CẢNH BÁO: Bài viết chứa những tình tiết gây ám ảnh và không phù hợp với trẻ em!
Răng Vàng chính là bang chủ, đám ăn mày ở Cổng trước đều do hắn ta thu nạp, đứa bé viết chữ cũng thuộc quyền quản lý của hắn ta. Tôi hỏi hắn, những đứa trẻ mất tích ở Triều Dương Môn và Đông Tứ phải gặp ai để hỏi. Răng Vàng lắc đầu, thở dài một cái nói : “Cái này anh hỏi nhầm người rồi, những chuyện như bắt cóc hại người chúng tôi đâu dám làm.” Răng Vàng nói, đứa trẻ dùng chân viết chữ là do hắn ta mua về, “Đắt lắm đấy, mấy đứa viết được chữ bằng chân đâu có dễ mua.”
Chiêu làm ăn của cái bang thì ra phức tạp hơn tôi nghĩ nhiều. Người của cái bang đều được phân ra từng nhóm để quản lý. Đi khắp hang cùng ngõ hẻm gọi là hoa tử, có kẻ ngày thì kiếm ăn, đêm thì đi bắt cóc. Còn có những kẻ làm bà đỡ, thấy nhà nào đẻ con gái mà không muốn nuôi liền tự mình nuôi vài tháng rồi chuyển cho người môi giới. Ở những ngôi làng xa xôi của huyện Thông, Đại Hưng cũng có nhiều người muốn rũ bỏ trách nhiệm nên đem bán con cái.
“Mấy đứa trẻ đó đều bị làm cho tàn tật rồi đem bán sao?”
“Trực tiếp làm điều đó thì quá mạo hiểm. Tuyên Võ Môn có một nữ hoa tử, chuyên đóng giả bà lão tốt bụng (cách gọi khác của kẻ bắt cóc là nữ), ngắt một chiếc lá (bắt cóc một bé gái), cắt gân tay chân rồi cõng ra đường, bị người ta phát hiện ra liền đánh chết ngay tại chỗ !” Răng Vàng nói, bởi vì thủ đoạn chiết cát rất tàn nhẫn, chỉ có kẻ đủ ác độc mới dám làm, phần nhiều ăn mày sẽ « giả dạng », tự cải trang thành người tàn tật.
Chung Thụ Hải ngắt lời hắn ta, bảo hắn khai ra đã giao dịch như thế nào. Răng Vàng lại thở dài một hơi, nói : “Tôi chỉ là con buôn nhị đạo, tiền trao thì cháo múc. Đảo tay, trao hàng.”
“Đảo pháp là như thế nào ?”
“Tìm Ngũ Nhạc Môn.”
Tôi nhớ lại tấm bài vị trong bức ảnh kia và hỏi Ngũ Nhạc Môn là gì.
Răng Vàng nói Ngũ Nhạc Môn là một môn phái xuất hiện trong thời kỳ Canh Tử, tôn Vân Tiêu lên làm lão tổ. Ngũ Nhạc Môn và cái bang có quan hệ giao dịch với nhau. Ăn mày được mua về ở khắp nơi sẽ được bán lại cho Ngũ Nhạc Môn, Ngũ Nhạc Môn sẽ hô biến những đứa trẻ ấy thành muôn kiểu tàn phế rồi lại bán cho cái bang. Tuy rằng cái giá khá đắt nhưng dùng ăn mày tàn tật kiếm ăn còn kiếm lại được hơn thế nhiều.
“Nói vậy chứ, Ngũ Nhạc Môn ghê gớm là vậy nhưng cũng chẳng ra gì, tôi cũng mất khối tiền cho bọn chúng rồi !” Răng Vàng vừa nói vừa chửi.
Tôi hỏi: “Đám trẻ con tàn tật kiếm được nhiều tiền mà, sao lại nói là mất tiền ?”
“Dạo gần đây mấy đoàn kịch mua mạnh quá, nên bọn chúng tăng giá rồi!”
“Đoàn kịch”
Răng Vàng lầm bầm chửi, nói : “Đó là tạp kỹ mãi nghệ, Ngũ Nhạc Môn tự mình mua đứt mấy đứa trẻ đoàn kịch rồi tự làm ăn riêng, chúng tôi còn làm gì được nữa chứ?”
“Làm thế nào để tìm được bọn Ngũ Nhạc Môn này?”
Răng Vàng nói, buổi tối ở Tiên Nông Đàn có một cái hội, cái bang ở khắp nơi sẽ đến, bái kiến môn chủ của Ngũ Nhạc Môn. Tôi hỏi có thể dẫn tôi đi không, Răng Vàng lắc đầu ngay: “Tốt nhất không nên đi, việc này gánh không nổi. Hơn nữa, có đi cũng vô ích.”
Chung Thụ Hải cười : “Ý là chuyện này cũng ngoài khả năng của tôi có phải không ?”
Răng Vàng cũng cười, để lộ ra những chiếc răng vàng trong mồm: “Hải Gia tiếng tăm tuy rất lớn, nhưng Ngũ Nhạc Môn không nể nang và cũng không ngán ai bao giờ, ra tay rất tàn tộc. Ngộ nhỡ bị rắn cắn phải thì ta cũng không thể cắn lại nó có phải không?”
Tôi nói : “Vậy chỉ tôi và anh đến đó, đến nơi chúng ta không cần nói gì, chỉ quan sát. Dù gì cũng không ai quen biết chúng ta.”
Răng Vàng vò đầu suy ngẫm một lúc rồi cũng đồng ý. Tôi nhìn Chung Thụ Hải, anh ta vẫn hút thuốc, không nói năng gì.
Trên đường từ Chính Dương Môn quay trở về thành, tôi hỏi Chung Thụ Hải rằng quan hệ giữa anh ta và tên Răng Vàng là gì. Chung Thụ Hải trả lời qua loa vài câu, cũng không nói rõ. Một lúc sau lại nói: “Thân phận của tôi có liên quan đến Viên tiên sinh, chi bằng hôm khác anh hỏi trực tiếp anh ấy đi.”
Tôi cũng không hỏi thêm về chuyện này nữa mà chuyển sang nói về chuyện cô bé nhà họ Mục ở Triều Dương Môn : “Nếu anh đã người trong đạo quen biết nhiều, hay là anh giúp họ thăm dò đi.”
Chung Thụ Hải đồng ý ngay, nói sẽ để ý.
Chín giờ tối, tôi và Răng Vàng đến Tiên Nông Đàn. Năm kia nơi này được sửa sang lại thành công viên Thành Nam, nhưng thực sự vẫn khá hoang vu, vào mùa đông dường như chẳng mấy ai đến. Buổi tụ hội được tổ chức ở đài Quan Canh của Tiên Nông Đàn. Lúc chúng tôi đến nơi, đã có vài người đang đứng ở bậc thang lên đài. Nhiều người đang lục tục tiến đến tập hợp chỗ đó. Tổng cộng có khoảng hai ba chục người, hình như tất cả đều mặc trang phục Mãn Thanh, còn có vài kẻ mặc đồ tây.
Tôi nhỏ giọng hỏi Răng Vàng: “Đây là cái bang à ?”
Răng Vàng lườm tôi một cái: “Cụ ơi, cụ tưởng tất cả chúng tôi đều ăn mặc rách rưới à ?”. Nói xong hắn bảo tôi đừng nói gì nữa.
Tôi núp sau đám đông quan sát. Một lúc sau, đằng xa có mấy người đi đến thắp sáng xung quanh đài Quan Canh, những ngọn đuốc hắt ánh sáng lên cánh rừng bên cạnh lấp la lấp loáng. Một chiếc kiệu lắc la lắc lư được kéo lên, hóa ra là kiệu do la kéo. Đây chắc hẳn là môn chủ của Ngũ Nhạc Môn mà Răng Vàng nhắc tới. Chiếc kiệu dừng lại, môn chủ không xuống kiệu mà nói vài câu với tùy tùng qua tấm rèm, tên tùy tùng liền quay xuống đài, vẫy tay với đám ăn mày rồi nói: “Từng người một lên.”
Đám ăn mày bàn nhau một lúc rồi một người bước lên, gật đầu với tên tùy tùng ban nãy, ghé người nói chuyện bên chiếc kiệu. Cứ một người xuống lại một người lên. Những người đi xuống, có người vui vẻ hoan hỉ, có kẻ lại lắc đầu liên tục, rì rầm nói với nhau chỉ toàn về chuyện buôn bán trẻ con.
Tôi có chút buồn cười, vỗ Răng Vàng, hỏi hắn lên trên đấy thì nói gì với môn chủ. Không đợi đáp lời tôi, hắn khom lưng chỉnh lại quần áo rồi đi lên. Răng Vàng bước tới đài, ghé đầu bên tấm rèm nói chuyện, mới nói được mấy câu đã ầm ĩ lên : “Sao lúc trước bảo sẽ là hàng hiếm rồi giờ lại nói không làm được! Thạch đầu tôi đã chuyển đến rồi(chỉ bé trai)cũng không dưới 100, tiền thì cũng đã nuốt rồi!”
Ầm ĩ một hồi, Răng Vàng lấy tay đấm đập cái kiệu, tranh cãi với người bên trong. Đám người dưới đài nhốn nháo, tôi đang nhích về phía trước để xem xem đang xảy ra chuyện gì thì thấy Răng Vàng đang ngã ngửa ra trên đất, thét lên một tiếng rất thảm và lăn xuống đài. Anh ta gắng gượng đứng dậy, lấy tay che mặt rồi la hét loạn lên. Chứng kiến cảnh tượng này, một số người ở phía dưới đã nhanh chóng rời đi.
Răng Vàng rút ra một con dao, đâm loạn xạ vào không trung, vung vẩy nó một lúc rồi đột nhiên chĩa vào ngực mình rồi cứ thế mà đâm liền bảy, tám nhát, vừa đâm vừa hét “Đâm chết mày!” sau đó ngã xuống sàn, trong miệng sùi lên những bong bóng máu, không rõ còn sống hay đã chết. Ngẩng đầu nhìn lên trên đài, chiếc kiệu đã lẩn mất từ lúc nào không hay, những tên ăn mày còn lại náo loạn, nháo nhào thoát ra ngoài. Tôi đi phía sau một tên ăn mày, rời khỏi Tiên Nông Đàm. Ra đến bên ngoài, tôi hỏi tên ăn mày kia rốt cuộc Răng Vàng xảy ra chuyện gì. Tên đó nhỏ giọng nói: đó là thuật đoạt hồn, nói xong liền vội vã rời đi.
Tôi trở về Tây Tứ, trằn trọc đến tận nửa đêm, tự hỏi đám Ngũ Nhạc Môn này rốt cuộc là như thế nào. Trong những cuốn sách cổ từ thời nhà Nguyên, tôi tra được những ghi chép về Ngũ Nhạc thần Vân Tiêu, đó là một loại tà thần được người bản địa tôn thờ ở vùng núi Hồ Bắc, có thể sai khiến ác quỷ. Thời đó “Thái sinh” mục đích là để cúng tế Ngũ Nhạc thần. Kẻ “Thái sinh” sẽ trói tay chân của đứa trẻ, nện vào sau gáy cho đến chết, sau đó dùng dao nhọn rạch bụng, moi tim gan tì tạng, khoét mắt, chặt đứt ngón tay ngón chân rồi dâng tế thần.
Chung Thụ Hải đã thăm dò ra đoàn kịch biểu diễn trong tấm ảnh, nó ở hội chùa Bạch Tháp ở phố Phụ Thành Môn Nội. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi liền đến hội chùa. Sắp đến tết dương lịch, hội chùa khắp nơi đều là người, nhiều người lớn dắt theo trẻ nhỏ đến xem hội. Ở một góc của hội chùa, một cái cờ hiệu được treo đang bay bay trên không trung, bên trên viết bốn chữ lớn: Xiếc thú kỳ lạ. Dưới cờ hiệu là một cái lều xiếc rất to, người quây lớp trong lớp ngoài. Nhìn xuyên qua đám đông, tôi liếc thấy bức tường rào quanh lều vẽ những hình thù rất kỳ lạ: mình người đầu rắn, trẻ song sinh, người lùn. Bên cạnh bức họa là hàng chữ: Khỉ biết hát ca, kính mời đón xem.
Chúng tôi chen chân đến trước bức tường rào, trước cửa lều có một người đứng bán vé, vé một người giá hai đồng. Chung Thụ Hải mua xong vé, chúng tôi đi vào trong. Bên trong có hai lều vải, một cái đề chữ “Xiếc thú”, một cái đề chữ “Kỳ lạ”.
Chúng tôi chui vào lều “Kỳ lạ”, bên trong cũng chật kín người. Trong lều có một sân khấu hình vòng cung rất dài, bên trên là một hàng toàn những “kỳ quan”. Đập vào mắt tôi là Bạch Cốt Tinh và búp bê đầu to, giống y như trong bức ảnh Lão Liên chụp được.
Bạch Cốt Tinh mặc trang phục hí kịch, đầu cắm lông khổng tước, đang làm động tác như đang diễn kịch, ống tay dài tung ra để lộ hai cánh tay chỉ là hai khúc xương trắng hếu. Khán giả vây quanh được một phen kinh ngạc. Con búp bê đầu to kia đang nằm bò trên sân khấu, mỗi lúc lại dịch chuyển một chút, cái đầu trông như sắp sửa lăn xuống. Bên cạnh là tên mình người đầu rắn, chắc là dùng thuật che mắt. Có một cặp song sinh, nhìn giống dị dạng bẩm sinh.
Chung Thụ Hải xem vô cùng thích thú, đi từ đầu đến cuối, còn trêu đùa mấy khán giả khác. Tôi không muốn xem nữa nên đi đến chiếc lều “Xiếc thú” bên cạnh.
Đề là “Xiếc thú” nhưng thực tế là biểu diễn tung hứng, so với đoàn kịch ở Thiên Kiều không khác biệt mấy. Vào xem một lúc rồi tôi lại quay lại lều “Kỳ lạ” nhưng không thấy Chung Thụ Hải đâu.
Tôi liếc thấy có một khoảng trống liền lách người vào và chen lên hàng đầu tiên, đứng sát Bạch Cốt Tinh, dựa vào rào chắn gọi cô ta hai lần. Bạch Cốt Tinh quay đầu lại, túm lại vạt ống tay dài, hướng về phía tôi rồi làm động tác chào hỏi nhưng vẫn tiếp tục diễn kịch.
Tôi rút tấm ảnh ra, lật tìm tấm ảnh chụp cô ta và hỏi có nhớ người chụp cô ta là ai không. Lúc này cô ta mới ngớ người ra, biểu cảm trên khuôn mặt chùng xuống, tiến lại gần để nhìn bức ảnh, trông không hiểu gì.
Tôi đưa cho cô ta bức ảnh để so sánh: “Máy ảnh, có một cái mụn đen to.”
Bạch Cốt Tinh cau mày, dường như nhớ ra điều gì, đang định mở miệng nói thì đột nhiên nhìn xuống cuối sân khấu rồi cúi đầu và lùi lại.
Tôi quay ra nhìn, là Chung Thụ Hải, anh ta từ sau sân khấu của đoàn kịch xiếc thú đi ra. Anh ta nhìn Bạch Cốt Tinh một cái rồi hỏi tôi: “Sao rồi?”
Tôi gom lại đống ảnh, trả lời: “Cô ta chẳng nói gì cả, có chút ngốc nghếch, chúng ta đi thôi.”
Ra khỏi hội chùa, Chung Thụ Hải muốn kéo tôi đến cổng trước để ăn bao tử chần. Tôi bảo ở nhà còn có việc nên chào tạm biệt anh ta rồi rời đi.
Tôi dạo quanh khu vực lân cận Phụ Thành Môn một vòng rồi sẽ vào một con hẻm nhỏ, vẽ lại đường vào, bám theo ngay sau Chung Thụ Hải. Anh ta không đến cổng trước mà quay lại chùa Bạch Tháp. Tôi giữ khoảng cách không quá gần cũng không quá xa đối với anh ta cho đến khi về đến hội chùa. Hội chùa đã kết thúc, đoàn xiếc thú kỳ lạ đã thu dọn đồ đạc. Chung Thụ Hải nói mấy câu với người đang thu dọn rồi đi vào trong lều.
Lúc này, trời đã tối rồi. Tôi hòa vào đám người xem kịch ra về, đi một đoạn thì tìm thấy một khe hở phía sau căn lều của Xiếc thú kỳ lạ. Tôi rạch một lỗ trống rồi chui vào trong. Hai chiếc lều trên trong đã được bật đèn sáng nhưng không rõ Chung Thụ Hải đi vào lều nào. Tôi trốn vào một góc đợi anh ta đi ra.
Đột nhiên đằng sau có người vỗ tôi một cái, tôi quay đầu nhìn thấy một cánh tay xương trắng, suýt chút nữa là hét thành tiếng. Bạch Cốt Tinh đứng sau lưng tôi cười khúc khích. Cô ta đã thay một chiếc áo bông, tóc tết thành một bím, trông không khác gì những cô gái ngoài kia.
Tôi quan sát xung quanh, hỏi cô ta: “Cô có thể chạy lung tung như thế này à?”
Bạch Cốt Tinh giơ cánh tay xương lên, trên tay móc một cái xô gỗ: “Tôi đi lấy nước cho chủ đoàn.”
Tôi hỏi cô ta: “Chủ đoàn của các cô là ai?”
“Chủ đoàn là chủ đoàn chứ là ai. Ông ấy và bạn của anh đang ở trong cái lều to ấy.”
Tôi lại lôi ra bức ảnh kia, hỏi cô ta đã từng nhìn thấy Lão Liên chưa.
“Anh ta bị bắt đi rồi, anh cũng mau chạy đi.” Nói xong, cô ta xách xô nước lên rồi đi mất.
Tôi lẻn tới căn lều lớn, tìm một nơi ánh đèn không chiếu tới rồi ngồi xuống, nghe thấy người trong lều đang nói chuyện: “Việc này vẫn phải nhờ Chung lão đại giúp đỡ.”
“Ý của trưởng đoàn là ?” Là giọng của Chung Thụ Hải.
Tôi dán tai vào lều nghe ngóng, nhưng hai kẻ bên trong đột nhiên không có động tĩnh gì. Quả nhiên chuyện này là do Ngũ Nhạc Môn làm ra, mà kẻ mà tôi phải đối phó lại nhiều thêm một người rồi.
Sáng sớm ngày 24, tôi lại rủ Chung Thụ Hải đi Phụ Thành môn xem Xiếc thú kỳ lạ. Hôm đó là biểu diễn khỉ hát ca ngoài trời. Ngoài hàng rào của đoàn kịch Xiếc thú người người chen chúc, toàn thân tôi đổ đầy mồ hôi. Một người hóa trang thành ông lão trung niên đang đứng trên sân khấu, tay dắt một con khỉ đen thui. Con khỉ này đầu rất to, mặc một cái áo bông gi lê, vừa đi vừa gật gù lắc lư. Ông lão giả vờ rung cái roi trong tay, con khỉ liền bắt đầu đọc thơ Đường, có nhịp có điệu, không sai tí nào. Đọc thơ Đường xong, nó lại cất giọng lên hát điệu hát dân gian trong kỹ viện.
Đám đông dưới khán đài ồ lên, trẻ con ngồi trên vai người lớn vỗ tay thích thú. Tôi đứng cách Chung Thụ Hải mấy hàng người, quan sát anh ta, anh ta đang ném tiền lên trên sân khấu. Tôi từ từ di chuyển đến gần một bên của rào chắn, châm một điếu thuốc và dí vào tấm vải đen che trên hàng rào rồi quay người lẻn ra ngoài.
Chẳng mấy chốc khóc đã bốc lên từ phía hàng rào, ai đó hét lên báo cháy, đám đông chạy toán loạn ra ngoài. Ông lão huấn luyện khỉ trên sân khấu hét lớn, nhặt một tấm vải màn che sân khấu lên để dập lửa. Con khỉ cứ đứng đó, nhìn chằm chằm vào đám đông với đôi mắt mở to, không hề hoảng sợ.
Nhân lúc đám đông đang hỗn loạn, tôi len vào trong rào chắn, trèo lên sân khấu, kéo chân trước của con khỉ hỏi: “Ngươi là khỉ hay là người?”
Con khi há hốc mồm nhìn tôi không nói gì. Tôi nắn chân trước của nó, lông nó mượt mà, không giống đồ giả. Ông lão đột nhiên xông đến chặn tôi lại, tôi bế con khỉ lên định chạy đi. Vừa quay người lại thì va phải một người, là Chung Thụ Hải.
Anh ra nhìn tôi nói: “Kim tiên sinh, con khỉ này chỉ biết hát, không biết nói.”
Một cơn đau điếng truyền đến gáy tôi và tôi ngay lập tức ngất đi.
Khi tỉnh dậy trước mắt tôi tối đen, đầu đau như búa bổ, bụng cồn cào buồn nôn. Giãy giụa một lúc thì nhận ra cả tay và chân tôi đều bị trói, có lẽ tôi đã được cho vào một cái hòm gỗ. Cái hòm lắc lư chao đảo, hình như được đặt trong xe. Không biết bao lâu trôi qua thì cái xe dừng lại, chiếc hòm được mở và tôi bị kéo ra.
Đã rất khuya rồi, xung quanh tối đen như mực, dường như đang ở ngoại thành. Có hai người đang đứng trước mặt tôi, tay cầm đuốc, một người đội mũ phớt và để râu dê, người còn lại là Chung Thụ Hải. Cả hai đều có súng trong tay.
Tôi nhìn Chung Thụ Hải và hỏi chuyện của Lão Liên có phải liên quan đến anh ta.
Chung Thụ Hải hỉnh mũi một cái, không trả lời.
Tên râu dê giơ súng lên nói: “Vốn dĩ mày nếu mày chết sẽ rắc rối to, nhưng vì có Lão Chung ở đây nên cũng dễ ăn nói với phía Viên công tử.”
Tôi chửi thầm một tiếng, lại quay ra nhìn Chung Thụ Hải. Ánh đuốc lóe lên, tôi liền nhắm mắt, rồi lại mở mắt, vẫn chưa chết.
(Còn tiếp)