Trải nghiệm khi nhìn thấy một thế giới được chiếu sáng bởi những chiếc đèn lồng là như thế nào?
Thật khó để tưởng tượng phải không? Bạn có thể cảm thấy rằng bản thân hầu như luôn sử dụng đèn pha để nhìn thế giới, nhưng trên thực tế, khi còn là một đứa trẻ, bạn thực sự đã dùng đèn lồng để chiếu sáng thế giới.
Phép ẩn dụ*** “đèn lồng và đèn pha” được đưa ra bởi nhà tâm lý học phát triển Alison Gopnik ***- giáo sư tâm lý người Mỹ tại Đại học California. Ban đầu Gopnik đưa ra phép ẩn dụ này không phải để mô tả bộ não ở trạng thái ảo giác và tỉnh táo, mà để mô tả sự khác biệt giữa bộ não của trẻ em và người lớn.
Trọng tâm của Gopnik là sự chú ý. Cái mà người lớn có là nhận thức đèn pha, sự chú ý của họ thường tập trung vào một điểm. Còn sự chú ý của em bé lại rất dễ bị phân tán. Cho dù chỉ nhìn lướt qua một vật thể, trẻ con cũng sẽ dễ dàng nắm bắt được rất nhiều thông tin về vật thể đó. Có thể nhiều cha mẹ đã từng trải qua tình huống này: Người lớn đang nói chuyện bên cạnh em bé, trong lúc đang chơi đồ chơi một mình, đột nhiên em bé sẽ nói một số từ xuất hiện trong cuộc nói chuyện của người lớn. Điều này khiến người lớn phải giật mình ngạc nhiên. Người lớn rõ ràng nhìn thấy em bé đang “tập trung” chơi đồ chơi, nhưng thực ra bé đã bị phân tâm và “nghe trộm” khi đang chơi. Trong phòng thí nghiệm, các nhà tâm lý học cũng phát hiện ra rằng đối với những nhiệm vụ đòi hỏi sự đa nhiệm và phân tán sự chú ý, trẻ sơ sinh thường hoàn thành tốt hơn người lớn.
Trong tác phẩm Thần điêu đại hiệp của Kim Dung, Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông đã sáng tạo ra loại võ công kỳ quái “tả hữu hỗ bác”. Loại võ công này yêu cầu tính đa nhiệm rất cao, mỗi tay đánh một loại công phu khác nhau. Điều thú vị là chỉ có một số nhân vật tâm tư vô cùng đơn giản, trong sáng mới có thể luyện được loại võ công này như: Chu Bá Thông ngây thơ như một đứa trẻ, Quách Tĩnh ngốc nghếch, Tiểu Long Nữ không vướng bụi trần nhân gian. Còn những nhân vật cơ trí hơn người và dày dạn kinh nghiệm như Hoàng Dung, Dương Quá cũng không thể luyện được loại võ công này.
Có rất ít người trưởng thành có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đa nhiệm, còn trẻ em lại là cao thủ trong lĩnh vực này. Do đó chỉ có những người lòng vô tạp niệm không nhiễm bụi trần của thế gian mới có thể luyện thành tả hữu hỗ bác. Cách tác giả Kim Dung sắp đặt ai có thể luyện thành tả hữu hỗ bác quả thật là quá khéo léo!
Vì sao sau khi biến thành người lớn não bộ của chúng ta lại chuyển sang kiểu nhận thức đèn pha?
Gopnik cho rằng, theo quan điểm tiến hóa và thích nghi, nhận thức đèn lồng và nhận thức đèn pha lần lượt tương ứng với sự phân chia nhiệm vụ giữa trẻ em và người lớn. Nhiệm vụ của người lớn là cải tạo thế giới khiến nó trở nên tươi đẹp hơn và hoàn thành một số mục tiêu hoặc kế hoạch rõ ràng. Nếu bạn muốn hoàn thành một mục tiêu rõ ràng, bạn nên dồn sự chú ý vào những thứ cụ thể trong phạm vi rất nhỏ. Người lớn có thể dự đoán trước được thông tin nào hữu ích cho mục tiêu của họ, thông tin nào gây mất tập trung. Bộ não sẽ chú trọng những thông tin hữu ích và ngăn chặn thông tin gây nhiễu. Đây là ưu thế của cơ chế nhận thức đèn pha.
Nhiệm vụ của trẻ em không phải là thay đổi thế giới, mà là xây dựng trong tâm trí một cơ chế để hiểu thế giới xung quanh. Trẻ em không giỏi trong việc thực hiện các mục tiêu và hoàn thành kế hoạch. Việc trẻ em giỏi nhất là học hỏi và khám phá. Chúng không cần phải lo lắng về chuyện liệu việc học hỏi và khám phá này có liên quan đến bất kỳ kế hoạch hay mục tiêu cụ thể nào hay không. Kế hoạch và mục tiêu là những thứ sau khi chúng hiểu thế giới này mới có. Vì vậy, trẻ sẽ chú ý đến mọi thứ, đặc biệt là những thứ mới mẻ, thú vị và nhiều thông tin. Đây chính là chất liệu để trẻ hình thành nên thế giới quan. Và cơ chế làm việc này tốt nhất tất nhiên là nhận thức đèn lồng. Đây là sự phân công công việc giữa nhận thức đèn pha và nhận thức đèn lồng.
Mỗi kiểu có một sở trường và mục tiêu riêng. Cơ chế đèn pha mạnh về giải quyết vấn đề theo lộ trình rõ ràng và hướng tới mục tiêu cụ thể để giải quyết vấn đề. Còn cơ chế đèn lồng thiên về giải quyết vấn đề theo tư duy phân kỳ và tìm ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề hơn.
Chúng có những ưu điểm riêng và tính bổ trợ cao. Đặc biệt là trong một thời đại thay đổi nhanh như hiện nay, người lớn không thể chỉ dựa vào nhận thức đèn pha sở trường của mình để giải quyết các vấn đề phức tạp. Nhiều khi họ cũng cần đến sự trợ giúp của nhận thức đèn lồng. Do đó, nhận thức đèn lồng và nhận thức đèn pha chính là hai cơ chế mà chúng ta cần dựa vào nếu muốn tăng tính linh hoạt trong tư duy.