của Tonio Andrade)
Sùng bái chủ nghĩa anh hùng
Thiếp Mộc Nhi tôn trọng lòng dũng cảm và cực kỳ coi thường sự hèn nhát. Sự sùng bái chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm trong quân đội Thiếp Mộc Nhi dường như bắt nguồn từ chính bản thân ông. Mặc dù bị thọt chân do bị trúng tên lúc ăn trộm gia súc hồi còn nhỏ, Thiếp Mộc Nhi được biết là đã đích thân tham chiến ở tuyến đầu trong một số trận đánh quan trọng. Chúng ta biết rằng ông từng đích thân giao chiến với quân đội Kim Trướng Hãn quốc. Theo một nguồn tài liệu thì, Thiếp Mộc Nhi trong trận này đã chiến đấu đến khi ông không còn mũi tên nào nữa còn ngọn giáo thì bị gãy.
Chủ nghĩa anh hùng được tôn trọng và ngưỡng mộ trong hàng ngũ quân đội Thiếp Mộc Nhi. Một người lính dũng mãnh đã chứng tỏ bản thân trên chiến trận có cơ hội nhận được danh hiệu Tarkhan (Hán Việt là “Đạt Cán”, nghĩa là “anh hùng”). Khi nhận được danh hiệu này, anh ta không còn phải nộp thuế, được phép giữ mọi chiến lợi phẩm mà anh ta thu được mà không phải sung công quỹ. Anh ta được phép diện kiến Thiếp Mộc Nhi mà không cần bẩm báo xin phép trước. Anh ta cũng được bảo vệ khỏi bị khởi tố tới khi phạm tội chín lần (tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội đó, chín lần này chắc là tội vặt). Những đặc quyền này sẽ không mất đi sau khi anh ta chết mà còn được truyền tới bảy đời. Điều này có nghĩa là một người đàn ông có bần hàn, có thân phận thấp kém hoặc thậm chí là nô lệ có thể “một bước lên mây” trở thành quý tộc nếu anh ta chứng tỏ sự dũng mãnh và được phong làm Tarkhan.
Sự dũng cảm sẽ được ban thưởng hậu hỉ và sự hèn nhát cũng sẽ bị trừng phạt rất nặng. Nếu một người lính hay một sĩ quan đã chứng tỏ mình là một kẻ hèn nhát thì anh ta sẽ bị sỉ nhục công khai ngay tại kinh đô Samarkand. Anh ta sẽ bị lột sạch quần áo, bị vẽ lên mặt và sẽ bị rước đi phô diễn trước bá tánh. Anh ta cũng sẽ phải ăn mặc như phụ nữ và bị buộc phải diễu hành khắp mọi cung đường của Samarkand để tất cả đều biết rằng anh ta là một kẻ hèn nhát và không xứng đáng được gọi là một người đàn ông.
(còn tiếp)
—
Sưu tầm và dịch
—
Tài liệu tham khảo:
- https://www.quora.com/Who-is-historys-greatest-badass-and-why
- https://journals.openedition.org/asiecentrale/470
- Power, Politics and Religion in Timurid Iran, Beatrice Forbes Manz
- https://www.youtube.com/watch?v=GYOgWwmwRkc
- https://www.youtube.com/watch?v=y95sYUkQJuA
- https://www.youtube.com/watch?v=issEot6c0d0
- https://www.youtube.com/watch?v=Nc4MCFrPiUg