A: Alan L. Rubin, bác sĩ, Tác giả của cuốn “Tiểu đường cho mấy tên đần” (Diabetes For Dummies)
Trans: Một số bổ sung mình viết thêm sẽ để trong ô như thế này để tránh gây rối cho người đọc.
Đái tháo đường, hay nói nôm na là tiểu đường, là một bệnh làm hỏng người do đường huyết (glucose trong máu) tăng cao kéo dài trong nhiều năm.
PHÂN LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Một số loại đái tháo đường thường gặp:
- Đái tháo đường type 1: Là dạng đái tháo đường thường được gọi là đái tháo đường ở trẻ em (do nó thường xuất hiện khi còn rất sớm, trẻ vị thành niên cho đến thanh niên trẻ) hay quen thuộc hơn là “đái tháo đường phụ thuộc insulin”. Ở người bệnh đái tháo đường type 1, tế bào tụy (phần cơ quan sản xuất insulin) của họ bị tổn thương (do di truyền, bệnh tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân) dẫn đến kết quả là cơ thể họ không còn có khả năng tự sản xuất đủ lượng insulin cần thiết nữa. Chính vì vậy, người bệnh sẽ phụ thuộc vào việc đưa insulin từ bên ngoài vào cơ thể (tiêm) để bù cho phần thiếu đó. Và đồng thời, lượng insulin tiêm vào phải được tính toán dựa trên lượng thức ăn họ ăn vào ở mỗi bữa ăn để giữ cho lượng glucose trong cơ thể bình thường nhất có thể, không quá cao hay quá thấp.
- Đái tháo đường type 2: Là dạng đái tháo đường thường được gọi là đái tháo đường ở người lớn. Đây là một căn bệnh liên quan đến lối sống, là kết quả từ việc thừa cân béo phì và ít vận động thể dục thể thao. Ở type 2, bệnh nhân không bị thiếu insulin như type 1. Thay vào đó, cơ thể họ kém nhạy với insulin, dẫn đến insulin có nhiều nhưng mà vẫn “không đủ” để dùng. Điều trị đái tháo đường type 2 ban đầu có thể sẽ bắt đầu với cải thiện lối sống (chế độ ăn uống kèm vận động thể lực) nhưng sau cùng, điều trị đái tháo đường type 2 sẽ cần đến kết hợp cả thuốc lẫn cải thiện lối sống để có thể kiểm soát được đường huyết.
- Đái tháo đường thai kỳ: Là dạng đái tháo đường xảy ra khi phụ nữ mang thai do cơ thể tiết ra quá nhiều hormone làm tăng đường huyết dẫn đến insulin của họ không kiểm soát nổi đường huyết. Tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sinh nở cũng như có nguy cơ trở thành đái tháo đường type 2 nếu thai phụ không được chăm sóc cẩn thận.
______
Trans: Nói nôm na thì:
Insulin là cái chìa khóa nhà để mở cửa (tế bào), đưa hàng hóa thiết yếu (đường glucose) từ ngoài đường (máu) vào trong nhà.
Type 1: Hỏng tụy, không sản xuất đủ / mất khả năng sản xuất insulin => Mất chìa khóa, hàng hóa chất đống ngoài đường trong khi trong nhà thì không có gì ăn
Type 2: Mua cả mớ hàng, nhà ăn không hết, thế là kệ luôn mấy thằng có chìa khóa, cầm khóa ở ngoài chờ đi, nhà không tiếp => Cái gì cũng có chỉ có điều nhà không buồn nhận hàng hóa nữa.
Đái tháo đường thai kì: Hàng cứu trợ từ trên trời rơi xuống liên tục, hàng nhiều quá chở vô nhà không kịp nên cả mớ vẫn nằm ngổn ngang ngoài đường.
______
CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Chẩn đoán bệnh lí đái tháo đường khi đường huyết đói (Trans: Nhịn đói qua đêm xong sáng dậy ra bv đo đường huyết khám sức khỏe) ở ngưỡng 126 mg/dl trở lên (Trans: Đo ít nhất 2 lần ở 2 thời điểm khác nhau mới chắc kèo được). Ngoài ra, nếu đường huyết bất kì (không cần nhịn ăn, đo ngẫu nhiên lúc nào cũng được) của bệnh nhân trên 200 mg/dl (Trans: Kèm triệu chứng thường gặp của tăng đường huyết). Ngoài ra, ta còn có thể chẩn đoán thông qua đánh giá chỉ số máu HbA1c, nếu chỉ số này trên 6.5% thì đây là chỉ số để ta đề xuất tiến hành thêm các chẩn đoán về đường huyết để xác nhận về bệnh lý đái tháo đường ở bệnh nhân.
______
Trans: Ngoài ra còn có nghiệm pháp dung nạp glucose nữa nhưng mà giờ thì mình ít thấy dùng so với đo đường huyết đói và HbA1c.
Các chẩn đoán trên chỉ dùng để chẩn đoán là bệnh nhân có đái tháo đường hay không chứ không phân biệt được loại nào. Để phân biệt thì ta cần chẩn đoán phân biệt khác dựa trên chỉ số c-peptid, bệnh sử,… của bệnh nhân.
______
Các bệnh đái tháo đường khác nhau thì có nhiều điểm chung với nhau nên bệnh nhân cần lưu ý nghe bác sĩ dặn. Khả năng làm hạ đường huyết của nhiều thuốc rất mạnh nên sau khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể sẽ gặp tình trạng tụt đường huyết quá mức, thường là dưới 65mg/dl. Tình trạng này sẽ khiến cho bệnh nhân run tay, chóng mặt, lờ đờ, tim đập thình thịch và có thể dẫn đến hôn mê. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào của tụt đường huyết, cho bệnh nhân sử dụng đường để bù lại. (Trans: Các thuốc thế hệ cũ, thuốc thế hệ mới thì đỡ rồi nhưng vẫn có nguy cơ nha. Trong trường hợp này thì cho bệnh nhân ăn vài viên kẹo hoặc uống nước ngọt tầm nửa lon đến 1 lon để phục hồi đường huyết. Ngoài lề xíu là nước ngọt bình thường, không nên uống nước tăng lực nha :))) )
BIẾN CHỨNG
Nếu đường huyết bệnh nhân luôn ở mức cao trong nhiều năm (thường là trên 180mg/dl trong 10 năm hoặc hơn) thì bệnh nhân bị đái tháo đường (bất cứ loại nào) cũng sẽ gặp tình trạng tiến triển thêm nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm:
- Tổn thương mắt, hậu quả sau cùng là mù lòa.
- Tổn thương chức năng thận, hậu quả sau cùng là suy thận mạn.
- Tổn thương thần kinh, hậu quả dẫn đến là mất cảm giác trên cơ thể, đặc biệt là ở chân hoặc mất khả năng vận động một / một số cơ.
- Tổn thương trên tim mạch, hậu quả để lại là đột quỵ, đau tim hoặc mất khả năng cung cấp máu cho chân.
ĐIỀU TRỊ
Nếu bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt, khả năng xảy ra các biến chứng không mong muốn trên là rất thấp.
Cách tốt nhất để bệnh nhân có thể kiểm soát đường huyết và đề phòng các biến chứng trên cũng như có một đời sống lâu dài khỏe mạnh đó là có một đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn gồm các chuyên gia về đái tháo đường, chuyên gia dinh dưỡng, nhãn khoa cùng các chuyên gia khác khi cần.
Trans: Ở VN mình thì bác sĩ và dược sĩ lâm sàng (bệnh viện cung cấp) + ý thức tuân thủ điều trị của bệnh nhân kèm lối sống với chế độ ăn uống phù hợp lành mạnh.
______
Trans: Một số bổ sung chi tiết thêm từ người dịch.
A: Dành cho các bạn còn khỏe mà không biết mình có nên đi tầm soát đái tháo đường không.
Theo khuyến cáo của bộ y tế (2020) thì tầm soát (ở đây là chẩn đoán) đái tháo đường nên được tiến hành trên tất cả mọi người trên 45 tuổi hoặc thừa cân béo phì (BMI>=23 kg/m2 đối với người VN) có kèm ít nhất 1 yếu tố nguy cơ sau:
- Ba mẹ anh chị bị đtđ
- Tiền sử tim mạch xơ vữa hoặc bị tăng huyết áp
- Rối loạn lipid huyết, HDL-C<35mg/dl hoặc TG>250mg/dl
- Ít hoạt động thể lực
- HDLC<35 mg/dl hoặc TG >250mg/dl
- Bệnh nhân hội chứng đa nang buồn trứng
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan tới kháng insulin (cái này thì người bình thường khó biết được)
Kết quả tầm soát các bạn có thể tham khảo thêm với bác sĩ của bạn để đánh giá chính xác hơn và xác định thời gian tầm soát lại trong tương lai (vài năm hoặc ngắn hơn).
.
B: Về cải thiện lối sống dành cho bệnh nhân đái tháo đường (và tiền đái tháo đường)
Nhìn chung thì thay đổi lối sống lành mạnh ở bệnh nhân đái tháo đường cũng tương tự như lối sống lành mạnh ở một số bệnh khác lẫn không có bệnh như:
- Ăn uống lành mạnh (KHÔNG KIÊNG HOÀN TOÀN ĐƯỜNG/CƠM mà là ăn nhiều rau củ, đầy đủ thịt cá với lượng đường/cơm vừa phải và tránh junk food XD)
(Nếu thèm ngọt có thể ăn trái cây nhưng lưu ý là trái cây cũng có đường nên ăn vừa phải, đừng làm phát 2-3 trái xoài chín, gãy đó :))
- Tập thể dục thể thao cường độ trung bình mạnh khoảng 30 phút một ngày trong đó 15 phút khởi động và 15 phút luyện tập.
- Tránh đi chân đất, nên mang dép vừa chân (tránh biến cố trên bàn chân rất dễ xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường).
- Thừa cân béo phì thì giảm cân.
.
C. Cuối cùng, mình sẽ bổ sung thêm chi tiết hơn về các biến chứng mạn tính của đái tháo đường do ở trên tác giả viết ngắn gọn để mọi người dễ đọc nên chưa đầy đủ. Nếu các bạn đã có được những thông tin mình cần thì tới đây là hết r. Cảm ơn các bạn
Biến chứng mạn của đái tháo đường được phân gồm 2 nhóm là biến chứng trên mạch máu lớn và biến chứng trên mạch máu nhỏ.
Biến chứng trên mạch máu nhỏ, bao gồm:
- Bàn chân. Các vết thương ở chân khó phát hiện (do biến chứng trên thần kinh) kèm giảm khả năng hồi phục vết thương dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về nhiễm trùng bàn chân => Viêm loét đến hoại tử bàn chân, kết cục là cắt cụt bàn chân.
- Võng mạc (mắt). Gây tổn thương mạch máu võng mạc, xuất huyết dẫn đến mù.
- Thận. Hỏng thận :))
- Thần kinh. Gây tổn thương thần kinh ngoại biên (tay chân) và thần kinh thực vật do hỏng các mạch máu nuôi tế bào thần kinh. Hậu quả là tê, mất cảm giác, bỏng rát,… ở tay chân và rối loạn điều hòa huyết áp, sinh dục, tiêu hóa.
Biến chứng trên mạch máu lớn, bao gồm:
- Mạch vành (tim) do xơ vữa và rối loạn lipid. Biểu hiện thường không giống với bệnh lý mạch vành thông thường và nguy cơ tử vong cũng cao hơn bệnh nhân bị bệnh mạch vành không đái tháo đường (4 lần).
- Mạch máu não. Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ cao của đột quị và tai biến mạch máu não, kiểm soát đường huyết kém làm tăng nguy cơ mất trí nhớ liên quan đến đột quỵ cũng như tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ ở bệnh nhân.
- Mạch máu ngoại biên. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tắc nghẽn dưới động mạch khoeo và vôi hóa thành mạch so với bệnh nhân không đái tháo đường.