Đi làm ngày lễ 30/4 – 1/5 hưởng lương cao cả triệu đồng/ngày
Do ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày nên chị Nguyễn Thị Tuyết (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đăng ký làm ngày lễ và chỉ xin nghỉ 1 ngày. Chị Tuyết chia sẻ công việc của chị là làm quản lý quầy cho một Công ty nhập khẩu Vali. Quầy ở trung tâm thương mại nên mở cửa tất cả các ngày trong tuần.
“Nhiều khi tôi cũng muốn nghỉ làm nhưng tính chất công việc không cho phép nên là vẫn đi làm bình thường dù là ngày nghỉ lễ. Năm nào ngày nào cũng đi làm nên thành quen”, chị Tuyết kể.
Theo chị Tuyết, ngày công bình thường của bên chị dao động trong khoảng từ 250-350 nghìn đồng (tùy vị trí việc làm), vì thế nếu đi làm ngày lễ, Tết, lao động có thể nhận lương tiền triệu mỗi ngày. Sau nghỉ lễ, lao động có thể xin nghỉ phép bất cứ ngày nào trong tuần.
Không riêng gì các công ty tư nhân, khối đơn vị sự nghiệp công lập nhiều nơi vẫn làm thêm vào ngày nghỉ lễ. Chị Nguyễn Hương Lê (Bưu điện Thanh Hóa) cho biết, do đặc thù công việc phải mở cửa để phục vụ khách hàng và bưu kiện nên bên cơ quan chị không có ngày nghỉ. Ngày nghỉ không hoạt động 100% quân số nhưng vẫn có vài người trực. Nhân viên trực được hưởng chế độ như bình thường, theo quy định của luật Lao động.
Theo quy định tại điều 98 và điều 112 bộ luật Lao động năm 2019, nếu đi làm đúng ngày 30/4 – 1/5 thì ngoài tiền lương ngày nghỉ lễ, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ.
Vì vậy, trong trường hợp người lao động muốn làm việc vào những ngày được phép nghỉ lễ, họ sẽ được tính lương làm thêm dịp nghỉ lễ. Theo đó, người lao động sẽ được trả lương làm thêm dịp nghỉ lễ ít nhất bằng 300% so với lương ngày bình thường.
“Nghỉ 5 ngày hơi dài, nhà ngay đây nên không đi du lịch, tôi ở nhà cũng không làm gì. Vì thế đi làm cũng tốt, tôi đi làm 3 ngày, nghỉ 2 ngày ở nhà đưa các con đi biển chơi vậy là phù hợp”, chị Lê nói.
Đi chơi dịp lễ 30/4 – 1/5 sợ tăng giá nên chọn cách ở nhà
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, công nhân Công ty Canon ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, ngày lễ đi đâu cũng dễ gặp tăng giá nên chị đăng ký không nghỉ lễ để đi làm. Theo chị Nhàn, đi làm ngày lễ có thêm thu nhập giữa lúc kinh tế khó khăn và tránh chi tiêu đắt đỏ. Lúc nào thấp điểm, chị sẽ nghỉ bù.
Từ đầu năm tới nay, đơn hàng công ty của chị Nhàn sôi động hơn, thu nhập cũng tăng 10 – 15% so với trước. Dịp lễ năm nay, chị và nhiều công nhân công ty chỉ mong được làm thêm, tăng ca để kiếm thêm thu nhập, không dám nghĩ tới đi chơi hay về quê.
Một lý do nữa để chị Nhàn không nghỉ làm là bởi ngày lễ này đi chơi ở đâu cũng đông nghịt người, chưa kể giá cả các mặt hàng tăng giá vì thế chị chọn cách đi làm để tăng thu nhập, sau đó dành chút thời gian đưa các con đi chơi trong nội thành Hà Nội.
“Nghĩ cũng thương con vì bạn bè cùng khu trọ bạn thì về quê, bạn thì đi chơi, đi du lịch… con cũng mong ngóng nhưng biết làm sao được gia đình hoàn cảnh khó khăn, nên các con cũng không đòi hỏi. Mong công việc sớm được hoàn thành tôi xin nghỉ 1 ngày cho con đi chơi mấy điểm du lịch nội thành Hà Nội” – chị Nhàn tâm sự
Đại diện khu Công nghiệp Thăng Long Hà Nội cho biết, dịp lễ vẫn có khoảng 40% doanh nghiệp hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đang vào đợt cao điểm sản xuất bàn giao đơn hàng nên đã huy động công nhân làm thêm ngày lễ.
“Nhìn chung, các công ty tuân thủ tốt pháp luật lao động về ngày nghỉ. Với các công ty huy động lao động làm thêm giờ công đoàn khu công nghiệp sẽ giám sát để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật lao động nhất chế độ tiền lương, tiền thưởng phúc lợi cho người lao động”, ông này nói.