Đánh giá về quân đội vua Lê chúa Trịnh của người phương Tây

Samuel Baron là thương gia, có cha người Hà Lan, mẹ người bản xứ Việt Nam, ông mang hai dòng máu Hà Lan-Việt. Cha ông làm đại diện công ty Đông Ấn Hà Lan tại Việt Nam, Baron cũng tiếp bước cha mình làm việc cho công ty này, sau đó chuyển sang công ty Đông Ấn Độ của Anh, rồi nhập hẳn quốc tịch Anh. Trong sự nghiệp của mình, ông chủ yếu đi buôn trên vùng biển Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam dưới thời vua Lê chúa Trịnh bấy giờ. Vì có thời gian lâu dài sống tại Đàng Ngoài nên ông am hiểu tường tận về vùng đất này, Baron đã viết một cuốn sách nhỏ mô tả Đàng Ngoài, trong đó đề cập đến các vấn đề văn hóa, chính trị, quân sự, tôn giáo, con người, cuốn sách được viết và hoàn thành vào năm 1685 tại Fort Saint Georges, Madras, Ấn Độ.

Về quân đội vua Lê chúa Trịnh, ông viết số lượng binh sĩnh không dưới 140.000 quân, và có thể tăng lên gấp đôi khi cần thiết. Họ được huấn luyện kỹ càng, trang bị đầy đủ các loại vũ khí . Khi chúa Trịnh muốn tổ chức các chiến dịch lớn, ông có thể tập hợp từ 8-10.000 kỵ binh, 3-400 chiến tượng. Quân Đàng Ngoài có đủ các loại súng và thần công, một số do họ tự chế tạo, nhưng một số lớn được mua từ người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh. Thuốc súng được dự trữ trong kho để sử dụng khi cần thiết. Quân Đàng Ngoài ưa sử dụng bộ binh hơn kỵ binh và tượng binh vì địa hình ẩm thấp, chia cắt bởi rừng núi, sông ngòi nên kỵ binh, tượng binh không thực sự hữu dụng lắm.

Theo Baron, quân sĩ Đàng Ngoài là các xạ thủ cừ khôi, họ có thể thao tác bắn súng nhanh, chính xác. Tuy vậy súng kíp không chiếm tỷ lệ cao, cung tên vẫn là vũ khí chủ đạo trong quân đội, kỹ năng dùng tên của quân Đàng Ngoài được Baron mô tả cực kỳ thành thạo và đáng ngưỡng mộ. Binh sĩ được đào tạo về binh pháp sớm, tinh thông các loại trận pháp. Đàng Ngoài không có giống ngựa lớn nên phải buộc lòng dùng loại ngựa nhỏ khá nhanh nhẹn. Voi được huấn luyện tham chiến, có thể chịu đựng được âm thanh chiến trận như lửa cháy và tiếng gầm đại bác, với pháo hoa thì voi chẳng sợ hãi gì. Người Đàng Ngoài không có lâu đài, pháo đài, thành lũy, họ không có am hiểu về nghệ thuật thành lũy và học hỏi được rất ít từ người châu Âu trong lĩnh vực này.

Baron cũng đề cập đến khu vực giao tranh tại Sông Gianh. Tỉnh này nằm phía bắc sông Gianh, tiếp xúc với Đàng Trong, thường do một phó vương hoặc đại tướng quân cai quản, nắm trong tay không dưới 40.000 quân, có quyền hành tương đối và chỉ bị xét xử khi phạm trọng tội như phản quốc mà thôi. Người đứng đầu tỉnh được Chúa tín cận bổ nhiệm, thậm chí gả em gái, con gái để thắt chặt quan hệ, bởi nếu viên tỉnh trưởng này tạo phản cấu kết với Đàng Trong thì hậu quả cực kỳ khôn lường.

Tuy vậy trái ngược với quân số, khi nói về lòng dũng cảm Baron lại đánh giá thấp quân Đàng Ngoài bởi tinh thần chiến đấu thấp. Những người chỉ huy phần lớn là hoạn quan nên quân đội thiếu vẻ oai nghiêm. Với binh sĩ, họ ở trong điều kiện khó khăn, làm việc vất vả, cật lực nhưng chẳng mấy ai khá giả. Một khi là lính thì sẽ mãi là lính. Muốn được thăng tiến, anh ta phải có biệt tài dùng loại vũ khí nào đó, hoặc có quan hệ tốt với quan lại thì mới mong được tiến cử lên Vua. Tiền có thể hữu ích, còn lòng dũng cảm thì là một điều hão huyền vì binh sĩ hiếm khi đối mặt quân thù nên không có cơ hội phát triển, thể hiện kỹ năng.

Những cuộc viễn chinh chủ yếu là các cuộc hành binh hò hét om sòm. Quân sĩ tiến vào biên giới Đàng Trong, quan sát thành lũy, sông ngòi,… Một khi có dăm ba binh sĩ chết vì bệnh tật, cũng như nghe thấy quân địch hò hét, họ sẽ kêu la lên rằng cuộc chiến này thật khốc liệt và đẫm máu, sau đó quay đầu chạy thục mạng về nhà. Baron viết rằng (vào thời của ông) quân Đàng Ngoài đã chơi trò chiến tranh kiểu này với Đàng Trong 3 lần rồi, và sẽ còn lặp lại như vậy nếu các cuộc hành binh còn do hoạn quan chỉ huy. Nhiều người tin rằng việc tin dùng hoạn quan vào các vị trí trọng yếu là lý do chính khiến quân đội Đàng Ngoài nhiều lần bị quân Đàng Trong đánh cho tac tác. Đây là điều đáng thất vọng, bởi về dân số, Đàng Trong chỉ là một nhúm nhỏ nếu so với dân số Đàng Ngoài.

Việc thăng tiến trong bộ máy chính trị và quân sự vua Lê chúa Trịnh chủ yếu dựa vào tục mua quan bán chức, chức tước được trao cho những ai trả nhiều tiền nhất, hiếm khi dựa vào năng lực thực sự. Một khi bỏ ra khoản tiền lớn để mua chức, vị quan đó sẽ tìm mọi cách khai thác đề bù lại vốn mình đã bỏ ra. Ngoài ra Baron còn nhận xét rằng Đàng Ngoài duy trì một đạo quân quá lớn trong thời bình gây sức ép gánh nặng trực tiếp lên người dân trong vương quốc. Nếu đội quân gây rắc rối triều đình sẽ nguy to. Một vài năm trước đó (thời điểm viết sách), quân đội nổi dậy chống lệnh vua. Nếu như binh lính nổi loạn tìm được người cầm đầu, Chúa chẳng còn ngồi yên trên ngai như bây giờ. Bản thân Chúa Trịnh cũng khéo léo trong việc quản lý, ông thay đổi binh sĩ từ chỗ này sang chỗ khác, luân phiên thay chỉ huy, tạo việc cho binh lính bận rộn để quân đội tránh cảnh nhàn cư vi bất thiện.

Theo: Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *