Đại lược về thể chế dân chủ của Hy Lạp

Trong hai thế kỷ, quyền lực chính trị của Athen nằm trong tay người dân. Họ đã tạo ra một mô hình chính chính trị đến nay vẫn còn dùng.

Từ “dân chủ” trong tiếng Việt dịch từ chữ gốc Hy Lạp demokratia. Demos nghĩa là người dân, kratos nghĩa là quyền lực. Nếu dịch sát thì cụm từ này là dân nắm quyền.

Thành Athens là nơi khai sinh ra thể chế dân chủ mà đến ngày nay đã trở thành “chính quy” cho mọi nhà nước trên thế giới.

Tuy nhiên, thể chế dân nắm quyền nguyên thủy của Hy Lạp không giống ngày nay. Khác ở chỗ thời nay dân chúng sẽ bầu ra ai đó đại diện cho họ trong chính quyền, còn thời Hy Lạp tất cả công dân đều tham gia vào việc hành pháp, và coi các cơ quan thực thi chúng.

Quy tắc của nền dân chủ Hy Lạp gọi là ho boulomenos – ai muốn thì vào. Theo quy tắc này, mọi công dân đều có quyền tham gia, bàn luận, và biểu quyết trong đại nghị (một cuộc họp lớn), gọi là ekklesia, tổ chức khoảng 10 ngày một lần để bàn các công to chuyện nhỏ của thành bang.

Nội hội họp là ngọn đồi Pnyx cách thành Acropolis chừng một dặm, đủ chỗ cho khoảng 6000 cử tri.

(Ảnh bên: Đồi Pnyx với bục diễn thuyết bên tay phải và thành Acropolis trên ngọn đồi phía xa)

Sau các nghi thức tế lễ mở màn cho mỗi phiên họp, mọi cử tri có mặt đều được quyền tiến lên bục đá, gọi là bema, tự do phát biểu.

Mỗi đại nghị ekklesia như thế sẽ bàn đủ mọi chủ đề về chính trị, từ việc tuyên chiến cho tới cơ cấu quân đội, gây quỹ, cung ứng lương thực, chọn thẩm phán, kiện tụng, và thảo luận hiến pháp.

Biểu quyết bằng cách giơ tay. Giơ tay không giải quyết được thì rút thăm. Nếu là một vụ trục xuất, tức là lưu đày một người Athen bất kỳ ra khỏi xứ trong vòng 10 năm, thì tối thiểu cần 6000 cử tri tham gia biểu quyết bằng cách viết tên đối tượng lên một lá phiếu gọi là ostracon. Quá bán là đủ để đối tượng bị kết án lưu đày.

BỔN PHẬN MỖI CÁ NHÂN

Có một hội đồng cố vấn gọi là boule, chịu trách nhiệm lên nghị trình và điều hành các công việc hành chính hàng ngày, coi luôn cả kho bạc.

Hội đồng này gồm 500 người được chọn ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm. Biện pháp là để tránh tham nhũng hay hối lộ, vì sẽ không ai đủ tiền lo lót cả 500 người, và kẻ giàu cũng không thể dùng tiền mà vào hội đồng được.

Để hạn chế sự lạm quyền, mỗi thành viên phải trên 30 tuổi, và chỉ được tại chức 1 năm. Mỗi người có thể được bầu 2 lần trong đời, nhưng phải cách ra chứ không được liên tiếp 2 nhiệm kỳ.

Quan tòa, dikasteria, cũng được chọn theo cách tương tự. Mỗi năm, 6000 công dân trên 30 tuổi được rút thăm để chọn ra các bồi thẩm và quan tòa. Mỗi vụ án thường có tới hàng trăm bồi thẩm.

Chỉ có một số chức vụ quan trọng cần người có kỹ năng hoặc được đào tạo là phải bầu, chẳng hạn như các tướng lãnh.

Hệ thống phức tạp gồm các đại nghị ekklesia, hội đồng boule, và các thẩm phán dikasteria cùng một tá các cơ quan nhỏ hơn là để giữ cho nền dân chủ được minh bạch, không bị sa vào con đường chuyên chế.

Nhưng thể chế cộng hòa của người Athen có điểm yếu là dễ bị những cá nhân quyền lực thao túng. Những cử tri kém cỏi, ba phải, hoặc kiến thức hạn hẹp rất dễ ngả theo những tay có tài hùng biện hay giỏi mị dân.

Điển hình như sau trận Arginusae năm 406 TCN. Tuy Athen thắng trận, nhưng sáu trong tám tướng lĩnh bị đưa ra xét xử và tử hình vì các tay diễn thuyết tung hỏa mù.

Trục xuất cũng là thủ đoạn thường dùng để loại bỏ những đối thủ chính trị, hay những kẻ bị thù ghét.

Phụ nữ, nô lệ, và người nước ngoài không được phép dự đại nghị.

Dân số Athen vào thế kỷ 5 trước Chúa giáng sinh khoảng 250,000 người, nhưng đủ tư cách công dân chỉ trung bình khoảng 30,000, cao điểm thì lên tới 50 hoặc 60 ngàn. Trong số đó cũng chỉ một vài ngàn người tham gia đại nghị và tình nguyện giữ các chức vụ hành chính.

So với các nền quân chủ và độc tài ở các thành bang khác của Hy Lạp thì Athens có một cơ quan hành chính khổng lồ. Nền dân chủ không chỉ là quyền, mà còn là bổn phận của mỗi công dân.

Athens không phải trường hợp duy nhất áp dụng thể chế dân chủ ở Hy Lạp cổ đại, nhưng thành bang này làm xuất sắc và nghiêm túc hơn cả.

AI NGHĨ RA Ý TƯỞNG ‘DÂN CHỦ’

Có ba nhân vật quan trọng thường được xem là những người đặt nền móng cho ý tưởng dân chủ.

Người thứ nhất là Theseus, một vị vua trong truyền thuyết. Theseus đánh bại quái vật đầu bò Minotaur, thống nhất Attica, và lần đầu tiên thực hành cơ chế dân trị cho người Athen.

Người thứ hai là Solon, một chính khách lỗi lạc của Hy Lạp cổ đại. Khoảng thế kỷ 6 trước Chúa Giáng Sinh, ông ta thực hiện một loại các cải cách, và đề xuất một thể chế mới nhằm tái cấu trúc nền chính trị và quyền công dân.

Đại khái như sau: chia dân chúng thành bốn nhóm dựa trên sản lượng canh tác đất đai, và trao quyền dựa trên mức độ giàu có chứ không phải kiểu cha truyền con nối. Cách thức này lọai bỏ hoàn toàn nền chuyên chính, giờ đây ngay cả người nghèo nhất cũng có thể bỏ phiếu trong đại nghị.

Tuy cải cách của Solon không kéo dài được mãi vì giới quý tộc Athen phản đối tới mực gây bạo loạn, nhưng đã đặt nền móng cho việc thực thi nền cộng hòa vào cuối thế kỷ ấy.

Cuối cùng là Cleisthenes, cha để đích thực của nền dân chủ. Ông vốn là một archon, tức chánh án tối cao dưới thời bạo chúa Hippias, nhưng rồi bị đuổi khỏi Athen, và về sau được dân chúng mời về trở lại.

Lý do là họ sợ các đạo quân xâm lăng từ những thành bang hiếu chiến khác của Hy Lạp, như Sparta, hay quân viễn chinh Ba Tư. Nguy cơ chiến tranh làm lung lay quyền lực chuyên chế, mở ra cơ hội cho một hệ thống chính quyền mới do chính Cleithenes gầy dựng.

CÁC HIỂM HỌA NGOẠI XÂM

Khoảng năm 507 trước Chúa Giáng Sinh, Cleisthenes thiết lập 139 ‘cơ quan lãnh thổ’ trên khắp vùng Attica, gọi là các demes, và hạ lệnh mọi đàn ông Athen từ 18 tuổi trở lên phải tới khai báo để trở thành công dân, một kiểu đăng ký CCCD thời bấy giờ.

Các cơ quan này tạo ra bản đồ hành chính theo đó mỗi công dân sẽ có quyền tùy theo địa phương cư trú, chứ không phải do dòng dõi hay gia đình như lúc trước.

Để bẻ gãy quyền lực của giới quý tộc, Cleisthenes nhóm tất cả dân Athens thành 10 nhóm, hay 10 chi. Hội đồng boule mở rộng từ 400 thời Solon lên thành 500, mỗi chi góp 50 người.

Nền dân chủ của Athens đã ra đời như thế. Trong những năm đầu họ phải đối mặt với nhiều đối thủ, từ các thành bang lân cận lẫn hai cuộc xăm lăng của Ba Tư. Nhưng Athens cùng ý thức hệ của nó vẫn tồn tại.

Quân Ba Tư của Darius I bị đánh bại tại trận Marathon năm 490 TCN. 10 năm sau con trai là Xerxes I tiếp tục bại trong trận hải chiến Salamis, và trận Plataea.

Thế kỷ tiếp theo chứng kiến nhiều thay đổi chính trị, nhất là bởi những chính khách như Ephialtes, và thời gian nền cộng hòa chết lâm sàng do Chiến Tranh Peloponnesia, với kết quả là Sparta chiến thắng và đặt ách cai trị lên người Athen.

Nền dân chủ lẽ ra đã có thể được khôi phục và chấn hưng lại, nhưng tiếc thay Hy Lạp đã không thể lật đổ được ách đô hộ của Macedonia vào cuối thế kỷ thứ 4 TCN.

Kể từ đây thể chế dân chủ mà Cleisthenes xây dựng, trên nền tảng của Solon, chấm hết. Nhưng ý tưởng về dân nắm quyền về sau đã thay đổi mạnh mẽ nền chính trị toàn cầu, và đang được áp dụng ngày nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *