Đặc điểm của những người không xứng đáng để làm bạn bè thực sự là gì?

Những người không xứng đáng để bạn coi như một người bạn thực sự đều có một đặc điểm chung, đó là Độc hại.

Nếu bạn cảm thấy rằng bạn bè của bạn từ trước đến nay đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng, sự tự tin và các yếu tố về mặt sức khỏe tâm lý khác, thì bạn nên thận trọng cân nhắc xem có nên tiếp tục tình bạn này hay không, bởi vì những người bạn này có thể được coi là “độc hại” (Toxic Friends).

Dưới đây là sáu loại bạn độc hại mà bạn cần cảnh giác:

  • Kiểu bạn bè độc hại thứ nhất: Loại người ích kỷ

Tình bạn là sự tương tác hai chiều tự nguyện và cùng có lợi, được hình thành giữa hai cá nhân. Khi bạn cần đối phương, bạn có thể dựa vào họ, và họ cũng có thể tín nhiệm bạn. Do đó, một tín hiệu tình bạn độc hại đáng chú ý đó là thiếu sự tương trợ lẫn nhau. Nếu bạn nhận thấy trong tình bạn của mình, bạn đang là người cho đi nhiều hơn mà không được nhận lại gì, thì đó là dấu hiệu cho thấy tình bạn của bạn là tình bạn độc hại.

Những người ích kỷ luôn xem bản thân là nhất thường chỉ xuất phát từ nhu cầu của bản thân mà không hề nghĩ đến cảm xúc của người khác. Lúc nào cũng nghĩ rằng mọi chuyện đều là vì mình, cảm thấy thế giới hẳn là luôn xoay quanh mình. Họ quen với việc hướng năng lượng, sự chú ý và tiền bạc vào bản thân nên sẽ không chủ động quan tâm đến cuộc sống của bạn. Họ khiến bạn cảm thấy mình không được xem trọng, hoặc chỉ đối đãi bạn một cách loa qua, khiến bạn cảm thấy rất bất công.

  • Kiểu bạn bè độc hại thứ 2: Loại người kiểm soát người khác

Những người thích kiểm soát sẽ liên tục bắt bạn phải đáp ứng nhu cầu của họ, luôn muốn điều khiển người khác. Họ yêu cầu quá nhiều, nhưng lại cho đi quá ít. Họ thông qua việc khống chế, lợi dụng sự chú ý của bạn đối với họ để khiến bạn sợ hãi họ, phải nhường nhịn hoặc làm theo ý họ.

Họ thường chèn ép và bóc lột người khác dưới những hình thức như chiếm dụng thời gian, tiền bạc hay món đồ yêu thích của bạn, họ luôn nói “Làm giúp tôi cái này”, hay tự tiện dùng đồ đạc cá nhân của bạn như “Cái này có thể cho tôi không?”. Dù bạn có tiếp tục nhân nhượng thì họ cũng sẽ không đời nào thay đổi bản tính này. Nếu họ cố gắng kiểm soát bạn, việc gì cũng bắt bạn làm theo ý mình, luôn muốn thay bạn đưa ra quyết định, điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy như bị lệ thuộc, cảm thấy khổ sở và bất lực.

  • Kiểu bạn bè độc hại thứ 3: Loại người hay chế giễu

Họ lấy những trò đùa và tiêu khiển làm chủ đề của cuộc trò chuyện, chế giễu bạn bè xung quanh để khiến người khác cảm thấy họ hài hước và hấp dẫn, nhưng họ lại hoàn toàn không để ý đến cảm xúc và tâm trạng của người khác. Những người bạn như vậy có thể sẽ dùng vỏ bọc như quan tâm bạn và muốn tốt cho bạn, nhưng bên trong lại coi thường ngoại hình, thói quen và hành vi của bạn.

Giữa bạn bè với nhau, có sự khác biệt giữa trêu đùa và chế giễu ác ý. Mặc dù là trêu đùa nhưng bạn bè thật sự cuối cùng vẫn sẽ khích lệ cho nhau, còn những người bạn độc hại sẽ đùa cợt bạn một cách ác ý, có khi gần như là bắt nạt. Họ thậm chí có thể nói những lời không hay sau lưng bạn, chỉ có như thế họ mới cảm thấy hài lòng và thỏa mãn với địa vị của mình.

  • Kiểu bạn bè độc hại thứ 4: Người hay ganh đua, cạnh tranh

Bởi vì là bạn bè nên hai người thường sẽ gần gũi nhau hơn, đồng thời cũng sẽ trực tiếp chứng kiến và chia sẻ những thành quả cùng nhau. Khi bạn chia sẻ thành tựu của mình với bạn bè, họ sẽ nói gì? Họ có ủng hộ bạn và thấy mừng cho bạn không? Hay bạn nhận thấy rằng người bạn này cho dù là công việc, học tập hay tình yêu cũng đều muốn cạnh tranh với bạn?

Nếu là vế sau thì người đó rất có thể là một người bạn độc hại. Những người bạn độc hại này luôn muốn có cảm giác ưu việt hơn trong tình bạn. Họ giỏi trong việc ngầm sử dụng các thủ đoạn công kích để đạt được mục tiêu của mình, luôn có suy nghĩ cạnh tranh và ganh đua mạnh mẽ, đảm bảo rằng họ luôn phơi bày ra được “năng lực” của mình. Chúng ta phải biết rằng tình bạn chỉ có thể được duy trì nếu nó được hình thành trên cơ sở cả hai bên cùng nhau phát triển, nếu bạn cảm thấy họ chỉ muốn cản trở con đường phát triển của bạn, càng không ngừng ghen tị và cạnh tranh đối với bạn thì điều này sẽ chỉ phá vỡ tình bạn chứ không thể nào giúp tình bạn tồn tại lâu bền được.

  • Kiểu bạn bè độc hại thứ 5: U buồn bất tận

Hãy chú ý đến những người luôn xin lời khuyên từ bạn và luôn miệng phàn nàn về mọi thứ. Họ liên tục thể hiện những cảm xúc tiêu cực, họ nói rằng họ đang buồn bã và bất lực như thế nào, còn bạn luôn phải nhường nhịn và chia sẻ thời gian và công sức của mình cho họ.

Họ thậm chí có thể giả vờ là nạn nhân, hoặc khi giận dữ sẽ quy chụp tất cả đều là lỗi của bạn, khiến bạn cảm thấy mình là người xấu, tội đồ hoặc kẻ thất bại, lúc đó họ sẽ cùng mọi người lên án rằng bạn tệ như thế nào. Những người này sử dụng điểm yếu của đối phương, khiến người khác cảm thấy tội lỗi và tự trách bản thân, khiến họ cảm thấy chèn ép và áp bức.

  • Kiểu bạn bè độc hại thứ 6: Người chống đối xã hội

Đặc điểm cốt lõi của họ là lạnh lùng, thiếu sự đồng cảm, không cảm thấy áy náy hay hối hận, coi thường luật pháp và phong tục xã hội, và có thể có khuynh hướng bạo lực. Tất cả những “cảm xúc” mà họ thể hiện đều là giả tạo và tạm thời, vì họ chỉ lợi dụng, giả vờ biểu đạt cảm xúc và tình cảm nhằm đạt được mục đích của riêng họ. Họ có thể có một sức hấp dẫn nhất định, nhưng đều là xảo quyệt và dối trá, họ luôn miệng nói dối, hoặc lừa gạt người khác để tư lợi hay giải trí. Không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và người khác, cũng không bao giờ chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

—–

LÀM SAO ĐỂ THOÁT RA KHỎI MỘT TÌNH BẠN ĐỘC HẠI?

Nếu bạn cảm thấy rằng bạn đang ở trong một tình bạn độc hại, đừng tự trách mình, điều đó không có nghĩa là bạn có lỗi. Nhà tâm lý học Christiane Northrup đã tổng hợp những lý do có thể khiến bạn bị mắc kẹt trong những mối quan hệ bạn bè độc hại. Ví dụ như có một số người vốn có bản tính dễ đồng cảm, tin tưởng mọi người đều là người tốt, luôn luôn nhìn người khác bằng những mặt tốt nhất của họ, người như vậy sẽ có thể kết giao cùng những người bạn độc hại. Đôi khi, môi trường phát triển của một cá nhân thiếu sự hỗ trợ và thừa nhận, thiếu hụt giá trị bản thân, mong muốn được chấp nhận và quan tâm, cũng dễ rơi vào những mối quan hệ độc hại.

Một mối quan hệ lâu dài, cho dù có độc hại hay không, thường sẽ không dễ để quên ngay được. Những mối quan hệ lâu dài có lẽ cũng đáng để hòa giải và sửa chữa, dưới đây là những gợi ý để giải quyết trong tình huống này, mời các bạn tham khảo:

1. Nỗ lực sửa chữa mối quan hệ lần cuối

Nếu bạn đã ở với một người bạn độc hại trong nhiều năm và không biết phải làm thế nào để đối phó với điều này, trước tiên bạn có thể cố gắng điều chỉnh mối quan hệ: bạn có thể trao đổi trực tiếp và bày tỏ suy nghĩ của mình để đối phương hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra và cùng nhau giải quyết vấn đề. Mạnh dạn bày tỏ mong muốn của bạn, thiết lập ranh giới để không còn phải lệ thuộc vào đối phương. Sau đó, bạn có thể xem xét và làm rõ những chi tiết và những điều khiến bạn khó chịu trong quá khứ nhằm tìm ra hướng phát triển thích hợp cho mối quan hệ của bạn

2. Lựa chọn từ bỏ

Sau khi đã trao đổi với người đó mà không có kết quả gì, đối phương không có dấu hiệu cải thiện, hoặc là họ vẫn tiếp diễn những hành vi độc hại thì bạn có thể lựa chọn hoặc là từ từ ngừng tiếp xúc với họ hoặc lập tức rời đi (cắt đứt liên hệ), an toàn mà thoát khỏi mối quan hệ độc hại này. Trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hãy bày tỏ một cách rõ ràng và dứt khoát bằng cách gặp mặt hoặc nhắn tin cho họ: “Tôi nghĩ bây giờ chúng ta không thể làm bạn được nữa.” Hoặc “Bạn có ý nghĩa rất lớn với tôi, nhưng tôi không muốn tiếp tục làm bạn với nhau nữa.”,…

3. Chữa lành vết thương và hãy tin tưởng rằng bạn xứng đáng được yêu thương

Bạn cần thời gian để phục hồi bản thân, tin tưởng những người xung quanh bạn, thu hút một nhóm bạn mới thực sự trân trọng bạn và thiết lập mối quan hệ bình đẳng với họ. David Richo trong “Xây dựng lại mối quan hệ thân thiết: Cách trở thành một người thành thục trong các mối quan hệ” đã đưa ra “năm chữ A”: Chú ý (attention), Trân trọng (appreciation), Công nhận (approval), Yêu mến (affection) và Cho phép (allowing). Vậy chúng ta có thể thử áp dụng năm chữ A để tự khẳng định bản thân và trước tiên xây dựng lại mối quan hệ thân thiết với chính mình:

Chú ý: Tôi chú ý đến bản thân mình

Trân trọng: Tôi trân trọng chính mình

Công nhận: Tôi công nhận bản thân mình

Yêu mến: Tôi yêu bản thân mình

Cho phép: Tôi tin tưởng bản thân mình

Có vẻ để biến từ một người luôn cho rằng bản thân là người vô giá trị trở thành một người sẽ đặt bản thân mình lên trên hết, khi nói thì dễ còn hành động lại khó hơn nhiều. Nhưng bạn hãy tin tưởng vào bản thân mình, nếu muốn trải nghiệm và giải tỏa những cảm xúc mà bạn chưa từng cảm nhận và biết đến, bạn cần dành cho mình thật nhiều thời gian và sự nỗ lực.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *