Lí do mình đọc “Để trở thành người viết” là để kiếm tìm những lời khuyên, giải pháp giúp mình có thể viết tốt hơn đúng như tên gọi của nó. Mình nghĩ ngay từ chính tiêu đề của cuốn sách đã có một sức hút nhất định đối với người đọc, đặc biệt là những người có niềm đam mê với văn chương. Và khi đọc qua 4 phần mục lục, mình lại càng tò mò và kì vọng hơn về cuốn sách. Sau đây là những cảm nhận cá nhân của mình về “Để trở thành người viết”:
Đầu tiên, mình xin nói về phần hình thức. Mình thấy sách của Bloom Books thì đẹp khỏi bàn rồi: từ bìa sách cho đến chất liệu giấy, thậm chí còn có nhiều hình ảnh minh họa bên trong khiến sách về mặt thẩm mỹ không gây nhàm chán cho người đọc. Thứ hai, về mặt nội dung: vì đây là cuốn sách “tuyển tập lời khuyên từ các tác giả trứ danh” cho nên từ đầu đến cuối chỉ là những câu nói, những lời chia sẻ, những câu chuyện người thật việc thật từ các “phù thủy ngôn từ” nổi tiếng thế giới như Haruki Murakami, Earnest Hemingway, Conan Doyle, hay J.K Rowling… Nhưng đáng tiếc, cuốn sách không hoàn toàn thỏa mãn mong muốn ban đầu của mình là sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ giúp cải thiện phần nào kĩ năng viết. Thay vào đó, mỗi câu chuyện, lời khuyên lại đến từ mỗi tác giả khác nhau, muôn người muôn vẻ khiến mình khá mất thời gian để chắt lọc đâu mới là điều phù hợp với mình. Với những trích dẫn ấn tượng hay hợp với phong cách đọc viết của mình thì rất nhớ, nhưng cũng có một số câu nói khá mông lung mình cần một lời giải đáp, ví như tại sao “không bao giờ viết câu bị động, khi nó có thể là câu chủ động”, “đừng đọc các bài đánh giá tác phẩm”,” đừng viết các bài đánh giá tác phẩm”,”đừng sinh con”…? Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc mình không hề thu nhận được điều gì sau khi đọc cuốn sách. Và sau đây là những gì mình đã chắt lọc được để phù hợp với trình độ cũng như phong cách viết của mình:
- Động lực viết: Đam mê thẩm mỹ-Nhận thức về cái đẹp ở thế giới bên ngoài; khát khao được trải nghiệm mà mình cảm thấy thật đáng giá và không nên bỏ qua.
- Bắt tay vào công việc:
- Viết ngay khi có cảm hứng và ý tưởng
- “Viết nhảm nhí, hay viết bất cứ thứ gì, vẫn còn tốt hơn là không động bút.”
- Muốn viết tốt thì trước hết phải “đọc rộng”.
- “Càng rèn luyện việc quan sát được ký càng, bạn càng dựng cảnh thuyết phục hơn.”
- Ngay khi có ý tưởng nảy lên trong đầu, hãy viết xuống một tờ giấy nỏ và ghim ở đâu đó dễ nhìn. Kiên trì đến một lúc nào đó, những ý tưởng nhỏ lẻ ấy có thể tự phát triển thành một câu chuyện.
- “Bạn sẽ phải đưa bản thân vào khuôn khổ nếu muốn trở nên chuyên nghiệp.”
- Lựa chọn khoảng thời gian tập trung, thoải mái, sáng tạo nhất để viết, có thể là sáng sớm hoặc tối muộn.
- Trước khi bắt tay vào viết nên lên dàn ý hay chí ít là viết ngắn gọn cấu trúc tổng thể của câu chuyện.
- Lựa chọn viết tay hay gõ máy là theo sở thích cá nhân, nhưng “đừng hời hợt khi ngồi trước một tờ giấy trắng”.
3.Về sự thất bại và những rắc rối phát sinh:
-“Đã cố gắng. Gặp thất bại. Không sao. Hãy thử lại. Thất bại thêm lần nữa. Nhưng là thất bại theo hướng tốt lên.”
-“…bạn sẽ gặp bế tắc khi viết điều gì đó mà bản thân chưa sẵn sàng, hoặc không thực sự muốn viết.”
-“Dẫu vấn đề là gì, giải pháp luôn là tìm đường trở lại với tình yêu, đam mê và niềm vui sướng.”
-“Một nhà văn chuyên nghiệp là người viết đều tay, dù có cảm hứng hay không.”
-“Thất bại của những người mới bắt đầu thường là kết quả của sự bất lực trong việc diễn tả các suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng hình ảnh, ngôn từ hay một lối hành văn hiệu quả…Giải pháp tốt nhất mà tôi có thể đưa ra đó là đọc.”
-“Thời điểm đáng sợ nhất luôn luôn là ngay trước khi bạn bắt đầu. Sau đó, mọi thứ nhất định sẽ tốt đẹp hơn.”
-“Nêú là một thiên tài, bạn sẽ tạo ra các quy tắc của riêng mình, nhưng nếu không, hãy cứ ngồi vào bàn bất kể tâm trạng, đối mặt với tờ giấy trắng lạnh lẽo, và viết.”
-“Khởi đầu vụng về chỉ là nền móng để tiếp tục phát triển chứ không phải tồn tại cần giải quyết.”
- Viết sao cho hay:
- “Để viết một cuốn sách vĩ đại, bạn phải chọn một chủ đề vĩ đại.”
- “Một nhà văn, hay bất kì ai ngoài kia, phải coi tất cả những biến cố xảy đến với mình là chất liệu. Mọi thứ xảy ra đều có lý do, và nhà văn phải nhìn thấy nó rõ nhất. Tất cả những hỷ, nộ, ái, ố xảy đến đều có thể trở thành nguyên liệu thô để người nghệ sĩ nhào nặn các tác phẩm của mình.”
- “…nên sử dụng ngôn ngữ đơn giản, những từ ngắn và câu gọn”, “đừng cố viết kiểu hoa lá cành”, “thói quen dùng nhiều tính từ, hay trình bày dài dòng, lan man, hoa mỹ một khi đã ăn sâu thì cũng khó bỏ như tệ nạn vậy.”
- “Có ba điểm nhìn giúp một nhà văn định nghĩa công việc của mình: một người kể chuyện, một thầy giáo và một thầu bùa.”
- “Diễn biến nên càng chân thực càng tốt, và bằng mọi giá phải tránh những thông điệp chung chung. Kết truyện phải ấn tượng hơn mở đầu, bởi nó là đỉnh điểm của những mâu thuẫn, là cao trào sẽ để lại ấn tượng mạnh nhất cho người đọc.”
- “Dốc lòng sáng tạo, dốc sức viết , không chùn bước, không mệt mỏi, không trách móc là những lý lẽ duy nhất của người phu chữ.”
- “Viết bằng giọng của nhân vật rất quan trọng, bởi lựa chọn từ ngữ sẽ tiết lộ rất nhiều về một con người.”
- “…bằng nghệ thuật sáng tác, người ta có thể chỉ nói rất ít mà vẫn bao chứa được nhiều điều – trong khi viết nhiều thì chưa chắc đã diễn đạt trọn vẹn được ý tưởng.”
- “Không chỉ đọc nhiều, mà còn cần chú ý đến cách đặt các câu với nhau, các mệnh đề được nối và cách các câu tạo thành một đoạn…”
- “Cần sử dụng ít nhất 3 giác quan để xây dựng một khung cảnh.”
- Khép lại vấn đề
Ở phần này mình nhận thấy một điều rõ ràng và duy nhất: Những kết thúc bi thảm giàu tính nghệ thuật hơn một kết thúc có hậu.
“Nếu bạn tạo ra một kết thúc có hậu, nó sẽ khiến việc giải quyết các vấn đề của đời sống thực trở nên khó khăn.”
Mặc dù đâu đó vẫn còn những luận điểm chưa được giải thích tường tận nhằm giúp người đọc hiểu hơn về những chia sẻ của các tác giả, và dù cuốn sách không hoàn toàn làm được điều mà mình đã kì vọng, nhưng “Để trở thành người viết” vẫn nên có trong tủ sách của những người yêu văn chương, công việc viết lách, muốn làm dày thêm kinh nghiệm trên con đường trở thành một người viết tốt,hay chỉ đơn giản là để thỏa mãn trí tò mò của họ.