Điều đầu tiên mà người ta sẽ để ý nếu họ trông thấy quân đội Thiếp Mộc Nhi đó chính là sự đa dạng của nó. Quân Thiếp Mộc Nhi không chỉ bao gồm người du mục Mông Cổ – Đột Quyết, mà còn bao gồm Ba Tư, Ấn Độ, Afghanistan, Ả Rập, Gruzia, Armenia và các chủng tộc khác nữa. Dù chính bản thân Thiếp Mộc Nhi tuyên bố rằng ông dẫn dắt một đội quân Hồi giáo ngoan đạo, nhưng trên thực tế đội quân của ông còn chứa một lượng lớn binh lính theo các tôn giáo khác bao gồm Thiên Chúa giáo, Pagan giáo, Hỏa giáo, Tengri giáo…
Đội quân của Thiếp Mộc Nhi có thể được chia ra thành hai bộ phận chính: Nhóm du mục và nhóm người được chiêu mộ từ tầng lớp dân thành thị.
Lực lượng du mục là lực lượng nòng cốt của quân đội Thiếp Mộc Nhi trong suốt triều đại của ông. Lực lượng cốt lõi này được cấu tạo từ 40 bộ lạc (Ulus – Oát Nhĩ Đóa) từ Hãn quốc Sát Hợp Đài (gọi là Chagatai Ulus). Ngoài nhóm này ra thì cũng có các nhóm du mục khác cũng tham gia quân đội TMN, có thể kể đến như Bộ tộc Cừu đen (Kara Koyunlular) người Đột Quyết.
Lực lượng thứ hai của quân đội TMN được cấu thành từ những người sống trong các khu định cư, hay thành thị. Đa phần những người này đều thuộc chủng tộc Iran. Ban đầu, Thiếp Mộc Nhi đã chiêu mộ những người Iran này làm lực lượng dân quân/quân trợ chiến (auxiliary). Khi đế quốc càng ngày càng mở rộng, TMN cũng thu nạp thêm binh sĩ gốc Ấn, Ả Rập, Gruzia và Armenia vào quân đội của mình.
Đội quân đa dạng của Thiếp Mộc Nhi cho phép ông có thể chiêu mộ từ nhiều nhóm sắc tộc khác nhau chứ không nhất thiết phải từ một nhóm người nào nhất định, điều này cho phép ông có thể tập hợp nên một đội quân khổng lồ và thực hiện một loạt các chiến thuật rất đa dạng. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều nhóm khác nhau giúp ông có thể kiểm soát họ dễ dàng hơn, không một nhóm nào nắm quá nhiều quyền hành và nếu một nhóm nổi loạn, các nhóm còn lại sẽ dễ dàng xử lý.
Quân đội Thiếp Mộc Nhi được tổ chức rất chặt chẽ và cực kỳ kỷ luật theo cách tương tự như người Mông Cổ trước đó. Các nhóm bộ lạc lớn được gọi là Ulus ví dụ như Chagatai Ulus. Mỗi Ulus lại được chia thành nhiều tumen, mỗi tumen có chính xác 10.000 người. Vào thời của Thiếp Mộc Nhi, thuật ngữ Mingghan trong tiếng Mông Cổ để chỉ 1.000 người đã bị thay thế và quân đội TMN ưa thích sử dụng thuật ngữ tương tự trong tiếng Ba Tư là Hazara hơn. Bất kỳ nhóm nào nhỏ hơn 1.000 và lớn hơn 50 người sẽ được gọi là Qoshun… Cấp bực sĩ quan trong quân đội không cụ thể lắm. Hạng cao nhất là Êmia (tiểu vương), thường chỉ huy tumen. Tiếp đó là các tướng lĩnh cấp cao gọi là Sardar và Bahadur. Dưới nữa là Ming-Bashis chỉ huy 1.000 người, Yuz-Bashis chỉ huy 100 người và On-Bashis chỉ huy 10 người.
Một đội quân sẽ được gọi là Ordu và được chia thành các nhóm nhỏ hơn gọi là Fauj. Các lực lượng trợ chiến được gọi là Hashar.
