Chương trình giáo dục tiêu chuẩn dành cho thái tử thời Trần thế nào, tuy chúng ta không còn tư liệu, nhưng vẫn có thể tìm ra vài chi tiết đặc biệt từ Đại Việt sử ký toàn thư:
“Bấy giờ có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua (Trần Anh Tông) sai dạy thái tử (tức vua Trần Minh Tông sau này) các nghề ấy.”
Cho thái tử học đánh cá có thể là yêu cầu cá biệt của vua Trần Anh Tông, nhưng bắn nỏ, chơi cầu là các môn phổ biến trong giới quý tộc xưa, thái tử phải học cũng không có gì là lạ.
Về phong tục lễ tết thời Trần, An Nam chí lược cũng ghi nhận lại:
“Ngày mồng ba (tháng Giêng), vua ngự tại gác Đại Hưng xem các vương tôn, nội thị đá tú cầu; ai tiếp trái cầu không để rơi là thắng.”
“Tháng hai, […] nhà vua xem đấu võ tại Quan Đình, các dũng phu hoặc nhi đồng đấu vật, ai thắng được thưởng. Các công hầu ngồi trên ngựa đánh cầu…”
Các vua giỏi thời Lý đều tinh thông lục nghệ; Chiêu Văn vương, Chiêu Quốc vương thời Trần đều được ghi nhận giỏi về âm luật, có thể tạm suy ra giáo dục cho các hoàng tử thời Trần vẫn theo chuẩn lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Ngoại ngữ chắc… tùy duyên.
Từ thời Thái Tông cho đến Anh Tông, vua nào cũng nghiên cứu về Phật pháp, nên đây hẳn cũng là kiến thức thái tử cần phải biết.
Thật ra những kỹ năng kiến thức trên dù nhiều, kẻ thừa kế ngai vàng, gánh trên vai tương lai cả giang sơn phải vất vả hơn người thường cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vào thời Trần Minh Tông (cũng chính là vị thái tử đầu bài), vị vua này còn có “thú vui” rèn luyện bản thân và con cái đặc sắc hơn.
Trước hết cần nói qua một chút về kị húy. Húy là tên, kỵ húy đơn giản là kiêng đề cập đến tên của một nhân vật tôn quý nào đó (chủ yếu là kiêng trong văn tự, viết chữ ấy khác đi so với bình thường). Phạm vi và cách thức kiêng mỗi triều đại mỗi khác, mỗi đời vua mỗi khác, thậm chí mỗi húy mỗi khác, nên chúng ta không bàn cụ thể ở đây.
Điều quan trọng là ngoài kiêng tên các đời vua, thái hậu và hoàng hậu, vốn là các chữ húy cơ bản, nhà Trần còn từng có lệnh kiêng cả húy ông bà ngoại các đời vua (nhánh của Yên Sinh vương, tuy là họ ngoại nhưng các vua Trần đa số cưới hoàng hậu là hậu duệ nhánh này, nội ngoại tính ra cũng cùng một mối). Và để thêm uống nước nhớ nguồn, có lúc nhà Trần bắt kiêng luôn huý 8 đời vua Lý, vì công chúa nhà Lý là mẹ vua Trần Thánh Tông, tức các vua Trần đều là cháu ngoại các vua triều Lý.
À, nhưng đó cũng chưa phải điều quan trọng nhất, vì nếu chỉ kiêng khi viết và kiêng vài chục chữ như trên thôi thì vẫn còn đỡ được.
Vua Trần Minh Tông còn đi xa hơn một bước:
“Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì cùng tên với thượng phụ (Trần Thủ Độ), Tung đổi thành Thúc Cao vì cùng tên với Hưng Ninh vương (Trần Tung, anh trai Hưng Đạo vương, con trai Yên Sinh vương). Lại các tên của chú, bác, cô, cậu, khi nhắc đến vua đều kiêng cả. Vua có quyển sổ nhỏ biên những chữ húy tránh nhắc đến, trao cho các hoàng tử và công chúa.”
Mà theo quan hệ, Trần Thủ Độ là em họ của ông kỵ 5 đời kiêm chồng sau của bà kỵ 5 đời của vua, Hưng Ninh vương là anh của bà cụ 4 đời kiêm anh họ của ông cụ 4 đời của vua, nhưng vua vẫn đủ trí nhớ và lòng hiếu thảo để kiêng và dạy con cái cũng phải kiêng.
———
Nói chung nghề làm thái tử cũng nhàn.