Lịch sử không ghi chép rõ Lê Chiêu Thống có bao nhiêu vợ, nhưng người được ghi nhận và biết đến chỉ có Mẫn Hoàng Quý Phi Nguyễn Thị Kim . Vua sinh được 2 người con một trai, một gái, trưởng là Thuyên mất sớm ở Bắc quốc, nữ là Ngọc Nga ở lại Bắc quốc không có con. Điều đó suy đoán rằng Vua chỉ có một người vợ hoặc có thêm thì số lượng cũng rất ít.
Những ngày lưu vong ở xứ người cầu cạnh nhà Thanh.Nhiều lần bị Càn Long sỉ nhục , chê trách ngay trong đạo dụ phong Vương cho vua Quang Trung, cũng có đầy những câu miệt thị .
Thế nhưng có một đạo dụ đề ngày 6 tháng 9 năm Canh Tuất [13/10/1790], vua Càn Long lại khen cựu Hoàng! Đó là chỉ dụ ra lệnh cựu Hoàng Lê Chiêu Thống lấy hầu thiếp, nhưng đã bị cựu Hoàng cực lực từ chối:
“Sau khi Lê Duy Kỳ đến kinh đô nhậm chức , xét ra cẩn thận tôn trọng pháp luật; nhân nghĩ đến việc vợ y không cùng vào quan ải một lượt, nên ban lệnh hãy chọn một hai người con gái của những kẻ tùy tùng, cho làm hầu thiếp. Nhưng y cho rằng những người thuộc hạ đi theo, vợ con đều thất tán; y không nỡ riêng mình có gia thất. Lại xưng rằng em ruột Lê Duy Chi, em gái 3 người, cùng thê thiếp gia quyến cách biệt đã hai năm trời, sống chết không hay, sáng chiều trông mong, mộng hồn không yên, trong hoàn cảnh đó không thể lập hầu thiếp.
Lê Duy Kì tuy là người u mê, nhưng qua việc này thấy không vì an lạc mà quên họan nạn, tấm lòng đáng khen; tình cảnh kẻ phiên thuộc cũng đáng thương.”
Lê Chiêu Thống cũng là một người con trai bình thường như bao người , năm đó mới 25 tuổi. Ở vào lứa tuổi nhu cầu chăn gối mãnh liệt, nhưng phải chịu cảnh thiếu vắng đàn bà, lại bên cạnh có ông vua nước lớn tìm cách dụ dỗ khuyến khích, sẵn sàng ban cho tiện nghi để sống trong hoan lạc. Sức mạnh nào giúp cựu Hoàng chống lại được sự cám dỗ đó?
Đi vào văn bản ghi lại lời cựu Hoàng đã trình bày; thứ nhất là liêm sỉ con người, muốn đồng cam cộng khổ với thuộc hạ. Thứ hai được kể là tình gia đình, trong đó nêu lên mấy người em, và vợ. Phải nói ngay rằng việc vua có thêm vợ bé, cũng ảnh hưởng rất ít thuộc hạ bên dưới . Còn Hoàng phi đang kẹt lại ở Đại Việt khoảng cách không gian ,thời gian 2 người biết có còn gặp được nhau không .Vậy sức mạnh để ràng buộc cựu Hoàng không nỡ cưới hầu thiếp chính là tình yêu của người đối với người vợ tào khang Hoàng-phi Nguyễn Thị Kim.
Còn Hoàng phi nơi quê nhà luôn ngày ngày kiên định chờ chồng qua báo năm tháng . Trải qua mười lăm năm lưu lạc xa rời chồng con phận gái đơn bạc tìm nơi ẩn thân. Nghe tin chồng mất , nàng bán tín bán nghi chạy đến nơi quan ải .Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí.
“Ngày 13 tháng 8 mùa thu năm ấy, di hài vua Lê đưa về đến cửa ải. Hoàng phi là Nguyễn Thị Kim nghe tin, liền từ Kinh Bắc lên cửa ải để đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống một chén hồ, vật vã bên linh cữu mà khóc lóc. Ngày 23 tháng 8 di hài đưa về đến Thăng Long, các quan dựng rạp tế ở nhà Diên tự công. Hằng ngày hoàng phi chỉ nhấm vài đốt mía mà thôi.
Ngày 12 tháng 10, các quan thay hài cốt vua Lê sang một chiếc tiểu khác, thấy trái tim vẫn còn y nguyên. Tế xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết và nói với Diên tự công rằng: “Ta nhẫn nhục vất vả đã mười lăm mười sáu năm trời nay, trong những ngày ấy không phải là không dám chết, chỉ vì thái hậu, vua ta, con ta vẫn ở bên Trung Quốc, âm tín không thông, còn mất không rõ, nên ta còn chờ đợi một chút. Nay thái hậu cùng vua ta đều mất, con ta cũng chết, linh cữu đã về đến nước nhà thế là việc của ta xong rồi, ta phải chết theo để hầu bên lăng tẩm mới phải.” Rồi đó, hoàng phi liền uống thuốc độc tự tử. Ai nghe tin ấy cũng đều thương xót. Sứ thần Trung Hoa bấy giờ đang ở đấy cũng than thở, ngợi khen mãi. Ngày 13, các quan lại sắm quan khách khâm liệm cho hoàng phi, rồi ngày 28 cùng rước xuống thuyền đưa về trấn Thanh Hoa.”
Nguồn: Một chút đáng yêu của sử Việt
Ảnh: Meil