ĐỂ ĐÁNH BẠI NHỮNG THÓI QUEN XẤU, BẠN CẦN THẤU HIỂU HỆ TÂM LÝ PHÍA SAU CHÚNG
Người viết: Melody Wilding
Đồng hồ điểm 3 giờ và bạn đang đắm chìm trong cảm giác mất hết năng lượng vào buổi chiều.
Bạn tới phòng bếp của công ty để lấy một cốc nước lạnh và ở đó, bạn bắt gặp một hộp đồ ăn vặt dường như đang thầm gọi tên mình. “Chỉ một cái thôi,” bạn thề. Nhưng đó là lần thứ 3 trong tuần này, bạn đầu hàng trước cơn thèm đồ ngọt.
Là một người thông minh, có tham vọng, bạn biết những thói quen xấu sẽ ngăn bạn đạt được mục tiêu của mình. Bạn biết bạn có khả năng tự kiểm soát. Nhưng dù đã cố gắng hết sức, bạn vẫn chẳng thể thay đổi.
Dù đó là ăn vặt giữa ngày, trì hoãn, bỏ tập luyện, cảm giác bất lực khi đối mặt với những thói quen xấu thực sự có thể gây ảnh hưởng đến động lực sống của bạn, thậm chí là lòng tự trọng của bạn.
Sẽ ra sao nếu không thể đổ lỗi cho sự thiếu ý chí? Sẽ ra sao nếu những lời khuyên bạn nhận được về cách “phá vỡ” một thói quen xấu đều là sai lầm?
Nếu bạn đã thử nhiều phương pháp khác nhau hết lần này đến lần khác nhưng chẳng hề hiệu quả, vậy thì đã đến lúc cần một cách tiếp cận mới, áp dụng khoa học về sự thay đổi hành vi.
Hệ tâm lý của những thói quen xấu
Bạn có thể dành ra nhiều giờ để nghiên cứu những mẹo hữu ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu trước tiên bạn không hiểu được thứ tâm lý nào đã thúc đẩy các hành vi đó, bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy chút thành công thực tế nào.
Nếu đem ra phân tích, các thói quen là sự tổng hòa của 3 giai đoạn riêng biệt:
1. Tâm trạng
2. Lệ thường
3. Phần thưởng
Trong ví dụ về bữa ăn vặt giữa ngày, tâm trạng là sự mệt mỏi. Điều này kích hoạt một lệ thường: đứng dậy và đi vào bếp. Phần thưởng? Sự ngon lành của đồ ăn giúp bạn tăng cường năng lượng tạm thời.
Hóa ra vòng lặp của thói quen mạnh mẽ không ngờ và còn là một thứ đã ăn sâu vào trong tâm khảm.
Nó cũng góp phần giải thích chính xác tại sao các thói quen lại khó lung lay đến thế. Sự thật là chúng ta chưa bao giờ thực sự phá vỡ các thói quen xấu, chẳng qua các hành vi “xấu” được thay thế bằng những tùy chọn tích cực hơn mà thôi.
Chủ động sử dụng vòng lặp thói quen
Nếu bạn đã sẵn sàng đánh bay các thói quen xấu mãi mãi thì dưới đây là 3 bước tận dụng vòng lặp thói quen để thay đổi hành vi của bạn về sau.
Bước một: Xác định các giai đoạn
Đầu tiên hãy xác định tâm trạng, lệ thường và phần thưởng nào đã dẫn dắt bạn đến thói quen đó. Quan sát hoàn cảnh xung quanh hành vi đó, bao gồm thời gian trong ngày, ở với ai, cảm xúc khi ấy là thế nào.
Ví dụ, nhận ra sau một ngày làm việc căng thẳng (tâm trạng), bạn về nhà và ngồi phịch xuống ghế bành (lệ thường). Tua nhanh về sau, bạn vừa hoàn thành nguyên một series trên Netflix (phần thưởng). Điểm bất lợi là bạn cũng vừa lãng phí thời gian rảnh rỗi đáng ra nên được dùng để làm các công việc phụ, công việc làm thêm.
Bước 2: Khám phá các tùy chọn thay thế
Giờ đây bạn đã có bản phân tích rõ ràng về chuyện gì đang diễn ra trong mỗi giai đoạn của vòng lặp thói quen, tiếp đó, bạn cần vắt óc suy nghĩ về những thói quen lành mạnh hơn sẽ mang lại kết quả bạn muốn.
Những hành vi thay thế nào có thể mang đến phần thưởng tương đương với hành vi bạn đang cố loại bỏ? Còn thứ gì khác sẽ mang đến cho bạn cảm giác thành tựu, hạnh phúc và thư giãn – hoặc bất cứ nhu cầu cốt lõi nào khác mà “thói quen xấu” của bạn đang thỏa mãn?
Lập ra một danh sách các tùy chọn. Liệu bạn có thể hoán đổi niềm đam mê Netflix vẫn còn đang bỏ ngỏ của mình với một chút thiền định ngắn ngủi hay chuyến đi dạo với người yêu/bạn đời? Tập trung vào các thói quen mới sẽ giúp bạn giải tỏa tâm trạng sau một ngày đầy áp lực (tâm trạng) và đưa bạn vào một trạng thái tâm lý tích cực hơn để hoàn thành công việc freelance của mình (phần thưởng).
Bước 3: Cam kết vừa thực hiện vừa cải tiến, chỉnh sửa
Giờ đã đến lúc thử nghiệm áp dụng những lề thói mới để biết điều gì phù hợp với bạn nhất.
Đưa ra những cam kết có tính khả thi để thử thực hiện các thói quen mới và tiếp cận chúng như tiếp cận một loạt thí nghiệm. Có lẽ bạn đã thiền định sau khi làm việc trong hai tuần và nhận ra nó không dành cho mình. Thử nghiệm nhiều hơn, không chừng bạn sẽ phát hiện ra tập luyện cường độ cao hơn là phương pháp giúp bạn đi đúng hướng.
Bước 4: Dự đoán những thất bại
Thay đổi hành vi rất khó. Làm gì có ai không bao giờ sảy chân lỡ bước, vì thế khi chuyện đó xảy ra, đừng tự hành hạ bản thân hoặc tự chửi bới mình bằng những lời tiêu cực.
Thay vào đó, hãy làm cho vòng lặp thói quen của mình một lớp chống đạn; tính toán và lên kế hoạch cho những trở ngại. Nếu bạn đang cố tuân theo chế độ ăn kiêng, hãy nghĩ đến những tình huống có thể sẽ thử thách thói quen ăn uống lành mạnh của bạn, chẳng hạn như bữa tối mang tính chất công việc có nhiều món bạn thích, đi công tác, những thời điểm áp lực cao.
Khi đã học được cách hành động trong hệ tâm lý của thói quen thay vì chống lại nó, nhiều khả năng bạn sẽ đạt được thành công lớn hơn trong việc đánh bại những hành vi tiêu cực một lần và mãi mãi.
_____________________________________
Nguồn: https://medium.com/the-post-grad-survival-guide/to-beat-your-negative-habits-you-must-master-the-psychology-behind-them-cd125f661dab