Cuộc xâm lược Grenada 1983 – Mỹ đụng độ Cuba, cả 2 đều thất bại.

Cuộc xâm lược Grenada 1983 – Mỹ đụng độ Cuba, cả 2 đều thất bại.

Trong các sự kiện của Chiến tranh Lạnh, cuộc xâm lược của Mỹ vào Grenada năm 1983 là một trong những sự kiện đặc biệt nhất. Cho đến nay có thể coi đây là lần duy nhất mà quân đội Mỹ và Cuba trực tiếp đụng độ. Nó cũng là một trong những sự kiện gây tranh cãi ngoại giao lớn, điều khiến cho dù chiến thắng về quân sự, nước Mỹ vẫn bị coi là thất bại trong trận chiến này.
1/ Grenada và kế hoạch xây dựng ''pháo đài'' Xã hội chủ nghĩa.
Grenada là quốc đảo nhỏ bé trung lập ở Carribean, diện tích 350km2, dân số chỉ 100.000 người. Vị thế trung lập của nó đã bị lung lay khi chính quyền cánh tả của Maurice Bishop lên nắm quyền. Tuy nhiên, do nhận định rằng chính phủ của Maurice Bishop không có ý định gây hại đến nước Mỹ và các nước xung quanh, nên Washington vẫn quyết định để cho Bishop lãnh đạo Grenada bình thường. Dưới thời Bishop, Grenada vẫn là một hòn đảo du lịch tương đối thịnh vượng, thậm chí hàng nghìn sinh viên Mỹ đến đây để học tập vì chi phí rẻ nhưng chất lượng cao trong Khối Thịnh Vượng chung của Anh.
Nhưng năm 1983, biến cố xảy ra khi tướng Hudson Austin, được các đặc nhiệm Cuba hỗ trợ đã lật đổ và sát hại Bishop. Ngay sau đó, một chính quyền quân sự của Grenada được thành lập với sự hỗ trợ của Liên Xô, Cuba, Đông Đức, Bulgaria, Bắc Triều Tiên,… Kế hoạch của phe XHCN là biến hòn đảo Grenada, vốn nằm ở vùng xa nhất của Carribean, cách xa nước Mỹ thành một ''pháo đài'' theo đúng nghĩa đen để chống lại Mỹ. Thực hiện kế hoạch này, các nước Xã hội chủ nghĩa đã giúp Grenada tăng cường lực lượng quân đội từ 2000 lên khoảng 5000 binh lính. Cùng với đó, Cuba là nước gửi quân lớn nhất, khoảng 800 lính dưới sự chỉ huy của tướng Pedro Tortoló đến Grenada. Liên Xô, Đông Đức, Bulgaria và Bắc Triều Tiên mỗi nước gửi 49, 16,14 và 24 cố vấn đến Grenada.
Để xây ''pháo đài Grenada'', quân đội Liên Xô đã chuyển đến đây một kho vũ khí lớn gồm cả xe bọc thép, pháo phòng không, súng trường, lựu đạn, cùng hàng triệu viên đạn các loại. Họ cũng mở rộng đường băng của sân bay trên đảo để máy bay vận tải cỡ lớn hạ cánh. Sân bay Point Salines với đường băng lớn được xây dựng, đủ để Cuba đáp máy bay vận tải xuống đây. Tuy nhiên, các lãnh đạo quân đội Cuba lúc đó nhận định: Mỹ sẽ không mạo hiểm dư luận can thiệp vào một hòn đảo xa xôi ở Carribean. Vì chủ quan như vậy, nên quân đội Cuba đã không tăng cường thêm quân ở Grenada, mà duy trì ở mức 800 người, chủ yếu là phòng không, công binh,…
2/ Phản ứng và cuộc xâm lược của Mỹ.
Tổng thống Reagan nổi tiếng cứng rắn của Mỹ, vẫn phải chịu áp lực của dư luận cả trong và ngoài nước về vấn đề Grenada. Vị thế của Grenada khá đặc biệt, dù là nước XHCN nhưng cũng là một thành viên khối Thịnh vượng Chung. Trước khi cuộc xâm lược diễn ra, thủ tướng Thatcher của Anh từng nhiều lần cảnh báo Reagan về ''hậu quả tai hại'' nếu đụng vào thành viên Khối Thịnh vượng. Hơn nữa, từ sau chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã 10 năm chưa can thiệp vào cuộc chiến nào lớn, gây ra lo ngại về khả năng chiến đấu xa của quân đội.
Tuy vậy, các cố vấn quân sự của Reagan thuyết phục tổng thống về một viễn cảnh ''Cuba thứ 2'' ở Greanada, cho rằng Grenada có thể trở thành một căn cứ tên lửa thứ 2 của Liên Xô, và thậm chí máy bay ném bom của Liên Xô có thể đáp ở Grenada, đe dọa toàn bộ khu vực Mỹ Latinh. Hơn nữa, họ thuyết phục Tổng thống rằng tính mạng của hàng nghìn sinh viên Mỹ đang bị đe dọa, đề nghị Tổng thống có ''hành động khẩn cấp''.
Vậy là Reagan đã đưa ra quyết định chớp nhoáng, vào lúc 05 giờ ngày 25 tháng 10 năm 1983 ông ra lệnh cho 7.500 binh lính quân đội Mỹ tấn công Grenada. Cuộc xâm lược Grenada mở đầu một cách bất ngờ không ai tính đến.
Vì bất ngờ như vậy, nên lực lượng Cuba và Grenada trên đảo đã không kịp phản ứng và chịu thiệt hại nặng từ những phút đầu. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ của Thủy quân Hoa Kỳ sau đó đã chứng minh cho những lo sợ về khả năng chiến đấu sau 10 năm không ra trận. Cuộc đổ bộ do không quen địa hình và thủy triều diễn ra khá trầy trật, cuối cùng khiến một số lượng lớn binh sĩ Hoa Kỳ thương vong, và nhiều trực thăng bị rơi nhưng chủ yếu do tai nạn.
Dù vậy, cuộc đổ bộ ngày đầu tiên của Mỹ vẫn thu được thắng lợi quan trọng nhất. Sư đoàn không vận 82 của Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm sân bay Point Salines với đường băng đang được xây dựng, khiến máy bay của Liên Xô và Cuba không thể đáp xuống trong suốt cuộc chiến. Số vũ khí lớn của quân đội Liên Xô gồm 12 xe thiết giáp chở quân, 12 khẩu súng phòng không, 291 súng tiểu liên, 6330 súng trường và khoảng 5,6 triệu viên đạn. 2 nhân viên Liên Xô bị thương và bị Mỹ bắt giữ.
Ngày thứ 2 của cuộc xâm lược, quân đội Mỹ nhắm đến khu nhà của lính Cuba. Do biết Cuba thiếu pháo binh, quân đội Mỹ không tấn công vội mà nã pháo 105mm vào lực lượng Cuba. Sau nhiều giờ hứng chịu đạn pháo mà không thể chống trả, toàn bộ lực lượng Cuba đã đầu hàng, trong khi không gây ra được thương vong cho quân Mỹ. Sau khi lính Cuba đầu hàng, cuộc chiến cơ bản đã kết thúc.
Ngày thứ 3 là ngày quân đội Mỹ tiến hành truy quét các khu vực phản kháng còn lại của Grenada. Trong khi nó không tốn nhiều công sức, những tai nạn liên tiếp trong quân đội Mỹ khiến thêm nhiều binh sĩ thiệt mạng, buộc họ phải xem xét lại khả năng chiến đấu của quân đội sau sự kiện này. Đến ngày 29/10/1983, hành động quân sự cuối cùng kết thúc khi toàn bộ lính Grenada vứt vũ khí và đầu hàng.
Kết quả của cuộc xâm lược chóng vánh này là quân Mỹ chiếm được Grenada, phá hủy kế hoạch biến nơi này thành pháo đài quân sự. 19 lính Mỹ thiệt mạng, hơn 120 người bị thương, 9 máy bay bị phá hủy (chủ yếu do tai nạn) – một mức thương vong xếp vào loại ''khó chấp nhận''. Phía bên kia, 45 lính Grenada, 24 lính Cuba thiệt mạng. 59 người Cuba và 2 người Liên Xô bị thương. Toàn bộ số người Cuba bị bắt hầu hết được Mỹ xác định là ''nhân viên dân sự hỗn hợp'' phục vụ cho quân đội Cuba, đã được trả về ngay sau đó. 24 dân thường Grenada cũng thiệt mạng.
3/Thất bại ngoại giao của Mỹ và số phận Grenada
Trong khi cuộc xâm lược là thất bại to lớn của Liên Xô và Cuba, mất lượng lớn vũ khí, nhân lực và ảnh hưởng, thì chiến thắng quân sự của Mỹ cũng khá trầy trật. Nhưng điều quan trọng sau đó là Mỹ cũng thất bại luôn trên mặt trận ngoại giao.
Ngay sau khi vụ xâm lược Grenada diễn ra, dư luận Mỹ đã bị chia rẽ sâu sắc. Một nửa ủng hộ việc làm ''cứng rắn'' của tổng thống Reagan sau một thời gian dài ''hụt hơi'' trước phe Cộng sản. Số còn lại cho rằng Reagan đã ''quá tay'' khi dùng quân sự để tấn công một quốc đảo nhỏ bé cách nước Mỹ 3000 cây số. Nhưng tai hại nhất, là nó đẩy Mỹ vào thế đối đầu với thành viên khối thịnh vượng Chung. Mối quan hệ với Anh vốn đã căng thẳng sau cuộc chiến Falkland năm 1982, nay càng có nguy cơ vụn vỡ khi Mỹ xâm lược một thành viên Khối thịnh vượng chung. Anh Canada và Australia ngay lập tức lên án dữ dội Mỹ và kêu các nước trong khối tẩy chay Mỹ. Nhiều quốc đảo Carribean trong khối thịnh vượng chung cũng chỉ trích cuộc xâm lược của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, nỗ lực cứu vãn của Reagan trước Liên Hợp quốc cũng thất bại. Ngày 2/11/1983, Liên hợp quốc bỏ phiếu, chỉ có 9 nước ủng hộ trong khi 108 thành viên đồng loạt lên án Mỹ xâm lược Grenada. Chịu áp lực ngoại giao quá lớn, Mỹ đã buộc phải rút khỏi Grenada chỉ vài tuần sau cuộc đổ bộ, trả lại chính quyền cho người dân Grenada.
Rốt cuộc, người dân Grenada là người chiến thắng duy nhất sau cuộc chiến. Sau khi quân Mỹ rút đi, họ tổ chức một cuộc bầu cử tái lập nền dân chủ vào năm 1984, với kết quả là Herbert Blaize lên làm Thủ tướng. Sau khi chứng kiến những hậu quả của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước, Herbert Blaize đã quyết đưa Grenada theo con đường trung lập tuyệt đối. Quân đội Grenada bị giải thể, chỉ giữ lại lực lượng cảnh sát.
Hiện nay, Grenada là quốc đảo tập trung vào phát triển du lịch và giáo dục. Grenada là quốc gia có ngân sách cho giáo dục thứ 3 trên thế giới (10,3%), tỷ lệ biết chữ rất cao đạt 98,6%. À quên, sân bay do Liên Xô xây ngày trước bây giờ được đổi tên thành sân bay Maurice Bishop để tưởng nhớ lãnh đạo Xã hội chủ nghĩa ôn hòa khi xưa.
Tham khảo:
-Operation Urgent Fury Grenada (Ronald H.Cole)





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *