Một kỹ năng và yêu cầu cốt yếu để thuyết phục cánh đàn ông chính là sự cởi mở. Quá trình xã hội hóa nam giới chính là nhu cầu có được quyền kiểm soát. Trái ngược với sự kiểm soát là dễ bị tổn thương, đó là điều không thể chấp nhận và xa rời khuôn mẫu giới tính nam.
Tôi nghĩ tới bố mình và tác động của quá trình xã hội hóa nam giới lên cuộc đời ông. Em trai tôi, Henry, đã qua đời khi vẫn đang trong tuổi vị thành niên. Lễ an táng của thằng bé được tổ chức ở Long Island, cách thành phố New York hai giờ lái xe. Đó là một ngày cực kỳ buồn bã và thê lương. Khi chúng tôi chuẩn bị trở về nhà sau buổi lễ, chiếc ô tô dừng cạnh một nhà vệ sinh công cộng cho những ai có nhu cầu trước chuyến đi dài quay lại thành phố. Mẹ và các chị em của tôi đều ra ngoài, còn tôi và bố vẫn ngồi trong xe. Ngay sau khi những người phụ nữ rời đi, ông liền bật khóc nức nở. Khi ấy tôi hai mươi mốt tuổi và chưa từng chứng kiến bố mình khóc trước đây. Thực ra ông không hề muốn khóc trước mặt tôi, nhưng ông biết bản thân không thể trở về thành phố mà chưa rũ bỏ được hết thảy những cảm xúc trong lòng, và có lẽ ông cho rằng mình nên bộc lộ những cảm xúc đó trước mặt tôi thay vì cánh phụ nữ. Mới mười phút trước ông đã phải tự tay chôn cất đứa con trai của mình xuống lòng đất. Đó là một nỗi đau mà tôi không thể hình dung nổi. Và điều in sâu nhất trong tâm trí tôi là ông xin lỗi vì đã khóc trước mặt tôi, đồng thời, ông cũng bày tỏ sự tôn trọng và giúp tôi tự ngăn được những dòng nước mắt của chính mình.
Tôi coi đây là một ví dụ hoàn hảo về quá trình xã hội hóa nam giới. Sự e ngại phơi bày những cảm xúc khác của mình ngoài sự tức giận – chính nỗi sợ này đã khiến chúng ta bị tê liệt và giam cầm chúng ta. Đàn ông được dạy rằng việc thể hiện và chia sẻ cảm xúc của bản thân chính là biểu hiện của sự yếu đuối, rằng đàn ông phải mạnh mẽ và chỉ có phụ nữ mới mềm yếu. Vậy là chúng ta sống mà hiếm khi bộc lộ những cảm xúc nào khác ngoài tức giận, không bao giờ để lộ sự yếu đuối ngay cả khi chúng ta phải khổ sở kìm nén nó.