ĐÊM BA MƯƠI – AI XÔNG ĐẤT NHÀ MÌNH ?

Giao thừa năm 81. 

Mẹ sinh tôi sinh ra tại trạm xá. Do là con so nên tôi ra đời khá sớm, sớm tới nỗi ngoại chẳng kịp cắp theo thứ gì ngoài đôi bông mù u đang đeo ở dái tai. Cô y sỹ đỡ đẻ bất đắc dĩ năm ấy thốt lên “thằng nhóc có 7 nốt ruồi dưới hai lòng bàn chân, quý tướng, quý tướng sản phụ ơi !”. Mẹ chỉ kịp cười rồi ngất đi vị quá sức. Giây phút tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là khoảnh khắc tiếng đì đùng của những dây pháo tết được ai đó đốt lên huyên náo cả một góc trời. Giao thừa đầu đời của tôi xảy ra như thế !

Thời thế nổi trôi con người cũng bồng bềnh theo con nước. Nhà tôi có lên có xuống nhưng đọng lại cũng chỉ có ba người chúng tôi quây quần bên nhau. Mấy năm còn nhỏ giao thừa nào cũng chỉ có mẹ là thức canh cúng đêm ba mươi. Có người sẽ thắc mắc sao bố đâu lại không giúp mẹ. Bố là niềm tự hào lớn của cả gia đình chúng tôi đấy ! 

Tháng 4 năm 1975, bố đã ngay lập tức không chờ đến một giây khi chọn ở lại thay vì rời đi như bao người. Năm đó Nội tôi đã già lắm rồi bố không nở đi mà bỏ lại mẹ. Và sâu thẳm trong tâm hồn của người thanh niên năm ấy, vẫn chảy hầm hập tấm lòng muốn phụng sự Tổ Quốc quê hương. Bố tôi chấp nhận làm lại cuộc sống mới bằng công việc nhỏ bé nhất là đi vá xe. Cũng chính công việc đó đã góp một phần không nhỏ để nuôi sống cả gia đình này. Sáng 30 nào bố cũng đi, mấy dì hỏi mẹ sao không giữ anh hai ở nhà để phụ dọn dẹp. Mẹ tôi cười hiền lắm “đàn ông họ có chí của đàn ông”. Năm nào cũng câu nói đó và năm nào cũng 21h hơn bố mới lủi thủi về tới nhà. Tắm rửa, mẹ dọn cơm dọn nước lên ăn cùng bố, rồi bố mệt mỏi ngủ thiếp đi trong lòng mẹ. Mẹ thay bố, thay người đàn ông, thay người trụ cột trong nhà từ đó. Mâm cúng mẹ dọn lên trình cáo với ông bà tổ tiên không thiếu món gì. Trong câu khấn của mẹ lúc nào cũng nhắc đến bố đầu tiên “ … con cầu xin cho chồng con luôn được mạnh giỏi …”. Đêm giao thừa của nhà tôi cứ tuần tự hiền lành diễn ra như thế.

Nhiều năm trôi qua, tới một năm mẹ nói con trai mãi sao chưa dẫn bạn về. Tôi mới chợt nhận ra mình bất hiếu quá, mãi vẫn chưa tìm được người con dâu xứng đáng để chia sẻ gánh nặng nhà cùng mẹ. Vậy là tôi thiệt tâm mỉm cười khi lấy người con gái mà mẹ chọn. Ban đầu tình yêu đối với tôi là điều sa xỉ lắm. Nhưng mấy đêm giao thừa sau đó, tôi cứ thấy em lụi cụi cùng mẹ chuẩn bị từ sáng tinh mơ. Đầu tắt mặt tối – cống hiến thanh xuân cho gia đình này, thảo hiền với mẹ, tôi đã sinh ra lòng cảm mến em từ lúc nào không hay. Và rồi tôi yêu vợ tôi thật lòng, càng yêu vợ bao nhiêu tôi càng nể phục mẹ bấy nhiêu. Bằng mắt nhìn thấu đáo của mình, mẹ đã chọn cho tôi một người ăn đời ở kiếp hợp tánh hợp nết. Chịu khó chịu khổ và yêu thương gia đình tôi hết mực. Sáng mùng một trước năm “bố đi” lần đầu tiên tôi được bố nắm tay mà rằng “con phải thương vợ con nhiều vào, người ta bỏ cả quê hương xứ sở và gia đình, chỉ để đi theo con …”. Nói rồi bố ôm chầm lấy đứa cháu nội đầu của mình vào lòng mà hôn âu yếm. Đàn ông – có phải tới những phút giây mà trời đất giao hòa nhất như sáng mồng một thì mới nói ra được những điều tự tận ruột gan mình.

Bảy nốt ruột dưới lòng bàn chân tôi rốt cuộc không phải quý tướng mà là “hành tướng”. Hành trong chữ “vi hành” tức là tướng của người chuyên đi không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Về cống hiến cho đơn vị này cũng hơn chục năm là ngần ấy năm tôi không đón giao thừa được cùng gia đình. Cơ quan tôi công tác là đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng phân phối nước sạch cho toàn bộ thành phố Thủ Đức. Vì vậy việc bảo đảm an ninh nguồn nước cho bà con vui xuân đón tết. Từ cấp lãnh đạo đến anh em dưới phòng ban đội dù ngày tết nhưng vẫn chia cắt nhau ra để trực. Quyết tâm không để bất cứ sai sót nào xảy ra trong những ngày thiêng liêng của đất trời đó. Anh em nào nhà xa quê xa thì giải quyết cho về sớm. Anh em nào nhà gần thì luân phiên nhau mà trực, mà cũng thiệt ngộ ngày thường đi làm thì chỉ muốn về nhà. Tới khi được nghỉ thì lại nhớ cơ quan da diết. Thủ trưởng tinh ý cũng cho làm ít bánh trái – hoa quả bày mâm cúng cho anh em trực đêm 30 đón tết. Nhưng ở đâu được bằng ở nhà mình chứ.

Sáng 30 năm nay, tôi mới cắt đặt được ít thời gian để tàng tàng chở mẹ đi sắm đồ tết. Chợ cuối năm đông đúc người chen người ghì vai nhau tranh mua. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng …! Tôi buồn vì năm nay không thể đón giao thừa cùng mẹ. Mẹ con tâm linh tương thông, mẹ nhìn tôi cười ôn tồn và nói “đàn ông phải có chí của đàn ông – đàn ông của cái nhà này đã định sẽ lo chuyện thiên hạ”. Tôi biết đằng sau sự động viên hóm hỉnh đó của mẹ là cả khung trời đầy bão tố. Đến cơ quan quên cả ăn sáng, lao người vào ngay công tác chuyên môn. Mãi làm mà quên luôn là mình đã xuyên trưa chừng ngước đầu lên đã là ba rưỡi chiều. Tự dưng có chú em ngồi góc phòng … khóc thút thít ! Lại vỗ vai nó hỏi chuyện thì biết nhà ngoài quê có 3 mẹ con, em gái thì vừa bị cách ly tập trung, nó thì tết này bám trụ lại Sài Gòn để trực. Vả lại tàu xe lúc này cũng ớn ớn nó không muốn vô tình mang mầm bệnh về quê cho nhà đình. Nó nhớ nhà quá, nhớ cái bàn thiên trong sân, nhớ cây bưởi ra hoa thơm ngát và nhớ mẹ già cũng đang mỏi mắt chờ trông. Không dưng cái sóng mũi tôi bỗng cay cay. Tôi ở gần nhà đến như vậy mà chưa ba mươi nào được đón giao thừa cùng với gia đình. Thôi thì chỉ biết tự an ủi mình vì việc chung mà cho đi niềm vui cá nhân. Rồi cũng đến chiều, anh em trong đội nhà gần thương tụi tui trực tết nên mang đồ ăn qua cho. Người cây chả lụa, người hủ củ kiệu, người chậu quýt, người mang thùng bia .v.v… đủ cả. Ai cũng cười nói rôm rả để che lấp đi nổi buồn không đón giao thừa cùng với gia đình. Nhưng tôi biết rằng sâu lắm trong thâm tâm mỗi người ai cũng thấy nhớ nhà.

Hơn 21h đêm. Khi mọi chuyện đã hòm hòm ổn, vợ tôi gọi video call cho tôi. Đầu màn hình bên kia là hai đứa nhỏ nhà tôi đang quậy tưng bánh rượt nhau chạy vui chí chóe trong nhà. Mẹ tôi đang khum lưng bê mấy cái chén kiểu, xấp đũa mới, mấy cái muỗng sạch để chuẩn bị bày biện mâm cúng giao thừa. Mẹ tôi là dâu út trong nhà nhưng do mấy bà dâu lớn “được chuyện” quá nên hầu như mâm cỗ nào trong nhà bất cứ lớn nhỏ, mẹ tôi đều phải thầu hết ! Thành ra mẹ quen tay, làm rất gọn, đâu ra đó. Miếng trầu cánh phượng mẹ têm rất khéo. Nồi hột vịt thịt kho mẹ kho rịu rĩu màu rất đẹp. Bông cải xào xanh mơn mởn. Trái dưa hấu bự chảng phé mẹ xẻ rồi tỉa hình cánh hoa. Hủ củ kiệu trắng thơm mùi nồng nàn của dấm. Một ít thèo lèo cứt chuột, thứ kẹo dân dã của miền Nam. Trà, rượu, muối, gạo, bánh, mỗi thứ một ít không nhiều nhưng cũng không thiếu. Vậy là mâm cỗ cúng đêm ba mươi của nhà tôi được thành hình một cách gọn ghẽ như thế ! Mẹ loay hoa loay hoay bên cạnh vợ tôi để bày biện ra trước hiên nhà. Màn hình video cho tôi thấy rõ mồn một từng giọt từng giọt mồ hôi lăn trên trán mẹ. Tôi thấy mình có lỗi quá ! Cuối video là cảnh vợ tôi quay cảnh hai đứa con kháu khỉnh của tôi đã ôm nhau ngủ vùi. Nhìn chúng tôi lại chợt nhớ lại mình những ngày xưa khi còn có bố bên cạnh cùng cả nhà. Tuy đêm ba mươi nào bố cũng về trễ nhưng chưa bao giờ mẹ không đứng đợi để đón bố từ ngoài cổng. Nghĩa vợ chồng suy cho cùng cũng chỉ hằng mong được tầm chừng ấy. Vợ tôi nói câu chốt hạ “à … Mẹ vẫn đợi cửa anh về, chồng ơi !!!”. Tôi nghe mà đứt từng khúc ruột !

Mười một giờ hơn. Anh em rảo một vòng trong đơn vị xem đã hoàn toàn đâu vào đó chưa. Xong xuôi yên tâm thì ngồi tụ lại cùng nhau, người đánh đàn ghi ta, người gõ bass, người hát mấy khúc nhạc xuân. Hộp mứt tết được anh em chuyền tay nhau vòng tròn đến người cuối cùng thì cũng hết. Anh thủ trưởng nãy giờ còn đang mãi mê nghe điện thoại của cấp trên nên chưa ra chơi với anh em được. Giờ tiến ra bất chợt vỗ vai tôi lên tiếng “Minh ! Em cùng anh em về nhà đón giao thừa nhé. Đã có người của Tổng biệt phái về hỗ trợ trực tết cho chúng ta”. Nghe xong mấy câu đó phải nói là tôi mừng còn hơn trúng số. Tôi hét lớn lên “ anh em … anh em ơi ! Về nhà, về nhà thôi !”. Mọi âm thanh rộn rã chợt dừng bặt lại, mọi người dáo dác nhìn nhau, rồi nhìn về anh thủ trưởng. Anh gật đầu mĩm cười như minh chứng cho điều tôi vừa nói là sự thật. Họ reo vui tưng bừng như những đứa trẻ, họ khóc, họ cười, họ la, họ ôm chầm lấy nhau trong vui sướng. Anh thủ trưởng tiến lại với sấp bao lixi đỏ dày cộm trên tay phát cho từng người một kèm theo lời chúc mừng năm mới. Ai cũng cuối đầu cảm ơn anh, cảm ơn không chỉ vì bao lixi đỏ thắm này mà hơn hết là niềm vui mà anh đã mang lại cho họ trong thời khắc giao thừa thiêng liêng này. Chúng tôi túa ra từ cổng cơ quan mỗi người một hướng. Như đàn ong vỡ tổ, như những cánh chim hoang lạc tìm về tổ ấm bình yên. Chúng tôi hạnh phúc quá. Nhà ơi, tổ ấm ơi, tụi con sẽ về trong ít phút nữa.

Gần về tới nhà thì chiếc Dream cà tàng của tôi lại trở chứng, không chịu nổ máy nữa. Xoay một hồi loay hoay tôi cũng không tài nào khiến động cơ hoạt động trở lại. Tôi không bực mình – mà tôi còn “thương em nó” nhiều hơn. Em nó đã theo tôi từ lúc vừa vào đời lập nghiệp, sướng vui, mặn ngọt “lên thảm nhung xuống phố bụi cùng tôi”. Tôi vuốt vuốt cái hộp số mà nói thầm “ … ráng … ráng một chút nữa giúp anh nghen … !”. Bạn tin nổi không, vừa dứt câu tôi đạp một phát thì máy đã nổ. Tôi mừng quá, chạy thật nhanh để về nhà. Nhà tôi kia, cánh cửa sắt màu xanh ngọc, phía sau là khoảng sân nhỏ có bày biện một mâm cúng ba mươi do chính tay mẹ tôi chuẩn bị. Pháo bông nổ đì đùng trên bầu trời đen kịt cũng là lúc tôi đặt chân vào tới sân nhà. Mẹ tôi tất tả chạy ra, mẹ còn chưa cắm que nhang đầu tiên vào lư hương. Mẹ muốn dành phần việc thiêng liêng ấy cho tôi người chủ của gia đình – đứa con trai mà mẹ hết mực thương yêu từ lúc vừa cất tiếng khóc chào đời. Tôi ôm chầm lấy mẹ, hít hít cái mùi cơ thể đã thân quen mấy chục năm với mình mà thấy “ngọt ngào quá đỗi”. Tôi đã về kịp nhà trước khi giao thừa kéo đến. Mẹ tôi nói con đốt nhang cúng, rồi tự xông đất cho nhà mình luôn đi. 

Đúng thiệt ! Nhà mình mình xông cần gì nhờ đến ai. Điều giản đơn này mãi sao tôi không nghĩ ra.

Mấy que nhang cháy nhàn hạ khói vào bầu trời đêm. Đâu đó trên cao có thể bố của tôi cũng đang nhìn xuống mĩm cười với khung cảnh đêm nay.

***

Sài Gòn.

Đêm ba mươi tết.

Bùi  Quang Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *