ĐIỆP VIÊN VÀ CẢNH SÁT MẬT LA MÃ

Người La Mã luôn có một số loại gián điệp hoặc điệp viên, mặc dù thường được phân cấp và chỉ đạo bởi các tướng lĩnh hoặc chính trị gia và không bao giờ theo cách có tổ chức. Điều này đặc biệt đúng ở thành phố Rome, nơi đầy rẫy những lời thì thầm và những âm mưu bất tận

Bất cứ nơi nào các quân đoàn La Mã đi đến, ban lãnh đạo quân đội cần phải có được thông tin về đất đai và về các vị trí và quân số của kẻ thù, họ sử dụng những người đưa tin và gián điệp để nắm các thông tin đó.

Trong những ngày đầu, quân đội La Mã sử ​​dụng những binh lính khôn ngoan, lanh lợi nhất của mình để thu thập thông tin tình báo. Các chỉ huy quân sự, như Julius Caesar, bắt đầu dựa vào một nhóm binh lính cụ thể cho những công việc cần phải thực hiện bí mật. Đây là những kẻ được gọi là speculatores, được sử dụng như những người đưa tin, gián điệp và cảnh sát mật.

Các thượng nghị sĩ và chính trị gia La Mã cũng có mạng lưới cung cấp thông tin riêng cho phép họ có được những tin đồn mới nhất về các đối thủ của mình.

Do đó, luôn có những điệp viên trên khắp Đế chế La Mã, nhưng những điệp viên đầu tiên này thường chỉ báo cáo cho người chủ trực tiếp của họ (thượng nghị sĩ hoặc tướng lĩnh cụ thể), chứ không phải cho quân đội hay quốc gia nói chung.

Vào thời Domitian, một tổ chức quân sự gọi là Frumentarii ra đời, đặt trụ sở tại doanh trại Castra Peregrina, trên đồi Caelian. Ban đầu, tổ chức này được giao nhiệm vụ cung cấp ngũ cốc cho quân đội, chuyển giao thư tín giữa các tỉnh của đế chế, và thu tiền thuế.

Sau khi Triều đại Flavian kết thúc, Frumentarii đã phát triển thành lực lượng cảnh sát. Họ làm việc với tư cách là hạ sĩ quan với đội ngũ pháp quan. Tổ chức này là một phần của quân đội, và các thành viên của nó được tuyển mộ từ quân đội. Đến thế kỷ thứ 2, nhu cầu về một cơ quan tình báo trên toàn đế chế đã rõ ràng.

Nhưng ngay cả một vị hoàng đế cũng không thể dễ dàng tạo ra một văn phòng mới với mục đích cụ thể là do thám công dân ở các vùng xa xôi của Rome. Thế nên Hadrian đã tìm ra một thỏa hiệp thích hợp. Ông sử dụng người của Frumentarii như một cơ quan gián điệp vì nhiệm vụ đặc thù của họ đã giúp họ tiếp xúc với đủ loại người dân địa phương và người bản xứ, cho phép họ thu thập được thông tin tình báo đáng kể về bất kỳ lãnh thổ nhất định nào. Bên cạnh những nhiệm vụ này, họ cũng có thể giám sát và bảo vệ các hoạt động khai mỏ.

Frumentarii chính là lực lượng cảnh sát bí mật và cơ quan tình báo ở La Mã cổ đại. Hoàng đế sẽ sử dụng họ để thu thập thông tin về bạn bè, gia đình, quan chức hoặc binh lính, thậm chí của chính họ. Tổ chức này đôi khi được giao nhiệm vụ ám sát bất cứ ai mà hoàng đế muốn.

Nông dân không ưa những người của Frumentarii do bắt bớ sai lầm và tùy tiện. Họ bị coi như một “bệnh dịch” chuyên chế trên đế chế. Những lời phàn nàn này dẫn đến sự giải tán tổ chức vào năm 312 CN dưới thời trị vì của Diocletian. Tổ chức Frumentarii được thay thế bởi tổ chức Agentes in rebus.

Các agentes in rebus mở rộng công việc đã được thực hiện trước đây bởi các frumentarii. Ngoài việc làm các công việc thông thường, chẳng hạn như hoàn thành các vai trò của giao thông viên, gián điệp, nhân viên thu thuế và cảnh sát, các đặc vụ cũng làm việc như giám sát xây dựng và thậm chí là đại sứ.

Điều thú vị là giới lãnh đạo La Mã tập trung các tổ chức tình báo chuyên nghiệp của họ chủ yếu vào dân số của họ trong đế chế, thay vì các mối đe dọa từ nước ngoài. Các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo quân sự ở biên giới của đế chế thường sử dụng các trinh sát và điệp viên của họ để thu thập thông tin về kẻ thù. Tuy nhiên, các nhóm gián điệp có tổ chức hơn, như frumentarii và agentes in rebus, dường như chủ yếu nhắm vào việc tìm kiếm những kẻ bất đồng chính kiến ​​trong đế chế và khám phá những âm mưu nội bộ.

Nguồn: Internet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *