Đầu tiên phải nhắc một điều thế này. Bây giờ nói đến Kremlin người ta nghĩ liền tới Điện Kremlin ở Moscow nơi Tổng thống Nga ở. Kỳ thực thì gọi như thế là sai, kremlin (Кремль) là một danh từ chung chứ không phải tên riêng.
Số là ngày xưa các thành phố, lãnh địa của Nga khi xây họ có 3 khu (thông thường là thế). Khu lõi trong cùng, kiên cố nhất, bất khả xâm phạm chính là kremlin. Bao ngoài kremlin là một lớp phòng thủ khác cũng có tường thành và công sự, gọi là Окольный (không có từ nào để dịch, cứ gọi tạm là Đường bao đi). Khu ngoài cùng, có dân ở nhưng chẳng có bảo vệ, gọi là Posad (Посад – nghĩa đen là khu định cư).
Nên là mỗi khi quân địch tấn công các thành phố Nga, chúng sẽ phá tan các khu dân cư bên ngoài trước, cướp phá chán chê rồi sẽ đánh vào lớp phòng thủ thứ 2 là Окольный. Hên thì quân Nga đẩy lùi được, còn xui thì tường thành bị hạ và quân giặc tràn vào cướp tiếp cư dân trong thành. Còn quan quân dân chúng sẽ chui tọt vào kremlin ngồi chờ quân giặc rút đi, vì công phá kremlin rất khó nhọc. Đó chính là những gì diễn ra ở Moscow cũng như nước Nga suốt thời trung đại mỗi khi quân Mông Cổ tấn công.
Do vậy, chính xác phải gọi điện Kremlin ngày nay là “kremlin của Moscow” – chính là phần lõi phòng thủ kiên cố còn sót lại thời trung cổ đã bao bọc con dân Moscow mỗi lần thành thất thủ. Vậy nhưng câu hỏi là: điện Kremlin xây thế nào mà bảo vệ được trước các cuộc tấn công?
-Theo ghi chép, vào khoảng giữa thế kỷ 12 khi trung tâm của nước Nga còn đang ở Vladimir và Moscow mới chỉ là một khu định cư nhỏ, người ta đã xây nền móng của kremlin phòng thủ. Thời đó người ta đào bên ngoài một hào (Ров) rộng 16m, sâu 5m. Bên trong là một kè bằng đất đắp ở độ cao 7m, đoạn rộng nhất tới 14m. Ở vài đoạn có tường và tháp canh bằng gỗ.
Với bờ kè bằng đất như thế, kremlin của Moscow đã chặn được quân Mông Cổ vào năm 1238 tới tận… 5 ngày và sau đấy, toàn bộ quân thủ thành bị đồ sát bao gồm cả Đại công tước Yuri Vsevolodovich của xứ Vladimir.
-Tới năm 1339, Vương công Ivan I của xứ Vladimir xây lại tường kremlin bằng gỗ sồi.
-Tới năm 1368, quân Lithuania vây Moscow nhưng không hạ được kremlin. Cũng từ đây, đại vương công Dmitry Donskoy có quyết định bước ngoặt: xây lại tường kremlin bằng đá trắng kiên cố. Do vậy mà quân Lithuania 2 lần đánh kremlin đều không phá được (năm 1368 và 1370).
-Tới năm 1382, Thoát Thoát Mê Thất – hãn vương của Kim Trướng đánh Moscow cũng không phá được kremlin. Nhưng ông dụ hàng dân Moscow, mà dân Moscow cũng ngây thơ tin thật. Chuyện gì xảy ra với dân Moscow thì chắc không cần nói, nhưng mà tường đá trắng cũng bị quân Mông Cổ đục hỏng.
-Dân Moscow sau đấy một lần nữa xây lại bằng đá trắng, nhưng lần này chất lượng kém hẳn, trở nên đổ nát. Do vậy Ivan III năm 1485 đã nhờ các kỹ sư từ Ý thiết kế một bức tường bằng gạch – chính là thứ ta thấy ngày nay. Từ đó đến giờ dù Moscow có bị chiếm hay không thì cũng chẳng ai làm gì tới bức tường gạch đỏ của Kremlin đó nữa!
Ảnh: tường kremlin Moscow xây bằng đá trắng thế kỷ 14