ĐẠO LÀM CON HÃY HIẾU THẢO NHƯ AN THƯỜNG CÔNG CHÚA

An Thường công chúa tên húy là Nguyễn Phúc Tam Xuân sau đổi thành Nguyễn Phúc Lương Đức, hiệu là Mỹ Thục. Bà sinh năm 1817, là con thứ tư, cũng chính là trưởng công chúa của vua Minh Mạng với Mỹ nhân Nguyễn Thị Bân. (một số tài liệu có ghi là Nguyễn Thị Sâm)

Trong số các con của vua Minh Mạng, từ nhỏ An Thường công chúa đã tỏ ra là người từ bi hiếu thuận hơn cả. Đức tính này của bà được sách Đại Nam liệt truyện của nhà Nguyễn ghi lại qua một mẩu chuyện xúc động.

Năm lên 9 tuổi, mẹ bà ốm nặng, công chúa ngày đêm quanh quẩn hầu hạ mẹ. Vào dịp lễ Vạn thọ (lễ mừng thọ vua), công chúa cùng mọi người trong hoàng thất ngồi ăn tiệc. Trên mâm có nhiều sơn hào hải vị, công chúa chỉ ngồi ăn lặng lẽ, không tỏ vẻ vui thích. Thấy vậy, khi nhà bếp bưng ra món nầm dê được làm rất ngon, vua Minh Mạng gắp cho con gái một miếng, công chúa chỉ đưa lên miệng ngậm rồi bỏ qua một bên.

Vua lấy làm lạ truyền công chúa đến hỏi. Công chúa khóc nói: “Mẹ con đau nặng không cùng đến dự để được đội ơn hưởng đồ trân quý, con nghe nói món này bổ lắm nên để dành đem về dâng mẹ”. Vua Minh Mạng ứa nước mắt trước cô con gái hiếu thảo giàu tình cảm, ông truyền lấy riêng một phần thịt nầm dê mang đến cung riêng của Mỹ nhân Nguyễn Thị Bân.

Con vua Gia Long phần nhiều là ngổ ngáo, con vua Minh Mạng nói chung là tốt hơn, được giáo dục cẩn thận hơn, nhưng có được cái tâm đáng quý như An Thường công chúa thì không phải là nhiều. Có lẽ cũng chính vì vậy mà sử đã trân trọng ghi lại vài nét đại lược về đức độ của An Thường công chúa. Miếng ngon của vua cha ban mà cũng không dám ăn chỉ vì thương mẫu thân của mình cũng chưa từng được ăn, lại đang khi bị bệnh, cần được bổ dưỡng, hành vi ấy, thật khó có thể tin là của một cô công chúa mới 9 tuổi đầu. Cho nên vua cha kinh ngạc và mừng vui, quần thần cảm động mà rơi cả nước mắt, tất cả, chẳng có gì là khó hiểu cả.

Đại Nam liệt truyện còn ghi lại những mẩu chuyện sau: “Lúc đã bắt đầu lớn, cho ra ở điện Trinh Minh, sai nữ quan dạy cho biết về sử sách và đại lược về nữ công. Năm Minh Mạng thứ 9 (tức năm 1828), mùa hạ, tháng tư bởi nữ tì ở điện Trinh Minh giữ lửa bất cẩn, đang đêm mà có hỏa hoạn, lửa thiêu hết cả màn trướng. Công chúa hoảng sợ thức dậy, kêu người trực đi cứu chữa rồi tự mình đốc suất việc này. Vua đi thăm Thuận An về, nghe tâu lại sự thể, vừa ngợi khen vừa thưởng cho ba lạng vàng”.

 “Năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm 1834), vua đi tuần phương Nam, sai đến hầu cung Từ Thọ (nơi ở của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, thân mẫu của vua Minh Mạng). Công chúa lúc nào cũng tươi tỉnh, Từ Cung rất lấy làm vui, thường cho gọi đến để cùng vui chơi. Trở về, nhà vua thưởng một tấm thẻ bài để đeo, làm bằng ngọc màu mỡ dê, có dây thao rủ xuống.

Năm Minh Mạng thứ 18, thân mẫu qua đời, công chúa thương xót, để cho thân xác gầy còm. Năm Minh Mạng thứ 21, vua không được khỏe. Công chúa thân sắc thuốc và nấu cháo để dâng tiến, sớm hôm hầu hạ không mỏi.

Vua mất, công chúa thương xót đến ngất đi, tưởng là tắt thở… Khi đem vua đi mai táng, công chúa theo hầu bàn thờ và sau lại chực hầu đền thờ ở lăng, trọn cả 3 năm chưa từng cười đùa”.

Sử chép việc An Thường đã kính cẩn giữ lễ thờ thân mẫu và vua cha, nhưng giả sử không chép thì ai cũng tin An Thường công chúa làm như vậy. Tấm lòng vàng ấy đâu dễ gì phai.

Khi trưởng thành, công chúa lấy Phấn dũng tướng quân Đô úy Phan Văn Oánh, con thứ tư của Đô thống Chưởng phủ sự Chương Nghĩa hầu Phan Văn Thúy. Khi về nhà chồng, bà luôn mẫu mực trong cư xử, được mọi người kính trọng. “Công chúa chẳng hề tỏ vẻ là con vua, biết kính thờ mẹ chồng, lo việc dạy con và giữ đức khuê môn” (Đại Nam liệt truyện). Vợ chồng công chúa sinh nhiều con nhưng đều mất sớm chỉ còn lại một người là Phan Văn Huy.

Con vua mà chẳng tỏ vẻ mình là con vua, việc này cũng không phải dẽ gì làm được. Bao kẻ thấp hèn vẫn tìm đủ mọi cách để chối bỏ thành phần xuất thân, ngoi lên với bất cứ giá nào, miễn sao được coi là danh giá nhất thời đó thôi…

Đến năm Tự Đức thứ 1 (1848), bà được tấn phong là An Thường Thái trưởng công chúa. Niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1886), phong làm An Thường Thái Thái trưởng công chúa

Năm Nhâm Tuất 1862, chồng bà qua đời, khi đó bà mới 46 tuổi. Vốn có tâm đạo, sau khi chồng mất, bà quy y cửa Phật với pháp danh là Thanh Từ. Từ đó bà dốc lòng vào việc Phật. Bà thường thuê thợ khắc ván in kinh rồi đem dâng cho các chùa hoặc cho các anh chị em, bà con lân cận, góp phần hoằng dương Phật giáo.

Tuy sinh ra trong hoàng tộc, địa vị cao sang nhưng suốt cuộc đời, công chúa An Thường luôn sống giản dị mộc mạc, đầy thiện tâm. Đặc biệt tấm lòng hiếu thuận của bà được nhiều thế hệ người dân đất Huế lưu truyền ngợi ca.

Vào mùa hạ, tháng 4 năm 1891, bà mất, thọ 74 tuổi, phong An Thường thái thái thái trưởng công chúa thuỵ là Mỹ Thục. Bia tẩm của bà được an vị tại làng Nguyệt Biều, Hương Thuỷ, Thừa Thiên (Huế) theo sở nguyện của bà. Bà có bốn con trai, 4 cháu, 5 chắt. Con trưởng là Huy tập ấm Hiệu úy.

Tuy Lý Vương, ông hoàng của thi ca đất Huế, một người em cùng cha của bà từng có làm bài tán đề vào ảnh nhỏ của bà:

Tốt thay!

Chị của ta là người ăn nói nhu mì,

Tính nết tốt, nghĩa ngợi thành thực,

Mũ áo chững chạc,

Lời nói không ra khỏi cửa.

Vương cơ là bậc tôn quý,

Biết cần kiệm khiêm ức,

Bảy điều răn đã quen,

Ba chữ tòng là phép,

Có con được hiếu,

Có cháu hầu bên cạnh,

Phục thọ chua hết,

Khang ninh đức tốt.

Ôi! Phong hoá nhà vua,

Từ nhà rồi ra đến nước,

Bốn phương xem đến cảm hoá,

Là khuôn mẫu ở nơi đồng sử.

Muôn đời vẫn thế: chớ băn khoăn với địa vị của mình mà hãy nên thường xuyên lo nghĩ việc giữ gìn phẩm giá của mình, bởi vì người có địa vị cao vẫn có thể bị chê trách và khinh bỉ; nhưng tất cả những người có phẩm giá cao thì không bị như thế bao giờ…

Cũng giống như các em của mình, công chúa là một người rất yêu thơ văn. Tiếc thay hiện nay không còn lưu nhiều tài liệu nói về điều này. Nhưng may mắn thay hậu duệ của bà vẫn còn cất giữ được một số bản khắc gỗ. Đó là những bản kinh mà trong những năm tháng cuối đời bà đã chuyên tâm vào việc tu hành. Những bản kinh này , bà in ra và đem đi tặng các chùa hay là cho anh chị em, bà con để cùng đọc kinh và làm điều thiện.  Dù có cuộc sống của một bà công chúa quyền quý, cao sang nhưng bà luôn sống và làm việc , hành thiện như bao nhiêu người dân bình thường . Phẩm hạnh của bà đã trở nên nổi tiếng trong giới hoàng tộc ở Huế , con cháu cảu bà đã theo gương người xưa mà tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, đã có nhiều người học hành , đỗ đạt thành tài, làm rạng danh dòng họ.

Phủ thờ An Thường Công chúa- một trong những ngôi nhà rường đẹp của Huế. Kiến trúc là sự hiển hiện ra bên ngoài , còn cái hồn bên trong đó chính là nề nếp gia phong, là tấm gương đạo đức của chủ nhân xưa. Câu chuyện về cuộc đời của An Thường Công Chúa gợi cho chúng ta phải nhớ rằng dẫu chúng ta có cao sang, học vấn thâm hậu hay phú quí cỡ nào đi nữa, thì đạo làm con lễ hiếu phải làm đầu. Đó cũng chính là đạo lý ngàn năm nay của dân tộc ta.

Ảnh: Phủ của An Thường công chúa.

Bài viết có tham khảo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *