Khi xem các biểu tượng cảm xúc (emoticons), người Mỹ xác định biểu cảm ở miệng, để xem đó là hạnh phúc hay đau buồn, trong khi đó người Nhật tìm thấy cảm xúc trong đôi mắt, họ coi ^_^ là vui tươi và ;_; như là khóc.
Nụ cười xuất phát từ các giác quan của con người. Đôi tai thu thập những lời thì thầm, đôi mắt nhận ra người bạn cũ ở sân ga. Đôi tay cảm thấy sức nhấn của bàn tay khác. Những tín hiệu xúc cảm này được dẫn truyền về não, gây hưng phấn vùng thùy thái dướng trái, sau đó kích hoạt dần đến bề mặt của khuôn mặt, nơi hai cơ mặt chỉ chờ để được kích hoạt hành động: Cơ gò má lớn (zygomatic major) – nằm ở trong gò má – kéo môi hướng lên phía trên; và cơ vòng mắt (orbicularis ocul) – bao quanh hốc mắt – thì ép các góc phía ngoài để tạo thành hình chân chim. Cả quá trình này diễn ra rất ngắn – thường chỉ diễn ra từ 2/3 giây đến 4 giây – và những người chứng chứng kiến nó thì thường phản ứng bằng cách bắt chước và cười ngược lại.
Những cơ khác có thể mô phỏng một nụ cười, nhưng chỉ có một phần của cơ gò má lớn và cơ vòng mắt có thể tạo ra biểu cảm chân thực của những cảm xúc tích cực. Các nhà tâm lý học gọi đây là “nụ cười Duchenne”, và phần lớn coi nó như là dấu hiệu duy nhất của sự vui sướng chân thực. Thuật ngữ này được đặt theo tên nhà giải phẫu người Pháp Guillaume Duchenne, người đã nghiên cứu biểu hiện cảm xúc bằng cách sử dụng dòng điện kích thích các cơ mặt khác nhau (Duchenne đã thực hiện một vài thử nghiệm của mình trên thủ cấp của phạm nhân đã bị hành quyết thời đó). Trong cuốn sách Mecanisme de la Physionomie Humaine (Cơ chế của bộ mặt con người) năm 1862 của mình, Duchenne đã viết rằng cơ gò má lớn có thể bị điều khiển bằng ý chí, nhưng chỉ các “cảm xúc ngọt ngào của tâm hồn” mới có thể buộc cơ vòng mắt cử động. Duchenne viết: “Quán tính của nó, trong khi cười, có thể vạch mặt một người bạn giả dối”.
Các nhà khoa học ngành tâm lý đã mở mang thêm nhiều hiểu biết về nụ cười kể từ sau phát hiện của Duchenne. Giờ đây chúng ta biết rằng những nụ cười chân thành có thể thực sự phản ánh một “tâm hồn ngọt ngào”. Cường độ của nụ cười có thể dự đoán trước về hạnh phúc hôn nhân, hạnh phúc cá nhân và thậm chí là cả tuổi thọ. Trong khi đó, một số nụ cười “giả” khác với nụ cười Duchenne – thì hoàn toàn không phản ánh sự thích thú, mà là một trường cảm xúc rất lớn, bao gồm cả sự xấu hổ, sự lừa dối và sự bất bình. Chúng ta biết rằng các biến số như tuổi tác, giới tính, văn hóa, và môi trường xã hội có ảnh hưởng tới tần suất và đặc trưng của nụ cười, cũng như cách mà nụ cười có chủ đích bộc lộ trong bối cảnh rộng lớn của thực tiễn. Nói ngắn gọn, các nhà khoa học nhận ra một trong những biểu cảm đơn giản nhất của con người thật ra vô cùng phức tạp và đầy những bất ngờ.
Dấu hiệu thực của sự thích thú
Các nhà tâm lý học hành vi phải mất một thời gian dài mới bắt kịp với những quan sát của Duchenne. Năm 1924, Carney Landis và sau đó là một sinh viên tâm lý học của trường Đại học Minnesota đã xuất bản một nghiên cứu kinh điển và gây tranh cãi về biểu cảm khuôn mặt của con người. Landis chụp ảnh những đối tượng nghiên cứu khi họ tham gia vào các chuỗi hoạt động từ thiêng liêng cho tới báng bổ thần thánh: nghe nhạc Jazz, đọc Kinh Thánh, xem phim khiêu dâm, và chặt đầu chuột sống. Ông đánh giá các phản ứng được ghi hình lại nhưng không tìm ra được bằng chứng nào cho thấy những biểu cảm nhất định là đặc trưng của các cảm xúc xác định. Đối với nụ cười, Landis thất bại trong việc kết nối chúng với sự hài lòng, thực chất thì hành động cười diễn ra ở khắp nơi khiến Landis coi nó như là một phản ứng phổ quát – tức là “điển hình trong bất kì hoàn cảnh nào” – ông viết trên Tạp chí Tâm lý học so sánh (Journal of Comparative Psychology)
Suốt nhiều thập kỉ, rất nhiều nhà tâm lý học đồng tình rằng nụ cười phản ánh một trường rất lớn các cảm xúc chứ nó không phải là một biểu cảm phổ quát của hạnh phúc. Niềm tin này tiếp tục tồn tại cho tới những năm 1970 khi Paul Ekman và Wallace – hai nhà tâm lý học của Đại học California ở San Francisco, đã nắm bắt được chính xác vị trí các cơ đằng sau 3000 biểu cảm của khuôn mặt trong Hệ thống mã hóa biểu cảm khuôn mặt, hay gọi tắt là FACS. Ekman và Friesen sử dụng hệ thống của mình để tái hiện lại sự phân biệt của Duchenne giữa nụ cười chân thực của sự thích thú và các kiểu cười khác, sau một khoảng thời gian nó bị lãng quên.
Trong nghiên cứu tiếp nối, được tiến hành cùng với Richard Davidson của Đại học Wisconsin, Ekman và Friesen xác nhận sự liên kết độc nhất giữa cảm xúc tích cực và nụ cười Duchenne chân thực. Các nhà nghiên cứu gắn các điện cực vào đầu của đối tượng nghiên cứu và sau đó cho họ xem một chuỗi các bộ phim ngắn. Hai chuỗi được thiết kế để tạo ra cảm xúc tích cực, bằng cách cho xem hình ảnh động vật đang vui đùa; hai chuỗi khác nhằm để tạo ra cảm xúc tiêu cực bằng cách cho xem đoạn băng tập huấn cho y tá khắc họa lại hình ảnh cụt chân và bị bỏng nặng.
Sử dụng FACS, các nhà khoa học đã xếp loại phản ứng của người xem và phát hiện ra rằng nụ cười Duchenne có mối tương quan với các đoạn phim tích cực. Các dữ liệu về hoạt động của não bộ tiết lộ rằng nụ cười Duchenne tạo ra sự hoạt động lớn ở phía bên trái của vùng thái dương trước – cũng là khu vực có mối liên kết với những biểu cảm tích cực (Họ cũng ghi lại được sự tăng lên trong hoạt động của vùng đỉnh trái – vùng thường được kích thích bởi các hoạt động nói). Nhìn chung, chúng ta đã sai khi thường gộp tất cả các nụ cười lại với nhau như “một loại hình hành động” – bộ ba nhà nghiên cứu kết luận trong Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội số ra năm 1990. “Rõ ràng là nụ cười Duchenne là chỉ báo tốt hơn cho niềm vui hơn là các kiểu cười khác”.
Việc nghiên cứu, đánh giá tương quan giữa nụ cười Duchenne và dấu hiệu của sự vui vẻ bắt đầu nổi lên. Các nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần sớm nhận ra rằng các cảm xúc tích cực luôn đi kèm với nụ cười Duchenne. Các bệnh nhân trầm cảm thể hiện nụ cười Duchenne nhiều hơn trong cuộc phỏng vấn ra viện so với khi họ mới vào điều trị, thêm vào đó, chỉ mình nụ cười Duchenne (chứ không có các kiểu cười khác) được phát hiện ra là có chiều hướng tăng lên trong quá trình trị liệu tâm lý. Ngay cả những quan sát viên bình thường, nghiệp dư cũng có thể xác định được những khuôn mặt Duchenne, và chỉ dựa vào những biểu hiện này, họ gán những đặc điểm tích cực cho nhân cách của đối tượng.
Hiện nay, một số nhà nghiên cứu tin rằng nụ cười chân thực không chỉ là những hé lộ chớp nhoáng của cảm xúc mà là những cánh cửa sổ để nhìn vào phẩm chất cốt lõi trong một con người. Nhà tâm lý học LeeAnne Harker và Dacher Keltner của đại học California ở Berkeley sử dụng FACS để phân tích ảnh kỷ yếu của phái nữ ở trường, và sau đó khớp cường độ các nụ cười với dữ liệu về nhân cách trong khoảng thời gian 30 năm của nghiên cứu. Những người phụ nữ đã thể hiện nụ cười Duchenne chân thực với cảm xúc tích cực trong tấm ảnh năm 21 tuổi thì có được mức độ cao hơn về sự hài lòng nói chung và trong hôn nhân ở tuổi 52. “Mọi người thường chụp ảnh cho người khác rất dễ dàng, với tần số đáng kể và không ý thức được rằng một bức ảnh có thể lưu lại nhiều thứ về tương lai cũng như những khoảng khắc đa qua mà nó chụp lại được” – Harker và Kelter viết điều này trong Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội số ra năm 2001. Một nghiên cứu có liên quan, được xuất bản vào năm 2009 trên Động lực và Cảm xúc, đã xác nhận mối tương quan giữa cường độ của nụ cười khi còn trẻ và khả năng ly hôn trong cuộc sống sau này.
Trong một nghiên cứu gần đây hơn, Ernest Abel và Michael Kruger của Trường Đại học Wayne State đã mở rộng hướng nghiên cứu này từ các kết quả về cảm xúc sang đặc tính sinh học: Tuổi thọ. Abel và Kruger đánh giá nụ cười của các cầu thủ bóng chày chuyển nghiệp được ghi lại trong cuốn kỷ yếu năm 1952, và sau đó xác định tuổi thọ của từng người (46 cầu thủ vẫn còn sống tại thời điểm nghiên cứu). Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng cường độ của nụ cười có thể giải thích được 35% về sự biến đổi trong khả năng sống thọ, trên thực tế, trong bất kì một năm nào đưa ra, số cầu thủ có nụ cười Duchenne mà có khả năng là đã qua đời chỉ bằng một nửa so với những người khác.
Phương tiện cho tất cả cảm xúc mơ hồ
Landis đã đúng về những nụ cười ở một khía cạnh: không phải tất cả chúng đều là những biểu hiện chân thực của sự hạnh phúc. Bổ sung thêm vào nụ cười Duchenne, Ekman đã mô tả 17 dạng khác của nụ cười trong cuốn sách năm 1985 của ông: “Những lời dối trá” (Telling Lies). Herman Melville hiểu được điều này và ông từng gọi nụ cười là “một phương tiện được lựa chọn cho tất cả những sự mơ hồ”. Con người cười khi họ sợ hãi, khi đang tán tỉnh, lúc họ kinh hoàng hay xấu hổ. Một nụ cười ngượng ngùng bộc lộ ra thông qua ánh mắt xoáy sang một điểm khác, một cái chạm vào khuôn mặt, và đầu hơi nghiêng xuống dưới về bên trái.
Con người cũng cười khi họ nói dối, một sự thật đã được phản ánh bởi Shakespeare: Hamlet kinh ngạc trước “cách mà một người có thể cười, và cười, và trở thành kẻ xấu”. Vào khoảng cuối những năm 1960, Ekman và Friesen tin tưởng rằng về mặt lý thuyết một chuyên gia được đào tạo có thể phân biệt một khuôn mặt giả dối với một khuôn mặt thật thà. Để đưa ý tưởng này vào thử nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu một nhóm ý tá nữ trẻ xem một đoạn phim rất gây quan ngại sau đó nói với những người được phỏng vấn rằng họ thực ra đã xem một đoạn phim rất dễ chịu. Biểu cảm khuôn mặt của họ khi lời nói dối ấy xuất hiện được quay lại và phân tích bằng FACS.
So sánh với những nụ cười được ghi lại trong băng thì những ý tá thể hiện ít những nụ cười Duchenne chân thực hơn khi nói dối, điều này đã được Ekman, Freisen, và đồng tác giả Maureen O’Sullivan của Đại học San Francisco, viết trong bài báo năm 1988 trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội. Những nụ cười giả dối đã bị phản bội bởi sự hất lên của môi trên – dấu hiện của sự ghê tởm, hoặc là hạ thấp các góc môi – thể hiện dấu hiệu của nỗi buồn. Công trình của Ekman về những lời nói dối sau này đã tạo cảm hứng cho series “Nói dối với tôi” (Lie to me), ở đó những nhà điều tra giải quyết những vụ án hình sự bằng cách giải mã những biểu cảm khuôn mặt.
Chẳng có gì bất thường khi những thời điểm đau buồn, hay thậm chí là khi mất người thân lại tạo ra nụ cười. Nụ cười nổi tiếng nhất thế giới trong tranh của Da Vinci có một sự hấp dẫn đặc biệt bởi nó có thể chỉ báo cho hàng loại các cảm xúc. Nhà sinh học thần kinh ở Havard – Margaret Livingstone tranh luận trong một bài báo của báo “Khoa học” từ năm 2000 rằng nụ cười của La Gioconda tồn tại trong trường thị giác ngoại vi, nhưng lại biến mất khi bạn nhìn trực tiếp vào miệng cô ấy.
Tuy nhiên, có vẻ như là hành động cười trong những thời điểm khó khăn giúp cho cơ thể cảm thấy tốt hơn. Keltner và Geogre Bonanno của Đại học Công giáo đã đo lường biểu cảm khuôn mặt của con người – những người đang nói về người vợ mới mất của mình. Trong bái báo của Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội số ra năm 1997, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được phiền muộn được giữ ở mức độ thấp hơn đối với những người thể hiện nụ cười Duchenne chân thực khi thảo luận, trong so sánh với những người đã không cười như vậy.
Lợi ích của việc cười khi đang đau khổ cũng diễn ra ở khía cạnh sinh lý. Barbara Fredrickson và Robert Levenson từng quan sát biểu cảm khuôn mặt của 72 người xem cảnh đám ma từ bộ phim Steel Magnolias. Các tác giả viết trong bài báo năm 1988 ở tạp chí Nhận thức và Cảm xúc rằng đã có ít nhất 50 người tham gia cười một lần khi đang xem đoạn phim, và họ cũng là những người đã phục hồi được mức nhịp tim của mình nhanh hơn những cười đã không cười.
Những biểu cảm mang tính xã hội
Mỉm cười có vẻ như là một hành động đã được xây dựng sẵn trong trong bản tính con người. Darwin, tác giả của cuốn “Biểu hiện cảm xúc ở con người và động vật” – cuốn sách được coi là nền tảng của nghiên cứu về nụ cười, ông đề xuất rằng biểu cảm khuôn mặt là sản phẩm mang tính di truyền của sự tiến hóa của con người thay vì chỉ là một đặc trưng trong văn hóa. Các nhà nghiên cứu biểu cảm cũng đồng tình với giả thuyết này khi các cơ mặt của con người chỉ đặc trưng cho việc cười có vẻ như là được hoàn chỉnh sẵn từ khi sinh ra.
Không quá ngạc nhiên khi trẻ sơ sinh có thể phân chia và giải thích các biểu hiện khuôn mặt với độ chính xác cao. Ví dụ, khi mới chỉ được 10 tháng, một đứa trẻ sơ sinh có thể đưa ra một nụ cười giả với một người lạ đang tiếp cận chúng, trong khi đó lại giữ nụ cười Duchenne chân thực cho người mẹ. Nhiều thập kỉ trước, Cohn đã quan sát cách trẻ 3 tháng tuổi phản ứng với những thay đổi trong biểu cảm của người mẹ. Khi những người mẹ giả vờ buồn bã, trẻ sơ sinh tre giơ ra nắm đấm của chúng trong đau buồn và chỉ sau 3 phút tương tác cười đùa thì chúng trở nên thả lỏng và thoải mái.
Khi trẻ trưởng thành, xu hướng cười của chúng bị phân ra dựa trên ranh giới của giới tính. Khả năng tạo ra nụ cười Duchenne được chia đều cho cả nam và nữ, nhưng cả hai giới đều cho rằng đàn ông cười ít hơn phụ nữ. Các nhà khoa học hành vi cũng nghĩ như vậy, họ là những người gần như nhất quán trong niềm tin rằng phụ nữ thì cười nhiều hơn đàn ông. Nhưng sự khác biệt trong hành vi cười giữa đàn ông và phụ nữ xoay quanh một số yếu tố chủ đạo. Một vài năm trước, một nhóm nghiên cứu được hướng dẫn bởi nhà Tâm lý học Marianne LaFrance tại Yale, để tiến hành một phân tích tổng hợp lớn về số liệu của các nghiên cứu về nụ cười gồm 162 nghiên cứu và hơn 100,000 đối tượng; và cô lập ba yếu tố ảnh hưởng tới sự khác biệt về giới trong nụ cười.
Yếu tố đầu tiên là các chuẩn mực về giới: Khi mọi người biết rằng họ đang bị quan sát, họ kích hoạt loại chuẩn mực này, và sự khác biệt về giới trong hành vi cười lúc này lớn hơn so với khi con người tin rằng họ đang ở một mình. Yếu tố thứ hai là sự hạn chế của tình huống: Khi đàn ông và phụ nữ chia sẻ công việc hoặc vai trò để tuân theo các nguyên tắc xã hội cứng nhắc – như là những cái yêu cầu tiếp viên hàng không cười và người chủ trì trì tang lễ phải đau buồn – thì khoảng cách về nụ cười biến mất. Yếu tố thứ 3 là các cao trào cảm xúc: Những tình huống gây xấu hổ hay căng thẳng xã hội khiến phụ nữ cười nhiều hơn đàn ông, nhưng tình trạng hạnh phúc hay buồn bã lại không có những ảnh hưởng như vậy. LaFrance và các cộng sự đã kết luận trong tạp chí Thông tin Tâm lý học số ra năm 2003 rằng nụ cười là sự biểu thị xã hội rất ngẫu hứng.
“Nếu bạn hỏi người khác ai là người cười nhiều hơn, thì tất cả mọi người sẽ trả lời: “Đương nhiên là phụ nữ rồi” – điều này được đưa ra bởi LaFrance. “Thứ mà con người không chú tâm nhiều vào – cả về khiá cạnh tâm lý học hay biểu hiện bên ngoài của nó chính là sự phong phú của nụ cười với tư cách là chức năng giao tiếp của bối cảnh xã hội cụ thể”.
Một phần của sự đa dạng của các kiểu nụ cười mang tính xã giao này là do nền tảng văn hóa. Một nghiên cứu được xuất bản trong tạp chí Thực nghiệm Tâm lý học xã hội số ra năm 2007 đã nhấn mạnh sự khác nhau trong cách tiếp nhận nụ cười của người Mỹ và người Nhật Bản. Khi xem các biểu tượng cảm xúc (emoticons), người Mỹ xác định biểu cảm ở miệng, để xem đó là hạnh phúc hay đau buồn, trong khi đó người Nhật tìm thấy cảm xúc trong đôi mắt, họ coi ^_^ là vui tươi ;_; như là khóc. Sự đa dạng có thể phản ánh xu hướng bộ lộ cảm xúc của người Mỹ và xu hướng kìm nén cảm xúc của người Nhật, (như Duchenne đã phát hiện, miệng có thể bị điều hành để nở nụ cười dễ hơn là đôi mắt). Một nghiên cứu ủng hộ, cũng đã được xuất bản đầu năm đó, tìm ra rằng người Nhật Bản tập trung vào phần phía trên của khuôn mặt khi xác định độ tin cậy, trong khi đó người Mỹ chú ý vào nửa phía dưới.
Sự hiện diện của những người xung quanh cũng có thể ảnh hưởng tới nụ cười của chúng ta. Một nghiên cứu được chỉ đạo bởi Robert Kraut đăng trên tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội số ra năm 1979, cho biết người chơi bowling cười nhiều vào lúc họ đối diện với bạn bè hơn là lúc họ hướng về đường ném bóng. Tất nhiên con người có tự cười với chính họ, nhưng nhiều người tin rằng các bối cảnh xã hội thúc đẩy đôi môi của chúng ta nhiều hơn bình thường, tách bạch khỏi cảm xúc. Alan Fridlund của Đại học California, Santa Barbara, đã tìm ra rằng con người cười nhiều hơn khi họ tưởng tượng ra có nhiều người khác đang ở cạnh mình so với lúc họ ở một mình – kể cả khi mà cấp bậc hạnh phúc của họ vẫn giữ nguyên.
Xác định lòng vị tha và sự hấp dẫn
Có lý do để cho rằng nếu các thiết lập xã hội ảnh hưởng tới nụ cười của chúng ta, thì những nụ cười có thể phục vụ một mục đích xã hội. Chức năng đó, cùng với những chứng cứ gần đây, có thể chỉ ra được lòng vị tha. Để kiểm nghiệm điều này, một nhóm các nhà nghiên cứu được chỉ đạo bởi nhà khoa học hành vi người Anh Marc Mehu, đã quan sát nụ cười của những đối tượng nghiên cứu khi họ được yêu cầu chia sẻ một phần phí họ nhận được từ nghiên cứu với một người bạn. Khi con người tham gia vào các hoạt động chia sẻ, họ thể hiện nhiều nụ cười Duchenne hơn là trong một kịch bản trung tính. Có lẽ con người coi nụ cười chân thành là cách để “thể hiện ý định vị tha một cách đáng tin cậy”, Mehu và các cộng sự của ông kết luận.
Việc nụ cười Duchenne có thể chỉ ra được bản tính hòa đồng là có cơ sở. Sau tất cả, mức độ cam kết của một người luôn có một giá trị xã hội rõ ràng, và những nụ cười chân thực thì rất khó để giả vờ. Khả năng phát hiện ra một người hòa đồng và chân thành có thể đặc biệt hữu dụng với những người không hòa đồng và gặp khó khăn trong giao tiếp. Với ý tưởng này, một nhóm các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Miami thuộc Ohio gần đây đã yêu cầu các đối tượng nghiên cứu xếp hạng các nụ cười khác nhau là thật hay giả. Trước khi tiến hành, một số người nhận được thêm yêu cầu viết về một lần nào đó mà họ bị từ chối trong đời sống. So sánh với nhóm không được yêu cầu viết – thì nhóm viết bài bộc lộ sự tăng lên trong khả năng phân biệt nụ cười Duchenne và nụ cười giả, theo công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý năm 2008.
Con người không chỉ suy luận được những thông tin hữu dụng từ những nụ cười, họ cũng sử dụng kiến thức này để điều chỉnh hành vi của chính mình. Trong một nghiên cứu mở rộng, cùng nhóm nghiên cứu trên tìm ra rằng người ta bộc lộ sự ưa thích làm việc nhóm với những cá nhân có nụ cười Duchenne hơn là những người mang nụ cười giả tạo. Michael Bernstein – người chỉ đạo của cả hai nghiên cứu phát biểu: “Những nụ cười Duchenne là dấu hiệu của sự hợp tác, lòng vị tha”. “Những kiểu cười không phải Duchenne không nhất thiết là tồi tệ – nó không có nghĩa là bạn là kẻ bất chính -đó không phải là một dấu hiệu đem lại nhiều thiện cảm. Những người kém hòa đồng thường tìm kiếm những người thân thiện để nói chuyện và làm việc, và nụ cười Dunchenne thì đưa ra một dấu hiệu tốt hơn”.
Một chức năng khác của nụ cười (qua nhiều dẫn chứng không chính thống) đó là việc nụ cười làm tăng cường sự hấp dẫn của chúng ta. Một trong những hình tượng nổi tiếng bậc nhất của nền văn học Mỹ là nhân vật Jay Gatsby – có một nụ cười “không thể cưỡng lại”. Về phần này, khoa học đã xác định một phần lý do cho sự quyến rũ của nụ cười tuyệt vời. Một nghiên cứu fMRI tìm ra rằng việc nhìn các khuôn mặt quyến rũ kích hoạt vùng vỏ não trán ổ mắt, có liên quan tới quá trình xử lý các cảm giác được ghi nhận hay khen thưởng. Trong khi điều này đúng với tất cả các khuôn mặt xinh đẹp, thì hoạt động của vùng này còn mạnh hơn khi khuôn mặt mà ta tập trung vào đang cười. Các nhà nghiên cứu viết trên “Sinh lý thần kinh” (2003) rằng: “Sự hiện diện của nụ cười có thể cung cấp một dấu hiệu quan trọng rằng một phần thưởng có thể hoặc không thể đạt được”. Mặc dù một số người có thể lập luận rằng khi chúng ta nhìn một nụ cười thì đó đã là một món quà của cuộc sống rồi.