Lý do mà sự thất bại của gói cứu trợ coronavirus sẽ dẫn đến một thảm họa kinh tế nhanh chóng và sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại
———————-
Tác giả: umair haque
———————–
Hãy nhìn vào hình dưới. Nó gây ra rất nhiều sự kinh ngạc. Hãy để tôi giải thích.
Trước đó không lâu, khi quan sát chính phủ và giai cấp lãnh đạo Mỹ thất bại trong việc phản ứng với coronavirus, tôi đã viết một bài luận có tên là “Nước Mỹ đang tiến hành tự sát kinh tế”. Chỉ vài ngày sau đó, thì chúng ta đã được chứng kiến bằng chứng hiển nhiên cho việc này.
Một tuần nữa trôi qua – cho đến lúc này, 17 triệu người đã phải xin trợ cấp thất nghiệp. Con số này lớn đến mức nào? Có tổng cộng khoảng 165 triệu người lao động tại Mỹ. Tức là khoảng 10% trong số này đã mất việc làm. 10%.
Tệ hơn nữa, tất cả xảy ra chỉ trong vòng 3 tuần. Tức là tỷ lệ trung bình mỗi tuần là 3,3%. Nếu tiếp tục như vậy, thì ¼ lực lượng đóng góp cho nền kinh tế sẽ trở nên thất nghiệp chỉ trong vòng 3 tuần rưỡi. Điều gì sẽ xảy ra khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức 25%? Thông thường, điều này sẽ gây ra hỗn loạn và biến động. 40%? Nó sẽ mang lại chế độ chuyên chế.
Đây là bằng chứng cho một thực tại đen tối. Coronavirus là một cú sốc mà nền kinh tế hiện đại chưa từng trải qua. Chưa từng có thể hơi quá – nhưng nó đúng trong trường hợp này. Kể cả chiến tranh và động đất cũng không gây thiệt về lao động lớn đến mức này. Chúng ta thực sự chưa từng được trải nghiệm điều tương tự trong lịch sử hiện đại.
Và như vậy – về cốt lõi – thì những quy tắc cũ sẽ không có tác dụng. Chúng ta đã đi quá xa khỏi ranh giới của sự bình thường – và nếu như tiếp tục làm theo những nguyên tắc cũ thì sẽ chỉ khiến cho hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn. Nhưng… đó lại chính là điều mà chính phủ Mỹ đang làm.
Gói cứu trợ được thông qua sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong vòng 1 tuần. Hơn nữa, cơ cấu của nó cũng rất tồi: quá mù mờ, không ai thực sự hiểu cách để được nhận số tiền hỗ trợ ít ỏi của nó, đầy những điều kiện khiến cho việc nhận được tiền trở nên khó khăn. Đáng ra nó phải cực kỳ đơn giản để được nhận hỗ trợ, nhưng nó lại quá phức tạp, đáng ra nó phải trở nên rõ ràng với tất cả – nhưng chẳng ai thực sự hiểu được nó. Và kết quả của chuyện này?
Sự mất niềm tin trầm trọng – mà đây lại là yếu tố quan trọng để chống chọi với suy thoái, theo như kết luận của Keynes gần một thế kỷ trước. Nhưng các doanh nghiệp thì đang không chắc chắn và sợ hãi đã bắt đầu cắt giảm nhân sự số lượng lớn. Tạo ra một cơn sóng khổng lồ những người mất việc làm. Và chúng ta mới chỉ đang ở đầu sóng. Tại sao?
Bởi vì dịch Corona còn chưa đạt đỉnh. Vậy mà tỷ lệ thất nghiệp đã đạt 10%. Liệu con số cuối cùng sẽ là bao nhiêu? 20%? 30%? Đây là những điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chúng có ý nghĩa gì? Khi người dân mất đi nguồn thu nhập, họ sẽ phải sống bằng tiền tiết kiệm của bản thân. Nhưng phần lớn người dân Mỹ đều thiếu một khoản tiết kiệm hữu dụng. Như vậy họ sẽ buộc phải bán đi tài sản. Hậu quả của làn sóng thất nghiệp đó là người dân sẽ mất đi thu nhập, kéo theo cả tiền tiết kiệm và nhà cửa. Rất nhiều người Mỹ sẽ không chỉ rơi vào cảnh khó khăn tạm thời, mà sẽ trở nên nghèo thực sự về dài hạn. Số tài sản mà họ nỗ lực để có được sẽ biến mất chỉ sau một đêm. (Đối với chủ nghĩa tư bản ở Mỹ, thì những tay to cho vay nợ sẽ ào đến, giả vờ đề nghị được giúp đỡ – nhưng giống như chiếc thòng lọng, nó sẽ trở thành một khoản nợ suốt đời, với lãi suất cắt cổ.)
Khi người dân bị nghèo đi vĩnh viễn, tất nhiên họ sẽ phải cắt giảm tiêu dùng, và vòng xoáy nghiệt ngã lại được bắt đầu – suy thoái. Sẽ kéo dài, có lẽ cho đến khi mà một sự cân bằng mới được tái lập – khi mà số công việc ít hơn, thu nhập thấp hơn, cơ hội ít hơn, và sự giảm thiểu trầm trọng về tiềm năng con người.
Và đó lại là điều cốt lõi của một nền kinh tế: không phải chứng khoán, cổ phiếu, hay lợi nhuận kinh doanh – mà là tiềm năng con người. Nếu như bạn thực sự nghĩ về dịch Corona – hoặc bất cứ một cú sốc nào – thì đây là cách mà nó sẽ xảy ra. Hãy dành vài phút để nói về điều này.
Coronavirus sẽ hoàn tất quá trình đã được bắt đầu khoảng hai thập kỷ trước đây: cái chết của tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Nó bắt đầu như là một hệ quả của những quyết sách tồi tệ liên quan đến kinh tế – và trong khoảng thập niên 2010, lần đầu tiên trong lịch sử, tầng lớp trung lưu ở Mỹ trở thành thiểu số. Hiệu ứng dài hạn của dịch Corona sẽ quét sạch toàn bộ tầng lớp trung lưu tại Mỹ. Tại sao?
Không chỉ bởi vì người dân sẽ mất đi thu nhập, tiền tiết kiệm và tài sản. Mà là những công việc đã bị mất đi có lẽ sẽ không trở lại. Những nhà kinh tế học ở Mỹ đang có mộng tưởng rằng, khi mọi thứ kết thúc, thì các doanh nghiệp sẽ bằng cách nào đó quay trở lại hoạt động. Họ mắc sai lầm trầm trọng do thiếu kinh nghiệm thực tế về cách mà những nhà đại tư bản sẽ bắt tay nhau để cùng hành động.
Rất nhiều các hộ kinh doanh vừa và nhỏ đang phải đóng cửa hiện nay có lẽ sẽ biến mất mãi mãi. Các chủ doanh nghiệp hiện tại đang tuyên bố phá sản. Bạn nghĩ rằng họ sẽ có thể bắt đầu kinh doanh trở lại, khi mà sự hỗn loạn này kết thúc? Tất nhiên là không. Họ sẽ không những mắc bẫy, khi phải bán đi tài sản, kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, cố gắng để kiếm sống – mà còn rất nhiều người sẽ bỏ cuộc, vì cho rằng rủi ro khi kinh doanh là quá lớn.
Cùng lúc đó, thì những tập đoàn lớn sẽ có thời gian đi mua sắm khi chuyện này kết thúc. Họ cầm cả đống tiền trong tay – nhiều đến mức họ không biết phải làm gì với nó. Đây là cơ hội vàng để bắt đầu mua tài sản giá rẻ. Đó có thể là cửa hàng, nhà máy, thiết bị hay bất kỳ thứ gì. Hãy nhìn vào một ví dụ, trào lưu kỳ lạ và đen tối khi mà thị trường nhà đất ở Mỹ đang bị kiểm soát mỗi năm một nhiều hơn bởi những tập đoàn bất động sản lớn ở Mỹ, khi mà họ mua lại nhà đất trong thời kỳ khó khăn, rồi lại cho chính những chủ nhân cũ thuê lại. Họ sẽ còn phát triển như thế nào nữa khi mà mọi thứ kết thúc?
Thật ra, bạn đã có thể nhìn thấy lợi ích của Coronavirus đối với tài sản của những tập đoàn lớn. Amazon và Google đâu cần cứu trợ – họ đang kiếm được cả đống tiền rồi. Cổ phiếu y tế đang tăng trưởng – điều tương tự với cổ phiếu tài chính. Tại sao? Tất cả những tập đoàn lớn đã tư hữu hóa rất nhiều tài sản công – và khi mà khủng hoảng xảy ra, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền, đến từ những người dân khi mà họ phải dùng những thứ đáng ra là của công. Ví dụ như Amazon đang được hưởng lợi nhờ vào ngành bưu chính đang tiến đến giai đoạn “vỡ nợ”.
Làn sóng các nhà đại tư bản tạo ra sự độc quyền áp đảo, chiếm quyền điều khiển nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh nhờ có Coronavirus – đi cùng với làn sóng kéo theo sự biến mất của những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hãy nghĩ đơn giản thế này. Hôm nay, bạn dành ra một phần thu nhập của gia đình cho Amazon – một xu hướng ngày càng được lan rộng, đến mức cực đại. Cùng lúc đó, bởi vì dịch Corona, thì cửa hàng thịt, bánh trái, rồi đồ uống gần nhà bạn đã phải đóng cửa. Bạn thấy điểm giao thoa của chúng chưa?
Cuối cùng là những gì còn sót lại trong đống đổ nát của nền kinh tế sẽ là những tập đoàn lớn nắm trong tay hầu hết quyền kiểm soát. Điều này thực ra đã diễn ra ở Mỹ. Nhưng trong tương lai nó sẽ còn tiếp diễn mạnh hơn.
Một nền kinh tế như vậy không thể hoạt động hiệu quả – giống như ở Xô Viết trước đây. Tại sao? Tương tự như Xô Viết, những tập đoàn lớn sẽ không có lợi ích cụ thể để thúc đẩy họ mang lại những hàng hóa hay dịch vụ chất lượng. Và người Mỹ, giống như Xô Viết trước đây, sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt kéo dài: về thuốc men, y tế, thực phẩm chất lượng, hay thậm chí là tiền, ngay cả nước sạch như đang diễn ra ở nhiều nơi. Xu hướng này sẽ được đẩy mạnh, như là một hậu quả của dịch Corona nền kinh tế sẽ đi từ phá sản cho đến mức dừng hoạt động hoàn toàn.
Những tập đoàn lớn đang mang lại những loại công việc gì hiện nay? Trước đây, họ mang lại những loại công việc từng là đặc quyền của giới trung lưu (ít nhất là đối với người da trắng có xuất thân đủ lớn, tôi đoán vậy). Loại công việc ổn định lâu dài, với phúc lợi tốt, và một sự đảm bảo tuyệt đối. Hiện nay, thì đây chỉ là chuyện cười. Người Mỹ làm việc như những kẻ tuyệt vọng – và xu hướng này cũng sẽ được đẩy mạnh. Công việc – nếu bạn may mắn kiếm được – sẽ không có phúc lợi thực tế, chăm sóc y tế ở mức tối thiểu, thu nhập gần như không tăng, và một chế độ nghỉ hưu gần như khiến bạn không thể ngừng làm việc. Nhưng kể cả những công việc mỳ ăn liền như vậy cũng đang trở nên mang yếu tố thời vụ trong vòng một thập kỷ qua.
Hàng loạt người dân Mỹ đang sắp trở thành tầng lớp trung lưu sẽ dần trở thành nô lệ cho giới thượng lưu: họ đưa thức ăn và chăm sóc thú cưng rồi lau dọn nhà cửa rồi lái xe đưa chủ nhân đi từ các văn phòng bóng bẩy đến những câu lạc bộ cao cấp. Và rồi được nhận lại những đồng lương ít ỏi. Đây là bộ mặt của một xã hội đang xuống dốc – tầng lớp trưng lưu trước đây, từ một lực lượng lao động tích cực, giờ trở thành nô lệ cho những chủ nhân là các nhà tư bản công nghệ, làm những công việc tay chân thay cho chủ nhân.
Hãy nghĩ về cách mà Coronavirus sẽ biến điều này thành hiện thực. Có một anh chàng đủ dũng khí để làm một điều gì đó khác biệt – phải chấp nhận đi vay mượn, để mở một xưởng nấu bia nhỏ. Anh ta mới chỉ bắt đầu có chút thuận lợi, nhưng rồi dịch bệnh kéo đến. Nền kinh tế lao dốc. Không còn ai đặt hàng, do khách hàng của anh là những nhà hàng và quán bar đã đều đóng cửa. Trong cơn tuyệt vọng, anh bắt đầu đi giao hàng cho Amazon và Instacart vào ban ngày, và chạy Uber vào ban đêm. Phải có người kiếm tiền trả nợ chứ. Phần lớn khoản nợ nằm trong thẻ tín dụng – thiếu khôn ngoan, nhưng đó đôi khi là cái giá phải trả khi trở thành doanh nhân.
Ba tháng trôi qua. Dịch bệnh đã kết thúc. Nhưng anh vẫn phải làm những công việc thời vụ trên, để trả nợ. Xưởng bia của anh đã phá sản – bởi vì những khách hàng trước đây của anh đã biến mất. Anh đã cố để duy trì nó, nhưng rồi khoản nợ trở nên quá lớn. Dường như nó sắp đẩy anh ra đường. Con người đã từng là một doanh nhân, tràn đầy ý tưởng, tràn trề tiềm năng. Giờ đây đang phải đi giao hàng cho Amazon và Instacart và lái xe cho Uber. Anh không còn có “công việc – hay là việc kinh doanh – nữa, và có lẽ là không bao giờ có thể lấy lại được.
Bạn thấy những tiềm năng của con người bị lãng phí chưa? Bây giờ hãy nhân nó với toàn bộ số người sẽ phải chịu ảnh hưởng của dịch Corona. Hãy nghĩ về những gì mà tất cả chúng ta sẽ mất. Đó có thể là nghệ thuật, văn chương, khoa học hay chỉ là một sự sáng tạo nhỏ nhoi trong ví dụ của tôi ở trên. Hãy nghĩ về những con người sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo khó, không thể theo đuổi được giấc mơ của họ – do suy thoái mà phải làm mọi thứ để tồn tại, sống trong một nền kinh tế chỉ có người giàu và người nghèo, chỉ có con mồi và kẻ đi săn, trở thành nộ lệ cho giới thượng lưu. Hãy nghĩ về những điều đã từng tạo nên một tàng lớp trung lưu lao động tích cực. Bây giờ chúng ta sẽ gọi họ là gì… nô lệ cấp cao? Chúng ta sẽ mất đi những gì khi mà họ phải đi làm những công việc tay chân – thay vì đáng ra họ có thể sẽ tìm ra phương thuốc sẽ cứu chúng ta khỏi dịch bệnh này?
Tiềm năng con người biến mất. Là điều mà đang diễn ra, khi mà chính phủ Mỹ đã thất bại hoàn toàn trong việc hỗ trợ người dân hay nền kinh tế khi dịch bệnh xảy ra.
Câu chuyện tôi kể rất buồn. Nhưng nó sẽ trở thành hiện thực đối với hàng triệu người trong những tuần tới đây. Khi mà những người dân Mỹ, những người đã nỗ lực cả đời chỉ để có cơ hội theo đuổi khát vọng bản thân để rồi phải đối mặt với sự sụp đổ về mọi mặt. Nhưng đó không phải lỗi của họ. Đó là lỗi của chính phủ và những nhà cầm quyền. Những người gần như không giúp được gì – khi chỉ mang lại hỗ trợ kéo dài một tuần, cho một dịch bệnh đang kéo dài nhiều tháng.
Điều gì sẽ xảy ra khi mà con người đã mất đi giấc mơ và hy vọng? Họ sẽ phải đối mặt với sự nghèo đói – có lẽ là cả đời? Họ sẽ tìm đến những kẻ mị dân đang nắm quyền, với những sự tức giận, tuyệt vọng, đau đớn chất chứa trong lòng. Và những kẻ đó sẽ đổ lỗi cho những con người yếu thế – đem họ ra để biện minh cho những vấn đề của kinh tế và xã hội. “Họ là những kẻ đã mang đến sự nghèo đói!”, chúng gào lên. Ở Mỹ, thì “họ” là người Mexico và gốc Latin, Do Thái, ở Anh và Châu Âu, thì là người Ấn Độ và đạo hồi, tương tự ở những nơi khác.
Khi mà xã hội đã trải qua những cơn sốc được dàn dựng sẵn, thông qua sự tắc trách, đầu hàng và thất bại, khiến cho người dân trở nên nghèo đi – thì dân chủ cũng sẽ chết theo. Hãy nhìn lại nền cộng hòa Weimar. Hãy nhìn vào quá trình nước Nga Xô Viết dần dần rơi vào tay Putin. Hãy nhìn vào… nước Mỹ hiện nay. Chế độ của Trump là hậu quả trực tiếp, đã được dự báo trước đến từ sự biến mất của tầng lớp trung lưu. Dịch Corona gần như chỉ có vai trò đẩy nhanh quá trình đưa nước Mỹ trở thành chế độ chuyên chế.
Đây là cách mà nền kinh tế sẽ chết, thưa các bạn. Và khi mà nền kinh tế chết, nó sẽ kéo theo cả một xã hội tích cực, sáng suốt và văn minh đi cùng. Liệu đó có phải là tương lai của nước Mỹ? Hay nó đã trở thành thực tại rồi? Tôi sẽ để cho bạn là người quyết định.