Đâu là ý tưởng nguy hiểm nhất trong triết học hiện đại?

A: William Poundstone, Tác giả cuốn sách “The Doomsday Calculation” và “Are You Smart Enough to Work at Google?

Vào hè năm 1969, sinh viên Đại học Harvard J. Richard Gott III ăn mừng lễ tốt nghiệp của mình bằng một chuyến đi tới Châu Âu. Một trong những địa điểm mà chàng sinh viên tới là Bức tường Berlin, lúc đó được 8 năm tuổi. Gott làm một phép tính nhanh và thông báo với một người bạn của mình, Chuck Allen rằng: Bức tường Berlin sẽ đứng ở đó ít nhất 2 và 2/3 năm nữa nhưng sẽ không quá 24 năm.

Nhiều năm sau Allen nhận được một cuộc điện thoại từ Gott, nhắc anh mở TV. Người ta đang kéo đổ Bức tường. Đó là vào năm 1990, 21 năm sau tiên đoán của Gott và nằm trong khoảng thời gian dự đoán đó.

Gott, giờ đã là một nhà vật lý vũ trụ ở Princeton, gọi hệ thống tiên đoán đó là Phương pháp Copernican. Cái tên là để tỏ lòng tôn kính với Copernicus, nhà thiên văn học thời Phục hưng đã đề ra mệnh đề Trái đất không phải trung tâm của vũ trụ. Những nhà thiên văn học đã mở rộng hiểu biết này thành Nguyên lý Copernican, chỉ ra rằng chúng ta nên cân nhắc vị trí của mình, rằng vị trí ấy rất ngẫu nhiên, không có gì đặc biệt hết—ít nhất là nếu như chúng ta không đưa ra lý do thỏa đáng nào để tin vào điều gì khác.

Vì thế Trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, mà giống như một hành tinh rất bình thường quay quanh một ngôi sao bình thường ở vùng ngoại ô của một ngân hà rất bình thường. Sự ngẫu nhiên về vị trí của chúng ta trong không gian đã được củng cố lần này đến lần khác kể từ thời của Copernicus.

Gott đã áp dụng ý tưởng này lên việc quan sát của một người với thời gian. Chuyến đi của ông tới Bức tường Berlin xảy ra sau khi nó được xây dựng (rõ ràng rồi!) và trước khi nó không còn tồn tại nữa (dĩ nhiên). Mặt khác, ông đã tới địa điểm này vào một khoảnh khắc ngẫu nhiên, không hề đặc biệt trong lịch sử tồn tại của nó. Điều này có nghĩa chuyến thăm của Gott không có xu hướng vô cùng sớm, hoặc vô cùng muộn trong lịch sử của bức tường.

Bạn có thể vẽ lại logic của Gott trong một sơ đồ. Biểu thị sự tồn tại của Bức tường Berlin qua thời gian bằng hình dạng một cái thanh, như thanh cuốn của một bộ phim vậy. Nó có phần đầu, phần giữa và phần kết.

Tôi đã tô đậm “phần nửa ở giữa” (màu đỏ) trong thanh tồn tại của bức tường. Phần này nằm trong khoảng từ 25 phần trăm tới 75 phần trăm thời gian tồn tại của bức tường. Bởi vì chuyến đi của Gott có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, cơ hội để nó nằm vào nửa ở giữa này là ½.

Bây giờ giả sử, vì mục đích tranh luận, rằng chuyến thăm của Gott xảy ra vào điểm 25 phần trăm trong thanh thời gian của bức tường. Vào khoảnh khắc đó, tương lai còn lại của bức tường sẽ gấp ba lần khoảng thời gian nó đã tồn tại (75 phần trăm là 3 lần 25 phần trăm). Và bởi vì thời gian tồn tại của nó, tính vào năm 1969 là 8 năm, thời gian còn lại của nó sẽ 3 x 8 hay 24 năm. Đây là con số giới hạn tối đa của Gott.

Bây giờ giả sử như chuyến thăm của Gott xảy ra ở điểm 75 phần trăm. Lúc này số năm còn lại (25 phần trăm) sẽ bằng 1/3 thời gian đã qua. Điều này có nghĩa tương lai của bức tường sẽ là 8/3 năm, vào khoảng xấp xỉ 2.67 năm. Đây là giới hạn tối thiểu của Gott.

Vì thế Gott của năm 1969 cho rằng, có khả năng Bức tường Berlin sẽ sụp đổ trong vòng từ 2.67 tới 24 năm kể từ thời điểm đưa ra dự đoán. Tiên đoán của Gott không hề giống với những tiên đoán của Nostradamus. Chúng không đưa ra một ngày chính xác mà chỉ là xác suất rải rác với những thanh biểu đồ sai lệch.

Đã có một số minh chứng quan trọng chỉ ra phương pháp của Gott thực sự có hiệu quả. Nó đã được áp dụng để dự đoán ngày công chiếu của các vở kịch Broadway, tuổi thọ các cuộc hôn nhân của người nổi tiếng, và sự tồn vong của các tập đoàn.

Gott viết về phương pháp của mình trong một bài báo năm 1993, “Sự kéo theo của Nguyên lý Copernican,” in trên tạp chí uy tín Nature. Trong bài báo đó, ông áp dụng phương pháp của mình không chỉ cho Bức tường Berlin mà còn cho bản thân loài người. Ông tính toán được rằng loài Homo sapiens có 95 phần trăm khả năng sẽ tuyệt chủng vào khoảng từ 12 đến 18.000 năm kể từ bây giờ.

Dự đoán này, được biết tới với cái tên “mệnh đề tận thế,” đã gây ra một làn sóng xôn xao. (Theo ghi nhận, ý tưởng cơ bản về nó đã được miêu tả độc lập, với cùng một thời gian, bởi hai nhà vật lý khác, Brandon Carter và Holger Bech Nielsen.) Nature nhận được nhiều thư mang tính xúc phạm so sánh giữa phương pháp Copernican method và thuật chiêm tinh. “’Có những lời dối trá, dối trá kinh khủng, và lời nói dối về số liệu và một trong những lời nói dối màu mè sẽ làm điêu đứng những nhà thống kê hiện thời,” Steven N. Goodman viết. “Theo tôi, phương pháp số liệu của Gott… đã thổi vào câu nói đó một luồng hơi xui xẻo.”

Kể từ đó mệnh đề tận thế trở nên cực kỳ gây tranh cãi, tốn nhiều giấy mực. Phần lớn nỗ lực bác bỏ nó: Một sự bác bỏ thuyết phục có thể rút cái gươm ra từ tảng đá! Nhưng rõ ràng là phần lớn những phản bác ấy không thể tiêu diệt được con quái vật. Trong khi đó có những bằng chứng xác đáng chỉ ra phương pháp của Gott có hiệu quả (ít nhất là trong những vấn đề khác ngoài sự diệt vong của loài người!)

Cuốn sách The Doomsday Calculation của tôi đã thuật lại lịch sử của cuộc tranh cãi đó. Ngày tận thế là một trường hợp tranh cãi hiếm hoi trong triết học có hệ quả thực sự và là một tiên đề có khả năng đến gần chúng ta mà không ai muốn nghe.

Tôi sẽ kết thúc bằng hai quan sát.

Tôi không nghĩ là sẽ có nhiều tranh cãi nếu như phương pháp của Gott chỉ áp dụng riêng biệt cho những vở kịch Broadway hay các công trình thế giới. Nó cũng có thể được phản bác bằng khả năng rằng những tiên đoán kiểu Copernican ấy không hữu dụng đến thế trong hầu hết các trường hợp cụ thể, bởi khoảng dự đoán quá rộng. Chúng chỉ đưa ra một con số lớn, mang tính ước lượng về một khoảng thời gian trong tương lai. Nhưng chúng đã được chứng tỏ bằng toán học, và chúng có hiệu quả trong thực tế.

Về ngày tận thế, Gott (chỉ) cho rằng, nếu không có những minh chứng liên quan, chúng ta có một cơ sở số liệu để tin rằng giống loài của mình sẽ tuyệt chủng khoảng giữa thời điểm ngay lúc này và 18,000 năm tới. Con số đó có vẻ sẽ chỉ được đưa ra trong các bản tin đêm, nhưng có lẽ nó cũng tích cực ở một mặt nào đó.

Cách chúng ta nhìn nhận về tương lai của mình khác với cách chúng ta nghĩ về những công trình hay tượng đài. Có một niềm tin sâu sắc rằng loài người sẽ trường tồn và sinh sôi nảy nở; rằng loài người vẫn sẽ tiếp tục đi khám phá hệ mặt trời và dải ngân hà, đặt chân mình lên rất nhiều hành tinh và sẽ tồn tại hàng triệu hoặc hàng tỉ năm nữa.

Nhưng làm thế nào chúng ta biết được điều đó? Sao chúng ta có thể tự tin rằng chúng ta chỉ tình cờ tồn tại ở chương mở đầu của lịch sử loài người—mà không phải ở giữa, hay chỉ ngay trước tận thế?

Tất cả những gì Gott muốn nói là niềm tin phổ biến ấy chỉ là một ước vọng (mà chính ông cũng mơ), nhưng không phải một sự thật được minh chứng sẽ làm ảnh hưởng tới sự ước định của chúng ta về tương lai. Copernicus và Galileo đã chống đối lại Tòa án dị giáo. Gott chống đối lại những viễn cảnh đặt ra trong bộ phim Star Trek.

Lược dịch một số comment ở dưới của tác giả để mọi người hiểu thêm:

Giả sử như đài dự báo thời tiết nói có 70% sẽ mưa, vậy nếu không mưa thì liệu đài có dự báo sai không? Không, vì có 30% cơ hội trời không mưa. Vậy làm thế nào để ta biết độ chính xác của đài dự báo?

Chúng ta sẽ nhìn vào những dự báo và kết quả dài lâu của đài và thời tiết. Con số trung bình cho ngày mưa phải là 70%, nếu như báo 70% mưa mà ngày nào cũng mưa thì đài báo nên xem lại mình.

Vậy giờ chúng ta nhìn vào thanh một lần nữa. Nếu bạn đến thăm bức tường trong khoảng màu đỏ, sẽ có nhiều cơ hội là bạn dự đoán đúng bằng cách này. Còn nếu bạn ở vùng màu trắng thì sao? Bạn có xu hướng dự đoán sai, nhưng không hoàn toàn sai.

Tiên đoán đầy đủ của Gott là có 50% khả năng bức tường sẽ sụp trong khoảng từ 2 tới 24 năm tới. Bạn có thể nghĩ 50% là quá nước đôi, nhưng nếu bạn muốn nó 90% chính xác, vùng màu đỏ sẽ phải chiếm 90% và lúc đó tiên đoán sẽ là từ 0.42 năm và 152 năm.

Còn nếu nói là tính tuổi thọ của 1 em bé 2 tuổi, thì điều ý là không cần thiết vì đã có số liệu thống kê rõ ràng về tuổi thọ trung bình của 1 người, và nếu lấy một khoảng tuổi là 2 thì chắc chắn số đó sẽ gần với điểm giữa hơn là điểm cuối.

Theo: Tran Anh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *