Một câu nói mà tôi thấy đúng và xót xa là:
“Khi một đứa trẻ bị cha mẹ chỉ trích hay đ.á.nh chửi, thì nó không dừng yêu thương cha mẹ mình mà nó dừng yêu thương chính bản thân nó.”
Trẻ em hiểu sự yêu thương một cách rất thuần khiết. Yêu thương là nâng niu, chăm sóc, chứ không phải là la mắng, chỉ trích, đánh chửi. Nếu đứa trẻ không được đối xử yêu thương theo cách này thì tâm trí nó bị nhiễu loạn, hoang mang về tình yêu thương.
Đến cha mẹ mình còn không yêu mình, không thấy giá trị của mình thì có nghĩa là mình không đáng được yêu thương, không có giá trị. Đó có thể là tổn thương tâm lý khiến cho một số người sau này luôn thấy trống rỗng bên trong, luôn đi tìm sự công nhận từ bên ngoài hay không thể kết nối, cảm nhận được tình yêu thương với người khác, thậm chí với chính đứa con của mình.
Nếu có lúc nào đó định đ.á.n.h con, ta hãy tự hỏi:
“Việc mình sắp đ.á.n.h con là để phạt, dạy con hay để trút sự u.ấ.t giận trong mình lên con, đứa trẻ bé nhỏ này của mình?”
Bài thực hành để đánh giá mức độ tức giận của bạn:
Nếu thang điểm từ 0-10 (10 là cao nhất) thì cảm giác tức giận trong bạn là bao nhiêu điểm?
Rồi nhìn lại sự việc đó trên thực tế thì lẽ ra cảm giác tức giận của mình nên là bao nhiêu điểm?
Ví dụ: Nếu bạn thấy tức giận đến 9, mà thực tế việc đó chỉ đáng tức giận đến 5, thì khoảng cách giữa 9-5=4, 4 điểm đó có lẽ là do những ức chế, tức giận do nguyên nhân khác nữa. Vậy nguyên nhân sâu xa đó là gì? Đó là những tổn thương từ quá khứ dồn nén hay chỉ do những căng thẳng của cuộc sống hiện tại mà ta đang trút lên con, một đứa trẻ không có khả năng phản kháng lại mình?
Bạn hãy nhớ rằng: Khi trẻ bị la mắng sẽ có hai khả năng xảy ra:
– Trẻ có hệ thần kinh yếu thì dễ mắc chứng tự ti, trầm cảm.
– Còn trẻ có hệ thần kinh mạnh thì dễ trở nên hung tính hoặc mắc chứng nổi loạn, tính thiện dần mất đi, nhân cách và đạo đức cũng dần bị thoái hóa.
Con là một đứa trẻ, chứ không phải là một người trưởng thành như bạn. Là cha mẹ, bạn cần phải nhớ rằng, con đang còn nhỏ, nên cha mẹ không thể bắt con hành xử như một người lớn được. Thay bằng việc la hét, cha mẹ thử thương lượng với con rằng: Hôm nay mẹ rất mệt, con có thể giúp việc này/việc kia không?”
Hoặc bạn có thể nghĩ đến những khoảnh khắc đáng yêu của con để đỡ căng thẳng hơn.