Dã hành cảnh sự – Chiếc xe buýt đẫm máu: P12

[PHẦN 12/15] Tiền dán decal xe còn đắt hơn tiền xe, ông chủ của chúng ta muốn làm gì vậy?

Ban phòng chống khủng bố nói, kẻ đã ra tay với phanh xe của phó cục Triệu là một người rất chuyên nghiệp, hắn không trực tiếp cắt bỏ dây phanh, như vậy phó cục Triệu vừa lên xe sẽ nhận ra điều bất thường, mà hắn đục một lỗ nhỏ trên dây phanh, chỉ cần không điều khiển xe với tốc độ quá nhanh thì trong một khoảng thời gian cũng chưa chắc đã phát hiện ra.

Đêm đó phó cục Triệu truy đuổi xe khác trên đường vành đai, liên tục phanh gấp dừng gấp, mà dây dẫn phanh xe lại bị đục lỗ nên ảnh hưởng đến hiệu quả phanh xe, cuối cùng chiếc xe lao xuống đường, gây thiệt hại cả xe lẫn người.

– Đã tìm được kẻ đã làm chuyện này chưa? – Tôi hỏi Trịnh Thành Chí.

Anh đáp:

– Chưa, nhưng có mục tiêu rồi. Cậu còn nhớ lời khai của Trần Nguyên không, nhân viên nội vụ họ Trương kia đã từng bảo cậu ta lái xe đến một gara sửa xe ấy?

Tôi trả lời:

– Nhớ.

Trịnh Thành Chí tiếp lời:

– Chúng ta đi xem cái gara sửa xe đó đi, người trong ngành thường quen tới những nơi của người trong ngành, hắn đã giúp Trần Nguyên xóa vết máu, vậy thì cũng có thể sẽ giúp họ Trương làm gì đó.

Theo lời khai của Trần Nguyên, gara sửa xe mà họ Trương chỉ định hắn tới thuộc khu Hoa Khê lân cận. Nhưng khi tôi và Trịnh Thành Chí đến nơi Trần Nguyên chỉ thì lại thấy cửa hàng ở đó đang tu sửa.

– Đổi chủ rồi, kĩ thuật của chúng không tốt hơn chủ trước ở đây, yên tâm đi, chỉ cần lái xe đến đây là được! – Một người đàn ông trung niên đang bận việc sửa sang, nói với tôi và Trịnh Thành Chí.

– Đổi chủ rồi? Nhanh thế à? – Trống ngực tôi đập thình thịch, quay sang Trịnh Thành Chí, anh cũng tỏ vẻ nghi ngờ.

– Có biết chủ trước đi đâu rồi không? Anh ta nợ tiền chúng tôi xong trốn rồi. – Trịnh Thành Chí nói dối người đàn ông trung niên, người này lắc đầu, bảo mình không biết.

Tôi và Trịnh Thành Chí ở đó thêm mười phút, chuẩn bị lái xe đến cục công thương điều tra thông tin cá nhân của ông chủ trước, nhưng vừa lái xe đến cửa thì người đàn ông trung niên kia đuổi theo, bảo chúng tôi dừng xe.

Tôi hơi ngạc nhiên, người đàn ông trung niên bảo, trong gara của anh ta có một công nhân sửa xe biết chủ trước đi đâu, có thể bảo công nhân đó đến nói chuyện với chúng tôi, nhưng mà dặn trước là sau này chúng tôi không được quấy rầy cậu ta vì vấn đề này nữa, cậu ta không có quan hệ gì với chủ trước cả.

Tôi hiểu ý của anh ta, anh ta coi chúng tôi là người cho vay, đi đòi nợ, lo chúng tôi không tìm được chủ trước thì lại đến tìm anh ta gây rối.

Cũng coi như là trượt tay nhưng lại đánh trúng, tôi thầm vui trong bụng, thuận nước đẩy thuyền bảo, không sao đâu, oan có đầu nợ có chủ mà.

Nửa tiếng sau, người ông trung niên gọi một công nhân sửa xe tới.

Cậu ta là một tên choai choai hơn 20 tuổi, gặp chúng tôi, giới thiệu mình là công nhân làm việc ba, bốn năm ở gara này, trước nay mọi việc cũng khá suôn sẻ, ông chủ đối xử với cậu ta không tệ, nhưng mười ngày trước, ông chủ đột nhiên bảo với cậu ta và các công nhân khác rằng gara này không làm ăn được nữa, bảo bọn họ tự tìm đường lui đi, sau đó ông chủ bỏ đi, không còn liên lạc lại nữa.

Tôi hỏi cậu ta có biết tại sao lại không gặp chủ trước nữa không, tên nhóc đó bảo là chắc là ông ta chạy rồi, không nợ tiền thì cũng là đi trốn, cậu ta nghĩ chắc ông chủ phạm tội gì đó rồi, bởi vì mấy năm trước gara này làm ăn cũng không tệ, nghe đồn ông chủ “có chống lưng”, lôi kéo được rất nhiều người có quyền thế, cuộc sống đơn giản không có nợ nần ai, ông chủ cũng không cờ bạc trai gái, chắc là không thiếu tiền đâu.

Xem ra những chuyện cậu ta biết không hề ít, tôi bảo cậu ta cùng chúng tôi đi ra ngoài một chuyến, nói chuyện về ông chủ kia. Cậu ta bỗng nhiên nảy sinh cảnh giác, vội vàng nói không cần phải vậy, cậu ta với chủ trước chỉ có quan hệ cấp trên – cấp dưới bình thường, chủ trước còn nợ cậu ta một tháng lương chưa phát, bảo chúng tôi đòi nợ thì đừng đòi cậu ta.

Tôi cười, lấy trong ngực áo ra tấm thẻ cảnh sát sáng chói đưa cho cậu ta, bảo chúng tôi là cảnh sát, không phải chủ nợ. Cậu ta cầm tấm thẻ cảnh sát săm soi mãi mới cùng chúng tôi lên xe.

Trong văn phòng của Trịnh Thành Chí, cậu công nhân sửa xe nói với chúng tôi rằng, ông chủ trước họ Tiêu, trước đây là một nhân vật lặn lội trong giang hồ, vai hùm lưng gấu, mặt to bặm trợn, trên người có rất nhiều vết sẹo, nhưng mà đối xử với bọn họ rất tốt, nói chuyện rất nghĩa khí.

Tôi hỏi cậu ta có bức ảnh nào của ông chủ gần đây mới chụp không? Cậu ta mở điện thoại lướt lướt, tìm thấy một tấm ảnh đưa cho tôi.

Tôi nhìn ảnh, công nhận trông như hung thần quỷ dữ, đưa điện thoại cho Trịnh Thành Chí, anh ta cũng nhìn, rồi dùng điện thoại của mình chụp lại bức ảnh, sau đó rời khỏi văn phòng, tôi nghĩ chắc là anh ta đi tìm Trần Nguyên để xác thực lại.

Tôi tiếp tục nói chuyện với cậu công nhân sửa xe kia, tôi hỏi cậu ta, trước khi ông chủ mất tung mất tích, có biểu hiện gì khác thường không? Cậu nhóc nghĩ ngợi, nói đã từng xảy ra một chuyện, nhưng cũng không phải quá khác thường.

Đại loại là một tháng trước, vẫn còn chưa nghỉ tết xong, 12 giờ đêm hôm ấy, cậu nhóc đang ngủ trong gara thì nghe thấy tầng dưới có tiếng động, cậu lo lắng có người đột nhập trộm đồ nên xuống tầng kiểm tra ngay, kết quả là phát hiện ra ông chủ.

Ông chủ bảo xe của mình đang đi trên đường thì bị hỏng, về tìm mấy dụng cụ sửa xe, cậu nhóc bảo trong gara có chiếc xe kéo cứu trợ, cậu ta giúp ông chủ kéo xe về là được rồi, ông chủ sao phải tự mình về thế, nhưng ông chủ bảo không cần làm vậy, cũng không giải thích nhiều, lấy mấy dụng cụ xong đi luôn.

Nhưng lúc cậu tiễn ông chủ ra khỏi cửa, tận mắt nhìn thấy ông chủ lái xe đi, cậu ta cũng ngớ người không hiểu, ông chủ vừa bảo xe bị hỏng trên đường cơ mà? Đây không phải vẫn lái xe ngon à?

Tôi hỏi cậu nhóc còn nhớ hôm đó hôm nào không? Cậu ta ngồi nghĩ mãi, cuối cùng bảo là hôm mùng Năm tết, bởi vì hôm đó là ngày “Phá Ngũ”, cậu ta treo đầy dây pháo bên ngoài cửa gara, ông chủ trước lúc đi còn dặn cậu ta quét dọn xác pháo trước cửa cho sạch sẽ.

Mùng Năm tết, chính là ngày phó cục Triệu gặp chuyện.

Trịnh Thành Chí mở cửa, nhưng anh ta đứng trước cửa, ra hiệu bảo tôi ra ngoài một chút.

Tôi ra khỏi văn phòng, đóng cửa lại. Trịnh Thành Chí bảo, đã xác nhận xong rồi, ông chủ này chính là người mà Trần Nguyên bảo có liên quan đến họ Trương, chiếc xe của Trần Nguyên được anh ta lái tới, tiền cũng là anh ta đưa cho Trần Nguyên.

Tôi cũng thuật lại chuyện cậu công nhân sửa xe kể với tôi cho Trịnh Thành Chí. Anh ta muốn lát nữa để tôi tiếp tục hỏi, anh ta phải đi xác thực thân phận của chủ gara này để còn tìm người.

Trở về phòng, tôi tiếp tục nói chuyện với cậu công nhân, nói được một chốc, tôi lấy tâm ảnh chiếc xe của Trần Nguyên cho cậu ta xem, hỏi cậu ta có ấn tượng gì với chiếc xe này không.

Cậu ta nhìn ngắm rất lâu, loại xe này rất phổ biến, không nhận ra được, có thể nhìn được chiếc xe thật ngoài đời thì tốt.

Tôi gọi điện thoại cho Trịnh Thành Chí, anh ta sắp xếp một cảnh sát dẫn chúng tôi tới bãi đỗ xe của đội cảnh sát giao thông.

Chiếc xe trắng của Trần Nguyên được đỗ trong trong bãi gửi xe của đội cảnh sát giao thông, vì phải bảo vệ nên Trịnh Thành Chính thường xuyên đỗ xe trong hầm. Cậu công nhân đi lòng vòng mấy lượt quanh chiếc xe, còn quan sat kiểm tra tỉ mỉ ngóc ngách trước sau, bảo, nhận ra rồi.

Trong lòng tôi dâng lên niềm vui khó tả, nhưng cậu công nhân lại đi hai vòng nữa, bảo, hình như không phải, cậu ta nói chiếc xe này nhìn rất quen mắt, bởi vì trước đây chính cậu ta đã từng “thay màu áo” cho chiếc xe kiểu dáng tương tự, hình như chính là chiếc xe này, nhưng màu xe sao lại trở về thế này rồi? Bỏ lớp màu mới đi rồi à?

Tôi bảo cậu ta nói chi tiết hơn chuyện lúc đó “thay màu áo” xe thế nào, cậu công nhân nhớ lại chốc lát, bảo chuyện đó kể ra cũng khá thú vị đấy.

Hồi tháng một, ông chủ lái chiếc xe này tới tìm cậu ta, bảo cậu ta “dán decal thay màu xe”. Cậu ta tưởng ông chủ nói đùa. Bởi vì “dán decal thay màu xe” là một trào lưu chơi xe mới xuất hiện, giá thành không hề rẻ, nhằm để phục vụ những người chơi xe xịn, hoặc là xe mới, nhưng chiếc xe của ông chủ là loại xe đời cũ, giá của nó có khi còn không bằng một lần dán decal thay màu xe.

Cậu công nhận tưởng ông chủ nói đùa, nên không để tâm chuyện đó nữa. Nhưng hai ngày sau, ông chủ hỏi cậu ta chuyện chiếc xe, mắng cậu ta một trận, cậu ta mới vội vội vàng vàng đi dán decal.

Tôi lập tức hỏi lúc ấy cậu ta đã đổi màu xe thành màu gì, cậu ta bảo là màu trắng, bởi vì trong gara chỉ có ba loại decal màu xanh da trời, màu đỏ với màu trắng thôi. Cậu hỏi ông chủ muốn đổi thành màu gì, ông chủ bảo màu trắng. Cậu ta còn kì kèo mấy câu với ông chủ, bảo là xe màu trắng trên đường có đầy. Chiếc xe này vốn có màu bạc, đổi màu thì phải đổi thành màu gì độc đáo một chút, màu xanh da trời hay màu đỏ tốt hơn bao nhiêu, nhưng ông chủ nhất quyết đổi thành màu trắng.

Tôi bảo:

– Cậu miêu tả chi tiết mấy lượt như thế, rốt cuộc có phải cậu đã thay màu cho chiếc xe không? Tôi cần đáp án chính xác.

Cậu ta lại đi quanh xe quan sát mấy vòng nữa, cuối cùng dừng lại chỗ gương chiếu hậu bên phải, nhìn ngắm một lúc lâu, chỉ vào xe rồi ngoảnh đầu nói với tôi:

– Không sai, chính là chiếc xe này. Nhưng mà… – Cậu công nhân sửa xe vò đầu bứt tai – Tôi đã dán decal thay màu xe cho nó rồi mà? Sao lại không giữ lại nữa? Bao nhiêu tiền như thế thật uổng phí!

– Cậu có nhớ cụ thể ngày cậu dán decal thay màu xe cho nó không?

– Chỉ nhớ loáng thoáng thôi, chắc tầm đầu tháng Một. Nhưng mà decal chắc chỉ dán được mấy ngày là bị xé mất rồi!

– Sao cậu nhìn ra được vậy?

– Thật ra dán decal thay màu xe tất hại xe, một khoảng thời gian sau sẽ rất khó xé, ít nhiều cũng sẽ để lại một chút vết dán, nhưng chiếc xe này không có bất kỳ vết tích gì, hoăc là người chủ xe xe lớp decal rất giỏi, hoặc là dán không được bao lâu thì bị xé.

Trên đường từ bãi gửi xe đến tòa nhà đội cảnh sát giao thông, cậu công nhân sửa xe hỏi tôi có nghe được tin gì từ chủ cũ của cậu ta không, hỏi anh ta có phải đã phạm tội gì không, anh ta nợ cậu mấy ngàn tệ tiền công, liệu có thể trả lại không.

Tôi không tiện nói quá nhiều, chỉ bảo ông chủ của cậu ta đang dính líu đến một vụ án của chúng tôi, chỉ cần giúp chúng tôi tìm người, chúng tôi chắc chắn sẽ giúp cậu ta chuyện tiền lương. Cậu công nhân mừng ra mặt, nói số mình xui, gặp mấu ông chủ ông nào cũng chạy, ban đầu tưởng ông chủ này có chống lưng, nhìn cũng là người có tiền, không ngờ cũng chạy nốt.

Tôi cười hỏi cậu ta ông chủ này có chống lưng thế nào? Có bao nhiêu tiền? Cậu công nhân thật thà ngoan ngoãn đáp, hình như anh ta có quan hệ rất tốt với mấy lãnh đạo trong thành phố với anh em thương nhân lớn, xe của họ đều được chỉnh trang sửa chữa ở gara của của cậu ta hết, còn thành lập “hội ăn chơi” gì đó, mỗi lần ghé qua sẽ vung cả đống tiền để sửa xe, sau đó rất vui vẻ đi về.

Tôi còn một câu vẫn chưa hỏi cậu ta, đó là ông chủ cậu ta đi xe gì, cậu công nhân đó xua tay, bảo ông chủ chỉ đi xe thường tôi, là một chiếc xe BMW, nhưng hình như khoảng thời gian trước đã đổi xe rồi, đổi thành một chiếc xe việt dã.

Trong lòng tôi lập tức kích động, hỏi ngay chiếc xe việt dã đó là loại gì? Cậu ta nói chỉ mới nhìn thấy một lần, ông chủ bảo chiếc xe này vành xe lớn quá, lái xe đến gara để thay bánh xe. Nhưng mà chưa từng nhìn thấy loại xe này, chỉ biết là xe việt dã SUV, ông chủ nói công suất mã lực của nó lơn hơn mấy chiếc xe van thường.

Tôi giữ bình tĩnh, tiếp tục hỏi chiếc xe đó ông chủ mua hết bao nhiêu tiền? Nhưng cậu công nhân ngoan ngoãn đáp, cậu từng hỏi ông chủ tôi, ông chủ nói mua hết gần hai triệu tệ, mấy công nhân đồng nghiệp trong gara lại bảo chiếc xe này trong nước chưa bán, ông chủ có mối nên chắc là được nhập lậu về, giá chưa đến một triệu tệ.

Tôi chợt dừng bước, làm cậu công nhân bị dọa hết hồn. Tôi cũng lấy điện thoại ra, tìm tấm ảnh chiếc xe việt dã đêm hôm đó bị phó cục Triệu truy đuổi trên đường vành đai, đưa cho cậu ta xem, hỏi cậu ta xem có phải là chiếc xe này không.

Cậu công nhân xem một chốc, lướt thêm mấy tấm ảnh khác, rồi bảo chính là chiếc xe này rồi.

Tôi hỏi cậu ra sao lại chắc chắn là chiếc xe này? Không phải chỉ mới nhìn thấy nó một lần à? Cậu ta chỉ vào bánh xe, cậu ta nhận ra chiếc bánh xe này, là bánh xe việt dã nguyên khối, 9000 tệ một chiếc, cậu ta đã mua tổng cộng bốn chiếc.

– Thông số của vành xe việt dã với vành xe thường không giống nhau, nếu muốn thay bánh xe thì phải thay đồng thời cả bánh xe, tôi đã mua loại Maybach về thay, ông chủ chỉ đích danh phải dùng loại này, bảo là phải như thế thì xe mới đẳng cấp. – Cậu công nhân sửa xe nói.

Thế chiếc xe này giờ đang ở đâu? Tôi hỏi cậu công nhân, cậu ta bảo không biết, trước đây ông chủ chỉ lái xe đến gara một lần, bình thường chắc là để ở nhà, tôi lại hỏi cậu ta nhà ông chủ ở đâu, cậu ta lại lắc đầu, bảo ông chủ có mấy căn nhà cơ, chỉ biết có một căn ở tiểu khu Kiến Hoa, nhưng ông chủ không ở đó, cậu ta có lần từng lái xe đưa ông chủ qua đó lấy đồ nên mới biết.

– Tiểu khu Kiến Hoa? – Tôi ngạc nhiên, là tiểu khu Kiến Hoa nơi từng xảy ra vụ án chặt xác Mã Quyên à?

Tôi lập tức bảo cậu cảnh sát giao thông đã dẫn chúng tôi tới bãi đỗ xe đưa cậu công nhân kia về đội cảnh sát, còn mình thì vội vàng gọi điện thoại cho Trịnh Thành Chí. Đầu dây bên kia nhấc máy, tôi thuật lại tình hình cho Trịnh Thành Chí, anh ta nói chuyện chiếc xe van anh ta cũng điều tra được hòm hòm rồi, nhưng chuyện chiếc xe việt dã thật sự nằm ngoài dự liệu của anh.

Tôi hỏi anh ấy tình hình điều tra chân tướng ông chủ gara đó đến đâu rồi? Trịnh Thành Chí đáp đã tìm ra thân phận thật rồi, họ La, tên là La Dũng, người thành phố này, đã mất liên lạc nửa tháng nay.

Chạy rồi?

– Ừ, rất có thể là chạy rồi. – Trịnh Thành Chí đáp.

Mọi thứ lại rơi vào ngõ cụt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *