Cuộc sống bên trong khu tập thể tăm tối ở Hà Nội
Khu tập thể được xây 4 tầng, lợp ngói, gồm khoảng hơn 160 căn hộ rộng từ 6 – 24 m2. Hàng trăm hộ dân tại đây đang sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, thiếu sáng, ngày mưa phải dùng đến xô chậu để hứng nước.
Từ ngày nghỉ hưu, bà Hoa (74 tuổi) cũng quen với công việc ngồi bán nước trước cửa khu tập thể mỗi sáng. Bà chủ yếu bán cho người cao tuổi quanh khu vực đi tập thể dục, tận hưởng không khí không đông đúc, ngột ngạt nơi phố thị.
Vài tháng nay, khu vực bà Hoa sống nhộn nhịp hẳn lên, “cò” (người môi giới) dẫn khách đến xem nhà, người mua hỏi thông tin. Có khách quen còn trêu đùa: “Bà Hoa sắp giàu to rồi!”. Lý do là mới đây một căn hộ rộng 30m2, mặt tiền 3m tại khu vực nhà bà Hoa sống được rao bán trên một số trang bất động sản với giá 9,8 tỷ đồng, tương đương hơn 326 triệu đồng/m2.
Bà Hoa gắn bó với khu tập thể đến nay 54 năm. Căn hộ 12m2 là nơi bà cùng chồng và 3 đứa con – hai gái một trai sinh sống, từ việc quay trái, quay phải đều đụng phải nhau.
“Thời đấy, các hộ về đây được cấp cho 24m2, sau số công nhân đông lên, nơi ở không đủ, các căn hộ được phân nhỏ ra để chia. Nhà nào có vợ chồng, con cái thì được 12m2, nhà nào độc thân thì được 6m2”, bà Hoa nói.
Bà cũng chia sẻ, năm 1970 có nhà ở đã là may mắn, chẳng ai kêu ca về chuyện chật hẹp hay khó khăn. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, công nhân đến tuổi lập gia đình, sinh con đẻ cái, dân số khu tập thể ngày một tăng theo cấp số nhân, cuộc sống dần chật chội.
Tổng diện tích của khu tập thể gần 400m2, chia làm 4 tầng, mỗi tầng 20 hộ sinh sống. Những căn hộ tầng một còn được 12m2, các căn hộ tầng trên vì chừa lại lối đi nên diện tích chỉ hơn 10m2.
Trong ký ức của bà Hoa, trước đây khu tập thể có sân rộng, thoáng mặt trước, mặt sau có thể đi quanh. Nhưng số dân ngày một nhiều lên, mọi người mua nhà, cơi nới dần, giờ chỉ còn lại một lối đi nhỏ hẹp.
“Cả mấy chục căn hộ chỉ có một lối ra vào duy nhất, xe máy xếp kín hai bên rất mất an toàn, những tầng trên không có không gian sống nên phải đua ra theo dạng xây chuồng cọp. Một vài hộ không chịu được cảnh chật chội chuyển đi, nhà bên có điều kiện chút thì mua lại, sửa sang, cải tạo lại thì có nhà vệ sinh riêng, chỗ ngủ rộng hơn chút, còn lại có hộ chỉ đủ kê cái giường”, bà Hoa nói.
Khu tập thể của bà Hoa mỗi tầng có một nhà vệ sinh chung, nhiều lúc phải xếp hàng chờ tới lượt tắm rửa, đi vệ sinh, nhưng bà cho biết ở mãi thành quen. Con cái bà sau nhiều năm chen chúc trong căn hộ 12m2 đã ra riêng lập gia đình, chuyển đi nơi khác thuê nhà sinh sống. Chồng bà Hoa mất, bà chẳng muốn làm phiền con cháu nên bám trụ lại đây, cô con gái và cháu gái mấy năm nay về ở chung nên bà cũng đỡ buồn.
Hiện bà Hoa sống cùng con gái và cháu gái trong căn phòng này. Để có thêm không gian sinh hoạt, bà làm một gác xép để ngủ, phía dưới chỉ đặt vừa chiếc giường và một ghế sofa. Thi thoảng nhà có khách thì lấy chỗ ngồi. Không có chỗ, mỗi lần nấu cơm, bà kê nồi, bếp trên bể nước của khu tập thể để nấu. Đồ dùng nhà bếp cũng được tối giản hết sức, chỉ có một chiếc nồi cơm điện, vừa kho cá đổ ra bát, lại chuyển qua cắm cơm.
“Ngoài cái mác có nhà Hà Nội, ở đấy chẳng có gì cả. Có lần chúng tôi được lên báo, nhiều người còn cười bảo ở Hà Nội mà nhà chẳng ra nhà, không bằng cả ở quê”, bà Hoa cười nói.
Bất ngờ căn hộ nhà tập thể được rao bán 4-10 tỷ đồng
Ở đây bao năm, bà Hoa chưa một lần nghe ai trả giá căn hộ ở đây 2-3 tỷ đồng, chứ đừng nói đến 10 tỷ đồng như mọi người đồn. Cách đây vài tháng, bà nghe nói một căn sát mặt đường bán, nhưng không nghĩ được tận 10 tỷ đồng.
“Tôi chỉ thấy họ chào bán trên mạng thế, chứ thực tế người dân ở đây cũng không có ai bán, mua nhà. Không rõ từ khi nào giá nhà lại cao như vậy”, bà Hoa cho hay.
Khảo sát một số trang bất động sản, một căn hộ tập thể sát mặt đường Vọng Đức đang được rao bán với giá gần 10 tỷ đồng. Một căn hộ khác nằm bên trong khu tập thể cũng được đăng bán với giá 4,6 tỷ đồng.
Một môi giới bất động sản ở khu vực này cho biết, nhà tập thể cũ, nhà trong ngõ ở Vọng Đức được rao bán 90-150 triệu đồng/m2; đối với căn hộ riêng lẻ, sát mặt đường hoặc ngõ rộng ô tô đi lại được có giá 300-400 triệu đồng/m2.
“Lý do nơi đây có giá đắt đỏ là bởi có vị trí đắc địa nằm gần trung tâm, hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền… thuận lợi di chuyển. Nếu sau này khu tập thể được cải tạo hoặc có dự án xây dựng mới thì đương nhiên các hộ dân cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Giá nhà lúc đó cũng có thể tăng lên gấp 2-3 lần”, môi giới này nói.
Trước những thông tin này, chị Quỳnh Anh (44 tuổi), con gái bà Hoa, cho biết, ở đây, ngoài hai căn hộ nằm sát mặt đường có diện tích rộng hơn chút, đi lại thuận tiện, làm ăn buôn bán được thì những căn hộ bên trong từ xưa đến nay chẳng ai bên ngoài đến hỏi mua, vì chê chật chội, ẩm thấp.
“Nhà nào có điều kiện thì mua lại những căn đã chuyển đi để mở rộng không gian sống, hộ nào rộng chút thì được trên dưới 30m2, chứ người từ nơi khác về mua thì tôi chẳng thấy”, chị Quỳnh Anh nói và chia sẻ, người dân sống ở đây như chị còn muốn chuyển đi, người có tiền chẳng ai lại vào đây chịu khổ.
Nhiều năm sống ở đây, chị Hoa từng chứng kiến một số hộ bán căn 6m2 với giá 300 triệu đồng, căn 12m2 được bán với giá khoảng 1-1,5 tỷ đồng tùy thời điểm.
Chia sẻ về giá một căn nhà tập thể cũ rao bán 10 tỷ đồng, một người dân sống tại đây khẳng định: “Chỉ cần ai trả tôi 4-5 tỷ đồng, tôi sẵn sàng bán ngay căn hộ mình đang ở, chuyển đi ngay trong ngày chứ đừng nói con số hàng chục tỷ đồng”.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho biết hiện nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các chung cư cũ, đặc biệt là khu căn hộ tại nội đô. Vì vậy, việc nhiều chung cư cũ được rao bán với giá cao không phải là điều bất thường.
Theo ông Điệp, các nhà đầu tư thường nhắm đến các căn hộ tầng một, nằm trên các mặt phố lớn hoặc gần đường chính, những căn hộ này được cơi nới thêm để kinh doanh nên diện tích rộng hơn so với các tầng cao.
“Khi có chính sách đền bù, chủ sở hữu không chỉ được nhận diện tích gấp đôi căn hộ đang sở hữu mà còn giữ quyền kinh doanh, khiến phân khúc này càng thu hút đầu tư. Nhu cầu ở và đầu tư nhà ở hiện nay rất lớn nhưng nguồn cung chưa đủ, đây là nguyên nhân dẫn đến việc giá nhà tiếp tục tăng. Nhiều chủ sở hữu chung cư cũ không muốn bán, hoặc ít bán vì kỳ vọng dự án cải tạo, mở rộng sẽ giúp họ giữ vị trí trung tâm”, ông Điệp cho hay.
Ông Điệp cũng nhận định khu vực Vọng Đức, gần hồ Hoàn Kiếm, có vị trí đắc địa và giá trị cao. Giá bán ở đây có thể lên đến 1-2 tỷ đồng/m2.
Những căn hộ trong các khu vực đắc địa thường rất ít người bán, không chỉ do giá cao mà còn vì tâm lý chờ đợi các dự án cải tạo. Nhiều cư dân tại đây là công nhân, viên chức từng được cấp nhà ở và không muốn chuyển đi do quen thuộc với khu vực, diện tích căn hộ quá nhỏ để bán, hoặc khó tìm nơi ở mới nếu bán đi, đồng thời mong đợi chính sách cải tạo.
Theo quy định mới, diện tích căn hộ tối thiểu phải đạt 45m2. Với những căn hộ nhỏ hơn, chẳng hạn chỉ 12m2, chủ sở hữu sẽ được mở rộng gấp đôi lên 24m2, và có thể mua thêm phần diện tích còn lại với mức giá ưu đãi. Quy định này giúp người dân có thể sở hữu nhà ở trung tâm với chi phí hợp lý hơn so với việc mua căn hộ mới. Ví dụ, một căn hộ 30m2 mặt đường sẽ được mở rộng thành 60m2 nếu có dự án cải tạo hoặc xây mới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá nhà tại Hà Nội hiện có nhiều biến động, và người mua nên cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích, rủi ro khi quyết định đầu tư. Trong vài năm qua, không có dự án mới nào được phê duyệt cấp phép đầu tư, hầu hết các dự án trên thị trường hiện tại đều là dự án cũ, được mua đi bán lại. Nguồn cung hiếm, trong khi nhu cầu lớn khiến giá nhà liên tục tăng cao.
Chuyên gia cho hay, mặc dù giá nhà hiện tại cao, song nếu sắp tới các dự án mới được phê duyệt và triển khai đồng loạt, giá nhà có thể sẽ hạ nhiệt, người mua có thể bị lỗ khi xuống số tiền quá lớn cho một dự án đã cũ.