Một điều đáng chú ý là quân đội Thiếp Mộc Nhi là một trong những đội quân áp dụng quân phục để duy trì trật tự và tổ chức. Mỗi một đơn vị riêng trong một đội quân hay các cấp bực sĩ quan khác nhau đều có mẫu đồng phục riêng. Màu sắc giúp phân biệt đơn vị mà một binh sĩ thuộc về, điều này giúp việc cho tổ chức trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Ngay cả khi phải di chuyển trong các chiến dịch quân sự, quân đội Thiếp Mộc Nhi vẫn được tổ chức một các chặt chẽ. Binh sĩ và dân phu đều di chuyển trong một đội hình cụ thể. Quân đội TMN được tổ chức tốt đến mức thậm chí còn cho phép nhà tắm di động (hamam) đi theo để binh sĩ có thể tắm rửa trong lúc hành quân.
Quân đội được tổ chức tốt để mỗi người lính biết rõ vai trò của mình trong quân. Mỗi người đều biết mình thuộc nhóm nào, và nhóm của họ thuộc đơn vị nào. Tất cả những điều này đã giúp tạo ra cảm giác tình anh em gắn kết giữa mọi người với nhau và làm tăng sự trung thành. Một hành động hèn nhát hoặc phản trắc của một người có thể khiến cả nhóm phải cùng chịu tội.
Chiêu mộ kẻ thù cũ
Nét đặc biệt này của quân đội cũng như chính quyền Thiếp Mộc Nhi đem lại lợi thế vượt trội so với những địch thủ của ông. Thiếp Mộc Nhi không thực sự quan tâm tới việc ai đó đã từng là kẻ thù của ông trong quá khứ. Một khi mỗi một dân tộc hay vùng đất bị khuất phục, chúng sẽ lại được dùng để làm nơi tuyển mộ tân binh.
Điều này đã dẫn đến việc nhiều kẻ thù trong quá khứ của Thiếp Mộc Nhi sẽ chiến đấu dưới trướng của ông trong các cuộc chinh phạt sau này của ông và dần trở thành một phần không thể thiếu của bộ máy quân sự Thiếp Mộc Nhi.
Khi một dân tộc bị khuất phục, họ được lệnh phải cung cấp một số lượng binh sĩ nhất định để hỗ trợ Thiếp Mộc Nhi trong các cuộc chinh phạt tiếp theo. Vì thế có thể nói rằng, Thiếp Mộc Nhi dùng kẻ thù cũ để chinh phục kẻ thù mới. Và một khi kẻ thù mới này bị chinh phục, chu kỳ tương tự sẽ lại tiếp diễn.
Quân đội khổng lồ
Đây là điều mà nhiều người dường như không nhận ra. Với mỗi lần chiến thắng, quân đội của Thiếp Mộc Nhi lại ngày càng lớn mạnh. Vào thời điểm Thiếp Mộc Nhi sẵn sàng để xâm lược nhà Minh, mặc dù chúng ta không hề có con số chính xác nhưng quân đội của ông có tổng số có thể lên tới vài trăm nghìn.
Chúng ta biết rằng Thiếp Mộc Nhi đã dùng khoảng 90.000 tới 100.000 binh sĩ để chinh phục Hồi quốc Delhi. Tuy nhiên, con số này dường như chưa được một nửa so với binh lực thực sự của ông. Trước đây, khi Bắc phạt Kim Trướng Hãn quốc ở Nga ngày này, Thiếp Mộc Nhi đã huy động tới 200.000 người tham gia chiến dịch này. Ông đã sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để nghiền nát Kim Trướng Hãn quốc một lần và mãi mãi khiến Hãn quốc này không còn ngóc đầu lên được.
Quân đội Thiếp Mộc Nhi càng về sau càng bị phân tán vì ông cần một lực lượng quân đồn trú địa phương lớn để duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ đế chế của mình. Tùy thuộc vào sức mạnh của kẻ thù và khả năng hậu cần, Thiếp Mộc Nhi sẽ sử dụng một đội quân có kích thước phù hợp trong các chiến dịch của mình.
Một điều thú vị cần lưu ý là Thiếp Mộc Nhi khởi nghiệp với chỉ chưa đầy chục người. Có tài liệu ghi lại rằng, khi bắt đầu Thiếp Mộc Nhi chỉ có một người theo mình. Trên thực tế thì ông có lẽ có 4-10 người phò trợ khi ông bắt đầu sự nghiệp của mình, tuy nhiên nếu so sánh con số 4-10 người với vài trăm nghìn người vào thời kỳ đỉnh cao thì đây thực sự là một thay đổi ngoạn mục.
(còn tiếp)
—
Sưu tầm và dịch