Nghiên cứu này do Viện Khoa học Weizmann, Israel thực hiện và được đăng trên tạp chí PLOS Biology, tạp chí khoa học nổi tiếng của Mỹ. Các tác giả nhấn mạnh rằng, mặc dù nghiên cứu liên quan đến nước mắt của phụ nữ, nhưng giới tính chủ nhân của những giọt nước mắt không ảnh hưởng tới “hiệu quả” của nó.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nước mắt của loài gặm nhấm chứa các hóa chất đóng vai trò là tín hiệu xã hội. Ví dụ, nước mắt của chuột cái giảm sự hung hãn gây xung đột giữa các con đực, và chuột chũi đực còn tự bôi nước mắt để giảm các hành vị bạo lực từ con đực thống trị trong đàn.
Để xem liệu tác động tương tự có xảy ra ở con người không, một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Shani Agron dẫn đầu đã tiếp xúc 25 nam tình nguyện viên với nước mắt “xúc động” hoặc nước muối. Cả hai chất đều không mùi, và tình nguyện viên không biết họ đang tiếp xúc với chất gì.
Đàn ông giảm “hung hãn” khi thấy nước mắt
Nước mắt được lấy từ 6 phụ nữ tình nguyện viên, sau khi họ xem các bộ phim buồn và sử dụng gương để thu chất lỏng khi nước mắt chảy xuống má. Agron cho biết, “Khi chúng tôi tìm kiếm tình nguyện viên, chúng tôi thấy hầu hết là phụ nữ, vì với họ, việc khóc được xã hội dễ chấp nhận hơn nhiều”.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nước mắt giảm nồng độ testosterone ở nam giới, và giảm testosterone ảnh hưởng lớn hơn đến sự hung hăng ở nam giới so với phụ nữ. “Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tác động của nước mắt đối với nam giới vì điều này cho chúng tôi cơ hội nhìn thấy hiệu ứng cao hơn,” Agron nói thêm.
Nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên tham gia một trò chơi trên máy tính đã được thiết lập trước đó để nghiên cứu hành vi gây hấn. Họ phát hiện rằng hành vi tìm cách trả thù giảm 43,7% sau khi nam tình nguyện viên “hít” nước mắt.
Tương tự như loài gặm nhấm, con người không có Cơ quan Jacobson hay còn gọi là vomeronasal organ trong mũi. Đây là cơ quan khứu giác mà động vật dùng để phát hiện ra kích thích tố từ các chất hoá học không mùi, con người trong quá trình tiến hoá đã tự loại bỏ chức năng này. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng nước mắt kích hoạt các cơ quan thụ cảm khứu giác. Hình ảnh MRI của bộ não nam giới cũng cho thấy rằng vỏ não và thùy não trở nên hoạt động mạnh hơn khi họ bị khiêu khích khi chơi, nhưng hiệu ứng giảm nếu họ “hít” nước mắt bằng mũi.
“Có thể kết luận rằng nước mắt có thể đóng vai trò trong việc giảm hành vi bạo lực, và điều này có thể giải thích tại sao khóc thường xuyên xảy ra trong các tình huống nhạy cảm. Chủ đề “hôn lên giọt nước mắt lăn trên má” thường xuất hiện trong các nền văn hóa, nơi mà giao tiếp không chỉ bằng lời nói”.