Danh sách những nhân vật tham gia cuộc kháng chiến chống Minh do vua Lê Lợi khởi xướng (phần II và hết)
Link phần I: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3632071686807356&set=gm.1205397569811544&type=3&theater&ifg=1
II Tướng cầm quân: những người không được ghi chép về tài xung trận, nhưng có tài năng và công trạng trong việc chỉ huy quân đội, trấn thủ các cứ điểm, kinh lược các mặt trận.
– Phạm Văn Xảo (Lê Văn Xảo): được coi là một trong năm tướng giỏi nhất của vua Lê Lợi, nổi tiếng nhiều cơ mưu, giữ chức Khu mật đại sử, đứng đầu Khu mật viện. Năm 1425 dẫn đầu một cánh quân ra Bắc, đi tuần các khu vực giáp miền núi để chặn viện binh quân giặc từ Vân Nam sang. Dùng vài nghìn quân đánh bại đội quân tiếp viện 1 vạn người của Vương An Lão tại cầu Xa Lộc. Năm 1427 trấn thủ ải Lê Hoa ngăn đạo quân tiếp viện của Mộc Thạnh. Khi Mộc Thạnh rút lui đã chỉ huy truy kích và chém được 1 vạn tên giặc. Khi làm biển công thần, Phạm Văn Xảo được xếp hạng công thần bậc 1. Năm 1431 ông bị tố cáo tội mưu phản, bị vua Lê Lợi sai giết. Đến đời Lê Nhân Tông ông mới được đại xá.
– Trần Nguyên Hãn (Trần Hãn): hậu duệ của nhà Trần, rất giỏi binh pháp. Năm 1425 dẫn một cánh quân đi tuần ở Tân Bình, Thuận Hóa. Dùng 1000 quân mà đánh thắng trận lớn ở Bố Chính. Phối hợp với tướng Lê Ngân bình định Tân Bình, Thuận Hóa, ép quân giặc vào thành cố thủ. Năm 1426 chỉ huy thủy quân đến Đông Bộ Đầu để vây thành Đông Quan. Năm 1427 phối hợp cùng tướng Lê Sát hạ thành Xương Giang. Cuối năm đó ông chỉ huy đạo quân chặn đường tiếp lương của đạo viện binh giặc từ Lưỡng Quảng kéo sang. Sau chiến tranh ông được vua quý trọng phong là Tả Tướng Quốc. Ông về quê xây phủ đệ to đẹp khiến vua nghi ông định làm phản, triệu về kinh hỏi tội. Trên đường đi ông bị lật thuyền (hoặc nhảy xuống sông) mà chết. Đến thời Lê Nhân Tông mới được đại xá.
– Lê Quốc Hưng: là một trong những tướng đóng dinh vây thành Nghệ An trong khi vua Lê Lợi ra Bắc. Cuối năm 1426 lập vua bù nhìn Trần Cảo để ngoại giao với nhà Minh, Lê Quốc Hưng nhận nhiệm vụ giám sát ông vua này. Ông sau đó nhận lệnh cầm quân đánh hai thành Điêu Diêu và Thị Cầu, bức hai thành này ra hàng. Ông xếp hạng công thần bậc 3.
– Nguyễn Chích (Lê Chích): là người khuyên vua Lê Lợi tiến vào Nghệ An. Tham gia vây cửa Nam thành Đông Quan, xếp hạng công thần bậc 4.
– Lê Lựu: năm 1427 dẫn quân đánh và hạ được thành Khâu Ôn. Sau đó ông giữ nhiệm vụ trấn thủ Lạng Sơn. Đánh tan quân tiếp viện của Cố Hưng Tố tại ải Pha Lũy. Ông là người dẫn quân giả thua dụ Liễu Thăng đến núi Mã Yên cho phục binh chém đầu.
– Lê Thiệt: năm 1425 đóng trại vây thành Nghệ An làm nghi binh để diệt viện binh từ Đông Quan tới. Xếp hạng công thần bậc 7.
– Lê Nguyễn: đóng đồn vây cửa Tây thành Đông Quan. Bị Vương Thông tập kích và được Đinh Lễ, Nguyễn Xí cùng 500 quân Thiết Đột giải vây.
– Cao Ngự: Tổng chỉ huy trấn Thiên Quan, cầm quân bao vây thành Cổ Lộng.
III Các tướng toàn tài: Là những người không những dũng mãnh khi xung phong hãm trận mà còn có nhiều mưu kế, có tài chỉ huy quân sĩ, là trụ cột của quân khởi nghĩa.
– Đinh Lễ (Lê Lễ): được coi là tướng giỏi nhất của vua Lê Lợi. Ông theo vua từ những ngày đầu, được sử sách mô tả là “anh nghị, quả cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người”. Cùng vua phá vây lên núi Chí Linh lần 1 năm 1418. Xung phong hãm trận Khả Lựu năm 1424. Năm 1425 ông cầm quân đi tuần Diễn Châu, mai phục và đánh tan được đội lương thuyền của giặc sau đó chiêu mộ thêm binh sĩ và vây thành Tây Đô. Năm 1426 ông cầm quân ra Bắc, làm nhiệm vụ tiếp ứng các cánh quân khác. Ông là chỉ huy cao nhất trong trận Tốt Động, trận đánh lấy ít địch nhiều với tỷ lệ 1 chọi 5 hoặc 1 chọi 20 tùy tài liệu. Quân Minh thua to phải co cụm vào thành cố thủ và tạo điều kiện cho vua Lê Lợi ra Bắc. Năm 1427 ông đóng quân vây cửa Nam thành Đông Quan, được coi là một trong hai nơi hiểm yếu nhất. Khi Lê Nguyễn bị vây đánh ở Tây Phù Liệt, ông chỉ đem 500 quân Thiết Đột mà phá được vòng vây nhưng lại ham đuổi theo giặc. Đến My Động ông bị sa lầy và bị giặc bắt rồi giết hại khiến nhà vua vô cùng thương tiếc. Ông được truy phong Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ.
– Lý Triện (Lê Triện): được coi là tướng giỏi thứ nhì thời đó. Ông có tài năng và dũng lược hơn người, theo vua Lê Lợi từ buổi đầu. Ông đã xung trận Mường Thôi năm 1420, trận Sách Khôi 1422. Năm 1425 ông dẫn một cánh quân ra Bắc, chỉ với 3000 quân mà liên tiếp thắng trận ở Ninh Kiều, cầu Nhân Mục, Cổ Lãm. Trong trận Tốt Động ông là chỉ huy cao thứ nhì sau Đinh Lễ. Sau trận này ông chỉ huy bao vây cửa Bắc thành Đông Quan là một trong hai nơi hiểm yếu nhất. Năm 1247, ông bị quân Minh đánh úp ở Từ Liêm và hy sinh. Vua Lê Lợi thương tiếc truy phong là Nhập nội Tư mã.
– Lê Sát: có trí dũng đều hơn người, theo vua từ buổi đầu. Ông được coi là một trong năm tướng giỏi nhất của vua Lê Lợi. Ông có công xung phong hãm trận Quan Du năm 1420, Khả Lựu 1424. Năm 1426 ông cầm quân vây đánh và hạ được thành Xương Giang nổi tiếng vững chắc. Năm 1427 ông là chỉ huy cao nhất của chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang đánh bại 10 vạn quân tiếp viện của nhà Minh. Khi làm bảng công thần ông được xếp hạng công thần bậc 1. Về sau ông có can dự vào đấu đá chính trị trong các đời vua kế tiếp nhưng ta tạm chưa kể ở đây.
– Phạm Vấn (Lê Vấn): theo vua Lê Lợi từ những ngày đầu, chỉ huy quân Thiết Đột, là một trong năm tướng giỏi nhất. Ông có công xung trận Bồ Mộng 1420, Sách Khôi 1422, Bồ Đằng, Khả Lựu 1424. Năm 1427 ông cầm quân vây cửa Đông thành Đông Quan. Cùng năm đó ông dẫn đầu 3000 quân Thiết Đột tinh nhuệ xung trận đồng Xương Giang, phối hợp cùng Lê Sát đại phá quân giặc. Khi làm biển công thần, ông, Lê Sát và Phạm Văn Xảo là ba người xếp hạng công thần bậc 1.
– Lê Ngân: theo vua Lê Lợi từ buổi đầu, có rất nhiều chiến công. Xung trận Lạc Thủy 1418, Khả Lựu 1424, năm 1425 cầm quân giúp Trần Nguyên Hãn chiếm Tân Bình, Thuận Hóa. Chỉ huy vây hãm và hạ được thành Nghệ An. Ông được xếp hạng công thần bậc 2.
– Lưu Nhân Chú (Lê Nhân Chú): chỉ huy kỵ binh Thiết Đột, nhiều lần xông pha tên đạn. Xung phong hãm trận Khả Lựu năm 1424, tham gia đánh úp quân Minh ở thành Tây Đô. Vua Lê Lợi thấy được tài năng quản lý, huấn luyện của ông nên năm 1427 phong làm Hành quân đô đốc tổng quản, coi sóc binh lính mới tuyển mộ trong quân Tân vệ. Ông cùng Lê Sát là hai chỉ huy cao nhất của chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang. Ông xếp hạng công thần bậc 2 theo Đại Việt Thông Sử.
III Ban tham mưu, kỹ thuật, ngoại giao:
– Nguyễn Trãi (Lê Trãi): em họ của Trần Nguyên Hãn, là văn thần thân tín của vua Lê Lợi, khi vây thành Đông Quan ông ở bên vua soạn thảo công văn, thư từ, được đọc tin cơ mật. Năm 1427 ông chiêu dụ thành công thành Tam Giang. Là một trong những nhân vật xúc tiến hội thế Đông Quan để chấm dứt chiến tranh. Ông được xếp hạng công thần bậc 6.
– Nguyễn Tử Hoan: năm 1427 dâng kế sách hợp ý vua, được ban chức Quân sư.
– Vũ Cự Luyện và Đoàn Lộ: khi vua Lê Lợi vây thành Đông Quan có hai người này đến dâng các phương pháp chế tạo khí cụ công thành và súng pháo, đều được vua thu dụng.
– Lê Vận, Lê Trăn: làm thuyết khách để giảng hòa thời gian khó ở Lam Sơn.
– Nguyễn Lôi, Nguyễn Mẫn: đem thư dụ hàng thành Tây Đô và Cổ Lộng.
– Lê Khắc Hải và Bùi Tất Ứng: phủ dụ Chiêm Thành trong thời gian vây Đông Quan.
– Trần Hồ: phủ dụ châu Ninh Viễn miền núi phía Bắc.
– Lê Thiếu Dĩnh, Lê Cảnh Quang, Lê Đức Huy, Đặng Hiếu Lộc, Đặng Lục, Lê Trạc, Đỗ Lãnh, Trần Nghiễm: đi sang triều đình nhà Minh ngoại giao.
– Lê Tư Tề: con trưởng của vua Lê Lợi, làm con tin ở thành Đông Quan để quân Minh chịu ra hàng. Tuy nhiên về sau không được lập làm vua, có thể là do sự đấu đá chính trị của các cố mệnh đại thần là Lê Sát, Lê Ngân, Lưu Nhân Chú…