ĐÀN BÀ TUỔI 70

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc

1

Đun xong siêu nước đổ vào hai chiếc phích, bà cụ Phấn lấy chiếc chảo nhôm cũ đặt lên bếp sau đó bà xúc một thìa mỡ từ chiếc liễn sứ cho vào giữa chảo, đợi cho thìa mỡ tan chảy và bắt đầu sôi nhẹ, lúc này bà cụ Phấn thong thả cầm bát cơm nguội cho vào chảo rồi đảo đều tay, khi chỗ cơm rang ngấm mỡ và săn lại, bà cụ Phấn đập thêm quả trứng và cho thìa nước mắm vào trộn nhanh tay. Lúc người cháu gái tỉnh giấc, trên bàn uống nước đã có hai đĩa cơm rang nóng hổi, bà cụ Phấn ôn tồn nhắc:

– Thôi đánh răng rửa mặtt rồi ăn sáng cho nóng.

Vừa xúc cơm rang ăn người cháu gái vừa tấm tắc khen:

– Trời lạnh như vậy sao bà không ngủ thêm chút nữa, cơm rang của bà thì ngon tuyệt vời. Trưa nay con xin về sớm, đầu giờ chiều con sẽ đưa bà lên huyện, mọi việc bây giờ là tùy ở bà nhé.

Đợi người cháu gái đi khuất, bà cụ Phấn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa rồi ngồi bên bếp lò cho ấm, năm nay tuy rét muộn nhưng đợt gió mùa Đông Bắc khiến nhiệt độ giảm sâu, có lẽ vì thời tiết thay đổi nên cả đêm qua bà cụ Phấn đau nhức xương khớp không sao ngủ nổi. Ngồi mãi cũng buồn, bà cụ Phấn mở chiếc hộp gỗ nhỏ lấy ra từng bức ảnh để xem, ảnh của bà thời trẻ được một phóng viên quân đội chụp, hồi đó bà làm công nhân của Nhà máy dệt 8.3. Khi tờ báo đăng bài viết có kèm bức ảnh, bà đã cắt bức ảnh trong báo cất đi coi như báu vật. Đôi mắt già nua của bà cụ Phấn như lóe sáng trước bức ảnh cưới duy nhất, ảnh bà ôm bó hoa Dơn đứng bẽn lẽn bên cạnh chú rể, dù ảnh đen trắng nhưng bà vẫn nhớ tấm phông đằng sau màu xanh Cửu Long có dán đôi chim bồ câu trắng đang tung cánh. Ngoài con số đề ngày 25/10/1974, dòng chữ có nội dung “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” được hầu hết các đám cưới sử dụng, câu khẩu hiệu đó như một mệnh lệnh nhắc nhở, bởi vì đất nước vẫn đang trong thời kì chiến tranh. Ngày đó việc chụp ảnh chỉ thực hiện vào những dịp trọng đại, chính vì thế bà cụ Phấn không có nhiều bức ảnh để lưu giữ, sau này khi người con trai đã trưởng thành, bà bắt đầu có nhiều bức hình chụp cùng con trong ngày cưới và những dịp lễ tết. 

Sắp xếp lại những tấm hình chất đầy kỉ niệm, bàn tay nhăn nheo của bà cụ Phấn thoáng ngập ngừng trước một phong bì có dấu đảm bảo của bưu điện, dù bà đã bóc thư từ tuần trước và đọc thuộc từng câu từng chữ trong đó. Theo đúng nội dung thông báo, chiều nay bà sẽ có mặt tại tòa án của Huyện, như vậy sau gần hai năm mòn mỏi đợi chờ, cuối cùng bà cụ Phấn đã sống được đến ngày ra tòa. Điều này tưởng đơn giản nhưng vì trận ốm thập tử nhất sinh hồi tháng trước, đã có lúc bà cụ Phấn tưởng sẽ về với tổ tiên khi trong lòng còn chất chứa bao nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai. 

Cuộc đời bà cụ Phấn kể từ ngày về làm dâu làng Văn Xá, thấm thoắt cũng được gần nửa thế kỷ rồi. Chồng bà không rượu chè, không trăng gió bên ngoài khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng đúng như người ta nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, chồng bà tính gia trưởng nên luôn áp đặt mọi việc theo ý mình. Kể từ ngày bà phải về hưởng chế độ 176, mọi việc lớn bé trong nhà đều đến tay, bà phải chăm mẹ chồng liệt giường suốt bảy năm đến khi cụ quy tiên. Vì là dâu trưởng của họ lớn, bà chưa được ngày thảnh thơi, mọi giỗ chạp lớn bé đều đến tay, chồng bà chỉ ngồi chỉ tay năm ngón rồi pha ấm trà ngồi rung đùi thưởng trà làm thơ.

Hai vợ chồng có duy nhất một người con trai, bà cũng phải nai lưng vỗ béo đàn lợn để có tiền cho con ăn học, rồi tiền lo xin việc. Bây giờ con bà thành quan chức, nhưng mỗi khi ốm đau, bà vẫn phải lọ mọ bắt xe ôm ra bệnh viện Huyện để khám và điều trị. Nghĩ đến cảnh chồng con bạc bẽo, nhiều lúc bà khóc thầm trong lòng, đến bây giờ bà vẫn tự hỏi, sao mình có thể sống cùng với một người vô tâm lâu đến vậy. Bà nhớ rõ lần phải lên Bệnh viện mắt Hà Nội để mổ đục tinh thể, gọi điện cho con trai nhờ đưa đi viện, con trai bà nói bận họp, cực chẳng đã bà phải nhờ chồng đi cùng để làm thủ tục, tuy nhiên ông chồng bà đã nói ráo hoảng phải đi giao lưu câu lạc bộ thơ ca. Chính lời nói vô tâm của chồng như giọt nước làm tràn ly, kể từ dạo đó bà rời xa ngôi nhà đã gắn bó bao năm để về tá túc ở nhà cô cháu gái.

2

Đang ngồi uống trà nhưng ông Sơn vẫn nhận ra tiếng bước chân và tiếng chào hỏi của người con trai từ ngoài ngõ, có lẽ Minh Việt là niềm tự hào của ông và dòng họ Trần. Hễ đi đâu ông đều cảm thấy mát mày mát mặt khi có ai nhắc đến con trai mình, đám cán bộ của làng Văn Xá nhìn thấy ông đều một hai thưa gửi lễ phép, điều này cũng dễ hiểu vì con trai ông đang giữ chức Chánh văn phòng Huyện. Xách chiếc cặp da đen bóng bước vào nhà, vị Chánh văn phòng ngạc nhiên hỏi:

– Chiều nay bố ra tòa xử ly hôn, sao phải mặc bộ quân phục và đeo huân huy chương làm gì.

Ông Sơn đứng ưỡn ngực một cách oai vệ rồi nói với con trai:

– Bố của anh vào sinh ra tử quen rồi, đến công đường cũng phải trong tư thế ngẩng cao đầu, có vậy không đứa nào dám nhờn. Nhân tiện ra tòa, chiều nay bố sẽ vạch rõ cho thẩm phán biết những tội lỗi của mẹ anh.

Minh Việt thở dài rồi nói:

– Thôi con xin bố, chính vì vụ ly hôn của hai người khiến con mất uy tín. Nếu không vì con ngầm can thiệp, thì tòa đã xử lâu rồi. Có lẽ tội duy nhất của mẹ con, đó là việc dám đâm đơn ra tòa đòi ly hôn.

Chưa kịp uống chén trà nóng, điện thoại của vị Chánh văn phòng lại đổ chuông, sau một hồi trao đổi vâng dạ qua chiếc smartphone, Minh Việt quay vào thông báo:

– Chiều này bố bắt xe lên tòa án huyện đúng giờ, con phải quay về có cuộc họp gấp, dù sao sự xuất hiện của con tại đó cũng không ổn. 

Con trai đến và đi chớp nhoáng còn nhanh hơn một cơn gió thoảng, một mình ngồi bên ấm trà mới pha, lúc này ông Sơn mới thấm thía sự cô đơn dù vợ ông đã kiên quyết dọn về nhà người cháu gái bên thôn Hạ từ năm ngoái. Ông nhớ lại những tháng ngày đầm ấm đã qua, lúc giải phóng Sài Gòn xong ông được phục viên về làng, con trai ông khi đó cũng vừa mới sinh được vài tháng. 

Vốn xuất thân quân ngũ nên ông thích được cống hiến cho xã hội, thời bao cấp khó khăn ai cũng nghèo, ông được bà con trong làng tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm Hợp Tác Xã, sau đó lại chuyển qua làm chủ tịch Hội Nông Dân, còn hiện nay ông đương làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Lục bát của làng Văn Xá, đồng thời kiêm chức trưởng chi hội Cựu chiến binh, tất cả những chức vụ đó không hề đem lại tiền bạc, nhưng ông Sơn lại thấy hãnh diện. 

Có lẽ hiểu tính chồng, suốt mấy chục năm chung sống với nhau, bà vợ ông chưa một lần cãi cọ hay hỏi vặn vẹo ông. Mọi việc chỉ thay đổi khoảng hai năm trước, hôm đó thay vì đưa vợ đi khám bệnh theo lịch hẹn, ông Sơn đã nhận lời đi Thanh Hoá để tham gia giao lưu cùng câu lạc bộ thơ ở đó. Khi bị vợ nhắc nhẹ, dù biết mình sai nhưng vốn tính bảo thủ và cố chấp, ông Sơn đã kiên quyết không nhận lỗi về mình, thậm chí ông còn to tiếng trách móc vợ thậm tệ. Vợ ông không nói thêm câu nào, sáng hôm sau bà rời khỏi căn nhà đã gắn bó hơn nửa đời người và để lại cho ông một tờ đơn xin ly hôn. Ngày đó ông vẫn nghĩ vợ mình giận dỗi xách túi hành lý sang nhà người cháu dăm bữa nửa tháng, ai ngờ bà vợ ông một đi quyết không quay lại, lá đơn xin ly hôn như con đê chắn sóng giữa hai người. 

3

Đợi cho bà cụ Phấn và ông Sơn ngồi xuống băng ghế, vị Thẩm phán cầm tập hồ sơ rồi nhẹ nhàng phân tích:

– Hai bác đã chung sống cùng nhau được 46 năm, cuộc sống ngày trước vất vả như vậy còn vượt qua được, tại sao bây giờ cả hai bác đã già lại mang nhau ra toà làm gì.

Ông Sơn đứng lên ưỡn ngực có đeo đủ các loại huân huy chương rồi bắt đầu nói, ông kể tội vợ mình không nghe lời, ông nói bà là người thụ động chỉ biết quẩn quanh xó nhà, mọi việc giao tiếp hay đối nội, đối ngoại mình ông đảm trách. Bao năm đi phát biểu tại nhiều nơi, ông Sơn quên mất mình đang đứng ở đâu, càng nói ông lại càng hăng say y như phát biểu trước hội nghị. Không một lời nhận lỗi, không một câu nhắc đến tình cảm vợ chồng. Có lẽ mạch nguồn cảm xúc của ông sẽ tuôn trào đến tận sáng mai nếu không bị người thẩm phán ngắt lời. Trước khi ngồi xuống, ông Sơn tuyên bố:

– Thưa với toà, tôi kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình, tôi không chấp nhận ly hôn. 

Ông chồng nói xong cũng là lúc bà cụ Phấn mới lập cập đứng lên trình bày. Không một lời trách móc hay đổ lỗi, bà chỉ kể lại những năm tháng nuôi lợn để dành tiền cho con trai ăn học, tiết kiệm tiền cho chồng thoả chí tang bồng với những việc ngoài xã hội. Bà cũng cay đắng nhắc lại ba lần chồng nằm viện, ông nhất quyết không cho thuê người giúp việc vì chê họ không chu đáo, mọi việc từ chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho đến đổ bô hầu ông đều một tay bà đảm nhận. Bà không quên được khi mình nằm viện, ông chỉ ghé vào thăm cho phải phép, những việc còn lại ông bắt con dâu tự lo liệu. Kết thúc việc trình bày, bà cụ Phấn bộc bạch với vị thẩm phán một cách chân tình:

– Thật ra ông ý chỉ cần một người giúp việc không công, chứ không phải một người vợ đúng nghĩa. Bao năm nay hễ ra ngoài xã hội, ông ý luôn nhận được những lời khen ngợi vì tính quảng giao và sự sốt sắng của mình, nhưng khi về đến nhà ông lại biến thành con người khác hoàn toàn, đã không giúp đỡ vợ một tay nhưng lại hay thích lên giọng mắng nhiếc. Nếu tôi còn sống với ông chồng tôi ngày nào, việc hầu hạ cơm nước rồi chăm lo thuốc men đều một tay tôi phải làm, nhưng khi tôi lỡ đổ bệnh nằm một chỗ, lúc đó ông ta lại coi tôi như một gánh nặng. 

Rồi cụ Phấn nhấn mạnh:

– Xin thưa với toà, sống với một kẻ ích kỷ, gia trưởng như vậy đến hết cuộc đời, quả thật tôi không cam lòng. Dù biết ở cái tuổi gần đất xa trời còn đưa nhau ra toà là việc không sung sướng gì, nhưng tôi cũng muốn làm gương cho chính đứa con dâu của mình, bởi vì anh con trai lớn của tôi hiện nay, tính nết cũng không khác gì bố nó, nếu thương cho hoàn cảnh của tôi, xin toà hãy xử thuận tình ly hôn để tôi được sống thanh thản những năm tháng cuối đời.

 Vị thẩm phán chăm chú lắng nghe câu chuyện của hai vợ chồng già, ngắm hai mái đầu bạc trắng ngồi nhìn nhau giống người xa lạ, vị thẩm phán nén tiếng thở dài để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trời về chiều không có nắng lên khung cảnh nhuốm màu xám bạc, từng cơn gió thổi cuốn theo từng đám lá vàng bay tả tơi trong không trung. Đứng trên bậc tam cấp ở sảnh toà án, bà cụ Phấn chăm chú nhìn ông chồng của mình vừa chui vào chiếc xe taxi, khi chiếc xe mất hút phía cuối đường, lúc này bà mới chậm rãi rời khỏi trụ sở toà án, trên khuôn mặt bà cụ Phấn lộ rõ vẻ thanh thản, vậy là cuối cùng bà cũng trút được gánh nặng mấy chục năm đè thấu tâm can. Bà cụ Phấn cẩn thận leo lên ngồi phía sau xe máy của cô cháu gái, lâu lắm rồi bà mới có dịp thư thái ngắm phố huyện. Trên con đường từ Huyện về nhà, hai bên đường bắt đầu lác đác có người chở cành hoa đào nở sớm đi bán dạo, vậy là không khí tết đến xuân về báo hiệu một năm cũ sắp qua đi, chuẩn bị cho một năm mới khởi sắc. 

Khi xe máy chạy ngang chợ làng Văn Xá quen thuộc, bà nhắc người cháu:

– Con cho bà xuống đây, bà ghé vào chợ mua con cá chép về om dưa.

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *