“Con trai 18 tuổi trở lên, con gái 16 tuổi trở lên, bản thân và người chủ hôn không có tang từ 1 năm trở lên, bảo với cha mẹ hoặc người trưởng tộc là có thể thành hôn. Trước hết để ông bà mối qua lại ướm lời, nhà gái đồng ý sau đó sẽ làm lễ định thân”.
- Định thân (lễ Vấn danh):
Lễ vật:
- Nhà giàu: 1 tấm lụa màu, 2 con lợn, 2 nậm rượu, 2 mâm cau, 2 mâm trầu.
- Nhà thường & nhà nghèo (tùy khả năng): 1 con lợn, 2 nậm rượu, 1 mâm cau, 1 mâm trầu
Nhà trai làm lễ cáo ở từ đường/ bàn thờ rồi đem đủ lễ Vấn danh (chạm ngõ) đến nhà gái. Chủ nhà gái ra vái chào, hai bên vái chào nhau rồi mới vào nhà, đem lễ vật cáo trình ở từ đường rồi mới làm lễ tương kiến nhị bái. Sau đó dọn cỗ bàn ra tiếp đãi nhà trai. Nhà trai trở về đem việc đó tấu trình ở từ đường.
- Nạp trưng (Dẫn cưới):
Lễ vật:
- Nhà giàu: 2 tấm lụa màu, 10 quan tiền, 1 đôi xuyến bạc, 1 hộp sơn son, gương lược, 1 hộp bằng ngà, 1 hộp bằng gỗ thơm, 3 con lợn, 10 nậm rượu, 6 mâm cau, 6 mâm trầu.
- Nhà thường & nhà nghèo (tùy khả năng): 1 tấm lụa màu, 5 hoặc 3 quan tiền, 1 đôi chân nến bằng bạc, 1 hộp sơn son, gương lược, 2 con lợn, 8 nậm rượu, 4 mâm cau, 4 mâm trầu.
Trước ngày lễ nạp trưng, nhờ ông bà mối đến nói trước. Khi đến ngày, nhà trai đem đủ sính lễ tới nhà gái. Và giống như nghi thức Vấn danh.
- Thân nghênh (Đón dâu):
Lễ vật:
- Nhà giàu: 1 tấm lụa màu.
- Nhà thường: Tùy khả năng.
Ngày đó, người chủ nhà trai làm lễ cáo với từ đường để làm lễ Tiêu dặn dò con. Lễ Tiêu nghĩa là rót một chén rượu cho con trai uống và dặn dò: “Đến đón dâu là việc thừa nối tổ tông nhà ta, con phải cố gắng; kính cẩn theo khuôn phép”. Người con trai đáp: “Vâng, chỉ sợ con không đảm đương nổi nhưng không dám quên lời dặn”. Chàng rể đến đợi ở từ đường nhà gái, người chủ nhà gái làm lễ cáo ở từ đường rồi làm lễ Tiêu (rót rượu cho cô dâu) dặn con gái: “Kính cẩn theo lời dạy bảo, sớm khuya công việc, chớ có trái lời cha mẹ chồng”. Mẹ lại dặn con gái rằng: “Cố gắng, kính cẩn sớm khuya, không trái lệ làm vợ của con”.
Mẹ đưa con gái ra cửa, chàng rể đi trước, nàng dâu theo sau về đến nhà. Chàng rể dẫn vợ vào nhà, chủ nhà ra đón con dâu và làm lễ Điện nhạn (Tơ hồng: đọc văn tế Ông Tơ Bà Nguyệt). Chàng rể nàng dâu cùng nhau làm lễ nhị bái rồi ăn uống với quan viên hai họ. Nhà trai tiếp đãi tân khách và nhận đồ mừng (vải đoạn bóng hoặc lụa màu). Sớm hôm sau, nàng dâu chào hỏi bố mẹ chồng. Ngày thứ ba, chủ nhân đến làm lễ ở từ đường. Ngày thứ tư, con rể đến nhà bố mẹ vợ làm lễ lại mặt (hồi môn)” (Thiên Nam Dư Hạ, tập IX).