Cyrus Đại đế là ai?

Hãy để tôi giới thiệu với bạn người đàn ông vĩ đại này. Đây chính là Cyrus Đại đế, người lập nên vương triều Achaemenid và Đế chế Ba Tư thứ nhất. Vào năm 539 TCN, Cyrus tiến hành xâm lược Đế chế Babylon và chinh phạt thành công xứ này mà không vấp phải bất kì sự kháng cự nào từ công dân thành Babylon. Trước khi người Ba Tư đặt chân đến đây, những người Do Thái đã bị giam cầm, bị bắt làm nô lệ, bị đánh đuổi khỏi quê hương mình và đền chùa của họ tại Jerusalem bị phá hủy bởi thế lực của người Babylon. Khi Cyrus tiến hành công cuộc chinh phạt, ông làm ngược lại chính xác những gì mà người Do Thái đã từng hứng chịu. Ông trả tự do cho những người Do Thái, trao trả lại cho họ quê hương của họ và ra lệnh tái thiết lại những đền chùa của người Do Thái đã bị thế lực người Babylon phá hủy. Cyrus và đội quân người Ba Tư của ông được tôn lên làm những người giải phóng bởi công dân thành Babylon.

Cùng năm Cyrus chinh phạt Babylon, ông xuống chiếu ban hành trụ Cyrus. Trụ Cyrus là bản hiến chương đầu tiên trên thế giới về nhân quyền, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Anh quốc ở Luân Đôn. Những dòng chữ khắc trên trụ Cyrus đã thay lời của ông về những khẳng định cho sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc và tự do ngôn ngữ.

Một đoạn trong Hiến chương Cyrus có viết:

“Ta tuyên bố rằng ta sẽ tôn trọng truyền thống, văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng của những đất nước nằm trong đế chế của ta và sẽ không bao giờ cho phép bất kì quan Tổng đốc hay bất kì cấp dưới nào lăng mạ hay làm nhục chúng khi ta còn sống. Từ rày trở đi…, ta sẽ không bao giờ để người áp bức người, và khi điều đó xảy ra, ta sẽ tước đoạt các quyền của hắn và trừng trị kẻ áp bức.”

“Ta sẽ không bao giờ để bất cứ ai chiếm đoạt các loại tài sản di dịch hoặc bất di dịch của người khác bằng vũ lực hoặc không có sự đền bù thỏa đáng. Khi ta còn sống, ta ngăn cấm bất kì hình thức lao động ép buộc, hoặc không công. Từ hôm nay, ta tuyên bố mọi người được tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng. Mỗi người được tự do sinh sống trên khắp lãnh thổ và chọn lấy một nghề với điều kiện không được vi phạm quyền của người khác.”

Chính điều này đã làm nên một Đế chế Ba Tư độc nhất và khác biệt hoàn toàn so với các đế ché khác. Đường xá, công trình xây dựng, chùa chiền Hỏa giáo và thậm chí là cả cung điện hoàng gia tại kinh đô Pasargadae đã được xây nên bởi những công nhân được trả lương đàng hoàng trong khi tất cả các đế chế khác thời bấy giờ đều sử dụng nô lệ. Thủ phủ Acropolis thành Athens tại Hy Lạp được xây dựng bởi nô lệ, các kim tự tháp và tượng nhân sư tại Ai Cập được xây dựng bởi nô lệ, nhưng Cyrus và những người nối tiếp vương triều Achaemenid đã từ chối giam cầm những công dân từ Đế chế của họ.

Đồng thời, Đế chế Achaemenid là đế chế đã tiến gần nhất tới sự cai trị thế giới. Vào thời điểm hưng thịnh nhất của mình, tổng dân số của Đế chế Achaemenid chiếm hơn 44% dân số thế giới. Không có bất kì đế chế nào trong lịch sử có thể đạt đến sự cực thịnh như người Ba Tư. Kể cả Đế chế La Mã, Mông Cổ hay Anh quốc.

Ngoài ra, Cyrus cũng đã thành lập nên Đế chế rộng lớn nhất mà cả thế giới từng được chứng kiến khi ông chinh phạt phần lớn Trung Á, Cáp-ca-dơ và Tây Nam Á. Thái tử Cambyses II, con trai của Cyrus và những người nối tiếp ông đã mở rộng Đế chế bằng cách chiếm đóng Ai Cập và Síp. Darius I, vị vua thứ ba của vương triều Achaemenid thậm chí còn mở rộng Đế chế hơn nữa tại khu vực Cáp-ca-dơ, Trung Á và một phần Balkan. Cuối cùng, Đế chế trở nên to lớn đến nỗi Darius phải chia nó ra thành 20 tỉnh, với mỗi tỉnh cai quản bởi một quan Tổng đốc.

Darius đồng thời cho xây dựng một kinh đô mới là Persepolis thay vì Pasargadae, kinh đô dưới sự cai trị của Cyrus. Đáng buồn thay, Darius không bao giờ được chứng kiến thành Persepolis được hoàn thành mà thay vào đó, thái tử Xerxes I đã thay mặt vua cha nhìn thấy kinh thành Persepolis xây xong.

Tôi có thể tiếp tục viết về Cyrus, Cambyses, Darius, Xerxes hay Artaxerxes nhưng tôi không muốn viết quá nhiều, e rằng bạn đọc sẽ bị nhàm. Vậy nên tôi muốn kết thúc câu trả lời của mình với một nhận định từ một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp tên là Xenophon.

“Và những người kính cẩn nghiêng mình trước ông, ông đối xử với sự tôn trọng và lòng yêu mến, như thể họ là những đứa con của ông, khi những người kính mến Cyrus gọi ông là “Cha” của họ … Kẻ nào khác ngoài Cyrus, người đã lật đổ một đế chế, lại chết đi với tước hiệu “Người cha” mà được tôn vinh từ những người mà ông đặt dưới quyền cai trị? Bởi đó là một tước danh được ban tặng, chứ không phải một tước danh bị tước đoạt” – Xenophon

Kết luận: Cyrus là vị Cha già của người Iran và chúng tôi tự hào là con của Người.

Đế chế Achaemenid
Kinh đô Persepolis được hoàn thành dưới thời Xerxes I
Những tàn tích của kinh đô Persepolis ngày nay tại phía nam Iran
Hàng nghìn người Iran xung quanh lăng mộ của Cyrus Đại đế và ăn mừng sự kiện lịch sử ngày Cyrus vào 29 tháng 10 hằng năm, ngày mà Cyrus chinh phạt Babylon
Đôi khi những người Iran chúng tôi ăn mừng Tết Ba Tư Norooz vào ngày 12 tháng 3 hằng năm với Cyrus Đại đế

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *