Đánh chắn và bài tổ tôm: văn hóa dân gian Việt một thời đang mai một đi từng ngày

Các loại bài tây có nguồn gốc từ phương Tây, bài tam cúc và tứ sắc thì thuần Hán tự vậy nên có thể nói cho đến thời điểm nay thì chắn hay tổ tôm là thể loại bài duy nhất mà người Việt sáng tạo và phát triển nên dẫu nguồn gốc của nó chưa từng có ai dám khẳng định dù các giáo sư văn hóa đã nghiên cứu từ những năm 1930 cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Cách chơi của bài này thì rất khó học nên mình không bàn, mình đã phải mất gần một tuần mới có thể chơi được nên trong bài này mình chỉ kể bộ môn này dưới góc độ văn hóa thôi. 

Bộ bài tổ tôm gồm có 120 lá bài, những lá bài được làm từ bìa cứng có mặt sau giống hệt nhau để tránh người chơi phân biệt bài của nhau. Tổng cộng quân bài có 40 quân mỗi loại Vạn, Văn và Sách, mỗi lá bài đều được viết bằng chữ Nho (không phải chữ Tàu đâu nhé, nếu không tin bạn cứ bảo người Trung Quốc hay Đài Loan đọc thử xem họ có đọc được không :)), kiểu chữ Nho hiện nay không còn thịnh hành nên người chơi có thể học theo người xưa cách ghi nhớ là “Vạn vuông, Văn chéo và Sách thì loằng ngoằng” nói chung mỗi quân bài được viết Vạn (萬), Văn (文), Sách (索) như vậy đây này,

Ở Việt Nam xưa, khi khâm liệm người chết thì người ta rải bộ bài vào trong quan tài với quan niệm người chết sẽ có 120 quan quân bảo vệ và có bộ bài tiêu khiển ở thế giới bên kia, có nơi bỏ ra hàng Yêu (yêu nghiệt, yêu quái) và quân Bát Sách (Bát gàn) với ý nghĩa là người chết sẽ được đầu thai ứng với những quân bài như Cửu Vạn thì làm người khuân vác, Tam Sách thì làm nghề sông nước, Tứ Sách thì làm bưng bê, phục vụ… 

Ngoài ra còn nhiều luật tục như hội Tổ Tôm trong đám cưới, các cuộc liên hoan, hội họp rất vui khi khai hội ù “Thập điều” vì cho là điềm may mắn cho đôi trẻ hay báo hiệu niềm vui và kiêng ù Bạch Định với quan niệm Bạch Định là trắng tay, đổ vỡ, phá sản hoặc như trong đám tang kiêng ù “Kính tứ cố” và “Kính cụ”. 

Khi làm lễ cất nóc nhà thì chủ nhà mời nhưng người đức cao, quyền trọng đến chơi bài và khi nào có người ù được ván “Thập hồng” (hoặc bài “Tám đỏ” nếu chơi Chắn) thì lấy toàn bộ quân bài của người đó đóng lên cột, kèo, đầu hồi của mái nhà để lấy phước lấy may với quan niệm nghiệp làm ăn gặp vận đỏ, phát tài phát lộc và hội chơi sẽ kết thúc chỉ khi có ai ù được “Thập hồng”, “Tám đỏ” thì dừng cuộc chơi và ngả cỗ ăn mừng…

Nếu cờ Tướng có bài thơ Đánh Cờ Người của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thì Tổ Tôm có loạt bài Phú Tổ Tôm (Văn Đàn Bảo giám) với các tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ… Những cụm từ “Gàn Bát Sách”, “Phỗng tay trên”, “Một ly Ông Cụ”, “Lính Cửu Vạn”… của đời thường đã được lấy ra từ ngôn ngữ của Tổ Tôm

Trong khi chơi Tổ tôm, những người có học, hay chữ còn thả thơ, lẩy Kiều… khi đánh 1 quân bài. Tỷ như khi đánh quân Ngũ sách (có vẽ hình 1 chiếc thuyền buồm ) thì đọc:

Thuyền tình vừa ghé tới nơi

Thì đà trâm gẫy, bình rơi mất rồi

Hay khi đánh quân bài Nhị vạn (có vẽ hình 1 cành đào) thì đọc:

Dấn thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung

Còn rất nhiều câu thơ hay nhưng mang tính chuyên môn nên phải là người biết chơi thì mới hiểu được nên mình không kể.

Do Tổ tôm khá khó nên người xưa có câu ca dao đề cao Tổ tôm, nó thể hiện trình độ và cái oai phong của bậc quân tử:

Làm trai biết đánh Tổ tôm

Uống chè Mạn Hảo xem nôm Thuý Kiều

Bởi thế mới có ca dao cổ súy cho văn hóa chơi bài trong dân gian: 

“Người ta khuyến học khuyến tài 

Riêng tôi dở người đi khuyến Tổ Tôm” 

hay: 

“Làm trai mà không biết đánh Tổ Tôm 

Uống nước lá ổi xem… L… trẻ con”

Nhà thơ Nguyễn Khuyến có nhắc đến Tổ tôm trong bài Tự trào:

…Mở miệng nói ra gàn bát Sách

Mềm môi chén mãi tít cung Thang

Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ

Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng

Còn nhà thơ Trần Tế Xương cũng có đề cập đến trò chơi này trong bài Chơi cuộc Tổ tôm:

Bực chăng nhẽ anh hùng khi vị ngộ

Như lúc đen chơi cuộc Tổ tôm

Riêng nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã viết cả một bài thơ, câu nào cũng có tên một quân bài Tổ tôm, theo tương truyền là khi chủ nợ đến nhà đòi nhưng trong nhà ông gần như đã bán sạch mọi thứ vậy nên tức cảnh ông đã dùng bài thơ này để khất nợ:

Thân “bát văn” tôi đã xác vờ.

Trong nhà còn biết “bán chi” giờ?

Của trời cũng muốn “không thang” bắc,

Lộc thánh còn mong “lục sách” chờ.

Thiên tử “nhất văn” rồi chẳng thiếu.

Nhân sinh “tam vạn” hãy còn thừa.

Đã không “nhất sách” kêu chi nữa?

“Ông lão” tha cho cũng được nhờ!

Trong tác phẩm Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn ( tác phẩm này trong sách giáo khoa lớp 7) cũng có nêu lên chi tiết: “Ấy đó,quan phụ mẫu cùng với nha lại, đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình ấy, ngài mà còn dở ván bài thì dẫu trời long đất lở, đê vỡ, dân trôi, ngài cũng thây kệ.”

Về hình vẽ trên lá bài: Các quân bài Chắn đều mang trong mình một linh hồn của xứ Hoa đào rất rõ rệt. Nó được thể hiện qua các trang phục kimono thời kì Edo trên hầu hết các lá bài. Hoặc qua các mẫu thuyền buồm và kiến trúc nhà xưa của Nhật Bản. Nguyên nhân là dưới thời Pháp thuộc, công ty A.Camoin & Cie của Pháp đã cho phát hành bộ bài tổ tôm với những hình trang trí lấy cảm hứng từ mĩ thuật Nhật Bản. Còn trước đó các cụ chỉ xem mặt chữ chứ chưa có hình ảnh cây bài. Hình ảnh của bộ bài tổ tôm được giữ nguyên từ đó cho đến nay.

Đây là bài chắn mỗi mặt 4 cây tất cả 100 cây
Bài tổ tôm mỗi mặt 4 cây tất cả 120, ngày nay gần như chẳng còn ai biết chơi bộ môn này nữa
Một hội bài chắn sân đình

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *