ĐẠI NHẢY VỌT CỦA MAO TRẠCH ĐÔNG – MỘT PHÂN TÍCH TỪ TAM GIÁC CHIẾN LƯỢC MOORE

Chưa đầy một tuần kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraina, người ta ghi nhận những con số thương vong (chưa thống nhất) khoảng 3, 4 ngàn người hoặc hơn. Đối với chúng ta ở tại thời điểm này, vài ngàn người chết trong thời bình đã là một con số khủng khiếp.
Ở một mức độ khủng khiếp hơn rất nhiều, Thế chiến I làm chết trên 19 triệu người, thế chiến II cướp đi khoảng trên 70 triệu sinh mệnh, đó đều là những thảm họa do con người tạo ra. Nếu chỉ tính những thảm họa “nhân tạo” nhưng không phải chiến tranh, có thể kể đến vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl làm 200 ngàn người chết (trực tiếp và gián tiếp).
Bây giờ là một con số khác: 37,55 TRIỆU NGƯỜI CHẾT [1]; và CHẾT KHÔNG PHẢI TRONG CHIẾN TRANH. Bạn có thể hình dung được thảm họa nào do con người gây ra, không liên quan đến chiến tranh, lại có thể giết chết gần một nửa số người chết trong Thế chiến II, và cướp đi một lượng nhân mạng xấp xỉ bằng dân số của cả nước Việt Nam năm 1961?
Đó là quãng thời gian mà có lẽ không có người Trung Quốc nào muốn nhắc lại: ĐẠI NHẢY VỌT (1958-1962), một “chiến dịch phát triển kinh tế” dưới bàn tay chỉ đạo của Mao Trạch Đông (Thường được xem như Kế hoạch 5 năm lần thứ hai của Trung Quốc). Đây là một ví dụ kinh điển cho sức phá hoại khủng khiếp của kiểu điều hành kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Nói như Tân Tử Lăng, “đây là cuộc thử nghiệm chủ nghĩa xã hội không tưởng có thời gian dài nhất, quy mô lớn nhất, thiệt hại thảm khốc nhất trong lịch sử loài người!” Sai lầm trong điều hành và quan trọng hơn là sự chối bỏ những sai lầm ấy đã đẩy gần 40 triệu dân đen vào cảnh địa ngục trần gian của đói khát, nhiều người phải ăn thịt người để sống, nhiều gia đình phải đổi con nhỏ cho nhau để ăn thịt (cho khỏi day dứt), và sau đó vẫn cứ chết đói!
Tại sao bảo Đại Nhảy Vọt có yếu tố “CNXH không tưởng”? Vì ở đây bạn sẽ lại gặp những khái niệm “nghe quen quen” như “cải tạo tư thương”, “hợp tác xã”, “công xã nhân dân”, “xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất”, “bếp ăn tập thể miễn phí”… – những điều mà đến giờ này thì ai cũng hiểu là nó không hiệu quả một cách hiển nhiên, mà lí do cơ bản nhất là các chính sách như vậy tước đoạt quyền tư hữu và triệt tiêu động lực lao động ở các cá nhân trong xã hội. Sau bốn năm tiến hành Đại Nhảy Vọt, thiệt hại kinh tế mà Trung Quốc phải gánh chịu là 120 tỷ Nhân dân tệ, tương đương lượng tiền vốn dùng cho 2 lần kế hoạch 5 năm của Trung Quốc ở thời điểm đó. Thiệt hại không chỉ dừng lại ở tiền, mà còn là sự thoái hóa và mục nát của cả một bộ máy thừa hành phía dưới.
Câu hỏi quan trọng nhất chúng ta cần trả lời đó là: Tại sao một kiểu chính sách điều hành kinh tế sai lầm như vậy lại có thể tồn tại trong suốt 4 năm, khi mà Trung Quốc hoàn toàn không thiếu người giỏi để nhìn ra vấn đề và khắc phục vấn đề?
Khung phân tích “Tam giác chiến lược” của Moore (1995) đưa ra một cách giải thích. Theo Moore, một chính sách chỉ thật sự tạo được “giá trị công” (public value) nếu đáp ứng được ba tiêu chí:
A – Đúng đắn về mặt kỹ thuật
B – Khả thi về mặt tổ chức/vận hành
C – Nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị
Chúng ta đã chứng kiến nhiều chính sách thiếu một hoặc hai trong ba chân kiềng này và cuối cùng thất bại. Chính sách thiếu đi yếu tố (A) dĩ nhiên là thua ngay từ đầu. Nhưng có những chính sách qua nhiều phân tích được chứng minh là đúng đắn về kỹ thuật (A) rồi, nhưng vì bộ máy vận hành và hệ thống cấu trúc/tổ chức hiện hữu (B) lại gây cản trở, nên nó không có cơ hội tạo ra nhiều giá trị công (chẳng hạn, một số nỗ lực chuyển sang “chính phủ điện tử” gần đây đang bị than phiền là “vẫn phải offline, vẫn phải in ra chạy đi xin chữ ký giấy” do những hạn chế trong vận hành). Có những chính sách đã được dự trù và phân tích tốt ở cả (A) và (B), nhưng thất bại ở phút cuối vì không có sự ủng hộ chính trị (C), mà điển hình nhất là thất bại của Chính phủ (giai đoạn trước 2015) trong việc đề xuất “Bỏ Hội đồng Nhân dân cấp huyện” khi không được Đảng và Quốc hội đồng tình [2].
Đại Nhảy Vọt là một trường hợp rất đặc biệt và hiếm gặp, khi mà ngay từ đầu rất nhiều người đã biết nó sai về kỹ thuật (A), nhưng vì sự ủng hộ chính trị dành cho Mao Trạch Đông (C) quá lớn, dẫn đến việc cả một bộ máy thừa hành (B) bị cưỡng ép thực thi. Và từ đó, hậu quả không chỉ là thất bại về kết quả chính sách, mà còn là thất bại trong tổ chức, và quan trọng nhất là thất bại trong việc gìn giữ tính chính danh của người lãnh đạo cao nhất Mao Trạch Đông – một trong những nguyên nhân trực tiếp sẽ dẫn đến Đại Cách Mạng Văn Hóa về sau này (một loại thất bại khác – thất bại về nhân tính – sẽ là đề tài cho một bài viết khác).
1 – NHỮNG SAI LẦM KỸ THUẬT CỦA MAO
Sai lầm mang tính kỹ thuật của Mao trong giai đoạn này nhiều vô số. Ở đây chỉ xin điểm qua mấy nét chính có liên quan mật thiết đến nạn đói và cái chết của hơn 33 triệu người vô tội.
Những sai lầm không phải chỉ xuất hiện từ đầu Đại Nhảy Vọt. Mầm mống của nó đã xuất hiện vào tháng 4/1955, khi Mao Trạch Đông chuyển mục tiêu “hợp tác hóa cả nước trong 15 năm, mỗi kế hoạch 5 năm sẽ hoàn thành 1/3” sang “diệt tuyệt phong kiến, đế quốc, tư bản và sản xuất nhỏ”, đẩy nhanh tốc độ, để đến cuối 11/1955 thì 96,1% số nông hộ ở Trung Quốc đã vào hợp tác xã. Với Mao thì đó là “kỳ tích”, là “cao trào XHCN” khi chỉ trong 4 năm đã hoàn thành kế hoạch cải tạo XHCN đối với nông nghiệp (vốn định làm trong 15 năm). Nhưng với người nông dân thì đó là ác mộng, khắp nơi nông dân lần lượt xin ra khỏi hợp tác xã vì thu nhập quá thấp. Về cơ bản, Mao không hiểu rõ kiến thức kinh tế, ngoài việc đánh vỡ các quan hệ sản xuất hiện hữu, ông ta không tài nào tìm ra cách để nâng cao năng suất lao động cho các hợp tác xã, tăng thu nhập cho xã viên, thậm chí không tạo ra được (lúc này ông ta nắm quyền tạo hoặc diệt) lực lượng sản xuất cao hơn sản xuất nhỏ ở nông thôn trước đó, nên kết cục là động lực giảm, năng suất giảm, sản lượng càng giảm.
Nếu như “hợp tác hóa” tước đi PHƯƠNG THỨC và ĐỘNG LỰC sản xuất đúng đắn của nông dân, thì quyết định “tăng gấp đôi sản lượng thép” của Mao đã tước nốt LỰC LƯỢNG sản xuất quan trọng dành cho nông nghiệp. Năm 1957, sản lượng thép của Trung Quốc là 5,35 triệu tấn. Giữa tháng 8/1958, sản lượng thép cả Trung Quốc mới chỉ là 4,5 triệu tấn. Chỉ bằng một câu nói, Mao muốn gấp đôi (lên 10,7 triệu tấn), nghĩa là cả nước còn 4 tháng rưỡi để sản xuất thêm 6,2 triệu tấn thép. Mao nói tại Hội nghị Bắc Đới Hà: “Phải chuyên chế. Không thể chỉ nói đến dân chủ. Phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thủy Hoàng. Hoàn thành 11 triệu tấn thép là việc lớn liên quan đến lợi ích của toàn dân, phải cố sống chết làm cho bằng được!”
Kết quả là gì chắc ai cũng đoán được. Dưới sức ép từ trên xuống, quan chức địa phương đua nhau báo cáo láo về số lượng, làm láo và bốc phét về chất lượng. Ngày 22/12/1958, Tân Hoa Xã công bố, quả thật cả nước đã làm được 11,08 triệu tấn thép rồi. Chỉ có điều, họ không công bố rằng trong đó có 3,08 triệu tấn thép hoàn toàn là phế phẩm không thể sử dụng. Nhà nước cũng phải trợ giá 5 tỷ Nhân dân tệ. Nhưng hậu quả thê lương nhất, là ngành nông nghiệp bị tước mất nhân lực (để dồn sang làm thép) khiến cho mùa vụ dở dang không thu hoạch được, cả nước thiếu ăn. Huyện Tỉnh Nghiên (Tứ Xuyên) vào lúc thiếu lương thực nhất năm 1959, bình quân mỗi người chỉ được cấp có 100 GRAM lương thực mỗi ngày, và cứ 8 người thì có 1 người chết đói. Nạn đói lan rộng, Mao nhận được báo cáo từ tỉnh Hà Bắc cuối 1959, phát hiện 6 vạn người mắc bệnh phù thũng, trên 450 người đã chết. Trong giai đoạn 1959-1962, số người chết đói ở Trung Quốc chiếm 5,11% dân số cả nước. 5,11% dân số cả nước CHẾT VÌ ĐÓI, GIỮA THỜI BÌNH [3].
Trước Đại Nhảy Vọt, Mao quả thật là lãnh tụ vĩ đại nhiều công lao nhất của ĐCSTQ và cả nước Trung Hoa. Nhưng có vĩ đại đến mấy mà không chịu học hỏi và lắng nghe thì cũng sẽ mắc sai lầm. Trên con đường cách mạng, Mao sáng tạo chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” đem lại thành quả lớn; nhưng trên con đường điều hành kinh tế, những gì Mao sáng tạo ra đều là thảm họa. Nói như Tân Tử Lăng, “bất cứ nhân vật vĩ đại nào cũng bất lực trước quy luật kinh tế, chỉ có thể thuận theo, không thể chống lại”. Thế nhưng Mao vẫn chống lại, thậm chí là chống tốt, đỡ tốt! Có điều, cái ông ta thật sự “chống” không phải là quy luật kinh tế, mà lại chống lại những người phản đối mình, để từ đó tiếp tục các chính sách sai lầm.
2 – BẤT CHẤP TẤT CẢ, SỰ ỦNG HỘ CHO ÔNG TA VẪN GẦN NHƯ TUYỆT ĐỐI
Trong khi Mao phạm sai lầm, những người đồng chí của ông ta đang ở đâu, họ đã làm gì?
Thủ tướng Chu Ân Lai – người chủ trương “tôn trọng các quy luật kinh tế”, “lượng sức mà làm”, “cân bằng tổng hợp” – dĩ nhiên có đường lối đi ngược hoàn toàn với tác phong duy ý chí đến cực đại của họ Mao. Mao ngay lập tức “kiểm điểm” Chu bằng quyền lực Đảng ở Đại hội Đảng lần thứ 8, kỳ 2 vào tháng 5/1958 ở Bắc Kinh. Lí do kiểm điểm thật sự buồn cười, là điển hình của kiểu chụp mũ, suy diễn, phóng đại và chuyển địa hạt từ kinh tế sang chính trị: Chu bị quy chụp là “phản đối việc làm liều của Mao”, “bảo thủ hữu khuynh”, “đi ngược lại phương châm “xúc tiến” của Mao”.
Chu Ân Lai hiểu rõ, đồng ý tự kiểm điểm trong phạm vi Đại hội Đảng cũng đồng nghĩa với việc từ chức Thủ tướng. Trước mặt ông ta có mấy con đường: (1) Từ chức Thủ tướng, không kiểm điểm trái lòng, để lịch sử phán xét; (2) Kiểm điểm trái lòng mình, theo sát Mao về đường lối, nếu có rối loạn, Chu lại đứng ra lãnh trách nhiệm, chấn chỉnh tình hình, đặt Mao ở tuyến hai “vĩnh viễn đúng đắn”.
Rốt cục, Chu đã chọn con đường thứ hai (và vẫn được Mao cho làm Thủ tướng). Giờ đây nhìn lại, khi đánh giá về các kịch bản có thể xảy ra, nhìn từ góc độ tổng lợi ích của Trung Quốc, cũng cực kỳ khó đánh giá là Chu đã làm đúng hay sai. Và biết đâu còn có lựa chọn thứ ba nữa?
Lựa chọn của Chu sau cùng đã trở thành một loại lựa chọn phổ biến trong thời kỳ đó: Biến mình thành những trung thần với ông vua Mao Thái tổ, mặc kệ cho sinh linh đồ thán (và thậm chí mặc kệ vận mệnh của chính mình). Từ đó về sau, những cơ hội khác của một lựa chọn thứ ba nào đó cũng đã biến mất, bắt đầu từ sự phê bình rụt rè Mao (rồi sau đó cũng chịu thua, tự kiểm điểm) của Bành Đức Hoài ở Hội nghị Lư Sơn 08/1959, cho đến lần Lưu Thiếu Kỳ bỏ lỡ cơ hội triệu tập Đại hội 9 năm 1961 để bắt Mao chịu trách nhiệm cho thất bại của Đại Nhảy Vọt (lúc đó uy tín của Mao đang xuống tới mức thấp nhất). Để rồi lần lượt, tất cả đều phải tiếp tục “ăn đòn” trong Đại Cách Mạng Văn Hóa sau đó mấy năm.
Lịch sử đã rẽ nhánh từ những lựa chọn mang tính cá nhân như thế của Chu Ân Lai. Lịch sử, cũng có thể đã rẽ ngoặt ở những phút chần chừ do dự của Lưu Thiếu Kỳ. Và lịch sử cũng có thể đã được thúc đẩy bởi những kỹ thuật tranh thủ sự ủng hộ chính trị rất điêu luyện của Mao Trạch Đông. Chẳng hạn: quăng “con mồi” Chu Tiểu Châu dụ Bành Đức Hoài lên tiếng. Chẳng hạn: các nhân vật quân đội như Hạ Long, La Thụy Khanh cuối cùng lại bán đứng Bành. Chẳng hạn: sự kiện ngày 29/7/1959, Lâm Bưu – nhân vật quan trọng số hai trong quân đội đã kịp xuất hiện ở Lư Sơn để “cần vương”, tham gia vào cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị quyết định phế bỏ vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng họ Bành vốn thật sự vì dân vì nước kia.
Dù thế nào đi nữa, điều không thể phủ nhận là Mao Trạch Đông đã làm quá tốt công việc mà Moore gọi là “quản lý chính trị” (Political Management), trong đó, bằng uy tín và địa vị, bằng lời hứa hay sự lừa dối, bằng cách phát tín hiệu hoặc gây nhiễu tín hiệu, Mao rốt cuộc cũng thành công (i) xây dựng sự ủng hộ và (ii) tăng tính chính danh cho các chính sách mà ông ta theo đuổi.
3 – MỘT BỘ MÁY THỰC THI KHI BỊ BÓP MÉO ĐẾN TẬN CÙNG THÌ SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Kiểu điều hành “Chủ nghĩa xã hội phong kiến” với ông vua Mao Thái tổ và các thuộc hạ ngu trung rốt cuộc sẽ dẫn con tàu Đại Nhảy Vọt về đâu? Khi trung thần ở trung ương đã chịu cúi đầu, thì trông chờ gì ở giới quan chức địa phương?
Kết cục là những báo cáo láo về sản lượng thép như đã nói ở trên.
Kết cục là: cán bộ địa phương báo cáo láo về sản lượng lương thực (Lưu ý, ngày 3/9/1958, ngay trong lúc lương thực đang thiếu, Mao lại còn cao hứng tuyên bố, sản lượng lương thực 1958 có thể tăng lên gấp đôi, từ 185 lên 370 triệu tấn).
Nhưng nếu như thép còn có thể trộn lẫn với thép phế phẩm, lương thực thì không thể trộn lẫn với cát bùn để nộp bậy lên trên được. Nhiều quan đầu tỉnh (ví dụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ngô Chi Phố) áp sản lượng “cứng” khi trưng thu lương thực (mặc dù lúc này mùa màng đã hư hỏng 50% ngoài đồng vì nhân lực đã bị điều đi làm gang thép hết), cán bộ cấp dưới nào không hoàn thành chỉ tiêu trưng thu lập tức bị chụp mũ “Bành Đức Hoài con”. Nguyên nhân thiếu lương thực bị quy thành “các công xã, đội trưởng che giấu sản lượng làm của riêng”. Để quán triệt tinh thần kiên quyết của họ Mao, huyện Hoàng Xuyên còn tổ chức đấu tố hơn 60 người. Những nông dân đến dự này ai nấy đều gầy gò vàng vọt, khoảng 40% mắc bệnh phù thũng, một người chết đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà. Những sự vụ như vậy có rất nhiều, nhiều xã viên bị nghi che giấu lương thực, bị đánh tới chết (hoặc bị đánh xong rồi chết đói), các bạn có thể tìm đọc trong sách của Tân Tử Lăng.
Nhưng đến mức độ “địa ngục trần gian” thì phải là chuyện “ăn thịt người” ở huyện Sùng Khánh, khu Ôn Giang, Tứ Xuyên. Chỉ trong một năm từ 12/1959 đến 11/1960, đã có 48 bé gái dưới 7 tuổi bị người lớn ăn thịt. Kẻ nhẫn tâm thì ăn chính con mình. Kẻ mềm yếu hơn thì “gạt nước mắt đổi con với hàng xóm” để ăn con nhau. Nhiều xã viên “nhìn xa trông rộng” nghĩ ra cách bắt cóc trẻ em vùng lân cận về ăn, hoặc gài bẫy trẻ em như bẫy thú.
Đáng sợ! Không chỉ là không trồng được đủ lương thực, lúc này, người ta cũng không còn giữ được hạt mầm của lương tâm. Vấn đề rõ như ban ngày, to như con voi ngồi lù lù trong phòng, đều bị tất cả nhắm mắt bịt tai cho qua, tập trung làm theo đường lối của “Mao Chủ tịch”, thà chấp nhận người ăn thịt người, cha mẹ ăn thịt con, còn hơn là phản kháng!
Một bộ máy thực thi khi bị ý chí chính trị ép phải phục tùng một chính sách sai lầm, có thể sẽ bị đè nén đến mức méo mó như thế. Đại Nhảy Vọt cho chúng ta câu trả lời ám ảnh nhất mà một con người có thể nghĩ ra.
Tân Tử Lăng chua chát viết ra những dòng này:
[Nếu Quốc hội Trung Quốc thật sự có quyền làm chủ, không chấp nhận chỉ tiêu tăng sản lượng gang thép lên hai lần, không thông qua thể chế công xã hóa, hoặc có quyền lực kiên quyết ngăn chặn cuộc Đại Nhảy Vọt hại nước hại dân, thì có thể tránh hoặc giảm nhẹ tai họa này. Đáng tiếc là Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa 2 họp tại Bắc Kinh từ 30/3 đến 8/4/1960, 2000 đại biểu đều phụng mệnh “ba không”: Không nói đến nhiệm vụ trưng mua lương thực quá nặng, Không nói nông thôn thiếu lương thực, Không nói nhiều người chết đói, mà chỉ được phép nói về “tình hình tốt đẹp” ở địa phương mình, giơ tay thông qua kế hoạch kinh tế đại tiến vọt hơn nữa…]
Cuối cùng, có thể hiểu được tại sao con số người chết lại lớn tới vậy.
Để giết chết một người, có khi chỉ cần một hoặc vài người. Nhưng để giết chết mấy chục triệu người, thì phải cần mấy trăm triệu người cùng nhau gian dối, làm sai…
CHÚ THÍCH:
[1] Số liệu chính thức được giải mật theo quyết định của Bộ Chính trị ĐCSTQ tháng 9/2005, theo Tân Tử Lăng. Các tài liệu khác ước tính số người chết đói dao động trong khoảng 20-40 triệu người.
[2] Theo Vũ Thành Tự Anh (2016).
[3] Tất cả các số liệu về Đại Nhảy Vọt trong bài đều lấy từ Tân Tử Lăng (2008).
THAM KHẢO:

  1. Tân Tử Lăng (2008). Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội. Thông Tấn Xã Việt Nam.
  2. Moore, Mark H. (1995). Creating Public Value: Strategic Management in Government. Harvard University Press.
  3. Vu Thanh Tu Anh. 2016. “Vietnam: Decentralization amidst Fragmentation.” Journal of Southeast Asian Economies 33(2): 188-208.

Nguyễn Đỗ Thuyên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *