ĐẠI VIỆT THỜI NHÀ TRẦN CÓ THẮNG QUÂN NGUYÊN LẦN 1 HAY KHÔNG, HAY CHỈ CÓ 2 LẦN THẮNG LỢI

ĐẠI VIỆT THỜI NHÀ TRẦN CÓ THẮNG QUÂN NGUYÊN LẦN 1 HAY KHÔNG, HAY CHỈ CÓ 2 LẦN THẮNG LỢI.
Gần đây trong nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử đã có thành viên hỏi câu hỏi này:
“lang thang trên face thì tình cờ mình đọc được một quan điểm cho rằng thực sự thì nhà trần chỉ đánh thắng mông cổ 2 lần thôi,lần đầu tiên(1258) thua và phải chấp nhận làm chư hầu, không dám giúp đỡ nhà Tống, các bác có ý kiến như thế nào về quan điểm này”
Đây là trích đoạn của bạn Thân Đức Tùng
Thực ra quan điểm này xuất hiện bên Trung Quốc. Mình không rõ xuất xứ từ đâu nhưng mình cho là ở Việt Nam nó chỉ mới xuất hiện gần đây. Nguyên nhân là thời kỳ những năm 60-70, tinh thần chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đạt cực đỉnh, không có chỗ cho những ý kiến xét lại.
Quan điểm này xuất hiện trong cuốn Việt Nam Thông Sử (越南通史) của nhóm tác giả Quách Chấn Đạc (郭振铎) và Trương Tiếu Mai (张笑梅). Các tác giả này căn cứ vào 1 bài tấu chương của Lý Tăng Bạch (李曾伯) (1198-1269). Bài sớ nằm trong cuốn Khả Trai Tục Cảo Hậu (可齋續藁後). Đây là tài liệu cực quý và chưa được nhà sử học Hà Văn Tấn sử dụng trong trước tác kinh điển “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông-Nguyên thế kỷ XIII). Bài sớ có đoạn: 竊詳言敵之犯交,謂己迫其城下,交主果曾登舟避鋒尋,雖收合餘兵夜却攻敵,其公牒不言敵兵之敗,乃言交兵之潰,則其事勢可見。(Thần trộm nghe nói rõ rằng địch phạm Giao (Chỉ), nói là đã bức dưới thành, chúa Giao quả đã lên thuyền tránh mũi tiên phong, tuy thâu thập dư binh đêm kiếp công địch, công văn nước ấy không nói quân địch thất bại, mà nói Giao binh tan vỡ, cho nên sự thế có thể thấy vậy.) Quách Chấn Đạc và Trương Tiếu Mai dựa vào đây mà nói rằng: “所以在越南方面不存在“第一次抗战以胜利而告终。”” (Vì thế phía Việt Nam không tồn tại (cái gọi là) kháng chiến lần từ nhất lấy chiến thắng mà cáo chung (cáo chung là kết thúc.) (Trang 337). Các tác giả cũng dẫn dụ thêm An Nam Chí Lược và Nguyên Sử An Nam Truyện. (Xem hình attach trong bài trả lời này). Khoảng 5 năm trước, mình đã truy lùng bài sớ này thì thấy các tác giả trên đã phạm lỗi trích dẫn không đầy đủ, vì đoạn trên của bài sớ của Lý Tăng Bạch nói như thế này: “所備思明州黄炳等三狀真本報稱安南殺退敵兵” (Sở Bị Tư Minh Châu là bọn Hoàng Bỉnh (黄炳) dâng ba tấu trạng chân bổn (chỗ này hai chữ 真本 chưa biết dịch sao, xin để nguyên) báo xưng An Nam giết lui địch quân.” Chỉ dựa vào dòng này của bài sớ “備廣西經司報安南事奏” (Bị Quảng Tây Kinh Tư Báo An Nam Sự Tấu) của Lý Tăng Bạch cũng có thể thấy trong cuộc chiến Nguyên-Việt lần 1, quân Trần có trận thắng trận thua, chứ không phải là hoàn toàn tan rã, lấy thất bại làm cáo chung.
Vấn đề thứ hai của nhóm tác giả Trung Quốc nêu trên là họ không dẫn dụng gì sử liệu Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, là nguồn sử quý giá ghi chép thắng lợi sau của quân Trần. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi rõ: “二十四日,帝及太子御樓船,進軍東步頭逆戰,大破之。元軍遁㱕,至㱕化寨。寨主何俸招集蛮人襲擊,又大破之。時元人新取雲南,游兵畧之,無攻取意,當時謂之仸賊。賊退,賜俸侯爵。” Ngày 24, vua và Thái Tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man [23a] ra tập kích, lại cả phá bọn chúng. Khi ấy, người Nguyên mới lấy được Vân Nam, bọn du binh cướp đến, không có ý đánh chiếm, nên bây giờ người ta gọi chúng là “giặc Phật”. Giặc rút, ban cho Bồng tước hầu. Đây là chứng cứ vững chắc cho thấy quân Trần đã đánh bại ít nhất một số quân Nguyên, khiến cha con Uryangqadai và Aju cảm thấy trú lâu ở Đại Việt không tiện cho cả chiến dịch công Tống nên rút quân. Ta có thể nêu một luận điểm có lợi cho quân Nguyên là có thể quân Trần đã đánh bại một cánh quân Nguyên nào đó không được chỉ huy bởi Ngột Lương Hợp Thai (Uryangqadai). Một ý kiến khác là của Hà Văn Tấn tiên sinh, nêu rằng: “Viên tướng bách chiến bách thắng, con trai của Subutai dũng sĩ (Subutai ba’atur)” đã thất bại như thế đấy” (Trích từ sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, trang 74, bản in của nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2019).
Cá nhân người viết cho rằng quân Nguyên đã nếm chút thất bại, nhưng họ rút chủ yếu là do chiếm Đại Việt không phải là mục tiêu chính trong chiến dịch này. Nhưng chắc chắn quân Nguyên đã chịu một tổn thất nào đó nhất định thì mới rút. Qua đó, ta có thể khẳng định rằng quân Trần đã thắng cuộc chiến này về mặt chiến lược, tuy về chiến thuật, hai bên đều có thắng thua. Quân Trần thua trận mà ngày nay gọi là trận Bình Lệ Nguyên, quân Nguyên thua là thua trận Đông Bộ Đầu như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép. Nhà sử học Hà Văn Tấn tiên sinh cho rằng: “Uryangqadai vào Giao Chỉ định kế lâu dài. Nhưng mưu đồ đó không thực hiện được.” Người viết không rõ bản Nguyên Sử của tiên sinh lúc soạn sách (thập niên 60) và bản điện tử mà người viết dùng có chỗ nào sai biệt không, nhưng nguyên văn của câu này là: “兀良合台入交趾,為久駐計” (Ngột Lương Hợp Thai vào Giao Chỉ, tính trú lại lâu dài.) Chữ 駐 nghĩa là đồn trú. Như vậy không có nghĩa là Ngột Lương Hợp Thai muốn chiếm Đại Việt, mà chỉ muốn trú quân lại lâu hơn. Nhưng ta phải công nhận, nếu quân Nguyên có thể thiết lập một căn cứ quân sự vững chắc ngay trên đất Giao Chỉ, làm tiền đồn chống Tống thì hẳn phải rất có lợi cho họ. Nhưng họ không làm được điều đó vì đã nếm chút thất bại. Mục tiêu của nhà Trần là thoát khỏi nạn ngoại xâm từ nhà Nguyên, và mục tiêu đó rõ ràng đã thành công.
http://dammenghiencuulichsu.blogspot.com/2020/03/1.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *