DAO GĂM ĐẮT NHẤT VIỆT NAM (GẦN 6 TỶ VNĐ) CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÁC VUA TÂY SƠN – NỮ CHÚA CHĂM PA & MINH GIÁO
Con dao găm này có từ thế kỉ 18, được làm bằng vàng và nạm 36 viên hổ phách. Kích thước 40 x 10 cm, thuộc sở hữu tư nhân, từng xuất hiện tại một số triển lãm. Lần gần nhất con dao được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2019). Phần cán dao được chạm hình hai người là 1 người Chăm và 1 người Kinh đấu lưng vào nhau. Phía bên phải bao dao chạm hình chim, tương tự tạo hình chim Garuda – linh vật của người Chăm. Bên trái dao chạm hình rồng, dường như đại diện cho linh vật của người Việt.
Theo chia sẻ từ chủ sở hữu cũ của con dao găm, ông mua con dao này vào năm 2005 từ một già làng Bana – hậu duệ của người Chăm tại huyện Kbang. Vị già làng cũng kể con dao này là món quà anh em nhà Tây Sơn tặng bà chúa Hỏa (thủ lĩnh người Chăm xứ Hỏa Xá – khu vực miền núi phía Tây Nam tỉnh Phú Yên, kéo dài tới Cheo Reo, Kon Tum ngày nay). Trong phiên đấu giá của Chọn Auction diễn ra tối 24/11/2019 tại Hà Nội, con dao này đã được bán với giá 249.000 USD (khoảng 5,791 tỷ đồng).
Con dao găm đấu giá được xác định là một loại Kris, dao găm/đoản kiếm hộ thân, phổ biến ở các nền văn hóa quần đảo Malay, nhưng cũng có thể thấy ở các khu vực lân cận nhờ giao thương. Ngoài công dụng là một khí giới, nó còn mang ý nghĩa tâm linh, được tin là sẽ đem lại sự may mắn, sức mạnh, và quyền lực cho những ai mang bên mình.
Thêm đôi chút lai lịch khá hay về chúa Hỏa (Tương đồng với khá nhiều thông tin về việc Nguyễn Lữ theo đạo Minh Giáo, một đạo giáo phái nổi tiếng hùng mạnh trong thời kỳ này, tiêu biểu trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Thủy hử,..có xuất hiện và ảnh hưởng khá nhiều):
Bà chúa Hỏa hay còn gọi là Bà Hỏa, nữ chúa Thị Hỏa là thủ lĩnh của người Chăm quản lĩnh một vùng đất rộng lớn mà sử sách xưa thường gọi là “nước Hỏa Xá”. Địa bàn của bà chúa Hỏa trải rộng khắp khu vực miền núi ngày nay thuộc phía tây nam Phú Yên kéo dài đến Cheo- reo (Kon Tum).
Trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng, anh em Nguyễn Nhạc đã tìm đến bắt liên lạc, kết thân với Bà chúa Hỏa. Một điều cũng nên biết, đó là Nguyễn Lữ, người thứ ba trong “Tây Sơn tam kiệt” có mối quan hệ đặc biệt với bà chúa Hỏa.
Tương truyền, Nguyễn Lữ là người tu theo Minh giáo (còn gọi là đạo Ma-ní), thờ thần lửa và dùng bùa phép để chữa bệnh, trừ tà; đây là đạo khá thịnh hành ở vùng Tây Sơn thượng đạo và khu vực cao nguyên thuở xưa.
Là đệ tử của bà chúa Hỏa nên các dân tộc quanh vùng rất kính trọng Nguyễn Lữ, còn người Kinh thì gọi ông là thầy tư Lữ (thầy là thầy tu, còn tư là vì ông là con thứ ba trong nhà). Thật là:
Phía Tây dân Thượng hiền hòa,
Kết minh cùng họ coi là bình phong.
Chính nhờ mối quan hệ đó và việc khôn khéo trong vận động mà các các bộ lạc thuộc Hỏa Xá đã tham gia tích cực và trở thành lực lượng quan trọng của nghĩa quân Tây Sơn trong những ngày đầu, bởi vậy dân gian có câu ca rằng:
Thượng du lớn nhỏ đồng tình,
Theo ông Hai Nhạc luyện binh tháng ngày,
Lập đoàn cung thủ rất hay,
Đến khi lâm trận sau này ra oai.
Một bộ phận người Chăm tại trấn Thuận Thành (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) do Kế Pù Tá đứng đầu ủng hộ và tham gia phong trào Tây Sơn từ rất sớm thì ở một địa bàn khác là động Thạch Thành (nay thuộc huyện Sơn Hòa và Sơn Thành, tỉnh Phú Yên) bà chúa Hỏa cũng đem toàn bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân khi anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa.
Nhờ được sự hỗ trợ của bà chúa Hỏa, năm Qúy Tị (1773) quân Tây Sơn đã đánh chiếm được Phú Yên tạo thế ỷ dốc làm bàn đạp mở rộng địa bàn kiểm soát ra các phủ Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận.
Sau thắng lợi này, Nguyễn Nhạc phục hồi danh vị Phiên Vương cho bà chúa Hỏa và giao cho bà nhiệm vụ trấn giữ động Thạch Thành, bảo vệ vùng Tây Nam Phú Yên, đề phòng sự phản công của chúa Nguyễn từ mặt nam.
Mùa hè Giáp Ngọ (1774), chúa Nguyễn sai danh tướng Tống Phúc Hiệp đem quân từ Hòn Khói (nay thuộc Nha Trang) đánh chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang. Quân Tây Sơn yếu thế phải lui về giữ Phú Yên.
Sau khi chiếm Diên Khánh, tháng 5 năm Ất Mùi (1775), Tống Phúc Hiệp đem 2 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ tiến đánh Phú Yên.
Biết không thể hạ thành Phú Yên nếu không diệt được căn cứ Thạch Thành, bởi vậy Tống Phúc Hiệp trực tiếp chỉ huy quân vượt đèo Tam Độc đánh thẳng vào đội quân của bà chúa Hỏa.
Mặc dù chiến đấu rất dũng cảm nhưng do lực lượng chênh lệch nên quân của bà chúa Hỏa dù có tượng binh và kỵ binh nhưng không cản được bước tiến của quân Nguyễn.
Trong trận chiến này, bà chúa Hỏa đã tử trận, quân Nguyễn thừa thắng tiến ào ạt, quân Tây Sơn lui về giữ La Thai và đèo Cù Mông.
Nhắc đến vai trò của bà chúa Hỏa đối với phong trào Tây Sơn và sự hi sinh của bà, truyền tụng trong dân gian Phú Yên có câu ca như sau:
Thạch Thành voi ngựa kéo ra,
Eo Gió kéo xuống quân đà hội quân.
Chúa Chàm Thị Hỏa chí nhân,
Giúp ông Hai Nhạc định phần Phú Yên.
La Thai quyết chí đôi bên,
Phúc Hiệp trúng kế chạy liền vô Nam.
Sa trường gươm giáo ngổn ngang,
Thây phơi thành lũy máu loang gò đồi.
Giữa vòng đạn lạc, tên rơi,
Xót thương nữ chúa vội rời ba quân.
Tháng 7 năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Nhạc sai em là Nguyễn Huệ bất ngờ đem quân từ Quy Nhơn vào đánh úp tiêu diệt cả quân thủy và quân bộ của Tống Phúc Hiệp. Viên tướng này phải rút chạy về giữ Vân Phong (còn có tên là Hòn Khói); đất Phú Yên lại thuộc quyền cai quản của quân Tây Sơn.
Không rõ sau này, khi lập ra triều đại mới, anh em Nguyễn Nhạc có ban sắc truy phong để ghi nhận công lao của bà chúa Hỏa hay không, nhưng trong dân gian, những lời ca, những câu chuyện truyền tụng chính là tấm bia miệng truyền đời về một nữ tướng người dân tộc trong đội quân Tây Sơn anh dũng.