Author: Thomas Oppong
————————————————————–
Thông thường thì việc chúng ta quên những cái tên, sự kiện, thông tin hay một kĩ năng nào đó thường bị coi là tiêu cực hay sự hao mòn tự nhiên của trí nhớ.
Mặc dù nghe điều này có vẻ không hợp lí lắm, nghiên cứu cho thấy rằng sự quên lãng đóng vai trò quan trọng của chức năng bộ não. Nó thậm chí còn tăng khả năng lưu trữ thông tin dài hạn, giúp chúng ta ghi nhớ sâu hơn và tốt hơn.
Hiện nay đã có rất nhiều bài nghiên cứu nói về khả năng của bộ não trong việc tiếp nhận và lưu trữ thông tin, cách chúng ta nhớ lại những gì đã học được. Nikolai Axmacher – trưởng khoa tâm thần kinh học tại Bochum nói: “Trong những thế kỉ vừa qua, các nghiên cứu về trí nhớ bộ não chủ yếu tập trung về việc hiểu cách thông tin được ghi nhớ thế nào, tuy nhiên sự quên lãng là rất quan trọng đối với trạng thái cảm xúc, nó giúp chúng ta tập trung vào công việc “.
Cách vận hành của bộ não khi quên một thứ gì đó vẫn chưa nhận được sự chú ý nhiều. Chúng ta chỉ chủ yếu quan tâm tới cách nhớ về những sự việc, con người và sự kiện xảy ra. Khi già đi, chúng ta gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nhưng nhớ chậm hơn một cách khôn ngoan.
Michael Anderson – nhà nghiên cứu về trí nhớ của bộ não từ đại học Cambridge chia sẻ: “Chắc chắn là tôi sẽ quên rất nhiều điều đã xảy ra trong cuộc sống khi tôi chạm 80 tuổi. Làm thế nào mà nghiên cứu về vấn đề quên của bộ não chưa bao giờ thực sự được cân nhắc một cách nghiêm túc ? “.
Chúng ta không nên quá để ý về việc bộ não hay thất bại trong việc ghi nhớ sự việc nào đó trong ngày bởi đây chính là một phần không thể thiếu của chức năng bộ não. Khi nó không nhớ một sự việc thì điều này không nhất thiết là dấu hiệu của lỗi bộ nhớ trong cách vận hành.
Não bộ quên để nâng cao khả năng ghi nhớ
Con người hay quên những gì đã đọc, theo dõi, nghĩ và tương tác trực tiếp với sự việc bên ngoài (đương nhiên là ta cũng nhớ nhiều trải nghiệm quan trọng). Một hệ thống bộ nhớ thông minh thì cần được quên. Bộ não có xu hướng giữ lại những thứ quan trọng và lược bỏ những thứ còn lại. Nghe có vẻ như phản khoa học, nhưng sự lãng quên chính là một phần quan trọng của một chức năng đang hoạt động trong bộ não và kí ức. Đây chính là quá trình học của não bộ để nhận biết những gì quan trọng và những gì không, dựa vào cách mà chúng ta sử dụng thông tin. Ban đầu nó sẽ cố gắng nhớ nhiều nhất có thể nhưng dần quên đi khi thông tin đó không còn liên quan.
Oliver Hardt – nhà nghiên cứu về sự quên và kí ức não bộ tại đại học McGill ở Montreal cho rằng: “Chúng ta sẽ không có chút kí ức nào nếu bộ não không quên được. Nó hoạt động như một cái lọc dùng để loại bỏ khỏi đầu những thứ được cho là không quan trọng “.
Cả hai việc lưu trữ và mất trí nhớ đều quan trọng cho việc chọn lựa ra những thông tin liên quan để giữ lại. Bộ não sẽ không ngừng tự tối ưu hóa để giúp ta lấy những thông tin cần thiết và liên quan nhất. Hãy nghĩ nó như một cái máy thu rác chạy loanh quanh để giúp ta quên đi những thứ không hay dùng tới.
Robert N.Kraft – tiến sĩ giáo sư về tâm lý học nhận thức tại đại học Otterbein viết rằng: “Người nào có khả năng hay loại những sự việc không liên quan ra khỏi đầu thì sẽ tốt hơn trong việc ghi nhớ những thứ quan trọng, hiện tượng này được gọi là sự quên thích ứng. Nó cho phép chúng ta trải nghiệm thế giới xung quanh ngay tức thì và đầy đủ hơn, nó cũng giúp trong việc quản lý và kiểm soát những nỗi buồn đau, thúc đẩy ta nhớ đến điều gì là quý giá trong cuộc đời “.
Sự quên lãng là điều cần thiết để duy trì một bộ não thông minh và khỏe mạnh hơn. Nếu không có điều này, bộ não sẽ khó mà hoạt động hiệu quả được bởi vì chúng ta sẽ bị vùi lấp trong những kí ức không cần thiết và đôi khi là nỗi đau không thể phai.
Bộ não quên đi để tăng tính linh hoạt và dẻo dai bằng cách xóa đi những thông tin lỗi thời và không liên quan, giống như việc ta sẽ phải trả tiền cho việc lưu trữ kí ức nên sự quên lãng chính là một quá trình để tiết kiệm bộ nhớ.
Hãy nghĩ về trầm cảm, lo lắng hay hậu chấn tâm lý (PTSD), để hồi phục được căn bệnh này thì sự quên là rất cần thiết. Những người gặp khó khăn trong việc quên thì dễ bị sang chấn tâm lý hơn.
Đây là lí do tại sao việc loại bỏ kí ức hoặc việc quên là chìa khóa quan trọng trong điều trị chứng bệnh PTSD – khả năng để quên được sử dụng như một cơ chế bảo vệ để cải thiện chức năng bộ não.
Viatchelav Wlassoff– vị tiến sĩ học, chuyên môn về khoa học và nghiên cứu y khoa dược học và di truyền cho rằng: “Việc quên giúp ta bỏ lại quá khứ và hướng đến tương lai. Cả trí nhớ và việc quên sẽ vẫn xảy ra như một phần của cuộc sống, điều này cho phép ta quên đi nỗi buồn bực và đau đớn của quá khứ “.
Bộ não quên để học hỏi được nhiều hơn
Những nghiên cứu mới đây cho rằng quên chính là một phần của quá trình học hỏi và ghi nhớ, cho phép tiếp thu thông tin mới. Nó chính là bộ não trong khi cố gắng xử lí thông tin mới – ngay khi bạn học được điều gì mới, bộ não sẽ làm việc để nhặt ra những gì quan trọng nhất.
Hãy sử dụng mong muốn của bộ não là quên để tận dụng phương pháp học “Spaced Repetition” – cố gắng nhớ lại thông tin mình đã học trong một khoảng thời gian nhất định.
Chẳng hạn khi bạn đọc cuốn sách bạn thích, thay vì cất đi khi đã hoàn thành, bạn đọc lại cuốn đó sau 1 tháng, xong lặp lại sau 3 tháng, xong tiếp tục đọc lại sau 6 tháng và cuối cùng là sau 1 năm.
Bạn không thể khiến bộ não ngừng quên được nhưng lại có thể tận dụng cách phản ứng của nó. Khi bạn nhanh chóng xem lại những tài liệu đã đọc một vài lần nữa, những thông tin đó sẽ được lưu lại nhiều hơn trong não thay vì bốc hơi chóng vánh.
Khoa học chỉ ra rằng khi bộ não ban đầu lưu trữ một thông tin mới vào trí nhớ dài hạn, nó sẽ chỉ được giữ lại ở đó nếu bạn xem lại một vài lần để tăng khả năng nhớ lâu hơn.
Bằng cách áp dụng phương pháp học “Spaced Repetition”, bạn sẽ tránh được quá trình sinh học tự nhiên của não bộ là thường xuyên cản trở những thông tin mới được lưu.
Nếu bạn không muốn quên hoặc muốn giữ mảnh thông tin đó vào trí nhớ dài hạn, bạn có thể hoàn toàn làm được điều đó bằng cách tạo ra một ý nghĩa nào đó, tạo sự kết nối về mặt cảm xúc và điều này sẽ dẫn đến một quá trình xử lí có chủ ý không thể bị xáo trộn của bộ não. Khi làm được điều này bạn sẽ chủ động giữ được những mục tiêu kiến thức vào trí nhớ dài hạn.
Bộ não của chúng ta đang trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Chúng ta liên tục tiếp nhận những sự thật hiển nhiên, hiện thực giả tạo, những thông báo, tin đồn và tất cả những thông tin liên quan. Việc quá tải thông tin đồng nghĩa với việc chúng ta đang xử lí nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết.
Sự lãng quên sẽ luôn là cách bộ não lược ra, giữ lại những thông tin quan trọng từ đống thông tin lộn xộn đó. Đó sẽ là cách mà não bộ hoạt động hiệu quả hơn, một chiến lược tiền tuyến trong cách xử lí thông tin mới được tiếp thu để tạo ra những quyết định tốt hơn và cải thiện trí nhớ.
Theo: Minh Vũ