Công cuộc cải cách Mindon

Để hiểu những khó khăn của 1 cuộc duy tân, ta cần phải tham khảo mọi cuộc duy tân từng được phát động vào TK19 ( cả thành công lẫn thất bại). Ở đây Phach Ho Nguyen tiên sinh sẽ giới thiệu về cải cách Mindon của người Miến – từng diễn ra đến 30 năm và vẫn sụp đổ. Cũng như Nguyễn Trường Tộ ở Việt Nam, đây cũng là chủ đề nóng hổi mà người Miến thường bàn tán.

Cải cách Mindon – phần 1:

I. Bối cảnh:

Vảo đầu thế kỉ 19, Kobaung Miến Điện là vương quốc rộng lớn và hùng mạnh nhất vùng đất liền Đông Nam Á. Từng liên tiếp 4 lần đánh bại quân Thanh ( thời Càn Long), công phá Hanthawaddy Trung Hưng vốn được Anh, Pháp cùng lính đánh thuê Hà Lan và Bồ Đào Nha hỗ trợ, Miến Điện rất tự tin vào sức mạnh của mình và không ngừng bành trướng. Vào những năm 181X, do không thể đánh lên phía Bắc ( Mãn Thanh) và mãi giằng co trong cuộc chiến với Xiêm ( nước đã bị Miến xâm lược suốt 300 năm, rất có kinh nghiệm chống Miến), họ bắt đầu chuyển hướng qua các tiểu quốc Assam, Arakan và Manipur. Thế nhưng các nước này do giáp với Ấn Độ nên được người Anh viện trợ tích cực, cứ bị chinh phục rồi lại nổi dậy. Quá bực mình với sự cù nhây này, giới lãnh đạo Kobaung vạch ra 1 chiến lược để triệt tiêu nguồn tài trợ trên: xâm lược…Ấn Độ thuộc Anh.

Người Miến vốn có nhiều kinh nghiệm về súng đạn lẫn chiến đấu với phương Tây từ rất xa xưa. Tận hồi 1541, họ đã đánh bại 7 tàu chiến Bồ Đào Nha ở Martaban. Trong cuộc chiến thống nhất đất nước ( 1752-1759), họ từng công phá cảng Thalyin, dùng 2000 quân đánh chiếm pháo đài ở mũi Negrais, đuổi toàn bộ quân Anh lẫn Pháp khỏi miền Nam Miến. Những thắng lợi này khiến người Miến tin rằng phương Tây…chẳng có gì đáng sợ. Vì thế khi khai chiến, tướng Bandula dự định sẽ đánh đến tận…Bengal và đặt toàn bộ miền Tây Bengal dưới sự cai trị của Miến Điện. Chiến tranh nổ ra, và quân Miến bị đánh cho tan tác. Bandula sốc nặng đến mức cầm lọng vàng ra tiền tuyến để bị bắn chết, nhằm giúp quân Miến “ thất bại trong danh dự” ( do mất chủ tướng). Người Miến tá hoả cầu hoà, bị buộc phải bồi thường đến 1 triệu bảng Anh và cắt toàn bộ vùng Taninthayi cho giặc. Từ vị thế kẻ xâm lược, giờ đây Miến trở thành kẻ bị xâm lược, bởi tên thực dân hùng mạnh nhất thế giới lúc đó.

* 1 triệu bảng Anh: gấp 3 lần tổng thuế hàng năm thời Minh Mạng – Tự Đức; tương đương 10 triệu kyat Miến đương thời. Lưu ý là sinh hoạt phí mỗi ngày của 1 nông dân Miến lúc đó chỉ là 1 kyat.

Điều buồn cười là dù tình thế nguy ngập như vậy, người Miến đơn giản là chẳng làm gì hết. Vua Bagyidaw, kẻ phát động cuộc chiến tranh, dành hết phần đời làm vua còn lại ( hơn 10 năm) cho cuộc sống tự kỉ trong cung, vùi đầu sân khấu và những cuộc đua thuyền để vơi nỗi buồn thất bại. Quá sốt ruột trước tình cảnh này, em trai ông ta là Tharrawaddy Min tổ chức cướp ngôi để lãnh đạo người Miến. Cha con vị vua mới này còn tệ hơn cả tiên vương. Thay vì tự kỉ trong cung, họ quay sang…ăn vạ với quân Anh. Tharrawaddy ráo riết chuẩn bị lực lượng để “ chơi khô máu”, còn con ông là Pagan thì gây hấn với người Anh. Nghe tin người Miến bắt giữ 2 thương nhân Anh ( vì tội giết người, tham ô), thực dân Anh liền ra lệnh Miến Điện bồi thường thêm 100 000 bảng Anh nữa. Khi Miến từ chối, Anh liền xua quân chiếm hết toàn bộ miền Nam Miến.

Vào lúc đó, 1 cuộc cướp ngôi khác nổ ra, em trai của vua Pagan là Mindon phát động nổi dậy cướp chính quyền. Sau vài tuần chiến tranh, ông thành công phế bỏ tiên vương, trở thành vị vua mới. Cuộc duy tân – dù đã trễ đến hơn 20 năm – giờ đây chính thức được phát động. Sử gọi là “ cải cách Mindon”.

(Còn nữa)

Nguồn: Phach Ho Nguyen



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *