ĐÂY LÀ MỘT TỜ BÁO CỦA HÀN QUỐC NHỮNG NĂM 1960

Những ai chưa tìm hiểu nhiều về văn hóa ngôn ngữ của Hàn Quốc có thể sẽ tưởng đây là một bài báo của Trung Quốc, với số lượng chữ Hán dày dặc. Nhưng đây là một hiện tượng phổ biến trong văn viết Hàn Quốc, sử dụng hỗn hợp cả chữ Hán và chữ Hàn.

Lưu ý: Đây là chữ Hán được sử dụng theo cách của người Hàn, với âm đọc bằng tiếng Hàn, đây không phải tiếng Trung Quốc.

Hàn Quốc là 1 trong 5 quốc gia thuộc vùng văn hóa chữ Hán (Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam). Chữ Hán có vai trò quan trọng trong văn hóa và ngôn ngữ của người Hàn, là chữ viết chính thức của dân tộc này trong suốt lịch sử phong kiến. Ngay cả khi bảng chữ cái tiếng Hàn (Hangeul, chữ Hàn) được phát minh vào thế kỷ 15 thì vị thế của nó vẫn ở dưới chữ Hán một bậc. Chỉ đến khi chủ nghĩa dân tộc ở bán đảo Triều Tiên phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20, chữ Hàn mới được ưu tiên sử dụng, nhưng họ vẫn sử dụng song song với chữ Hán.

Trước năm 1970, chữ Hán là môn học bắt buộc ở các trường cấp 2 và cấp 3 của Hàn Quốc, Nhưng kể từ năm 1970, chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách “chỉ sử dụng Hàn (Hangeul Chuyên Dụng)”, chữ Hán trở thành môn học tự chọn. Và từ thời kỳ tổng thống Kim Tae-jung (1998-2003), vị thế của chữ Hán bị suy yếu, ngang bằng với các tiếng nước ngoài như tiếng Pháp và tiếng Nhật. Hiện nay chữ Hán vẫn được sử dụng trong các website báo chí Hàn Quốc, nhưng tỷ lệ sử dụng đã giảm khá sâu.

Chính sách này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi về việc người Hàn có nên loại bỏ chữ Hán ra khỏi văn viết tiếng Hàn hay không. Mình xin nói sơ lược về các tranh cãi này như sau:

1) Phái ủng hộ sử dụng 2 loại chữ Hán và Hàn:

Những người ủng hộ sử dụng song song chữ Hán và Hàn cho rằng chữ Hán có vai trò rất quan trọng trong từ vựng tiếng Hàn. Theo Viện Quốc Ngữ Quốc Lập, 510 nghìn từ vựng trong từ điển tiếng Hàn là từ gốc Hán, chiếm 58,5%, số từ bản ngữ chỉ chiếm 25,5%, tức là chưa bằng một nửa số chữ Hán. Đây là cơ sở quan trọng để khẳng định rằng:”Tiếng Hàn không thể được viết hoàn toàn bằng Hangeul, vì nó sẽ dễ gây hiểu lầm”. Ví dụ như:

Núi Bukhansan ở Seoul, nếu chỉ viết là 북한산, sẽ có người hiểu lầm đây là “một núi ở Bắc Hàn (Triều Tiên), trong khi ý nghĩa của tên ngọn núi là “Núi ở phía Bắc sông Hán” (北漢山, 北 Bắc (phía Bắc), 漢 Hán (tên sông), 山 Sơn (núi))

Park Hang-soo, Cục trưởng Hiệp hội xúc tiến bình thường hóa chính sách Ngôn ngữ Hàn Quốc đã nhấn mạnh rằng:

“Không phải là thay đổi giáo dục để viết các câu bằng chữ Hán như trước đây, mà chúng ta cần chữ Hán để có thể hiểu rõ hơn về tiếng Hàn. Đặc biệt, 90% các từ vựng chuyên môn là từ gốc Hán, và gần như bất khả thi để có thể giao tiếp và nghiên cứu nếu không thể hiểu rõ các từ đó.

2) Phái ủng hộ chỉ sử dụng chữ Hàn:

Những lập luận này của những người ủng hộ chữ Hán đã bị phái đối lập bác bỏ. Những người ủng hộ chỉ sử dụng chữ Hàn cho rằng những ý nghĩa của các từ vựng này có thể hiểu được thông qua trải nghiệm, đọc hiểu và thảo luận:

“Chúng ta chỉ cần biết bài “Ái Quốc Ca”(Aekukka) là “bài hát về sự yêu nước” chứ không phải giải thích rằng tên bài này chữ Hán là 愛國歌, với (Ái) là yêu, (Quốc) là nước, (Ca) là bài hát.”

Những tranh cãi này xoay quanh các vấn đề về chữ Hán đối với ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Hàn Quốc, ví dụ như: Liệu sử dụng chữ Hán có làm thay đổi vị thế của chữ Hàn hay không, hệ quả của nền giáo dục Hàn Quốc nếu chữ Hán quay trở lại làm môn học bắt buộc, và việc cấm sử dụng chữ Hán có vi phạm các quyền tự do sử dụng ngôn ngữ của nguời dân hay không,v.v… Những cuộc tranh cãi này vẫn đang diễn ra căng thẳng, và chưa có hồi kết.

Nguồn: YNA, KBS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *