Dịch bệnh, đói kém, thiên tai ở Việt Nam – thế kỉ 19

Bước sang thế kỉ 19, tình hình vẫn không khả quan hơn thế kỉ 18, thậm chí có phần bi đát hơn.

Dịch tả năm 1820 làm 206.835 người thiệt mạng (đại thi hào Nguyễn Du là nạn nhân của trận dịch này), trận dịch năm 1840, 67.000 người thiệt mạng, năm 1849-1850, hơn 589.000 người thiệt mạng. (1)

Giữa hai thời điểm này, dông bão năm 1842 phá hủy hơn 40.000 nhà, gần 700 ghe và hơn 5.200 người thiệt mạng ở Nghệ An, phá hủy 9.160 nhà, 136 ghe và làm 157 người thiệt mạng ở Hà Tĩnh; dông bão năm 1846 phá hủy 22.908 nhà, 296 ghe và 120 người thiệt mạng ở Nghệ An, phá hủy 1913 nhà, 9 ghe và 34 người thiệt mạng ở Hà Tĩnh. (2)

Về các nạn đói tiếp sau đó thì con số không đếm được: nạn đói khủng khiếp nhất vào thời kì này diễn ra trong năm 1856-1857 khiến hàng chục nghìn người chết. Đa số là do vỡ đê nên mất mùa. Chỉ nguyên dưới triều Tự Đức, đê Khoái Châu – Văn Giang giữa Hà Nội và Hưng Yên đã bị nước cuốn đi trong 18 năm liên tiếp và vùng này biến thành sa mạc. Cả huyện Văn Giang thành bãi cát bỏ hoang, dân gian đói khổ, nghề nghiệp không có, cho nên người đi làm giặc ngày càng nhiều vậy. (3)

“Trên một diện tích 10 nghìn dặm, nhà cửa hoàn toàn bị phá hủy.
Sâu bọ làm ổ trên ngọn tre và ngọn cây.
Mùa thu trở về, nhưng cây lúa không có đến nửa bông.
Những hạt lúa còn lại đều bị ếch nhái và rùa ăn sạch.
Mỗi người hối hả tìm kiếm cái ăn cho riêng mình.
Nhưng vì không thể mua được gì, người ta trở về với hai bàn tay không, đau đớn” (Bùi Quang Tung, Việc kế vị Thiệu Trị, 1967)

Miền Bắc là vùng đất dân cư đông đúc nhưng không ngừng bị đe dọa bởi lũ sông Hồng, không bị lũ thì hạn hán và sâu rầy phá hoại mùa màng. Hậu quả là những nạn đói. Cộng thêm gánh nặng thuế khóa và lao dịch, nạn tham nhũng, hách dịch của quan lại và cường hào địa phương, nạn đói của người nông dân miền Bắc lại đẩy lên một tầng nữa. (4)

Trước đó, tháng 5/1854, một nạn khác là nạn châu chấu tàn phá toàn bộ mùa màng hai tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh. Tại đây, cuối năm này nổ ra cuộc nổi dậy của “giặc châu chấu” do Lê Duy Cự và một nhân vật rất nổi tiếng là “Thánh Quát”, Cao Bá Quát lãnh đạo. (5)

Những diễn biến các năm 1854-1856 là một chuỗi thiên tai, địch họa liên tiếp làm nhà Nguyễn suy yếu và tạo thuận lợi cho ngoại quốc xâm lược: lụt lội, hạn hán, mất mùa, nạn đói, cướp bóc, sự bất lực của triều đình và quan lại nhà Nguyễn. (6)

Một đoạn vè khuyết danh về triều Tự Đức:
“Cơm thì chẳng có
Rau cháo cũng không
Đất trắng xóa ngoài đồng
Nhà giàu niêm kín cổng
Còn một bộ xương sống
Vơ vất đi ăn mày
Người xó chợ lùm cây
Quạ kêu vang bốn phía
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét
Dân nghèo cùng kiệt
Kẻ lưu lạc tha phương
Người chết chợ chết đường
…” (Nguyễn Phan Quang, 2006)

Nguyên nhân của tình hình trên là từ thời Thiệu Trị và Tự Đức, do Nhà nước “lắm việc” (tư bản Pháp uy hiếp và nguy cơ bị xâm lược) nên triều đình ko lo được nông nghiệp nhiều như trước, bỏ bê việc đê điều. (7) Trình độ phát triển trong nông nghiệp phong kiến cũng đi tới cực hạn của nó.

Sau nạn đói lớn 1856-1857 ở Bắc Bộ và Trung Bộ, rồi các trận ôn dịch kịch liệt, từ 1859-1860, số người chết dịch ở Nam và Bắc đến 60 vạn (10% dân số). Thời kì này nhân dân nhiều miền đều điêu hao ly tán cả. Cái cảnh tượng hàng nghìn người kéo nhau bỏ quê hương sang các miền khác tương đối khá hơn để xin ăn và tìm việc là thường thấy luôn. Công thương nghiệp lạc hậu cũng không giúp gì được cho một nền nông nghiệp kiệt quệ (8).

Từ 1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở ra một kỷ nguyên khác trong lịch sử Việt Nam.

(1)-(6): Lê Thành Khôi, Lịch sử VN, Nhã Nam 2014; Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược
(7)-(8): Đào Duy Anh, Lịch sử VN, NXB VHDT, 2018

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *