ĐI LÀM CHỌN SẾP, CHỌN CÔNG TY HAY CHỌN LƯƠNG?Lựa chọn thì không có đúng sai, chỉ có …

ĐI LÀM CHỌN SẾP, CHỌN CÔNG TY HAY CHỌN LƯƠNG?

ĐI LÀM CHỌN SẾP, CHỌN CÔNG TY HAY CHỌN LƯƠNG?

Lựa chọn thì không có đúng sai, chỉ có phù hợp với người này, chênh lệch với người khác. Quan điểm của mình là hiểu rõ: Bản thân muốn gì?
Hồi nhỏ đi học thì chọn trường, lớn hơn chọn ngành, đi làm lại đắn đo xem nên chọn sếp, công ty nhỏ hay lớn, làm nhàn hay làm nhiều…? Mình nghĩ mỗi lựa chọn của cá nhân đều đem lại cho một số “quả” nhất định (là hậu quả hay quả ngọt thì lại tùy vào mỗi người cảm nhận).
Trước khi trả lời cho câu hỏi gây tranh cãi của tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm thế hệ Z thì mình cùng cân nhắc về lý do tại sao phải chọn những điều này.
Sếp ở đây là người trực tiếp quản lý bạn, không phải lúc nào cũng là CEO, Founder… Nếu mình chỉ là nhân viên, Leader là sếp vì mình chịu ảnh hưởng lớn nhất. Còn nếu mình đã lên được bậc quản lý, team lead thì trưởng bộ phận mới là người mình cần cân nhắc.
Sếp dở thì sao?
Vậy thế nào là dở? Dở không chỉ vì chèn ép nhân viên, ki bo, kiệt sỉ, thích trừ lương vô cớ, hay xét nét mọi thứ ngoài công việc mà còn bởi KHÔNG HỌC ĐƯỢC GÌ. Tất nhiên mỗi người đều sẽ có những thứ để mình học. Thứ xấu thì mình học để tránh nó đi. Nhưng tất nhiên đi làm mình sẽ muốn học những điều tốt, những thứ mình chưa biết. Mô hình công ty gia đình hoặc các công ty lớn thi thoảng sẽ xuất hiện những vị sếp “tuổi không đợi nổi tài”. Sếp thả mình ra như con cá muốn bơi đi đâu thì bơi, đến khi họp nhân viên sai cũng không biết chỉnh, kết quả thấp thì về nạt nộ “chúng bây làm ngu quá”. Nhưng làm sao để hết ngu thì sếp không có nói. Vậy nên đối với mình sếp dở là sẽ không cùng chiến tuyến.
Sếp tốt thì sao?
Sếp tốt chẳng quan tâm hôm nay nhân viên mặc gì đến công ty nhưng không ngần ngại cho mình cơ hội phát triển, học hỏi. Sếp tốt cho mình được thể hiện năng lực, sở thích, khuyến khích bạn thử điều mới, sai chửi bạn (tất nhiên) nhưng chỉ ra cho bạn cách làm tốt hơn và khi hậu quả đến thì luôn đồng hành nhận khiển trách cùng.
Sếp tốt có tầm dạy cho bạn đủ điều. Ngoài chuyên môn còn là cách sống. Sếp tốt không muốn bạn mãi là nhân viên. Vì vậy họ không ngừng dạy dỗ bạn, cho bạn cơ hội, đánh giá, góp ý cho định hướng của bạn. Vậy nên nếu không phải người toàn diện xuất sắc, chưa trả lời được “mình thực sự thích gì, mạnh ở điểm nào, có khả năng kiếm tiền nhiều với thế mạnh này không?” thì hãy cố gắng tìm một người sếp tốt để có câu trả lời.
Công ty nhỏ thì bạn được học nhiều hơn, đó là điều chắc chắn. Công ty lớn (lương chưa chắc cao hơn, cao thấp do vị trí và năng lực) nhưng làm đẹp profile, mọi thứ đã có quy trình rõ ràng, công việc không có sự du di kiểu “Thiết kế hôm nay nghỉ. Em viết content rồi làm luôn cho a/c cái poster để kịp deadline nhé”. Ở những công ty lớn, đòi hỏi chất lượng công việc cũng cao hơn, bạn đáp ứng được khối lượng công việc của mình cũng đã đủ phờ tai rồi chứ đừng nói cơ hội đi học mót thứ này thứ khác. Chưa kể nếu đủ điều kiện apply vào công ty ngon mà sếp thì dở quá dở, bạn không chịu an phận với sếp, sớm muộn bạn cũng đi hoặc bị đuổi.
Đi làm tất nhiên phải chọn lương. Sinh viên, người nhảy ngành chưa có kinh nghiệm thì còn nuốt nước mắt vào trong nhận mức lương không đủ trả sinh hoạt phí. Chứ là mình, là bạn, đã đi làm, được trải nghiệm mà trả lương chỉ bằng tiền thuê nhà thì thích lắm cũng xin thôi. Mình cũng cần sống mà. Nếu không phải là newbie, phỏng vấn + test lên xuống vẫn trả một mức lương khó chấp nhận thì cũng không cần nuối tiếc công ty đấy làm gì. Nhiều nhà tuyển dụng cứ nói “Bọn em sống phải biết học để giỏi hơn, vào đây để học đi này” nhưng sống kiểu gì thì nhà tuyển dụng không nói 📷

VẬY NÊN

Quan điểm của mình, một người đã đi làm cả môi trường nhà nước, công ty nhỏ, công ty tầm trung (~600 nhân sự) thì nhất định phải chọn sếp trong những năm đầu đời ra bể lớn. Công ty đẹp hay xấu, lương thế này có bằng bạn bằng bè không đều ở mức tương đối. Đủ tiền sinh hoạt phí ở mức tối thiểu là được.
Đừng sống với mức lương đấy quá 2 năm. Bởi nếu sau 2 năm đi theo một người, một công ty mà thu nhập của bạn không tiến triển thì cần xem xét lại năng lực của mình về ngành nghề này cũng như người đang ảnh hưởng, dẫn dắt bạn. Mình cũng hay tự hào mình còn trẻ, nhiều cơ hội để làm lại lắm. Cơ mà thứ chúng ta chọn sai sếp, sai công ty không chỉ là stress, lương thấp,… mà quan trọng nhất là chi phí cơ hội. Bạn mất 1-2, thậm chí nhiều năm để ở cạnh người không dạy được điều mới cho mình, không phải sản phẩm/lĩnh vực mình yêu thích. Rồi 3 năm sau – 5 năm sau vẫn là mức lương chỉ đủ trả tiền nhà, tiền ăn… mới là điều đáng tiếc nhất. Sếp cũ của mình từng nói “Giờ 1 tháng kiếm 6 triệu không phải vấn đề. 1 năm sau vẫn là 6 triệu mới là vấn đề”.
Thế nên, khi được hỏi “Em quan tâm điều gì nhất về công việc sắp tới?”, mình thường không ngần ngại nói “Dạ, em muốn biết về người trực tiếp quản lý mình ạ”. Cũng như mạnh dạn từ chối những công ty có mức lương khá hấp dẫn nhưng không thuộc thế mạnh của mình để tiết kiếm chi phí cơ hội. Là một người khá may mắn được gặp, học hỏi sếp có tâm (bài này mình không nịnh sếp. Mình mới off và đang đi tìm việc mới với lý do cá nhân) nên mình thật sự khuyên những bạn SV, nhảy ngành, người chưa khai phá được năng lực thực sự bản thân thì nên cố gắng tìm một người sếp tốt. Gật đầu nhắm mắt chọn việc là cách tiêu hao chi phí cơ hội bản thân nhanh nhất.
À. Lời cuối của mình, sếp có tầm thì mình cũng phải có tâm nha. Sếp tốt không suốt ngày hỏi “Em xong việc chưa”, “việc anh giao em làm sao rồi”.. Chỉ cần 1-2 lần bạn trễ deadline, lần sau sếp không giao việc nữa đâu. Yên tâm là sống nhàn và chẳng học được gì. Vậy nên mình cũng cần xác định tâm thế trước khi đi tìm sếp nha. Chúc các bạn sẽ tìm được việc như ý, sếp có tầm, đồng nghiệp có tâm. 📷

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *