Về đề xuất tăng mức đóng BHYT, chia sẻ với Dân Việt, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, điều này là cần thiết trong bối cảnh giá dịch vụ y tế cũng đang đề xuất tăng, các quyền lợi BHYT được mở rộng. Nếu không tăng mức đóng BHYT sẽ dẫn đến thu không đủ chi, mất cân đối quỹ BHYT.
“Việc tăng mức đóng BHYT là cần thiết nhưng tăng thế nào, cần thiết tăng ra sao cần phải cân nhắc và có những tính toán, số liệu thuyết phục”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phúc phân tích, nếu như năm 2022 chỉ có hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên tới gần 175 triệu lượt (tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT so với năm 2022).
Số chi BHYT cho khám chữa bệnh cũng theo đó lên tới khoảng 124.300 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022. Nếu mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT thì chắc chắn số chi sẽ phải đội lên.
“Chúng ta phải tính toán được, nếu mở rộng quyền lợi BHYT, đưa khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc 1 số bệnh hiểm nghèo, bổ sung danh mục thuốc và vật tư y tế BHYT cho trả… thì Quỹ BHYT sẽ phải chi thêm bao nhiêu tiền.
Chân tay giả thì chân tay gỗ 1 giá, chân tay nhựa cao cấp 1 giá hoặc tiến đến chân tay robot cũng sẽ có giá khác… Quỹ BHYT sẽ chi trả ra sao, ước tính sẽ có bao nhiêu người cần chân tay giả…
Năm 2023 đã chi hơn 124.000 tỷ đồng khám chữa bệnh, nếu mở rộng quyền lợi thì số chi sẽ tăng lên bao nhiêu… đều phải tính toán kỹ. Liệu Quỹ BHYT có gánh được không?
Còn nếu tăng mức đóng BHYT thì Ngân sách cần phải chi thêm bao nhiều tiền cho các đối tượng chính sách (19 nhóm đối tượng chính sách). Liệu Ngân sách có gánh được không? Các doanh nghiệp sẽ phải đóng thêm bao nhiêu tiền cho người lao động. Các doanh nghiệp có gánh được không?..
Những điều này đều có tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Do đó, cần phải rộng đường tham khảo, lấy ý kiến của nhiều bên từ Bộ LĐTBXH, doanh nghiệp, chuyên gia y tế, kinh tế…”, ông Phúc chia sẻ.
Trước đó, Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT Bộ Y tế gửi Chính phủ, dự án Luật BHYT sửa đổi dự kiến có 5 nhóm chính sách bao gồm:
Điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn;
Điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT;Phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Trong đó có đề xuất lộ trình tăng mức đóng BHYT theo hưởng tăng tỷ lệ đóng lên mức tối đa 6% tiền lương cơ sở. Bộ Y tế đề xuất 3 phương án tăng mức đóng BHYT:
Phương án 1: Giữ nguyên mức đóng tối đa 6% như hiện nay nhưng đưa lộ trình tăng mức đóng vào Luật BHYT sửa đổi. Từ ngày 1/1/2025, tiền đóng tăng lên bằng 5,1% lương tháng tính đóng BHXH của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6% lương tháng của người lao động.
Phương án 2: Giữ nguyên mức đóng tối đa 6% lương tháng như Luật BHYT hiện hành song lộ trình nâng với tỷ lệ cao hơn. Từ ngày 1/1/2025 mức đóng tăng lên 5,4% lương tháng của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy vào nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6%. Lộ trình này cũng làm tăng chi phí của ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người lao động lẫn hộ gia đình.
Phương án 3: Giữ nguyên quy định hiện hành mức đóng tối đa 6%, chưa tính đến lộ trình tăng nhưng giao Chính phủ quy định khi cần thiết. Phương án này không làm tăng chi phí của xã hội song rất khó để Chính phủ quyết định thời điểm tăng do Luật không quy định. Các cơ sở y tế đối mặt với gánh nặng chi phí trong bối cảnh người khám chữa BHYT tăng, quỹ BHYT có thể mất cân đối thu chi.
“Việc sửa đổi trên nhằm bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp khả năng chi trả của quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, Bộ Y tế đã đề xuất BHYT chi trả các chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường,…
Tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất danh mục điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp người dưới 18 tuổi sẽ được chi trả BHYT, nâng phạm vi tuổi được hưởng BHYT từ dưới 6 tuổi lên dưới 18 tuổi.
Lần đầu tiên, Bộ Y tế cũng đề xuất đưa chân tay giả và máy trợ thính vào danh mục do BHYT chi trả.
Về đề xuất mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, ông Phúc cũng cho rằng, Luật BHYT hiện hành chỉ mới chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh, còn khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh chữa được chi trả.
Ông Phúc cũng đồng ý rằng, nếu như được khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh tật, người dân được điều trị sớm và giảm chi phí điều trị. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, việc mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT cần phải cân nhắc đến khả năng cân đối của Quỹ BHYT.